Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngPhản ứng của Mỹ và các nước đồng minh trước những hoạt...

Phản ứng của Mỹ và các nước đồng minh trước những hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông gần đây

Từ tháng 8/2018 đến nay, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động đơn phương, đe dọa trực tiếp đến môi trường hòa bình và xu thế ổn định trong khu vực Biển Đông. Mỹ và các nước đồng minh đã phối hợp nhịp nhành nhằm ngăn chặn, kiểm soát các hành vi trên của Bắc Kinh.

Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông

Trung Quốc tiếp tục có các hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc – CCTV (29/9) cho biết, không quân hải quân Trung Quốc đã điều nhiều máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Theo đó, các máy bay đã tiến hành bắn đạn thật để kiểm tra khả năng công kích, thâm nhập và tấn công chính xác của các phi công khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố lên án, chỉ trích các nước làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động khiêu khích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (16/10) khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” đối với các đảo và vùng nước phụ cận ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục biện minh rằng các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc trên các cấu trúc này, kể cả việc vận hành các thiết bị quốc phòng thiết yếu, là việc thực hiện quyền tự chủ, tự vệ, không có gì gọi là “quân sự hóa” ở đây; cho rằng chính các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ mới là nguyên nhân tạo ra căng thẳng và “quân sự hóa”. Không chỉ dừng lại ở đó, Lục Khảng còn đổ lỗi ngược lại cho Mỹ có hành động quấy rối liều lĩnh khi tàu chiến Mỹ vượt qua cả chặng đường dài để đến gây rối ngay trước cửa nhà của Trung Quốc. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (27/9) tuyên bố Trung Quốc tôn trọng và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia theo luật quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối các nước liên quan làm phương hại đến chủ quyền và an ninh các nước ven biển, phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cũng lên tiếng, chỉ trích việc Mỹ đưa máy bay chiến đấu qua Biển Đông là hành động “khiêu khích”; Trung Quốc kiên quyết phản đối những hành động này và sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đáp trả.

Không chỉ tìm cách chỉ trích Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng “lên án” Anh, Pháp, Nhật Bản gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhậm Quốc Cường (27/9) cho rằng “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông đang ngày càng ổn định; điều đó cho thấy các nước trong khu vực đủ thông thái, khả năng và tự tin để giải quyết vấn đề Biển Đông”; cho rằng các nước ngoài khu vực như Anh, Pháp đã “nhắm mắt làm ngơ trước sự ổn định tại Biển Đông”, thay vào đó cố tìm cách “thổi phồng” ý tưởng sai lầm về tự do hàng hải, hàng không và gây ra rắc rối. “Trung Quốc kịch liệt phản đối các hành động gây hấn do các nước ngoài khu vực tiến hành dưới danh nghĩa tự do hàng hải, hàng không; phản đối sự hiện diện của các nước này tại Biển Đông”. Ông Nhậm Quốc Cường cũng “chỉ trích” các hành động quân sự của Nhật Bản, cho rằng những “hành động gần đây của Nhật Bản khiến cho các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc”. Trung Quốc hy vọng Nhật đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cẩn trọng hơn với những lời nói và hành động về vấn đề Biển Đông. Đáng chú ý, phát biểu bên lề cuộc họp tại LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị Anh cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, bày tỏ mong muốn Anh sẽ “hiện thực hóa cam kết và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Truyền thông Trung Quốc tìm cách biện minh cho hành động gần đây của hải quân Trung Quốc, đồng thời lên án các hành động của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu (nguyệt san của Tân Hoa xã) có bài viết cho rằng Trung Quốc không phản đối các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nếu nó được thực hiện tại các vùng biển quốc tế, nhưng Trung Quốc sẽ đưa ra lời cảnh cáo và xua đuổi nếu có sự vi phạm lãnh hải của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời báo cho rằng việc lần này Lầu Năm góc cố ý công bố thông tin về các chuyến bay B52 tại Biển Đông là nhằm thể hiện Mỹ đang thách thức chính sách Biển Đông của Trung Quốc; đồng thời cảnh báo nếu Mỹ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực và đe dọa an ninh các đảo, bãi của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ điều các trang thiết bị chiến đấu ra các đảo, bãi này và Mỹ càng tiến hành các hoạt động khiêu khích quân sự chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ càng đầu tư nguồn lực xây dựng năng lực quân sự, kể cả năng lực hạt nhân tiên tiến, và khi đó chắc chắn sẽ khiến cho Mỹ thất vọng. Do vậy, theo Hoàn Cầu Thời báo, Mỹ tốt hơn hết là thực hiện kiềm chế, nếu không sẽ khó tránh khỏi căng thẳng.

Mỹ và các nước đồng minh phản đối các hành động của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ lãnh hậu quả nếu đi quá giới hạn

Mỹ: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (13/10) cảnh báo Chính phủ Trung Quốc về việc đối đầu ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông với các tàu chiến Mỹ đi lại tại các vùng biển quốc tế, lưu ý rằng các quy định của Hải quân cho phép có sự phản ứng với các hành động gây hấn. Liên quan đến vụ tiếp cận nguy hiểm với tàu USS Decatur vừa qua, ông Bolton cho rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ được phép sử dụng sức mạnh đề phản ứng bảo vệ bản thân và các thủy thủ khỏi các hành động đe dọa ở biển cả; cho biết Mỹ sẽ không tha thứ cho các đe dọa đối với các thành viên lực lượng Mỹ, nhấn mạnh Mỹ kiên quyết giữ cho các tuyến đường biển quốc tế luôn mở; đồng thời gợi ý các quốc gia khu vực như Philippines, Nhật Bản và các nước khác cần xây dựng và quân sự hóa chính các đảo của mình để chống lại chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc. Cùng quan điểm trên, Phó Tổng thống Mike Pence (4/10) cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh bất chấp sự quấy rối liều lĩnh như vậy, Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và có yêu cầu về lợi ích quốc gia của Mỹ.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn (28/9) cho biết việc máy bay B-52 tuần tra Biển Đông là một phần của các hoạt động được lên kế hoạch thường xuyên nhằm tăng cường khả năng tương tác với các nước đối tác và đồng minh ở khu vực.

