Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiLo ngại sập bẫy nợ Trung Quốc, tân TT Maldives quyết lôi...

Lo ngại sập bẫy nợ Trung Quốc, tân TT Maldives quyết lôi từng khoản “mập mờ” ra ánh sáng

SCMP dẫn lời ông Solih cho biết, đảo quốc Maldives hiện đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ sau 5 năm xây dựng hàng loạt các công trình dưới thời người tiền nhiệm Abdulla Yameen.

Cây cầu được Trung Quốc hỗ trợ vốn tại Maldives. Ảnh: Maldives Independent

Khoản nợ lớn gấp đôi

Sau khi bất ngờ giành chiến thắng tại Maldives, tân tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã có một lời cảnh báo dành cho nền kinh tế đất nước này.

“Hãy chuẩn bị tinh thần vì mọi chuyện còn tệ hơn những gì chúng ta nghĩ,” một cố vấn nhớ lại lời của ông Solih.

Đây là điều hoàn toàn đúng. Sau cuộc bầu cử ngày 23/9, ông Solih đã gặp đại sứ Trung Quốc và biết được rằng Maldives không chỉ nợ Trung Quốc 1,5 tỉ USD như được công bố rộng rãi, mà khoản nợ đã lên tới gần 3 tỉ USD.

Số tiền này còn nhiều hơn nguồn thu của chính phủ Maldives trong hai năm – một tín hiệu báo động về các khoản cho vay khổng lồ trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Dưới thời tổng thống Abdulla Yameen Abdul Gayoom, Maldives đã từng bước gia nhập vào “quỹ đạo” chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài tới hàng chục quốc gia của Trung Quốc.

Cụ thể, ông Yameen đã cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá ưu đãi và mời các nhà thầu Trung Quốc tới xây dựng một cây cầu dài hơn 1,5 km, hàng nghìn căn hộ, một đường cao tốc mới, một trạm bơm nhiên liệu máy bay và nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế.

Với số lượng công trình nói trên, hoạt động xây dựng đã xuất hiện nhiều và nhanh chưa từng thấy tại đảo quốc ở vùng Ấn Độ Dương chỉ với khoảng 500.000 dân này.

Theo những người trong cuộc, gần như tất cả các công trình đều được xây dựng dưới các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu và với mức giá cao đến nỗi một số người không khỏi đặt ra nghi vấn về tình trạng tham nhũng.

Chi tiết cụ thể về tình trạng nợ nần sẽ chỉ được công bố sau khi ông Solih bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 17/11 tới và đội ngũ của ông có quyền truy cập hoàn toàn tới những tài liệu mà chính quyền ông Yameen không công bố cho những nhà lập pháp và công chúng biết.

Nhưng theo những số liệu mà quan chức dưới quyền ông Solih thu thập được, các khoản nợ lớn hơn con số được thông báo rất nhiều và không sớm thì muộn sẽ vượt quá khả năng chi trả của Maldives.

“Chúng ta phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, bởi không ai thực sự biết về những chuyện đó. Đó là khoản tiền rất lớn và chúng ta cần Trung Quốc hỗ trợ để biết chính xác sự tình,” cựu Ngoại trưởng Ahmed Naseem của Maldives nói.

Lo ngại về các khoản cho vay của Trung Quốc

Câu chuyện ở Maldives là một trong những ví dụ điển hình nhất về kế hoạch của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng và đường dây liên lạc trải dài gần 70 quốc gia.

Trung Quốc khẳng định đây là những gói hỗ trợ kinh tế thân thiện. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng những cây cầu, đường cao tốc, nhà máy điện và cảng biển hầu như được thiết kế để đảm bảo những mục tiêu an ninh và ngoại giao của Trung Quốc, chưa kể các nước nghèo sẽ buộc phải bàn giao lại đất và các tài nguyên khác để thế chấp.

Tại một số quốc gia Châu Á, những quan ngại về nợ Trung Quốc đã trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng khi bộ máy chính quyền mới phải “xử lí” những thỏa thuận do chính quyền tiền nhiệm để lại.

Năm nay, thủ tướng mới của Malaysia đã hủy bỏ hai dự án trị giá 22 tỉ USD với Trung Quốc. Pakistan – nơi Trung Quốc dự định hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với trị giá lên tới 60 tỉ USD – cũng đang trì hoãn và xem xét lại một số dự án.

Viễn cảnh khiến các nhà lãnh đạo tại Maldives lo lắng nhất chính là chuyện xảy ra tại Sri Lanka khi quốc gia này thất bại trong việc thỏa thuận lại các khoản nợ Trung Quốc và buộc phải cho Bắc Kinh sử dụng cảng biển quan trọng ở phía nam đất nước với thời hạn 99 năm.

