Trong cuộc hội đàm hôm thứ Sáu (9/11), Trung Quốc đã đề nghị Hoa Kỳ ngừng cử tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Theo AP, Hoa Kỳ đã từ chối lời đề nghị này, và nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục “bay, đi lại và [thực hiện các] hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Vào cuối tháng 9, một tàu Mỹ và tàu khu trục Trung Quốc gần như đã xảy ra va chạm ở trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ở sự cố này, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh, tàu chiến Trung Quốc đã gửi những thông điệp đe dọa trước khi áp sát để ngăn cản việc di chuyển “hợp pháp trên vùng biển quốc tế” của tàu Mỹ.
“Hoa Kỳ không theo đuổi chính sách [tạo ra] Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các phóng viên sau cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung. “Thay vào đó chúng tôi muốn đảm bảo rằng Trung Quốc [phải] hành động có trách nhiệm và công bằng trong việc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của cả hai quốc gia”.
Cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung lần này đúng ra đã được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng trước nhưng đã bị trì hoãn sau khi Washington công bố quyết định bán vũ khí mới cho Đài Loan, và sau sự cố va chạm giữa tàu của hai nước trên Biển Đông.
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, người tham gia cuộc họp với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, tuyên bố: “Phía Trung Quốc đã nói rõ với Hoa Kỳ rằng họ nên ngừng đưa tàu và máy bay quân sự tới gần các đảo và rạn san hô của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn các hành động phá hoại quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.
Tuy nhiên cả ông Dương và Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phương Hòa, đều thừa nhận rằng Mỹ-Trung không nên tiếp tục căng thẳng.
“Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho chúng tôi”, ông Ngụy nói. “Đối đầu và xung đột giữa hai quân đội sẽ mang tới thảm họa cho tất cả chúng ta”.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định Hoa Kỳ có quyền thực hiện việc tự do hàng hải nhưng cũng cho biết hai bên nên thảo luận trên các lĩnh vực quan tâm chung. “Cạnh tranh không có nghĩa là thù địch. Và nó cũng không dẫn đến mâu thuẫn”, ông Mattis nói.
Trong cuộc họp, ông Pompeo cũng bày tỏ lo ngại đối với tình trạng bức hại tín ngưỡng mà chính quyền Trung Quốc đang áp dụng với người dân, trong đó có việc Bắc Kinh bắt giam tùy ý hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ. Ông Dương đáp lại ông Pompeo bằng một lý luận mà chính quyền Trung Quốc thường viện dẫn, rằng “nước ngoài không có quyền can thiệp” vào công việc nội bộ của nước này.
Theo Vatican News, vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã cho đập phá nhà thờ, đốt kinh sách và các vật phẩm tôn giáo của những người theo đạo Thiên Chúa.
Trong bài xã luận đăng trên Politico Magazine ngày 25/10, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Chuck Grassley đề cập đến tình trạng Bắc Kinh “bắt giữ các mục sư Cơ Đốc giáo, đốt Kinh Thánh và phá hủy các nhà thờ Thiên Chúa giáo”, “giam cầm hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Kazakh vào các trại truyền bá”, và “từ lâu đã đàn áp tự do các Phật tử Tây Tạng, cũng như những người tập luyện Pháp Luân Công”.
Chính quyền Tổng thống Trump đang có những động thái khác biệt với những người tiền nhiệm khi nhấn mạnh vào quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Quan điểm này được phản ánh rõ nét trong phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Hội nghị về tự do tôn giáo quốc tế hồi tháng 5/2018.
“Tự do tôn giáo không chỉ của riêng chúng ta. Nó là quyền của mỗi người trên thế giới”, ông Pompeo nói. “Tổng thống Trump luôn sát cánh với những ai ủng hộ tự do tôn giáo. Phó tổng thống và tôi cũng như vậy”.
Trong một bài xã luận đăng trên USA Today với tựa đề “Cuộc đàn áp tín ngưỡng ở Iran, Trung Quốc phải chấm dứt ngay lập tức” ngày 24/7/2018, ông Pompeo viết: “Chính quyền Trump rất tâm huyết đối với việc thúc đẩy và bảo vệ tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới”.