Nhằm tạo đà để chiến tranh thương mại có thể kết thúc bằng cuộc gặp Trump – Tập, Trung Quốc cho tàu sân bay Mỹ cập cảng Hong Kong.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm cảng Hong Kong ngày 21/11. Ảnh: AFP.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng nhóm tàu hộ tống ngày 21/11 cập cảng Hong Kong, hai tháng sau khi Bắc Kinh từ chối cho tàu đổ bộ tấn công USS Wasp thăm cảng ở đặc khu này.
“Đây là một cử chỉ thân thiện của Trung Quốc trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump ở Argentina” bên lề hội nghị G20 vào cuối tháng này, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming nhận xét, theo SCMP.
“Tất cả mọi người ở Trung Quốc đều đang hy vọng về một ‘lệnh ngừng bắn’ sau khi hai lãnh đạo gặp nhau tại Buenos Aires trong hai tuần nữa, bởi vì thương mại đã đem lại những lợi ích kinh tế to lớn”.
Mỹ áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khiến Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ. Căng thẳng thương mại cũng lan sang cả quân sự. Ngày 30/9, một tàu Trung Quốc đã áp sát chiến hạm Mỹ ở Biển Đông, có thời điểm chỉ cách mũi tàu Mỹ khoảng 40 m, khiến nó phải đổi hướng để tránh va chạm.
Nhà quan sát quân sự tại Macau Antony Wong Dong nhận xét việc Trung Quốc cho phép tàu USS Ronald Reagan thăm cảng là “dấu hiệu tốt” cho thấy Bắc Kinh đã linh hoạt hơn trong lĩnh vực ngoại giao quân sự.
Chỉ huy quân đội Trung Quốc tại Hong Kong Tan Benhong cùng một số sĩ quan Bắc Kinh ngày 20/11 được mời lên thăm USS Ronald Reagan khi nhóm tàu đang trên đường tới Hong Kong. Các quan chức Trung Quốc và nhóm phóng viên địa phương được đưa lên tàu bằng vận tải cơ C-2 và quan sát biên đội chiến đấu cơ F-18 diễn tập cất, hạ cánh.
Li Jie, nhà phân tích hải quân tại Bắc Kinh, cho rằng đây là một “cơ hội rất hiếm” để quan chức quân đội cấp cao Trung Quốc xem tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể giúp 4 chiến đấu cơ đồng loạt cất cánh bằng các máy phóng hơi nước như thế nào.
“Việc Trung Quốc đồng ý cho Mỹ cập cảng và lời mời của hải quân Mỹ với tướng Tan cho thấy cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều nhận ra rằng quan hệ Mỹ – Trung có thể tiếp tục căng thẳng nhưng họ không muốn nó sụp đổ hoàn toàn”, Li nói, nhận xét thêm rằng chuyến thăm tàu của ông Tan cho thấy hai quân đội có “niềm tin chính trị”.
“Trao đổi quân sự cấp cao chỉ có thể được duy trì nếu có quan hệ chính trị và ngoại giao ổn định”, ông nói.
Ngoài ra, Li cho rằng cũng có khả năng hải quân Mỹ muốn sử dụng cơ hội này để thể hiện sức mạnh quân sự, cho các quan chức Trung Quốc thấy rằng họ vẫn còn rất khó có thể bắt kịp Mỹ trong công nghệ tàu sân bay.
Bắc Kinh và Washington đã có một số động thái tránh làm trầm trọng bầu không khí trước cuộc gặp Trump – Tập. Tuần trước, ông Tập và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có những bài phát biểu công kích lẫn nhau tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Khi Bộ ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phản bác ông Pence, họ chỉ nhằm vào các ngôn từ trong phát biểu của Phó tổng thống Mỹ mà tránh đề cập đến chính quyền Trump hay Trump.
Trump cũng giảm đáng kể các bài đăng trên Twitter về Trung Quốc. Ông đã không đăng Twitter về cuộc chiến thương mại kể từ ông điện đàm với ông Tập hồi đầu tháng này. Tổng thống Mỹ ngày 16/11 nói rằng ông có thể không áp thêm thuế với hàng hoá Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gửi cho Washington danh sách những biện pháp sẵn sàng thực hiện để giải quyết căng thẳng thương mại.
“Thật khó đoán được kết quả của hội nghị thượng đỉnh Trump – Tập”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói. “Hy vọng lạc quan nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng ý ngừng chiến tranh thương mại”.