Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu ngầm - Mối nguy tiềm ẩn cho an ninh biển Đông

Tàu ngầm – Mối nguy tiềm ẩn cho an ninh biển Đông

Cùng với việc một loạt các nước ASEAN công khai ý định mua sắm tàu ngầm cho mục đích quốc phòng thì an ninh, an toàn Biển Đông cũng phải đối mặt với nguy cơ tai nạn, va chạm do các con tàu giấu mặt này gây ra khi mà chưa có một thỏa thuận nào về quản lý mặt biển và cứu hộ tàu ngầm được xây dựng.

An ninh Biển Đông đang tiềm ẩn mối nguy từ những con tàu ngầm ngày càng đông đúc, với tầm hoạt động và mức công phá ngày càng lớn. Nguy cơ này được Tư lệnh Hải quân Singapore, Đô đốc Lai Chung Han chỉ ra tại Hội thảo về tàu ngầm và an ninh biển quốc tế trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2015 (IMDEX Asia 2015) diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua.

Tại vùng biển mà Đô đốc Lai Chung Han gọi là “huyết mạch” này, bên cạnh những con tàu vận tải thương mại mỗi năm chuyên chở đến 5.000 tỉ USD hàng hóa đi qua, còn có những giàn khoan khổng lồ và các tuyến cáp quang biển trọng yếu, các tàu cá hoạt động ngày đêm. Hoạt động của những con tàu giấu mặt, vì vậy, trở thành một mối nguy, đặc biệt tại một số khu vực nước nông.

Nhưng quan trọng hơn, theo các chuyên gia, sự gia tăng số lượng tàu ngầm ở mức chóng mặt, kèm với các loại vũ khí tối tân được mang theo, trong hành trình bí ẩn ở độ sâu hàng trăm mét đã và đang đặt ra nguy cơ không chỉ đối với các tài sản trên biển, mà cả an ninh của các quốc gia ven bờ cách hàng trăm dặm.

Chạy đua sắm tàu ngầm

Chuyên gia quân sự Richard Bitzinger từ Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) chỉ ra rằng cách đây 15 – 20 năm, các nước Đông Nam Á không hề có lấy một chiếc tàu ngầm. Nhưng nay, hầu hết đều trang bị phương tiện này. Singapore mua 6 tàu ngầm cũ từ Thụy Điển và vừa thông báo mua thêm 2 tàu mới Type-218S từ Đức; Malaysia vừa nhận 2 tàu ngầm do Pháp đóng; Indonesia sắp nhận ít nhất 3 tàu đặt mua của Hàn Quốc; trong khi đó Thái Lan cũng đã công khai ý định mua sắm tàu ngầm, từ 2-3 chiếc trong ngân sách quốc phòng 2016 để bù đắp sự thiếu vắng loại khí tài này trong hơn 60 năm qua. Philippines cũng đang xúc tiến việc chọn mua tàu. Theo Diplomat, ngày 17/12/2014, Phó Tư lệnh Hải quân Philippines – ông Caesar Taccad nói rằng nước này cần ít nhất 2 -3 tàu ngầm để tăng khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo trước một Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt tại Biển Đông.

Như vậy, đến nay ngoài Hải quân Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam đã có lực lượng tàu ngầm, Thái Lan và Philippines cũng bắt đầu gia nhập cuộc đua sắm khí tài lợi hại này. Theo ông Lai Chung Han dự đoán, đến năm 2020, vùng biển châu Á – Thái Bình Dương sẽ có khoảng 130 tàu ngầm điện – diesel hoạt động. Còn Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) thì cho biết: chi tiêu quốc phòng các nước ASEAN tăng hơn gấp đôi từ năm 2013 so với năm 2000, từ 15,7 tỉ USD lên 34,9 tỉ USD.

