Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ - Trung tìm cách lấy lòng châu Á giữa chiến tranh...

Mỹ – Trung tìm cách lấy lòng châu Á giữa chiến tranh thương mại

Hoạt động ngoại giao tấp nập ở châu Á của lãnh đạo Mỹ, Trung cho thấy nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng của hai nước ở khu vực.

Vào thời điểm Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm chạp và hậu quả từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 12/11 tới Singapore trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, bao gồm dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào cuối tuần, sau đó sẽ tới thăm Philippines và Brunei.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới Nhật Bản, Singapore, Australia và Papua New Guinea, nơi ông dự kiến thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Ông dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại cả hội nghị của ASEAN và APEC. Chuyến đi bắt đầu từ ngày 11/11 của ông Pence là lần thứ ba ông đến châu Á kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017.

Khi Thủ tướng Trung Quốc tới Singapore, tờ Straits Times của quốc đảo này cũng đăng một bài xã luận do ông chắp bút bàn về chủ nghĩa bảo hộ. “Trung Quốc đã mở cửa cho thế giới, chúng tôi sẽ không bao giờ đóng nó mà thậm chí còn mở rộng hơn”, ông viết.

Trong khi đó, cuối tuần trước, ông Pence ngầm ám chỉ Trung Quốc trong bài xã luận trên Washington Post. “Các quốc gia đàn áp người dân của chính mình cũng thường xuyên vi phạm chủ quyền của nước láng giềng”, ông viết, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo rằng mọi quốc gia lớn nhỏ đều có thể phát triển và thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

Mỹ trong vài tháng qua liên tiếp tung các đòn áp thuế nhằm gây sức ép để Trung Quốc thay đổi vì cho rằng Bắc Kinh có các hành động thương mại không công bằng như bán phá giá, trợ giá công nghiệp hay ăn cắp tài sản trí tuệ. Căng thẳng còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác, khiến các cuộc đối thoại về an ninh bị đình trệ. Tổng thống Trump dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng này nhưng giới chuyên gia nhận định cuộc gặp khó có thể đi đến thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Trong khi cả ông Tập và ông Lý đều có những chuyến công du tất bật trong tháng 11 tới nhiều nước châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phá vỡ truyền thống được duy trì từ những người tiền nhiệm và quyết định không dự các sự kiện lớn ở khu vực trong tháng này.

Brian Harding, chuyên gia từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nhận định việc Trump vắng mặt tại các sự kiện lớn ở châu Á là tính toán sai. “Mọi quốc gia ở Đông Nam Á cố gắng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, họ không muốn sống trong một khu vực bị chi phối bởi Trung Quốc. Họ muốn lựa chọn và muốn cân bằng”, Harding nói. “Việc Trump vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á gửi đi tín hiệu không tốt về cam kết của Mỹ với khu vực”.

Người tiền nhiệm của Trump, Barack Obama, là tổng thống Mỹ đầu tiên dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tổ chức vào năm 2011 và sau đó tham gia sự kiện này hàng năm, chỉ trừ năm 2013, khi chính phủ Mỹ đóng cửa. Năm ngoái, Trump đến Philippines nhưng cũng không dự hội nghị thượng đỉnh này.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định sự vắng mặt của Trump không đồng nghĩa với việc Mỹ thiếu tập trung vào khu vực. “Sự an toàn và thịnh vượng của đất nước chúng tôi phụ thuộc vào khu vực quan trọng này”, Pence nhấn mạnh trong bài xã luận trên Washington Post.

Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ – Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng chuyến đi châu Á của Pence là nỗ lực để thu hút thêm láng giềng của Trung Quốc vào quỹ đạo của Mỹ.

“Ông Pence đang cố gắng cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách nhấn mạnh mối đe dọa của Trung Quốc và cam kết của Mỹ đối với khu vực”, Liu nói.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) ngày 13/11 họp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước khi lên đường đến Singapore. Ảnh: AFP.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) ngày 13/11 họp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước khi lên đường đến Singapore. Ảnh: AFP.

Các quốc gia Đông Nam Á – chiếm gần 10% dân số thế giới, nằm đan xen giữa các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ luôn cảm thấy dễ bị tổn thương về địa lý và có khả năng chào đón sự cạnh tranh giữa các cường quốc nếu điều đó đồng nghĩa với việc họ nhận được thêm nhiều khoản đầu tư.

Tuy nhiên, Dino Patti Djalal, cựu đại sứ Indonesia tại Washington, cho biết các lãnh đạo khu vực đang cảnh báo về “sự cạnh tranh địa chính trị một mất một còn” giữa hai cường quốc và không muốn bị buộc phải lựa chọn theo bất cứ bên nào.

Song Junying, chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định các nước láng giềng của Trung Quốc có thể tìm cách thu hẹp khác biệt giữa hai đối thủ thay vì bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh dẫn đến suy thoái kinh tế rộng lớn hơn.

“Mặc dù chiến tranh thương mại khiến Mỹ có thể tìm đến hàng nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm cả Đông Nam Á, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho mọi quốc gia nếu nó kéo dài”, Song nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới