Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiều từng khiến Mỹ thất bại đau đớn đã trở thành điểm...

Điều từng khiến Mỹ thất bại đau đớn đã trở thành điểm yếu chết người của QĐ TQ?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, điểm yếu này, và một số “căn bệnh khác”, đã khiến Quân đội Trung Quốc (PLA) trở thành “hổ giấy”.

Quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung Vostok-2018 với Nga.

Tháng 2/1943, quân đội Mỹ đã hứng chịu một thất bại bẽ bàng trong trận giao tranh quy mô lớn đầu tiên của họ với lực lượng Đức thời Thế chiến II. Tại Kasserine Pass, Tunisia, Mỹ đã phải trả giá cho sự thiếu kinh nghiệm của mình bằng mạng sống của khoảng 6.500 lính.

Bằng trực giác, người ta dễ thấy kinh nghiệm sẽ mang lại cho quân đội một số lợi thế nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi “bao nhiêu kinh nghiệm là đủ?” vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Ngay cả cụm từ “kinh nghiệm tác chiến” cũng ẩn chứa nhiều mơ hồ.

Hiện nay, quân đội Trung Quốc đang có trong tay một kho vũ khí công nghệ cao ngày càng ấn tượng, nhưng năng lực vận hành, sử dụng những vũ khí và khí tài này của họ vẫn chưa rõ ràng.

Có rất nhiều lý do để nghi ngờ điều đó, bởi quân đội Trung Quốc (PLA) đang phải đấu tranh với nạn tham nhũng lan tràn, trong khi có hệ thống chỉ huy lạc hậu, và còn nhiều vấn đề khác.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương – đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết từng vấn đề một, đồng thời tăng cường năng lực cho quân đội Trung Quốc để chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Kể từ năm 2016, chương trình cải tổ và một số chương trình cải cách khác đã có đà đi lên.

Tuy nhiên, có một thiếu sót dễ thấy của PLA là kinh nghiệm chiến đấu. Cho đến hiện tại, giới quân sự Trung Quốc, cũng như các chuyên gia phân tích nước ngoài vẫn chưa thể xác định được điều đó sẽ ảnh hưởng tới quân đội Trung Quốc như thế nào.

Không được thử nghiệm chiến đấu, khả năng tác chiến của PLA không được chứng minh. Giới chức Trung Quốc đã nhận thức được điều này vào đầu năm nay, khi tờ PLA Daily – cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, mô tả một thứ gọi là “căn bệnh hòa bình”.

PLA Daily cảnh báo rằng, nhiều thập kỷ sống trong hòa bình và thịnh vượng đã làm trầm trọng thêm căn bệnh tham nhũng và làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc.

Tương tự, hồi tháng 6 năm nay, Trung tướng Trung Quốc He Lei cho biết, nuối tiếc lớn nhất của ông trước khi về hưu là chưa từng được tham gia một cuộc chiến nào – điều này đã trở thành luận điểm được các nhà bình luận Mỹ và Ấn Độ dựa vào để đi đến kết luận rằng: Thiếu kinh nghiệm tác chiến là điểm yếu lớn nhất của quân đội Trung Quốc.

Một số chuyên gia khác còn đẩy vấn đề đi xa hơn khi tuyên bố sự thiếu kinh nghiệm và các “căn bệnh” khác đã khiến PLA trở thành “hổ giấy”.

Bản phân tích có phần khách quan hơn do nhà bình luận Dennis Blasko (người đã có thời gian dài nghiên cứu về PLA) đưa ra cho rằng “việc đào tạo qua sách vở hay thậm chí từ từ cải thiện chương trình huấn luyện cũng không thể so sánh được với ý nghĩa đặc biệt mà một đợt triển khai mở rộng trong vùng chiến đấu mang lại”.

Bất đồng với quan điểm này, tờ People’s Navy – cơ quan ngôn luận chính thức của Hải quân Trung Quốc đã bác bỏ điều đó, viện dẫn một số ví dụ, trong đó các đội quân dày dạn đã thất bại trước những đối thủ ít kinh nghiệm hơn.

Một số nhà bình luận phương Tây chỉ ra rằng, cả quân đội Mỹ và Trung Quốc đều không tham gia vào cuộc chiến lớn với đối thủ tương xứng nào kể từ sau Thế chiến II, điều đó làm dấy lên nhiều câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của sự thiếu kinh nghiệm tác chiến.

Kinh nghiệm chiến đấu quan trọng như thế nào?

Cuộc tranh luận về mức độ quan trọng của kinh nghiệm chiến đấu đối với PLA thường trộn lẫn hai vấn đề liên quan nhưng khác biệt với nhau.

Đầu tiên là: Sự thiếu kinh nghiệm tác chiến ảnh hưởng tới hiệu quả chiến đấu tiềm năng của PLA tới mức nào? Thứ hai là sự thiếu kinh nghiệm này ảnh hưởng như thế nào tới kết quả tiềm năng của một cuộc chiến mà Trung Quốc tham gia?

Ngay cả khi không có kinh nghiệm chiến đấu thì chương trình huấn luyện cũng là một vấn đề. Nhiều minh chứng cho thấy những binh lính được giáo dục tốt hơn sẽ dễ huấn luyện hơn, tinh thông hơn trong việc vận hành và bảo dưỡng các loại khí tài tinh vi, cũng như hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp tốt hơn.

Những đơn vị quân đội được huấn luyện tác chiến thực tiễn (bối cảnh huấn luyện mô phỏng điều kiện chiến đấu thực) có xu hướng chiến đấu tốt hơn nhiều so với những đơn vị không được áp dụng hình thức tương tự.

Chẳng hạn, sau khi Hải quân Mỹ thành lập Trường Vũ khí Chiến đấu Hải quân vào năm 1969 để tiến hành chương trình huấn luyện thực tiễn và nghiêm khắc hơn, các phi công của họ đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Các nhân tố xã hội, văn hóa và chính trị cũng tác động tới kết quả của cuộc chiến. Tuy nhiên, những quân đội chịu ít sự can thiệp của giới chức chính trị có xu hướng thích ứng trên chiến trường tốt hơn những lực lượng mà quyết định của họ bi chi phối bởi các mục đích chính trị.

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm chiến đấu trong việc nâng cao mức độ sống sót và hiệu quả tác chiến của binh lính.

Tuy nhiên, kinh nghiệm chiến đấu không tự động chuyển thành lợi thế quân sự. Quân đội đòi hỏi phải có các thể chế, tiến trình và quy trình để họ có thể rút ra được những bài học đúng đắn từ thực tiễn chiến đấu, từ đó nâng cao hiệu quả tác chiến.

Các viện nghiên cứu và học viện quân sự có thể giúp hệ thống hóa những bài học này thành học thuyết cấp cao hơn hoặc từ đó phát triển các loại vũ khí, công nghệ đáng gờm hơn.

Các học giả lưu ý rằng, sự thích nghi cao độ và sự đáng gờm của quân đội Đức trong Thế chiến II có được một phần là nhờ những phân tích sâu rộng và kỹ lưỡng các bản đánh giá kết quả sau khi chiến đấu của họ, cũng như do họ sẵn sàng thực hiện các thay đổi được rút ra.

Nói tóm lại, một mình yếu tố “kinh nghiệm tác chiến” không thể đảm bảo ưu thế trên chiến trường – bài học đau đớn mà một quân đội dày dạn nhưng kém cỏi như Iraq đã học được trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Kinh nghiệm chỉ là một trong nhiều nhân tố đóng góp vào hiệu quả chiến đấu. Những quân đội làm chủ được các biến số khác, như quân đội Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh, có thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Ngoài ra, việc làm chủ được các yếu tố khác có thể giúp quân đội khai thác được lợi thế của mình từ kinh nghiệm chiến đấu nhanh hơn và sâu rộng hơn.

Trong trường hợp của Trung Quốc, PLA đã có những bước tiến ấn tượng khi nâng cao cấp độ đào tạo, thực tiễn huấn luyện và tăng cường mức độ sẵn sàng toàn diện để mở rộng phạm vi nhiệm vụ.

Sau màn thể hiện “thảm họa” trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, PLA đã xem xét lại phương thức tiến hành các chiến dịch tương tự. Kết quả là, với sự thay đổi này, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã hoạt động hiệu quả hơn nhiều trong các chiến dịch cứu trợ sau đó.

PLA cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm trong các chiến dịch phi chiến đấu. Chẳng hạn, kể từ năm 2008, Hải quân Trung Quốc đã triển khai lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển gần Sừng châu Phi.

Ngoài ra, PLA đã tăng cường tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc trên khắp thế giới, và triển khai tiểu đoàn bộ binh tới Nam Sudan vào năm 2015. PLA cũng tích cực tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Năm 2011, hải quân Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch sơ tán lớn tại Syria một cách thành thạo.

PLA dường như đã nâng cao được mức độ sẵn sàng chiến đấu, nhưng tới mức nào thì còn chưa rõ. Nếu nổ ra chiến tranh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc vào những ghi nhận về hiệu quả tác chiến trong thời bình để đánh giá mức độ sẵn sàng toàn diện của PLA.

Kinh nghiệm tác chiến: Tầm quan trọng chiến lược

Kinh nghiệm tác chiến có thể ảnh hưởng tới hiệu quả chiến đấu của PLA ở cấp độ chiến dịch và chiến lược nhưng tầm quan trọng của nó có thể bị thổi phồng. Ở cấp độ chiến dịch, các yếu tố khác như chỉ huy, huấn luyện, chuẩn bị và động lực chiến đấu mang tính quyết định nhiều hơn đối với hiệu quả trên chiến trường.

Những điểm yếu ở các mặt này có vẻ sẽ khiến hiệu quả chiến đấu của PLA suy yếu nhiều hơn là sự thiếu kinh nghiệm.

Ở cấp độ chiến lược, cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ (nếu nổ ra) sẽ là một cuộc chiến cường độ cao mà không bên nào có kinh nghiệm cả. Với sự chuẩn bị đầy đủ và được lên kế hoạch kỹ lưỡng, cũng như gặp điều kiện thuận lợi, thì Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm ưu thế trong trận giao tranh đầu tiên.

Tuy nhiên, điều đó có lẽ sẽ không chấm dứt cuộc chiến. Các lực lượng Mỹ sẽ sử dụng những lợi thế đáng gờm của họ để thích nghi và nâng cao hiệu quả chiến đấu trong các trận giao tranh tiếp theo.

Việc Trung Quốc có thực hiện đủ nỗ lực để vượt qua những khoảng cách lớn trong chất lượng chỉ huy, huấn luyện, phối hợp và các nhân tố khác hay không sẽ đóng vai trò quan trọng nếu xung đột nổ ra.

Song ngay cả khi đó, kết quả cuối cùng của cuộc chiến trường kỳ giữa hai cường quốc có vẻ sẽ được định đoạt bởi các yếu tố khác ngoài các tướng lĩnh và đô đốc, chẳng hạn như sức mạnh kinh tế, yếu tố chính trị và tinh thần dân tộc.

RELATED ARTICLES

Tin mới