Monday, December 23, 2024
Trang chủĐàm luậnTranh chấp trên Biển Đông đẩy tới sự căng thẳng và đối...

Tranh chấp trên Biển Đông đẩy tới sự căng thẳng và đối đầu chính trị

Vụ chạm trán giữa các tàu của Mỹ và Trung Quốc mới đây trên Biển Đông và vụ việc gần đây nhất là Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan đã khiến cho tình hình Biển Đông càng nóng lên.

Phát biểu tuần trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến mối quan ngại về một cuộc chiến thật sự giữa hai nước gia tăng. Ông Tập Cận Bình đã nói với giới chức quân đội tại tỉnh Quảng Đông về việc “chuẩn bị cho chiến tranh và chiến đấu” tại hai điểm nóng tiềm ẩn là Đài Loan và Biển Đông.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tại Mỹ lại không nhìn nhận căng thẳng Mỹ – Trung có thể leo thang thành một cuộc chiến. Trung tướng Mỹ Ben Hodges cho rằng, Washington có thể sẽ có chiến tranh với Bắc Kinh trong vòng 15 năm nữa khi “mối quan hệ căng thẳng và sự gia tăng cạnh tranh” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.

Những tuyên bố của hai bên còn tỏ ra dè dặt, nhưng trên thực tế Mỹ và Trung Quốc đã có những hành động cảnh báo rõ ràng vốn là những vấn đề tồn tại từ lâu trong mối quan hệ song phương. Trong đó, vấn đề Đài Loan và Biển Đông đang nổi lên thành những điểm nóng giao tranh quân sự với việc chạm trán trực diện giữa lực lượng hai bên.

Theo các nhà quan sát, quan hệ Mỹ – Trung vẫn nghĩ đến khả năng nổ ra một cuộc chiến toàn diện, song cũng có những cơ hội để hai bên đàm phán, thỏa hiệp và điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh hiện nay. “Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chiến. Tuy nhiên, sẽ là “ngu ngốc không tưởng” nếu nhà lãnh đạo tại cả hai nước đi đến một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Những chính sách thông minh sẽ mang đến một hướng đi tích cực hơn”. – Cựu cố vấn tại Lầu Năm Góc Bonnie Glaser nhận định.

Những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế và đối phó với sự phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã có sự chuyển biến dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump – người đang áp đặt các mức thuế suất mạnh tay vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh tiến hành thương mại bất công và vi phạm bản quyền trí tuệ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã khẳng định với các cố vấn bảo thủ rằng, những vấn đề về tấn công mạng, Đài Loan và tự do hàng hải là những điểm lớn định hình cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc, bên cạnh một cuộc chiến thương mại khốc liệt. Theo ông Pence, Trung Quốc đang gia tăng một nỗ lực phức tạp nhằm vào Tổng thống Trump và phe Cộng hòa để đáp trả các chính sách thương mại mà Nhà Trắng đang thực hiện với Bắc Kinh. Theo đó, Phó Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tiếp tục lật tẩy sự can thiệp và ảnh hưởng nguy hiểm này của Trung Quốc.

Đề cập hai điểm nóng xung đột tiềm ẩn, Phó Tổng thống Mỹ Pence cho rằng, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm và đối không trên nhiều đảo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Động thái quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không chỉ khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế quan ngại, mà còn làm gia tăng tranh chấp căng thẳng giữa các nước trong khu vực.

Cuối tháng 9, tàu Hải quân Mỹ USS Decatur đã đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, như một phần chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế. Trong lần thực hiện nhiệm vụ tại Biển Đông này, tàu chiến Mỹ đã “chạm mặt nguy hiểm” chưa từng có với tàu chiến Trung Quốc. Thời điểm đó, một tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã tiếp cận tàu USS Decatur một cách không an toàn và không chuyên nghiệp ở gần Đá Ga Ven.

Tuy nhiên, sau vụ đối đầu trực diện nguy hiểm này, Mỹ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục “đưa máy bay và tàu hải quân tới bất cứ đâu được luật pháp quốc tế cho phép”.

Với vấn đề Đài Loan – khu vực Trung Quốc khẳng định chủ quyền, chính quyền Tổng thống Donald Trump dù không thiết lập quan hệ chính thức song đã thực hiện những thỏa thuận bán vũ khí trị giá hơn 1,7 tỷ USD cho Đài Loan.

Hôm 22/10, hai tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan, một trong những động thái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại vùng biển chiến lược này bất chấp phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Nhìn lại những cuộc khủng hoảng chính trị trong quá khứ giữa Mỹ và Trung Quốc, giới phân tích vẫn cảnh báo “chạm trán nguy hiểm” giữa lực lượng hai bên có thể tái diễn và xa hơn sẽ là một chiến tiềm ẩn. Năm 1996, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã cử các tàu sân bay tới eo biển Đài Loan sau khi Trung Quốc tiến hành các vụ thử tên lửa. Năm 2001, một máy bay trinh thám của Mỹ đã buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam sau khi va chạm với một chiến đấu cơ Trung Quốc.

“Có hàng tá vấn đề có thể dẫn đến một cuộc xung đột Mỹ – Trung Quốc. Trong đó, Biển Đông là vấn đề gai góc nhất. Đây là ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chính sách tại khu vực này và trong trật tự thế giới Mỹ xây dựng kể từ Thế chiến thứ II.  Trong khi Trung Quốc sẵn sàng thách thức trật tự thế giới này”, hãng tin Al Jazeera dẫn nhận định của chuyên gia luật hàng hải Gregory Poling tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế.

Thông tin từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Trung Quốc cho hay: Trung Quốc đã triển khai thêm các tàu ngầm, tàu chiến và các loại tàu quân sự khác tại Biển Đông kể từ năm 2014. Con số này thậm chí nhiều hơn là số lượng tàu quân sự của cả Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh và Đài Loan triển khai.

Tranh chấp trên Biển Đông đẩy căng thẳng và đối đầu chính trị cũng như quân sự trong khu vực gia tăng. Nhằm đối phó với Trung Quốc, Mỹ ngoài việc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông với lý do đảm bảo tự do hàng hải, cũng gia tăng quan hệ quân sự với Nhật Bản, Philippines và các đối tác khác trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới