Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVề khả năng TQ triển khai vũ khí laser mới ở Biển...

Về khả năng TQ triển khai vũ khí laser mới ở Biển Đông

Hệ thống vũ khí laser LW-30 có thể phát hiện máy bay không người lái (UAV), ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch. Hệ thống này có thể được triển khai trên khu vực cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.

Xe chiến đấu gắn pháo laser trong tổ hợp LW-30 của Trung Quốc

Trung Quốc quảng bá vũ khí laser thế hệ mới

Truyền thông Trung Quốc cho biết, tại Triển lãm Hàng không Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) lần đầu công bố tổ hợp vũ khí laser LW-30 mới. CASIC cho biết LW-30 được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các UAV, các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km. LW-30 có thể hoạt động độc lập hoặc được tích hợp vào các hệ thống vũ khí phòng không truyền thống của quân đội Trung Quốc. Tổ hợp LW-30 bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ.

Trung Quốc gần đây đầu tư nhiều vào phát triển vũ khí laser trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị quân sự. Một số mẫu vũ khí laser đã được Trung Quốc giới thiệu như súng laser, hệ thống vũ khí laser công suất thấp Guard-I chuyên diệt UAV, hệ thống vũ khí laser năng lượng cao Silent Hunter.

Về khả năng Trung Quốc sẽ khiển khai tổ hợp vũ khí laser LW-30 ở Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu (11/11) dẫn lời chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng LW-30 đặc biệt thích hợp với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu bay thấp, chậm và có kích thước nhỏ (LSS), vốn được các nhóm vũ trang sử dụng để mang theo thuốc nổ và chất phóng xạ. Hệ thống vũ khí laser LW-30 có thể phát hiện máy bay không người lái (UAV), ngăn chặn hoạt động trinh sát chiến thuật và tấn công đường không của kẻ địch. Hệ thống này có thể được triển khai trên khu vực cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và các đảo ở Biển Đông.

Điểm lại một số vũ khí laser của Trung Quốc

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã phát triển nhiều mẫu vũ khí laser từ công suất thấp đến cao, có thể bắn hạ máy bay không người lái, phá hủy cảm biến hay gây mù mắt. Công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao. Dưới đây là một số vũ khí laser chiến thuật mới được Trung Quốc tiết lộ trong những năm gần đây.

Guard-I là hệ thống vũ khí laser công suất thấp có thể triển khai trên xe kéo hoặc trên mặt đất. Nó bắn đi tia laser có công suất 10 kW, có thể bao phủ khu vực rộng 12 km2. Hệ thống vũ khí laser này có thể bắn hạ hơn 30 loại phương tiện bay cỡ nhỏ, với tỷ lệ thành công tới 100% trong các thử nghiệm. Theo một báo cáo vào năm 2014, Guard-I có thể bắn hạ máy bay không người lái (UAV) ở cự ly 2 km, độ cao 500 m, trong thời gian 5 giây. Hệ thống được phát triển bởi Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc vì mục đích an ninh xung quanh các sự kiện lớn tại đô thị.

Silent Hunter là hệ thống  được sử dụng để bảo vệ hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hàng Châu vào năm 2016. Hệ thống bắn ra tia laser có công suất từ 30-100 kW, phạm vi 4 km. Theo nhà phát triển China Poly Technologies, tia laser bắn ra từ hệ thống có thể cắt tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, hay xuyên thủng 5 tấm thép dày 2 mm đặt cạnh nhau ở cự ly 800 m. Silent Hunter được giới thiệu công khai lần đầu tại triển lãm hàng không Nam Phi năm 2016.

Guorong-Ilà hệ thống vũ khí laser được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái. Hệ thống gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang-điện tử và tia laser năng lượng cao có thể bắn hạ UAV chỉ vài giây từ khoảng cách hàng trăm mét. Hệ thống này được phát triển bởi Công ty công nghệ Guorong, thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Light Shield là hệ thống phòng thủ laser lắp trên các phương tiện cơ giới. Nó được thiết kế để phá hỏng hệ thống cảm biến quang-điện trên máy bay hoặc tên lửa. Hệ thống được phát triển bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Hệ thống gồm cảm biến phát hiện, nhận dạng mục tiêu và máy phát laser để làm hỏng hoặc phá hủy cảm biến. Nó đã được lắp đặt trên một số xe bọc thép của quân đội Trung Quốc và được công bố tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014.

Vũ khí laser cá nhân cũng được phát triển với công suất thấp, được sử dụng để làm lóa hoặc gây mù mắt đối phương ở cự ly gần, hay làm hỏng thiết bị nhìn đêm của đối phương. Thời báo Hoàn Cầu từng tiết lộ 4 loại súng laser gồm, BBQ-905, WJG-2002, PY132A và PY131A.

Nếu Trung Quốc triển khai phi pháp hệ thống vũ khí laser LW-30 ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm

Trong bối cảnh Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động trên của Bắc Kinh là đi ngược lại cam kết không quân sự hóa, không chạy đua vũ trang trong khu vực do chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Nếu Trung Quốc tiếp tục ngoan cố, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để triển khai phi pháp hệ thống vũ khí laser LW-30 ở Biển Đông sẽ là hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm, có khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng xảy ra xung đột quân sự trong khu vực.

Không những vậy, nếu Trung Quốc đơn phương triển khai hệ thống vũ khí laser LW-30 ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép) sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động (triển khai vũ khí, quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

RELATED ARTICLES

Tin mới