Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột lần nữa, TQ sẽ phải cầu cứu những đối tác 30...

Một lần nữa, TQ sẽ phải cầu cứu những đối tác 30 năm trước để vượt ải của Mỹ

Bắc Kinh sẽ cần sự hỗ trợ từ những “hàng xóm” để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới tiềm tàng với Mỹ, giống như 30 năm trước.

Trung Quốc sẽ tranh thủ sự ủng hộ của các nước láng giềng. Ảnh: SCMP.

Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Quan hệ quốc tế Kai He, Trường Đại học Griffith, Australia.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore sẽ đem đến cả cơ hội và thách thức cho ngoại giao Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có thể sử dụng thời cơ này để tranh thủ sự ủng hộ từ các nước châu Á nhằm đối phó với áp lực từ Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Câu chuyện 30 năm trước

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể đối mặt với một số trở ngại ngoại giao liên quan đến vấn đề Biển Đông cũng như đầu tư hạ tầng trong khu vực.

Sau biến động Thiên An Môn năm 1989, các nước phương Tây mà đứng đầu mà Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh đã phải trải qua cảnh bị cô lập ngoại giao trong hơn một năm và chỉ thoát được “vòng vây” này bằng cách cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Tháng 8/1990, Trung Quốc nối lại quan hệ ngoại giao với Indonesia. Tháng 10 cũng trong năm đó, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Singapore. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế với Trung Quốc.

Ở một mức độ đáng kể, chính các nước châu Á đã giúp Trung Quốc an toàn trải qua các lệnh trừng phạt của phương Tây 30 năm trước.

Lần này, thách thức mà Trung Quốc gặp phải có khác biệt nhưng cũng có nét tương tự. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa 2 nước.

Trung Quốc có thể đối mặt với một hình thức cô lập ngoại giao mới, vì Mỹ đã thêm cả yếu tố về tư tưởng trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh như trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên hợp quốc và của .

Thách thức mới

Để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh có thể xảy ra với Mỹ, Trung Quốc sẽ cần những người hàng xóm như 30 năm trước. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh tại Singapore là Hội nghị ASEAN – Trung Quốc,  ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đây là dịp để ông Lý Khắc Cường thuyết phục rằng, một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ không có lợi cho châu Á.

Mặt khác, Trung Quốc cần chứng minh cho thế giới thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường có giá trị và đối tác chiến lược đáng tin cậy. Trung Quốc cần xoa dịu những nghi ngờ và quan ngại liên quan đến việc gia tăng năng lực kinh tế và quân sự.

Kiềm chế tình hình ở Biển Đông cũng là chìa khóa nếu Trung Quốc muốn giành được lòng tin và sự ủng hộ của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực ngoại giao, tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi có khởi sắc cho Bắc Kinh. Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đối mặt với 2 thách thức tại các hội nghị thượng đỉnh.

Thứ nhất, đó là việc Mỹ sẽ gia tăng áp lực với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Washington sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải (FONOP). Đối đầu trực tiếp và nguy hiểm giữa hải quân 2 nước đã trở thành trạng thái “bình thường mới” ở Biển Đông.

Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, dự đoán, vấn đề Biển Đông sẽ được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Các hoạt động thương mại không công bằng có thể là một từ khóa khác.

Thứ hai, một thách thức khác cho ông Lý Khắc Cường có thể đến từ những đối tác kinh tế của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai – Con đường. “Bẫy nợ” đã khiến nhiều nước châu Á lo lắng khi nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc thông qua dự án.

Tuy nhiên, các nước châu Á có thể phải cân nhắc. Một mặt, các quốc gia ASEAN muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra giữa hai người khổng lồ ở Biển Đông.

Đây là lý do tại sao ASEAN khá “lạnh nhạt” với lời kêu gọi tuần tra chung trên biển của Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước châu Á. Công khai liên kết với Mỹ về thương mại và đầu tư chống lại Trung Quốc có thể không phù hợp với lợi ích kinh tế của chính những nước này. 

Tuy nhiên, họ có thể chia sẻ một số lợi ích nếu Mỹ có thể buộc Trung Quốc mở cửa thị trường trong nước hơn nữa hoặc thay đổi các hoạt động thương mại của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới