Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ bắt đầu mạnh tay vì vụ sếp Huawei

TQ bắt đầu mạnh tay vì vụ sếp Huawei

Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ, Đại sứ Canada, đe dọa đáp trả không khoan nhượng.

Hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad nhằm bày tỏ phản đối với vụ bắt giữ “vô lý” bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei.

Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tuyên bố: “Hành động của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, và về bản chất là cực kỳ xấu”.

“Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối việc này, mạnh mẽ thúc giục Mỹ coi trọng lập trường của Trung Quốc và ngay lập tức có biện pháp sửa chữa việc làm sai trái và rút lại lệnh bắt giữ đối với các công dân Trung Quốc” – ông Lạc nhấn mạnh.

Đồng thời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ có những động thái tiếp theo “tùy vào những hành động của Mỹ”.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi ông Lạc triệu tập Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum để yêu cầu nước này ngay lập tức thả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu, nói rằng việc bắt giữ bà là “vô lương tâm và hèn hạ”.

Ông Lạc nhấn mạnh: “Động thái này phớt lờ luật pháp, thật vô lý, vô lương tâm và hèn hạ”.

Ông yêu cầu phía Canada thả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức, nếu không Ottawa sẽ phải “chịu trách nhiệm cho những hậu quả nghiêm trọng của vụ việc này”.

Dù chưa đề cập cụ thể Canada sẽ phải chịu trách nhiệm về điều gì, nhưng giới quan sát đã nghi ngờ đến khả năng Trung Quốc nhằm vào thương mại song phương.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada (sau Mỹ) với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 72,6 tỷ USD (năm 2017), trong đó mức thặng dư nghiêng về phía Trung Quốc (36,4 tỷ USD).

Nếu Canada vừa giúp Mỹ bắt giữ ái nữ Tập đoàn Huawei, lại vừa cấm cửa hãng điện thoại này trên thị trường trong nước, hậu quả sẽ còn lớn hơn.

Ít nhất hai công ty viễn thông đang là đối tác với Huawei: Telus Corp. và BCE Inc. sẽ chịu tổn thất hàng tỷ đô-la Canada (CAD).

Một CEO trong ngành viễn thông ước tính mức thiệt hại đối với riêng Telus đã lên tới 500 triệu- 1 tỷ CAD nếu Canada quay lưng với Huawei. Hãng Bell cũng có nguy cơ tổn thất hàng trăm triệu CAD.

Những con số trên phát sinh do để gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng di động, các hãng như Bell và Telus phải bóc tách và thay thế hàng chục ngàn ăngten.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang chưa có dấu hiệu tích cực nào, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu có thể sẽ khiến Bắc Kinh hành động mạnh tay hơn trong cuộc chiến công khai, cũng như có yêu sách nhiều hơn trong cuộc đàm phán với Mỹ.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu khiến giới doanh nhân của Mỹ và Trung Quốc có mối lo chung: họ có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu bởi chính quyền của cả hai nước.

Bà Mạnh Vãn Châu (phải) trong phiên điều trần xem xét quyền tại ngoại ở Vancouver ngày 7/12. Ảnh: AP.

Tập đoàn Huawei được ví là hiện thân mong muốn của Trung Quốc được công nhận trên toàn cầu như là một cường quốc công nghệ.

Vụ bắt giữ ái nữ Tập đoàn này liệu có thể khiến Bắc Kinh hành động mạnh tay với các đối tác kinh tế lớn của họ hay không?

Bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị cảnh sát bắt giữ hôm 1/12 tại Vancouver, Canada, theo yêu cầu của chính phủ Mỹ do bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Phiên điều trần xem xét khả năng được tại ngoại của bà Mạnh sẽ tiếp tục vào ngày 10/12.

RELATED ARTICLES

Tin mới