Maldives có 1.192 đảo san hô và hầu hết đều không có người ở. Có khoảng 120 đảo được khai thác cho mục đích du lịch với hàng loạt những khách sạn cao cấp. Chính phủ Yameen đã thay đổi luật để cho phép các công ty du lịch thuê đảo, mở đường để biến những đảo không người ở trở thành khu nghỉ dưỡng mới.

Theo một quan chức, ít nhất 7 đảo đã được các công ty Trung Quốc thuê. Một hòn đảo gần thủ đô của Maldives đã được một nhà phát triển Trung Quốc sử dụng với mức giá 4 triệu USD cho 50 năm – thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

“Tôi không nghĩ rằng những thứ các công ty Trung Quốc làm tại Maldives hay bất kì nơi nào khác là hỗ trợ phát triển thương mại. Đó là chiếm đất,” cựu tổng thống Maldives Mohamed Nasheed nói.

Đáp trả lại phát biểu của ông Nasheed, Bắc Kinh đã gọi đó là “những nhận xét thiếu trách nhiệm” và khẳng định mối quan hệ với Maldives tiếp tục được phát triển dựa trên “nền tảng công bằng và lợi ích song phương”. Nhưng hiện tại, theo SCMP, Maldvies ngày hôm nay phụ thuộc vào Trung Quốc theo những cách ít ai biết.

Tám năm trước, Bắc Kinh không có đại sứ quán tại Maldives. Ngày nay, có tới 1/4 lượng khách du lịch Maldives là người Trung Quốc và 2/3 khoản nợ nước ngoài của Maldives là nợ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là điểm đến chính cho các mặt hàng xuất khẩu của Maldives, bên cạnh Ấn Độ.

“Nếu Trung Quốc quyết định dừng mọi kết nối với Maldives, đó sẽ là thảm họa,” một quan chức ngoại giao đề nghị giấu tên nói.

Giải tỏa bất đồng

Mối quan hệ Maldives – Trung Quốc cũng khiến Ấn Độ lo ngại. Năm ngoái, ông Yameen đã thúc giục quốc hội thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc với những điều khoản đặc biệt liên quan tới “thành lập cơ sở quân sự và cung cấp nguyên liệu hạt nhân”. Các quan chức Ấn Độ cho rằng Bắc Kinh sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân.

Một vài tháng sau, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc từ các kênh truyền thông Ấn Độ rằng đài quan sát biển mà Trung Quốc xây tại vùng đảo san hô phía bắc Makunudhoo – cách bờ biển Ấn Độ 400km, dọc theo đường vận tải biển giữa châu Á và Trung Đông – sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Với mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, chính quyền của ông Solih đã cam kết với chính phủ Ấn Độ rằng sẽ xem xét lại hoạt động cho thuê đảo nói trên và những đảo liên quan khác.

“Tôi không rõ mục đích của Trung Quốc nhưng hoạt động cho thuê cần phải được kiểm tra cẩn thận. Maldives không thể là trung tâm của chiến tranh lạnh tại Ấn Độ Dương,” cựu ngoại trưởng Naseem nói.

Tân tổng thống Solih cũng cam kết sẽ điều tra xem liệu người tiền nhiệm Yameen và đội ngũ thân cận có trục lợi từ những hợp đồng nước ngoài hay không. Những chi phi “trên trời” của dự án với Trung Quốc đã khiến nhiều người nghi ngờ và cáo buộc ông Yameen tham nhũng.

Năm năm trước, kế hoạch xây dựng cầu 6 làn, dài hơn 1,5km nối thủ đô Male với sân bay quốc tế được ước tính trị giá 100 triệu USD. Dưới thời ông Yameen, cây cầu được cắt giảm xuống còn 4 làn nhưng chi phí tăng lên tới gần 200 triệu USD – 2/3 trong số này được chi trả bởi khoản vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, ông Solih cho biết ông sẽ cân nhắc mời FBI và những cơ quan tình báo Mỹ khác để giúp tìm lại những khoản tiền đã mất và hé lộ chi tiết các hợp đồng với Trung Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận “chính phủ Mỹ đã chuẩn bị để giúp đỡ Maldives”.

Đội ngũ của ông Solih đang cố gắng để xác định liệu khoản nợ với Trung Quốc có thể tăng lên tới 3 tỉ USD hay không.

“Chúng ta sẽ phải đàm phán với Trung Quốc – không nhất thiết về chuyện hủy bỏ thỏa thuận bởi Maldives cũng rất cần phát triển. Nhưng chúng ta sẽ nói về việc xem xét lại các điều khoản. Maldives không thể tốn ‘mồ hôi xương máu’ để đem lại lợi ích cho Trung Quốc được, đúng chứ?,” ông Naseem nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới