Báo Philstar (1/11) dẫn phát biểu của cựu Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, nhận lời mời của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra nhân chuyến thăm Bắc Kinh (năm 2016), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm tới Manila trong tuần thứ ba của tháng 11/2018, hiện mọi công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Phillipines của nhà lãnh đạo Trung Quốc đang được xúc tiến. Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (1/11) cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Phillipines sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC- 18/11) tại Papua New Guinea. Theo nhận định của giới chuyên gia, học giả quốc tế trọng tâm của chuyến thăm sẽ là chương trình nghị sự tập trung vào thúc đẩy hợp tác kinh tế, năng lượng và dầu khí.
Philippines đang chuẩn bị đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Theo Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez, hai bên dự kiến ký ít nhất 5 thỏa thuận kinh tế nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó bao gồm các khoản vay, bảo đảm tín dụng, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu khả thi các dự án hạ tầng. Dự kiến, trong chuyến thăm hai bên sẽ ký kết một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD để phát triển tổ hợp bất động sản – công nghiệp rộng 500ha tại khu vực trước đây là căn cứ quân sự Clark, nơi quân đội Mỹ từng trú đóng trong gần 90 năm. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngân sách và Quản lý Philippines Benjamin E. Diokno (29/10) cho biết, Chính phủ Philippines hy vọng sẽ ký kết 10 khoản vay để thực hiện các dự án hạ tầng với Trung Quốc.
Chủ tịch Cơ quan Phát triển và chuyển đổi Căn cứ quân sự Philippines Vivencio Dizon cho biết, quan hệ Philippines-Trung Quốc ngày càng trở nên nồng ấm dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Hiện Trung Quốc rất quan trọng đối với tăng trưởng của Philippines không chỉ về đầu tư hay thương mại mà còn về nguồn khách du lịch. Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đến Philippines đứng thứ hai với 764.000, chỉ sau khách Hàn Quốc. Theo ông Dizon, Trung Quốc sẽ bơm vài tỷ USD vào dự án thành phố mới Clark (cách thủ đô Manila khoảng 120km, được các quan chức Philippines xem là thủ đô “dự phòng” trong trường hợp Manila bị thiên tai tàn phá nghiêm trọng) để xây dựng tổ hợp đô thị – công nghiệp, được cho là nơi thu hút các công ty công nghệ, công nghiệp nhẹ, sản xuất thiết bị bán dẫn.
Giơi quan sát cho rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ song phương
Từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, quan hệ Philippines – Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Hợp tác kinh tế song phương đã phát triển, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Philippines, quan hệ thương mại đạt tổng cộng 13,9 tỉ USD trong nửa đầu năm 2018. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào Philippines, năm ngoái tăng 67% đạt 53,8 tỉ USD, gồm cả tiền đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như dự án kênh tưới tiêu sông Chico, đập Kaliwa và tuyến đường sắt phía Nam thủ đô Manila. Trước chuyến thăm, Trung Quốc (28/10) đã chính thức mở tổng lãnh sự quán nước này tại thành phố Davao thuộc miền Nam Philippines. Trong bài phát biểu của mình, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố việc thiết lập một tổng lãnh sự quán tại Davao phản ánh tình hữu nghị sâu rộng giữa Trung Quốc và Philippines, đồng thời thúc đẩy hợp tác chung giữa hai nước. Với việc mở tổng lãnh sự quán, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác với Davao và toàn bộ miền Nam Philippines. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã hoan nghênh việc Trung Quốc chính thức mở tổng lãnh sự quán tại Davao, cho rằng điều này nhấn mạnh quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Manila và Bắc Kinh, cho rằng việc mở Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Davao là một dấu hiệu đầy hứa hẹn về triển vọng của thành phố này cũng như viễn cảnh tươi sáng trong việc hợp tác với Trung Quốc.
Theo giới quan sát, Philippines sẽ tranh thủ chuyến thăm để đạt được sự ủng hộ của Trung Quốc trong hợp tác đầu tư và thúc đẩy quan hệ song phương. Giáo sư Aries Arugay thuộc Khoa Chính trị, Đại học Philippines Diliman cho rằng chuyến thăm sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc, sẽ có thêm những thỏa thuận kinh tế và hợp tác, chính phủ Philippines dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tranh thủ cơ hội và Trung Quốc có thể giúp kéo giảm tình trạng lạm phát của Philippines. Nhà phân tích Anwita Basu ở tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (Singapore) thì cho rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là “cột mốc chủ đạo” trong chính sách đối ngoại nghiêng về Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Chuyên gia Aaron Rabena thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines nhận định, mục tiêu của cả hai nước là duy trì đà tích cực và mang tính xây dựng bởi Trung Quốc “không muốn bị vây quanh bởi các quốc gia láng giềng thù địch”.
Trước chuyến thăm, Trung Quốc và Philippines đã có nhiều hoạt động “dọn đường” trong vấn đề Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (29/10) đã cam kết cùng nỗ lực để thúc đẩy tiến trình tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo Trung Quốc và Philippines nhờ có sự nỗ lực chung, tình hình Biển Đông đang cải thiện và trở nên ổn định hơn. Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc sẽ trao đổi với Philippines và các nước ASEAN có liên quan khác để tạo ra đột phá mới trong hợp tác biển, “đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, đánh cá, tìm kiếm và cứu nạn, cũng như tăng cường tin cậy và tạo thêm nhiều lợi nhuận cho nhân dân các nước”. Liên quan đến hoạt động khai thác chung, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận sâu hơn với Philippines về khai thác chung dầu, khí ở Biển Đông”. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẵn sàng phối hợp với các nước ASEAN để đẩy nhanh tiến trình tham vấn COC mà Trung Quốc hy vọng sẽ kết thúc quá trình này trong thời gian Philippines là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng Biển Đông không phải là vấn đề riêng giữa Trung Quốc và Philippines, các nước khác như Indonesia hay Malaysia trong ASEAN cũng có chung vấn đề. “Vấn đề Biển Đông không nên cản trở sự phát triển của mối quan hệ cùng có lợi, thân thiện giữa Trung Quốc và Philippines, cũng không nên cản trở phát triển của sự hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và ASEAN”. Ngoại trưởng Locsin khẳng định giữ vững cam kết của Manila đối với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), “thông qua đối thoại với sự tôn trọng lẫn nhau và với các đối tác ở ASEAN, chúng tôi đang đạt tiến triển với một sự đáng kinh ngạc trong đàm phán về COC”. Theo Ngoại trưởng Locsin, nếu ASEAN và Trung Quốc không đạt được một văn bản ràng buộc về pháp lý, COC vẫn sẽ là một văn kiện khu vực quan trọng, “là tiêu chuẩn về cách nhân dân ASEAN, chính phủ các nước ASEAN đối xử với nhau, luôn là với sự danh dự, không bao giờ hung hăng và luôn vì tiến bộ chung”.
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ ba Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc – Philippines về vấn đề Biển Đông (18/10), hai bên đã trao đổi về các vấn đề hiện tại và các nội dung cùng quan tâm, tái khẳng định cam kết của hai bên về hợp tác và tiếp tục tìm kiếm biện pháp tăng cường tin cậy lẫn nhau; nhấn mạnh các vấn đề trên biển còn đang tranh chấp không phải là tổng thể mối quan hệ Trung Quốc – Philippines. Hai bên cho rằng việc quản lý hợp lý các tranh chấp ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tự do thương mại và các biện pháp sử dụng biển hòa bình khác, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và tài phán bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, thực hiện tự kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hai bên nhắc lại cam kết về việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác để sớm đạt đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, Trung Quốc và Philippines cũng trao đổi quan điểm về các biện pháp tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như những diễn biến gần đây ở Biển Đông mang ý nghĩa chính trị, an ninh; vấn đề tìm kiếm và cứu nạn trên biển, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, nghề cá. Với lưu ý không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi bên về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác cùng khai thác và phát triển dầu khí.
Vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những tâm điểm của chuyến thăm
Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi (30/10) bày tỏ lạc quan về khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận về khai thác chung dầu khí tại Biển Đông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines, đồng thời cho biết các điều khoản của thỏa thuận này có thể được thông qua trong chuyến thăm sắp tới, thông báo Chính phủ Philippines cũng đã thảo luận về việc gỡ bỏ lệnh cấm thăm dò tại vùng biển tranh chấp giữa Tập đoàn PXP Energy và Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn PXP Energy Manuel Pangilinan không cho rằng lệnh cấm có thể được dỡ bỏ trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, nhấn mạnh các cuộc đàm phán với CNOOC sẽ không thể được nối lại cho đến khi nào Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận song phương. Liên quan vấn đề này, Bloomberg nhận định, bất cứ thỏa thuận nào về khai thác chung đạt được sẽ đánh dấu một chiến thắng lớn cho Trung Quốc khi nước này đã nỗ lực cả thập kỷ qua để ngăn các nước Đông Nam Á khai thác nguồn năng lượng tại các vùng biển tranh chấp.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề Biển Đông sẽ ít được đề cập trong chuyến thăm. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (1/11) dẫn lời giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhận định Philippines sẽ né tránh đề cập vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm, nhằm tranh thủ cuộc chiến thương mại và đấu đá chiến lược giữa Trung – Mỹ để thu hút thêm nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Giới chuyên gia cũng cho rằng Philippines và Trung Quốc có thể sẽ đạt tiến bộ cơ chế tham vấn song phương và thực hiện các dự án hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. Giáo sư Aries Arugay nhận đinh, tuy hai nước có quan hệ thân cận hơn trước, việc Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết năm 2016 tuyên xử Philippines thắng kiện và bác việc Trung Quốc khẳng định có chủ quyền toàn bộ Biển Đông cũng sẽ không bị lãng quên: “Phán quyết này sẽ chỉ tạm gác qua một bên”. Trong khi đó, nhà phân tích Anwita nhận đinh, trong chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tránh đề cập vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chú trọng hơn vào hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, ông Dizon lại cho rằng Philippines sẽ không nhân nhượng về chuyện chủ quyền trên biển Tây Philippines (Biển Đông) trong quan hệ với Trung Quốc.
Giới chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng Bắc Kinh và Manila nên tăng cường hợp tác ở Biển Đông. Chuyên gia Hứa Lợi Bình thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng hoạt động thăm dò chung với Philippines sẽ là một ví dụ điển hình ở Biển Đông, nó sẽ tăng cường lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời giảm cơ hội can thiệp của các nước bên ngoài ở Biển Đông. Giáo sư Tô Hạo thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận định, hai nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch không chỉ phục vụ lợi ích của mình, mà còn phải “phục vụ” các bên yêu sách khác trong khu vực. Họ cũng phải cảnh giác với phản ứng dữ dội từ các nhóm ở Philippines, bao gồm các thành viên giới tinh hoa chính trị, có truyền thống ủng hộ hợp tác với Mỹ, trái ngược với chính sách hiện hành của ông Rodrigo Duterte.