Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnYêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (kỳ IV)

Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (kỳ IV)

Muốn xác định đúng đắn và khách quan một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia nào, phải dựa vào những nguyên tắc và tiêu chuẩn của luật pháp và tập quán quốc tế để xem xét cơ sở pháp lý của mỗi bên tranh chấp, từ đó rút ra những kết luận chính xác, tránh kiểu “luật rừng” trong đó chỉ có yếu tố “mạnh được yếu thua” là đáng kể.

Bản đồ ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc bị các quốc gia tại Biển Đông phản đối

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong luật pháp và tập quán quốc tế

Những vấn đề pháp lý về chủ quyền lãnh thổ từ lâu đã được các luật gia trên thế giới nghiên cứu, bổ sung để dần dần xây dựng nên những nguyên tắc và tiêu chuẩn được luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ, thực tiễn luật pháp quốc tế trong những thế kỷ trước đây đã chia ra năm hình thức chính thụ đắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia:

– Thụ đắc bằng chiếm hữu.

– Thụ đắc bằng chuyển nhượng.

– Thu đắc theo thời hiệu.

– Thụ đắc bằng xâm chiếm.

Sự phát triển của luật pháp quốc tế ở nửa đầu thế kỷ XX đã tác động một cách cơ bản đến các nguyên tắc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Với sự xuất hiện nguyên tắc cấm đe dọa bằng vũ lực và sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các nước, việc xâm chiếm lãnh thổ nước khác bằng hành động vũ trang đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Với sự xuất hiện nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, việc thay đổi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bằng vũ lực hay bằng các thủ đoạn lấn chiếm khác đều là bất hợp pháp. Đồng thời sự xuất hiện nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết cũng đòi hỏi phải xem xét những hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng chiếm hữu, bằng chuyển nhượng, theo thời hiệu… để tìm ra những tiêu chuẩn pháp lý đúng đắn trong quan hệ quốc tế. Xem xét chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta cần nghiên cứu hai vấn đề:

– Thu đắc chủ quyền bằng chiếm hữu.

– Thu đắc chủ quyền theo thời hiệu.

Thụ đắc chủ quyền bằng chiếm hữu

Trong những hình thức thụ đắc chủ quyền lãnh thổ, trước hết phải kể đến thụ đắc chủ quyền bằng chiếm hữu, tức là sự thụ đắc một vùng lãnh thổ vô chủ, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Đến nay, khi những vùng lãnh thổ vô chủ hầu như không còn nữa, sự thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu đã mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Song nguyên tắc này vẫn được vận dụng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ để chứng minh hay làm cơ sở chứng minh các quyền của một quốc gia với một vùng lãnh thổ nhất định.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, sự chiếm hữu đã trải qua hai giai đoạn: Chiếm hữu tượng trưng và chiếm hữu thực sự.

Xuất hiện cùng với những phát kiến địa lý vĩ đại, sự chiếm hữu một thời gian dài mang tính chất hình thức. Từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 18, thuyết về quyền khám phá trước tiên và chiếm hữu tượng trưng được chấp nhận. Nhưng từ thế kỷ 19, thuyết chiếm hữu thực sự lại trở thành cốt lõi của nguyên tắc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.

Ngày nay, trong luật pháp và tập quán quốc tế, người ta cho rằng chỉ có nguyên tắc chiếm hữu đầu tiên, thực sự, rõ ràng đối với đất vô chủ là có giá trị đem lại chủ quyền lãnh thổ cho quốc gia. Hành động chiếm hữu này phải là hành động của nhà nước. Đất vô chủ phải là đất không nằm trong hệ thống địa lý hành chính của một nước nào. Những vùng đất đã được biên chế chính thức vào hệ thống địa lý hành chính của một nước, dù vùng đất đó có hay không có đại diện thường trực tại chỗ của nhà nước, cũng không thể coi là đất vô chủ. Việc chiếm hữu bằng vũ lực, bằng hành động chiến tranh những vùng đất đã có chủ không bao giờ làm thay đổi được chủ quyền lãnh thổ.