Đáng chú ý, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Đô đốc Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho rằng chỉ có chiến tranh mới có thể ngăn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Davidson, Đô đốc Harry Harris, đã từng nói trước Quốc hội “Hoạt động xây dựng quân sự đáng chú ý của Trung Quốc sẽ sớm thách thức Mỹ trên hầu như tất cả các mặt trận”. Trong khi đó, cựu Chuẩn đô đốc Michael McDevitt, nghiên cứu viên tại Trung tâm Phân tích Hải quân, cho rằng “Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên tương đương với Mỹ, và điều này sẽ xảy ra, sẽ có các vấn đề nổi lên liên quan đến khả năng Mỹ ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hiện còn đang tồn tại.”

Các nước đồng minh của Mỹ: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (3/10) đã bày tỏ lo ngại về những “thủ thuật hung hăng” của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi một tàu khu trục của Trung Quốc áp sát tàu chiến của Mỹ cuối tuần qua. Ông Pyne cho biết Chính phủ Australia sẽ coi bất cứ việc sử dụng hành động đe dọa nào trong khu vực đều là “bất ổn và tiềm ẩn nguy hiểm”. Ông Pyne khẳng định “Australia đã nhiều lần thể hiện lo ngại về việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục các bên tranh chấp kiềm chế không tiến hành các hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực”; đồng thời cho biết Australia và Pháp đang hướng tới một hoạt động đa quốc gia tại Biển Đông nhằm đề cao tự do hàng hải ở khu vực, khẳng định Australia và Pháp bảo lưu quyền hoạt động ở Biển Đông một cách hoàn toàn hòa bình cùng với các quốc gia khác, nhấn mạnh không nên coi các hoạt động như vậy là mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục qua lại tại vùng biển này. Bà Parly khẳng định “quan điểm của Pháp rất rõ ràng, Trung Quốc phải tuân thủ các quy định quốc tế, song Pháp luôn sẵn sàng đối thoại”.

Mỹ và đồng minh tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Mỹ liên tục điều máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 và tàu chiến (tàu khu trục, tàu ngầm, tàu sân bay…) tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong những cuộc tuần tra này của Mỹ, Washington đã điều tàu khu trục tên lửa USS Decatur đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, Mỹ cũng nhiều lần đưa các máy bay ném bom B52 bay qua Biển Đông và biển Hoa Đông. Được biết, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch phô trương sức mạnh nhằm cảnh báo Trung Quốc rằng Mỹ sẽ thể hiện quyết tâm chống lại hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Theo một số quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ (4/10), dự kiến Mỹ sẽ đưa các máy bay và tàu đi vào vùng phụ cận các vùng biển Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải.

Các nước đồng minh của Mỹ cũng tích cực tăng cường hiện diện trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Nhật Bản và Australia (10/2018) đã thảo luận về khả năng hợp tác quân sự và an ninh trong khuôn khổ chiến lược “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở” do Nhật Bản khởi xướng. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết, có thể Nhật sẽ tham gia tuần tra trên biển cùng với Australia tại vùng Biển Đông. Trước đó, tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản (26/9) đã tham gia tập trận hải quân với tàu HMS Argyll của Anh tại Ấn Độ Dương khi chiếc tàu khu trục này đang tiến về phía Biển Đông và Đông Á.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Australia (1/10) cho biết cả 3 quân chủng hải, lục, không quân của Australia đều tham gia vào cuộc tập trận an ninh quốc tế kéo dài hai tuần ở Biển Đông. Cụ thể, quân đội các nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh tham gia cuộc tập trận “Bersama Lima 18” từ ngày 2-19/10. Tư lệnh quân đội Australia, Đội trưởng Nicholas Pratt, cho biết cuộc tập trận Bersama Lima sẽ bao gồm các nội dung huấn luyện thực địa, bắn đạn thật cũng như luyện tập chỉ huy để kiểm tra khả năng hoạt động của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân Australia. Cuộc tập trận này cũng sẽ tăng cường hiểu biết của các quốc gia đối tác về chiến thuật và quy trình triển khai hoạt động, chứng minh giá trị vô giá trong việc xây dựng khả năng tương tác giữa quân đội các nước trong khu vực và các tình huống huấn luyện thực tế liên quan.

Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á cũng bắt đầu hiện diện ở Biển Đông để ủng hộ quan điểm của Mỹ, cũng như phản đối các hành động khiêu khích, phi pháp của Trung Quốc. Tàu khu trục Munmu the Great của Hàn Quốc (9/2018) đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh một số đảo, đá ở Hoàng Sa (của Việt Nam).

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông, đồng thời đề nghị các nước đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông; nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

RELATED ARTICLES

Tin mới