Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ-Nhật thảo kế hoạch phòng ngừa TQ chiếm đảo

Mỹ-Nhật thảo kế hoạch phòng ngừa TQ chiếm đảo

Nhật Bản và Mỹ đang thảo một kế hoạch tác chiến chung cho các lực lượng vũ trang hai bên để đối phó với đe dọa từ Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các nguồn tin chính phủ Nhật cho biết ngày 3-11.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành tập trận quân sự Keen Sword hôm 3-11 tại Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters

Theo các nguồn tin, Tokyo và Washington đang thảo luận cách đáp trả ra sao trong tình huống khẩn cấp xảy ra quanh các hòn đảo ở biển Hoa Đông. Mục tiêu của hai bên là hoàn thành bản thảo của kế hoạch tác chiến chung vào tháng 3-2019.

Theo Japan Times (Nhật), Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định sự cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước an ninh giữa hai nước mở rộng tới quần đảo Senkaku. Điều khoản này ràng buộc Mỹ bảo vệ lãnh thổ dưới sự cai quản của chính quyền Nhật trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang.

Tuy nhiên, Washington cũng nhiều lần khẳng định rằng họ không đưa ra lập trường trong vấn đề chủ quyền đối với các đảo mà Nhật Bản cai quản vốn được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bằng động thái cùng hợp tác với Mỹ để thảo ra một kế hoạch để xử lý trong trường hợp xung đột quân sự tiềm tàng với Trung Quốc, Nhật Bản đang hy vọng Mỹ sẽ giữ vai trò tích cực hơn trong vấn đề chủ quyền này.

Theo các nguồn tin, kế hoạch đang được bàn thảo có đưa ra giả định các trường hợp khẩn cấp như ngư dân Trung Quốc có vũ trang đổ bộ trên các đảo và Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản (SDF) cần phải được huy động sau khi tình hình vượt quá khả năng đáp trả của cảnh sát.

Nguồn tin cho biết thêm SDF phải nghiên cứu cách thức đối phó với những đe dọa đó. Trong khi đó, các cuộc thảo luận liên chính phủ tập trung vào cách thức để kết hợp với các năng lực tấn công của quân đội Mỹ.

“Các tổ chức quân sự luôn luôn phải giả định tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra, thế nên việc hai hợp tác để thảo ra kế hoạch chống Trung Quốc như vậy là hoàn toàn tự nhiên”- Bonji Ohara, cựu tùy viên hải quân tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, hiện là chuyên gia cấp cao tại Sasakawa Peace Foundation, một tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản, nhận định.

Theo truyền thông Nhật, các cuộc đàm phán giữa Nhật và Mỹ đang được tiến hành chủ yếu trong khuôn khổ khung hoạt động mới được tạo ra từ văn kiện hướng dẫn quốc phòng 2015, được gọi là Cơ chế Kế hoạch Song phương (BPM).

BPM quy định rằng SDF và quân đội Mỹ sẽ “tiến hành các hoạt động song phương để chống lại các cuộc tấn công trên bộ đối với Nhật Bản bằng các lực lượng bộ binh, không quân, hải quân hoặc đổ bộ”.

Hai bên đã có các kế hoạch phố hợp trong trường hợp khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên và các tình huống khác.

Trong khi đó, hai nước đồng minh này đang tổ chức cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu lớn nhất từ trước tới nay ở xung quan vùng biển Nhật Bản. Reuters đưa tin tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng nhiều chiến đấu cơ, khu trục hạm Nhật Bản và một tàu chiến Canada ngày 3-11 đã tham gia cuộc tập trận mang tên Keen Sword này ở Tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản và Mỹ huy động 57.000 thủy thủ, lính thủy quân lục chiến và phi công tới tham dự cuộc tập trận, nhiều hơn 11.000 người so với năm 2016. Nội dung các bài tập bao gồm mô phỏng không chiến, đổ bộ và phòng thủ tên lửa đạn đạo. 

Khoảng 47.000 nhân viên quân sự Nhật Bản – chiếm 1/5 lực lượng vũ trang nước này – đã góp mặt.

Chuẩn Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy biên đội tác chiến do tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết: “Chúng tôi ở đây để ổn định, duy trì năng lực nếu cần thiết. Các cuộc tập trận như Keen Sword chính xác là hoạt động mà chúng tôi cần”.

Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa, chỉ huy các tàu chiến Nhật Bản, cho biết: “Liên minh Mỹ-Nhật vô cùng cần thiết cho sự ổn định của khu vực này cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Đô đốc John Richardson, Tư lệnh hoạt động hải quân Mỹ, nói: “Keen Sword tiếp tục thể hiện cam kết giữa các đồng minh và đối tác có cùng chung lý tưởng. Nó cho thấy chúng tôi có thể tập hợp năng lực đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới