Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có tầm bắn bao trọn toàn bộ Biển Đông và nhiều loại tên lửa có thể bao phủ toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, một số loại hình ICBM có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ của Mỹ cũng như các nước đồng minh. Chính vì vậy, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ là con bài mặc cả quan trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ dùng con bài này để răn đe, ngăn chặn và kiềm chế Mỹ cung các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Sơ đồ tầm bắn của một số loại tên lửa chiến lược Trung Quốc.
Quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Ngay từ thời kỳ chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã tập trung tài chính, nhân lực nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân nhằm cân bằng và đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Từ năm 1953, Trung Quốc bắt đầu tiến hành nghiên cứu về động lực hạt nhân. Đến tháng 6/1959, Trung Quốc cho xây dựng căn cứ thí nghiệm hạt nhân ở khu vực Lop Nur (hay La Bố Bạc) nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Trong giain đoạn này, Trung Quốc tìm cách lôi kéo, mua chuộc và động viên các chuyên gia, nhà khoa học vật lý hạt nhân người Trung Quốc về nước tham gia quá trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân cho Bắc Kinh. Đến năm 1960, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử loại đơn giản bằng cách làm giàu Urani (Enriched Uranium). Ngày 16/10/1964, Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử Lop Nur có sức công phá tương đương 22 kiloton (KT) TNT. 2 năm sau đó, Trung Quốc căn cứ theo mẫu của Liên Xô phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên. Đến năm 1967, Trung Quốc thử nghiệm nổ thành công quả bom khinh khí (Hydro) đầu tiên với đương lượng nổ 1 triệu tấn (1MT) TNT, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thành công trong việc phát triển bom nguyên tử thành bom Hydro với thời gian ngắn nhất. Đến thời kỳ sau năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tập trung vào kỹ thuật thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân và đã đạt những thành tựu nhất định. Năm 1992, Trung Quốc đã ký “Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân” và trở thành quốc gia thừa nhận có vũ khí hạt nhân, nhưng mãi đến năm 1996, Bắc Kinh mới chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Trong khoảng thời gian trước khi chấm dứt, Trung Quốc đã tiến hành tới 45 vụ thử hạt nhân.
Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn là ẩn số với các nước
Các số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) cho thấy tại thời điểm đầu năm 2017, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân của 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) là gần 14.935 đơn vị. Con số này đã sụt giảm chút ít so với con số năm 2016 khoảng 15.395 đơn vị. Trong số này, các đầu đạn hạt nhân cấp chiến dịch là khoảng 4.150 đơn vị.
Trong đó, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn là ẩn số và chỉ được các nước dự đoán một cách thiếu chính xác. Năm 1984, Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (Defense Intelligence Agency – DIA) cho rằng Trung Quốc có khoảng 150-160 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (năm 1993) lại nhận định lực lượng tên lửa hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc chỉ có 60-70 quả. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) năm 2015 thì Trung Quốc có 260 đầu đạn hạt nhân. Gần đây, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược quân đội Nga Viktor Esin cho rằng, Trung Quốc có khoảng 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng. Một số chuyên gia quốc tế dự đoán Trung Quốc có ít nhất 2.400 đầu đạn hạt nhân, thậm chí một số quốc gia tính toán Trung Quốc có ít nhất 5.000 đầu đạn hạt nhân.
Một số vũ khí hạt nhân tiêu biểu của Trung Quốc
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, tính đến năm 2010, Trung Quốc có khoảng 90 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) các loại trong đó có 66 ICBM trên đất liền và 24 tên lửa đạn đạo (SLBM) sử dụng trên tàu ngầm. Trong khi đó, báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc trong năm 2010 ước tính tổng số ICBM của Trung Quốc khoảng 130 tên lửa các loại. Trong khi đó, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lại cho rằng tổng số ICBM của Trung Quốc khoảng 105 tên lửa trong đó có 93 tên lửa ICBM phóng từ đất liền và 12 SLBM phóng từ tàu ngầm. Cho dù số ICBM của Trung Quốc như thế nào thì đây cũng là một thực tế đáng báo động, điều quan trọng hơn cả là Bắc Kinh không tham gia vào hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START nên việc phát triển các ICBM của Trung Quốc nằm ngoài sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-41 (DF-41): DF-41 được đánh giá là một trong những loại ICBM có tầm bắn xa nhất thế giới, sánh ngang với Jericho 3 của Israel, RS-26 Rubezh của Nga và LGM-30 Minuteman III của Mỹ. Theo truyền thông Trung Quốc, ICBM thế hệ mới của nước này có tầm bắn 12.000 km, đạt vận tốc hơn Mach 10 và có thể tấn công trong vòng 100 m xung quanh mục tiêu được định sẵn. DF-41 dài xấp xỉ 16,5 m và có đường kính 2,78 m, mang theo 10 đầu đạn.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-4: DF-4 được NATO định danh CSS-3, là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn, tên lửa có kích thước dài tới 28,5 m, đường kính 2,24 m, trọng lượng phóng tới 82 tấn, tầm bắn lý thuyết khoảng 5.500-7.000 km. ICBM DF-4 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng quán tính, bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng 1.500 m. Tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường nặng 2.190 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 3,3MT. Theo thông tin của tình báo Mỹ, DF-4 được phát triển với số lượng rất hạn chế, hiện tại có khoảng 10 tên lửa DF-4 đang phục vụ chiến đấu trong lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5: DF-5 được NATO định danh CSS-4. Đây là loại ICBM khủng nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc xét trên phương diện thông số kỹ thuật. DF-5 có chiều dài 32,6 m, đường kính 3,35 m, trọng lượng phóng tới 183 tấn. DF-5 có tầm bắn lý thuyết khoảng từ 12.000-15.000 km, tốc độ tối đa mà tên lửa DF-5 có thể đạt được là Mach 22, tương đương với 26.960 km/h hoặc 7,4 km/giây. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn. DF-5 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 4-5Mt, sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng quán tính kết hợp với máy tính điều khiển trên tên lửa, bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng khoảng 1.000 m. Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ Mỹ NASIC nhận định, Trung Quốc có khoảng 20-25 ICBM DF-5 được triển khai hoạt động trong giai đoạn 1999-2008. DF-5 có biến thể nâng cấp DF-5A có trọng lượng phóng tới 202 tấn; DF-5B có khả năng mang theo từ 3-8 đầu đạn; DF-5C có khả năng mang theo 10 đầu đạn khác nhau. Đặc biệt, mỗi một đầu đạn của DF-5C có thể được lập trình và tấn công một mục tiêu khác nhau.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-31: DF-31 là loại ICBM hiện đại nhất Trung Quốc xét trên nhiều phương diện khác nhau. DF-31 khắc phục hầu hết các nhược điểm của các thế hệ ICBM trước đó. DF-31 được NATO định danh CSS-9, là một loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 3 giai đoạn. DF-31 được trang bị khá nhiều công nghệ tiên tiến như các ICBM của Nga, Mỹ, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến, hệ thống mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa, cuối cùng tên lửa có thời gian triển khai chiến đấu khá nhanh. ICBM này có chiều dài 13 m, đường kính 2,25 m, trọng lượng phóng 42 tấn, tên lửa được đặt trên xe phóng di động tạo thuận lợi trong triển khai phóng và cơ động để tránh lộ vị trí. DF-31 có tầm bắn khoảng 7.000-8.000 km. Tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 1MT. Biến thể nâng cấp DF-31A, NATO gọi là CSS-10, có tầm bắn khoảng 11.000 km, đặc biệt biến thể này được cho là có khả năng trang bị nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu khác nhau theo công nghệ MIRV, theo đó mỗi tên lửa DF-31A có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ khoảng 150KT. DF-31 còn có một biến thể sử dụng trên tàu ngầm được gọi là JL-2 có tầm bắn khoảng 8.000 km sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động trên tàu ngầm này đang gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật. Theo thông tin của tình báo Mỹ ước tính vào năm 2009, Trung Quốc có khoảng 15 tên lửa DF-31 và 20 tên lửa DF-31A.
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Dongfeng-26 (DF-26): DF-26 có tầm bắn 3.000 – 4.000km và khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn. DF-26 là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc; DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa; nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. DF-26 có 2 biến thể bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-17 (DF-17): DP-17 đươch gắn thiết bị siêu thanh (HGV), HGV có thể đạt tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và phần lớn hành trình bay ở độ cao thấp hơn so với các tên lửa đạn đạo truyền thống. Trung Quốc hiện mới phóng thử loại tên lửa này 2 lần và kết quả thu được rất khả quan. Tên lửa đã rơi xuống chỉ cách mục tiêu chỉ vài m và dự định được đưa vào biên chế năm 2020.
Tên lửa đạn đạo Trung Quốc – con bài mặc cả với các nước trong vấn đề Biển Đông
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có tầm bắn bao trọn toàn bộ Biển Đông và nhiều loại tên lửa có thể bao phủ toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, một số loại hình ICBM có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ của Mỹ cũng như các nước đồng minh. Chính vì vậy, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ là con bài mặc cả quan trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ dùng con bài này để răn đe, ngăn chặn và kiềm chế Mỹ cung các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, nhìn trên khía cạnh quân sự, tên lửa đạn đạo thường được mang theo đầu đạn hạt nhân, nên nó có tầm sát thương cao, phá hủy lớn. Nên khi sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu trên đất liền sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng như Mỹ và một số cường quốc hạt nhân đều đã tham gia ký kết Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết không đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu, nên ít có khả năng những nước này dùng vũ khí hạt nhân để tấn công nhau mà chủ yếu dùng để mặc cả với nhau trong những vấn đề chiến lược, bao gồm vấn đề Biển Đông.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai phi pháp các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống phòng không trái phép tại Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy những tên lửa này có tầm bắn ngắn (160 – 500 hải lý), song nó là một sự khiêu khích nặng nề đối với hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như các nước trong khu vực, Mỹ và các nước đồng minh.
Trước hành động này của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.