Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLàm giàu từ việc TQ phá giá đồng nhân dân tệ

Làm giàu từ việc TQ phá giá đồng nhân dân tệ

Cơn sóng phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc đang tạo ra những cú va đập mạnh tại Việt Nam. Giá USD và vàng biến động 30 lần/ngày, một nhà đầu tư tài chính đã đón sóng giá này và chỉ trong ngày 12/8 đã lời 10 tỷ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ. 

  Một nhà đầu tư tài chính đã đón sóng giá vàng và giá tiền tệ nên chỉ trong ngày 12/8 đã lời 10 tỉ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ. Ảnh minh họa

Phản ứng trước việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giới đầu tư tìm nơi “trú ẩn” là vàng. Điều này đẩy giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng. 

Mở cửa phiên giao dịch ngày hôm qua (13/8), giá vàng SJC liên tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, vàng SJC đã tăng gần 1,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ tính từ đầu tuần đến nay giá vàng trong nước đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng, từ dưới mức 33 triệu đồng/lượng tăng lên sát ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. 

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết, tính chung giá vàng thế giới tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nội tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân một phần là do nguồn cung vàng miếng trở nên khan hiếm và nhiều người đã quay trở lại với vàng. 

Trước cơn sóng lớn trên thị trường vàng, theo ông Hải, từ đầu tuần đến nay đã thấy xuất hiện lực mua vàng đón sóng khá lớn từ các doanh nghiệp vàng. Bên cạnh đó có nhiều người đang đẩy mạnh việc mua vàng và tích trữ USD với hy vọng đón sóng từ tỷ giá. 

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM tiết lộ một nhà đầu tư tài chính đã đón sóng giá vàng và giá tiền tệ nên chỉ trong ngày 12/8 đã lời 10 tỷ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi của những tay đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Còn với người dân bình thường thì chưa có hiện tượng rút tiền đồng từ ngân hàng để mua vàng hay chơi chứng khoán trước thông tin đồng nhân dân tệ mất giá. 

“Hay nói đúng hơn, có hiện tượng rút tiền nhưng không đáng kể và không phải là xu hướng” – vị lãnh đạo ngân hàng này nói. 

Trong khi đó, nhu cầu vàng nữ trang toàn cầu đã giảm xuống mức 6 năm trong quý 2 năm nay do người tiêu dùng Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục hạn chế mua, bất chấp giá vàng tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. 

Hãng tin CNBC dẫn báo cáo hàng quý do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố hôm (13/8) cho biết, tổng nhu cầu vàng của thế giới trong quý 2 đạt mức 915 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Vàng phải đối mặt với một thị trường nhiều thách thức trong quý 2, nhất là tại khu vực châu Á, do nhu cầu giảm của Ấn Độ và Trung Quốc”, bà Alistair Hewitt, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của WGC nhận định. 

Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường chứng khoán biến động mạnh đã kéo nhu cầu vàng đi xuống. 

Theo thống kê, nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 2 giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 513 tấn. Trong đó, nhu cầu của Ấn Độ giảm 23%, còn 118 tấn, nhu cầu của Trung Quốc giảm 5%, còn 174 tấn. Nữ trang tiếp tục là khu vực đóng góp nhiều nhất cho nhu cầu tiêu thụ vàng của thế giới. 

Trong quý 2, giá vàng thế giới chủ yếu dao động trong vùng hẹp từ 1.200 – 1.230 USD/oz. Bất chấp giá vàng xuống thấp, kim loại quý này không thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

RELATED ARTICLES

Tin mới