Cảng container Doraleh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp tế cho Camp Lemonnier – một căn cứ thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi.Mặc dù có diện tích rất nhỏ với số dân chưa đến một triệu người, nhưng Djibouti có sức ảnh hưởng lớn tới các chính sách của Mỹ tại châu Phi nhờ vị trí chiến lược của nước này.
Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm ba ngày đến Trung Quốc hồi tháng 11/2017.
Cố vấn Anninh Quốc gia Mỹ John Bolton vừa công bố chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại châu Phi. Ông đã đề cập đến cảng container Doraleh ở Djibouti và khẳng định cảng này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp tế cho căn cứ Camp Lemonnier. Ông Bolton lo ngại rằng, Trung Quốc đang lăm le giành quyền kiểm soát cảng này.
Có một so sánh nhỏ, diện tích Djibouti bé hơn so với bang New Jersey, nhưng quốc gia này có sức ảnh hưởng lớn tới các chính sách của Mỹ tại châu Phi nhờ vào vị trí hiểm yếu .
Nằm ở cực Nam của biển Đỏ, Djibouti nằm trên tuyến đường vận tải hàng hải kết nối châu Á với kênh đào Suez. Hằng ngày có khoảng 4,8 triệu thùng dầu được vận chuyển đến eo biển Bab el-Mandeb nằm sát Djibouti. Không chỉ có vậy Djibouti còn ở sát Yemen, nơi Mỹ đang hậu thuẫn các chiến dịch dẫn đầu bởi Ả Rập Saudi chống lại phong trào Houthi.
Tháng 10/2018 quân đội Mỹ công bố các bản hợp đồng tổng trị giá 240 triệu USD mở rộng cơ sở hạ tầng ở Camp Lemonnier. Việc mở rộngnày nhằm đáp ứng yêu cầu của máy bay vận tải lớn nhất của Không quân Mỹ.Theo tờ Washington Post (Mỹ), đây chỉ là một phần trong kế hoạch nâng cấp căn cứ Camp Lemonnier được Lầu Năm Góc công bố từnăm 2012.
Năm 2014, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama ký kết thỏa thuận thuê căn cứ Camp Lemonnier trong 30 năm với giá 63 triệu USD/năm.
Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng của Djibouti. Các gói đầu tư khổng lồ của Trung Quốc có thể biến Djibouti thành một phần quan trọng trong sáng chiến “Vành đai và Con đường” kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu của Trung Quốc.
Cũng từ đó, các khoản nợ của Djibouti đã gia tăng đáng kể và phần lớn trong số đó được cho là đến từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ rất lo ngại, đặc biệt là đối với cảng container Doraleh.
Cảng container Doraleh bắt đầu hoạt động vào năm 2008 theo mô hình liên doanh giữa Công ty DP World (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và chính phủ Djibouti. Tháng 2/2018, chính phủ Djibouti hủy thỏa thuận với DP World và 7 tháng sau, họ quốc hữu hóa cảng này. Vụ việc khiến Mỹ càng thêm lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc giành quyền kiểm soát cảng container Doraleh.
Ông Reuben Brigety, cựu đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Phi, khẳng định Djibouti đang “bơi” trong nợ Trung Quốc. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ sử dụng “đòn bẩy” này để ép chính phủ Djibouti trao quyền kiểm soát cảng container Doraleh cho một công ty Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo các nhà phân tích, Mỹ đang bị tụt hậu so với cả Nga và Trung Quốc tại khu vực Châu Phi. Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng tiềm lực kinh tế để thúc đẩy các lợi ích an ninh. Trung Quốc cũng xây một căn cứ quân sự tại Djibouti cách không xa căn cứ quan trọng của Mỹ. Điều đó khiến Washighton đặc biệt lo ngại về tương lai của căn cứ này và cho rằng Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động của quân nhân Mỹ từ đây.
Trung Quốc cũng đã xây dựng các con đường, đặt cáp quang và tham gia vào những dự án cơ sở hạ tầng lớn khác tại Djibouti.
Mỹ gờm Trung Quốc và lo xa cả với Nga. Trong thời gian qua Nga đã nhanh chóng vun đắp quan hệ trên khắp lục địa với việc cử các phái đoàn cấp cao đến Châu Phi để đàm phán về những hợp đồng bán vũ khí hay các thỏa thuận hợp tác quân sự. Vào tháng 9/2018, Nga đã công bố thỏa thuận xây dựng căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ và các công ty Nga cũng giành được những hợp đồng khai thác khoáng sản tại Sudan.
Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách gặt hái những lợi ích ngoại giao từ việc xây dựng quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước Châu Phi, bởi phiếu bầu của các nước này tại Liên hợp quốc có thể tạo sức nặng đối trọng với lá phiếu của Mỹ và các chính phủ phương Tây khác.
Hoạt động quân sự của Mỹ tại Châu Phi được đánh giá lại sau khi xảy ra vụ phiến quân Hồi giáo phục kích và sát hại bốn lính Mỹ tại Cộng hòa Niger vào tháng 10/2017. Trong những tháng gần đây, Mỹ cũng đang cân nhắc kế hoạch rút bớt các lực lượng đặc nhiệm tại Châu Phi trong khuôn khổ chiến lược “tối ưu hóa” của Bộ Quốc phòng. Các quan chức quốc phòng cho biết, kế hoạch vẫn chưa được phê chuẩn, kêu gọi cắt giảm 50% binh sỹ Mỹ tại Tây Phi.
Một quan chức Mỹ, đồng thời là chuyên gia về Châu Phi cho biết, việc cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà còn làm tổn hại quan hệ của Mỹ đối với chính phủ các nước Châu Phi và làm giảm khả năng thu thập thông tin tình báo của Washington.