Nguyên tắc chiếm hữu tượng trưng

Từ đầu thế kỷ 14, với sự phát triển của ngành hàng hải, những cuộc vượt biển đi tìm đất mới ngày một nhiều, đã thu hút sự chú ý của những người đứng đầu các vương quốc hùng mạnh. Sự kiện tìm ra quần đảo Canary năm 1130 của đoàn thủ thủ Tây Ban Nha; đoàn thủy thủ Pháp cập bờ biển Châu Phi… đã thúc đẩy hàng loạt các cuộc thám hiểm đưởng biển khác. Năm 1480, những người Bồ Đào Nha đến mũi cực nam Châu Phi; 17 năm sau đó, Vasco da Gama đi vòng qua Châu Phi đến Ấn Độ bằng đường biển. Năm 1492, Christopher Columbus lần đầu tiên đặt chân lên lục địa Châu Mỹ; 3 năm sau đó, Giovanni Cabot tìm ra Bắc Mỹ và vùng Đất mới; năm 1499, Pedro Alvares Cabral đến bờ biển Nam Mỹ. Đầu thế kỷ 16, đoàn thuyền của Ferdinand Magellan lần đầu tiên hoàn thành cuộc viễn du vòng quanh thế giới. Những cuộc thám hiểm ly kỳ hấp dẫn ấy càng lôi cuốn nhiều người đi tìm và làm chủ những vùng đất mới. Năm 493, Giáo hoàng La Mã Alexander VI ra sắc lệnh công nhận tất cả các vùng đất đã tìm thấy và sẽ tìm thấy cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước đứng đầu hai dòng đạo Thiên chúa, theo một đường ranh giới khép kín vòng qua hai cực trái đất, cách phía tây quần đảo Cape 100 dặm.

Đặc quyền không thể chấp nhận này đã bị rất nhiều nước phản đối, nhất là Anh, Pháp, Hà Lan, những nước đang ra sức phát triển các đội chiến thuyền đi xâm chiếm thuộc địa để mở mang đế quốc. Họ đòi điều kiện chủ yếu của việc chiếm hữu lãnh thổ vô chủ phải là quyền khám phá trước tiên. Theo quan điểm này, một quốc gia qua trung gian của mình là một đội thuyền buôn, nếu cắm được cờ nước mình trước tiên lên một hòn đảo hay bờ biển hoang vắng, hoặc có khi chỉ cần nhìn thấy qua ống nhòm hay kính viễn vọng là viên thuyền trưởng đã có thể tuyên bố quyền chiếm hữu đầu tiên và chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ đó. Người ta dễ dàng nhận thấy hậu quả của thuyết này sẽ không dẫn đến đâu nên chẳng bao lâu sau, nó bị bác bỏ.

Sau khi luật gia người Hà Lan Grotius đã vận dụng những khái niệm về quyền sở hữu tài sản trong luật La Mã vào lĩnh vực chủ quyền lãnh thổ và thuyết về quyền chiếm hữu tượng trưng đã ra đời.

Thuyết này đòi hỏi nhà thám hiểm phải đổ bộ lên đảo hay bờ biển và phải lưu lại bằng chứng cứ về việc mình đã đặt chân lên nơi đó, kèm theo một tuyên bố của nhà nước về sự khởi đầu quyền sở hữu. Như vậy phải có hai điều kiện:

Một là, điều kiện vật chất (corpus) nghĩa là phải có sự tiếp xúc vật chất giữa người chiếm hữu và đối tượng bị chiếm hữu.

Hai là, điều kiện tinh thần (animus remsibihaendi) nghĩa là người chiếm hữu phải biểu thị bằng hành động ý chí của mình muốn chiếm hữu lãnh thổ ấy.

Hai điều kiện đó là đủ để một vùng đất vô chủ được coi là thuộc chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đã phát hiện ra nó mà không cần thiết lập sự kiểm soát trên thực tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới