Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia vật lý của Đại học California, Berkeley, khoảng 1,6 triệu người ở Trung Quốc tử vong mỗi năm vì các bệnh tim, phổi và đột quỵ do tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là các phân tử bụi. Một số nghiên cứu trước đó cho thấy, số người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là từ một đến hai triệu người mỗi năm.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 13/8 trên tạp chí PLOS One chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là do khí thải từ quá trình đốt than để sản xuất điện và sưởi ấm. Trưởng nhóm nghiên cứu Robert Rohde cho biết, 38% người dân Trung Quốc sống trong bầu không khí mà theo đánh giá của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ là không tốt cho sức khỏe. “Đây thực sự là con số rất lớn. Một số khu vực có chất lượng không khí kém nhất là ở phía tây nam Bắc Kinh”, Rohde nói.
Dữ liệu gần đây nhất của Hiệp hội Phổi Mỹ chỉ ra rằng, Madera, bang Califorina là khu vực có nồng độ các hạt gây ô nhiễm không khí cao nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, 99,9% khu vực ở nửa phía đông Trung Quốc có nồng độ các hạt này còn cao hơn cả Madera. “Nói cách khác, hầu như toàn bộ người dân Trung Quốc đều phải sống trong bầu không khí ô nhiễm hơn so với Mỹ”, ông Rohde nói tiếp.
Trong một tài liệu năm 2010, EPA ước tính, khoảng 63 nghìn tới 88 nghìn người ở Mỹ tử vong vì ô nhiễm không khí. Không giống như Mỹ, tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc nghiêm trọng nhất là vào mùa đông, bởi người dân thường đốt than để sưởi ấm và điều kiện thời tiết khiến không khí bẩn tập trung gần mặt đất. Allen Robinson đến từ trường Đại học Carnegie Mellon cho biết, bầu không khí ở những khu vực từng bị ô nhiễm ở Mỹ đã trở nên trong lành sau khi chính quyền đưa ra những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp làm sạch bầu không khích, hạn chế sử dụng than đá sẽ góp phần làm giảm sự phát thải CO2 – một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính.