Một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho hay, Washington muốn duy trì mối quan hệ ngoại giao hòa hợp ở mức cao với Bắc Kinh, nhưng Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề Mỹ sẽ không bao giờ nhượng bộ Trung Quốc.
Tàu chiến của hải quân Mỹ.
Bình luận trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lời qua tiếng lại vì cuộc chiến thương mại giữa hai nước ngay trong hội nghị cấp cao APEC diễn ra ở Papua New Guinea. Căng thẳng Mỹ – Trung cũng là nguyên nhân khiến lần đầu tiên, APEC không thể đưa ra được tuyên bố chung sau hội nghị.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 19/11, tại Hong Kong, ông Patrick Murphy từ Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong bối cảnh bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Washington vẫn muốn duy trì mối quan hệ ngoại giao hòa hợp ở mức cao cả trong các cuộc đối thoại song phương và đa phương với Bắc Kinh.
Ông Murphy là một trong những quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tháp tùng Phó Tổng thống Pence tới châu Á hồi tuần trước. Theo ông Murphy, Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề mang tính thách thức lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, Bắc Kinh chính là bên chịu trách nhiệm cho việc làm phức tạp hóa và bất đồng sâu sắc với Washington liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
“Mối quan ngại của Mỹ về vấn đề Biển Đông và Đài Loan chính là việc Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng hàng thập niên qua ở Biển Đông và Đài Loan. Hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng thêm căng thẳng và phức tạp thêm quan hệ với Mỹ. Làm sao chúng tôi có thể đối thoại với Trung Quốc khi Bắc Kinh lại đang xây dựng, cải tạo và quân sự hóa trái phép. Hành động của Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin của Mỹ”, ông Murphy nói.
Tuyên bố của ông Murphy liên quan tới việc Trung Quốc trái phép cải tạo và xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông đồng thời huy động binh sĩ cùng vũ khí tới những khu vực này.
“Quan điểm của Mỹ vẫn duy trì suốt nhiều thập niên qua và cùng lên tiếng với cộng đồng quốc tế khuyến cáo Trung Quốc không nên thay đổi hiện trạng bởi hành động thay đổi hiện trạng sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng và nghi ngờ”, ông Murphy nói thêm.
Trong thời gian qua, các vụ đối đầu quân sự giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông có dấu hiệu gia tăng. Dù Mỹ khẳng định việc hải quân nước này điều động tàu chiến tới Biển Đông là nhằm mục đích đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, Trung Quốc vẫn cáo buộc việc làm của Mỹ là vi phạm chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ở Biển Đông.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tăng cường sự hiện diện ở eo biển Đài Loan. Trong khi, Bắc Kinh chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục nếu cần thiết, thì kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra những quyết sách mang tính tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Cụ thể, hồi tháng Ba, ông Trump đã ký Đạo luật Đi lại với Đài Loan nhằm mở đường cho các quan chức cấp cao Mỹ tới thăm Đài Bắc. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và khẳng định Washington vi phạm “chính sách một Trung Quốc” đồng thời cáo buộc quyết định của Trump làm ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ – Trung.
Cũng trong năm ngoái, ông Trump còn cho công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo một số chuyên gia, động thái của Mỹ nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Song theo ông Murphy, chiến lược này không hề nhắm tới “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hay nhằm kiềm chế Trung Quốc.
“Đây không phải là chính sách về Trung Quốc càng không phải là chính sách nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính sách của Mỹ là tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia có được cơ sở hạ tầng cần thiết”, ông Murphy chia sẻ.
Liên quan tới “Bộ Tứ kim cương” gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, ông Murphy cho hay liên minh này “không tập trung vào các vấn đề quân sự” mà là một nền tảng đa cấp độ chia sẻ những mối quan tâm chung và lợi ích giữa 4 quốc gia.