Giữa lúc các quốc gia trong vùng đều tăng cường trang bị và nâng cấp đội tàu ngầm của mình, mối lo an ninh đến từ Trung Quốc được chú ý hơn cả. Hồi tháng 4/2015, Hải quân Trung Quốc thông báo đưa vào sử dụng 3 tàu ngầm mới và hiện đại vượt bậc so với đội tàu ngầm mà nước này từng sở hữu từ thập niên 1970. Vận hành bằng năng lượng hạt nhân, 3 tàu ngầm tấn công Type-093G được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-18, có khả năng tiêu diệt cả hàng không mẫu hạm.

Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc.

Tờ The Independent cho hay hồi tháng 2/2015, Phó đô đốc Joseph Mulloy của hải quân Mỹ báo cáo với Quốc hội nước này rằng hiện Trung Quốc đang vận hành số lượng tàu ngầm tấn công nhiều hơn quân đội Mỹ, đồng thời mở rộng nhanh chóng phạm vi hoạt động. “Họ đang triển khai nhiều tàu ngầm khá ấn tượng. Hiện họ cũng đã đưa 3 tàu ngầm ra Ấn Độ Dương và bành trướng ở những nơi tàu ngầm đi tới” – trang Military.com trích lời ông Mulloy. Không ai biết rõ hiện tại quân đội Trung Quốc có bao nhiêu tàu ngầm và hoạt động của chúng ra sao.

Cần một bộ quy tắc an toàn

Nhận xét về tình hình Biển Đông năm 2015 và sự phát triển lực lượng tàu ngầm trong khu vực này, ông Yoji Koda – cựu Tư lệnh Lực lượng hải quân Cơ quan phòng vệ biển Nhật Bản viết trên Defense News ngày 2/4/2015 rằng: hai trong số những yếu tố quan trọng sẽ định hình các vấn đề an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2015 là sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và sự phát triển của lực lượng tàu ngầm các nước trong khu vực.

Và theo ông Koda, khi Hải quân trong khu vực Biển Đông phát triển ồ ạt lực lượng tàu ngầm của họ, nổi lên 2 vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Một là khung pháp lý về quản lý không gian mặt nước – yêu cầu tiên quyết để đảm bảo sự di chuyển an toàn của các tàu ngầm hoạt động ở Biển Đông. Hai là, khi số lượng tàu ngầm hoạt động gia tăng, thì nguy cơ tai nạn cũng tăng lên. Các nước có tàu ngầm phải có trách nhiệm thiết lập khả năng cứu hộ tàu ngầm của mình, việc thiết lập cơ chế cứu hộ tàu ngầm đa quốc gia cũng quan trọng không kém. Thật không may là hiện tại chưa có khung pháp lý nào cho mục đích này cũng như chưa có mấy nước quan tâm đến vấn đề cứu hộ tàu ngầm.

Cùng một quan ngại như ông Yoji Koda, Đô đốc Lai Chung Han cảnh báo: “Giữa lúc những con tàu hoạt động bí ẩn xuất hiện ngày càng nhiều, khiến không gian biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông trở nên quá chật chội thì ở đây lại hoàn toàn thiếu vắng một bộ quy tắc hoạt động tàu ngầm an toàn mà khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thiết lập từ nhiều thập niên trước. Điều đó chỉ ra rằng, khu vực quanh Biển Đông đang thiếu vắng niềm tin”. Vì vậy, trong tư cách một Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Lai Chung Han đề xuất các nước trong khu vực cần xem xét một bộ 4 giải pháp, bao gồm: xây dựng lòng tin bằng cách chia sẻ những thông tin “không thuộc hàng nhạy cảm” giúp kiểm soát mặt biển tốt hơn và tăng cường an toàn các phương tiện giao thông ngầm; thiết lập các luật lệ vận hành tàu ngầm; tăng cường hợp tác như một thói quen và tiến tới xây dựng một bộ quy tắc hoạt động tàu ngầm, dựa theo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đang xây dựng.

RELATED ARTICLES

Tin mới