Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam và đối đầu Mỹ-Trung (P2)

Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung (P2)

Theo giáo sư Graham Allison (tác giả của thuyết “bẫy Thucydides”), Washington cho rằng Bắc Kinh đã thách thức Mỹ nhiều năm nay, và đã đến lúc Mỹ phải đáp lại. Các Tổng thống trước đây (như Bill Clinton, George Bush, và Barack Obama) về cơ bản đã ngộ nhận về thách thức của Trung Quốc. Quan điểm của Pence phản ánh “một chiến lược nghiêm túc đang hình thành để đối đầu với Trung Quốc”. Cuộc xung đột này đang “diễn ra từng bước” mà “không có văn bản chiến lược cốt lõi nào”. Lời tố cáo độc địa nhất trong diễn văn của Pence là “Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ và tác động đến bầu cử giữa kỳ vào 20/11/2018”.

Graham Allison cho rằng, đối đầu giữa Trung Quốc (đang trỗi dậy) và Mỹ (đang bá chủ) có thể dẫn đến chiến tranh mà cả hai bên đều không muốn, và cả hai đều biết đối đầu có thể gây ra thảm họa còn lớn hơn cả Thế chiến I. Đó là tranh chấp quen thuộc, có thể tham khảo một số bài học trước đây. Nhưng lãnh đạo của cả hai nước chẳng thấy ai có kinh nghiệm thực tế để đối phó với một cuộc chiến tranh nóng giữa hai siêu cường. Vì vậy, họ cần nghiên cứu kinh nghiệm của các chính khách trước đây đã từng đối phó với các thử thách tương tự. Để chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn đó, phải có một bộ công cụ mới để đề phòng. Thứ nhất, phải nhận diện được các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. Thứ hai, phải làm bài tập tình huống giả định để tìm cách ứng phó. Thứ ba, phải tạo ra các van an toàn (circuit breakers) để ngăn ngừa xung đột tự động leo thang. Thứ tư, quan trọng hơn cả là phải có các kênh liên lạc tốt. Trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, không phải chỉ cần kênh đối thoại thường xuyên giữa hai nguyên thủ, mà phải thiết lập đường giây nóng giữa hai bộ trưởng quốc phòng và các cấp chỉ huy thấp hơn.

Trong khi đó, Joseph Nye (tác giả “quyền lực mềm”) cho rằng tuy Mỹ-Trung chuyển sang một giai đoan mới, nhưng nếu coi đó là chiến tranh lạnh thì “sai lạc” (misleading), mà nên coi quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “đối kháng trong hợp tác” (cooperative rivalry). Quan hệ Mỹ-Trung trải qua bốn giai đoạn, (mỗi giai đoạn kéo dài 2 thập niên):

  1. Giai đoạn xung đột bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-53);
  2. Giai đoạn hợp tác hạn chế chống Liên Xô bắt đầu từ khi Nixon thăm Trung Quốc (1972);
  3. Giai đoạn hợp tác kinh tế bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh (1990);
  4. Giai đoạn hiên nay bắt đầu từ cuối 2017 khi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ (NSS) xác định đối đầu nước lớn (great power rivalry) với Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính.

Tuy giai đoạn 4 không phải là chiến tranh lạnh (vì còn phụ thuộc nhiều vào nhau), nhưng nó cũng không phải là chiến tranh thương mại đơn thuần. Theo một số chuyên gia (như Graham Allison) giai đoạn 4 đánh dấu một cuộc xung đột giữa siêu cường cũ (là Mỹ) chống lại siêu cường mới (là Trung Quốc), theo thuyết “bẫy Thucydides”. Nhưng Joe Nye cho rằng tiên đoán của Thucydides không nhất thiết trở thành sự thật. Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi từ trước tranh cử tổng thống (2016), và Trump chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Theo Ash Carter, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, nay là giám đốc Trung tâm Belfer tại Harvard (thay Graham Allison), tầm nhìn chiến lược Châu Á của Mỹ dựa trên “một liên kết tích hợp có nguyên tắc” (principled inclusive network). Quan điểm này của Carter tuy bị Obama coi là “diều hâu” (Obama không muốn làm mất lòng Trung Quốc), nhưng dưới thời Trump, quan điểm của Carter vẫn chưa đủ cứng rắn (hay chưa đủ “diều hâu”) để đáp ứng chủ trương của Trump muốn đối đầu để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Tuy trước mắt, khuyến cáo của Pillsburry (trong cuốn “The hundred year marathon”) có vẻ phù hợp hơn với lập trường của Trump và các cố vấn chính (phái diều hâu), nhưng quan điểm của Carter ủng hộ hiệp định TPP có thể phù hợp hơn về lâu về dài.

Theo đại sứ Hoàng Anh Tuấn (phó Tổng Thư ký ASEAN), Trump cùng lúc tiến hành “5 cuộc chiến lớn” mà chưa có một tổng thống Mỹ nào trước đó dám làm:

  1. Cuộc chiến xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lùi các “giá trị tự do”;
  2. Cuộc chiến chống lại ngay chính đảng đề cử mình để bảo vệ những “giá trị bảo thủ”;
  3. Cuộc chiến chống lại các thiết chế đã định hình và sự “trì trệ” của nước Mỹ;
  4. Cuộc chiến duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ;
  5. Cuộc chiến nhằm xây dựng một trật tự quốc tế mới.

Theo Trump, các thiết chế do Mỹ lập ra trước kia chỉ phù hợp với bối cảnh cũ. Nay các thiết chế này đã làm xong vai trò lịch sử, nên không còn phù hợp, thậm chí đi ngược lại lợi ích của Mỹ, nên cần đặt lợi ích của “Mỹ trên hết” (America First) và sẵn sàng vứt bỏ các cam kết không thực cần thiết.

Môt số bước đi của Trump để “xoá bàn cờ làm lại”: (1) Rút khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích của Mỹ: như TPP và UNESCO; (2) Gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ: như USMCA với Mexico và Canada, sẽ đàm phán với Nhật và EU theo cách tương tự (cài điều khoản “thuốc độc”); (3) Cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép để cải tổ các định chế quan trọng: như WTO và UN, vì Mỹ đóng góp 22% ngân sách/năm ($5,6 tỷ năm 2017); (4) Tấn công trực diện vào các thiết chế mới ra đời của Trung Quốc: như Chiến lược “Vành đai, Con đường” (BRI) và “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB); (5) Lập ra các thiết chế/định chế mới: như Chiến lược “Indo-Pacific” (để thay thế chiến lược “xoay trục” (Pivot) hay “tái cân bằng” (rebalance).

Ngày 30/9/2018, Mỹ đã nhanh chóng ký với Mexico và Canada Hiệp định USMCA (thay thế NAFTA). Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross “khoe” rằng chính quyền Trump đã cấy điều khoản 32.10, là “liều thuốc độc” (poinson pill) vào hiệp định USMCA với Mexico và Canada,  và Mỹ cũng làm như vậy với hiệp định thương mại sẽ ký với Nhật và EU. Điều khoản này nhằm cô lập và cấm vận Trung Quốc là “nước có nền kinh tế phi thị trường”. Nếu Trung Quốc từng hy vọng sẽ phân hóa được các đồng minh với Mỹ thì nay có thể vô vọng.

Ngày 3/10/2018, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu (tỷ lệ 93/6) thông qua dự luật “Build Act”, để lập ra IDFC (International Development Finance Corporation) là quỹ viện trợ quốc tế mới có ngân sách $60 tỷ (trong vòng 7 năm). Đây là công cụ “ngoại giao kinh tế” của Mỹ, để đối trọng với BRI & AIIB của Trung Quốc, nhằm giúp các nước khu vực tránh “ngoại giao bẫy nợ”, và hỗ trợ xu hướng “thoát Trung”. Với nguồn lực này, Mỹ cam kết sẽ giúp các nước khu vực xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại như một “kế hoạch Marshall” mới cho khu vực. Phó tổng thống Pence đã công bố kế hoạch này tại APEC 2018 (Port Moresby) như Trump đã công bố tầm nhìn Indo-Pacific tại APEC 2017 (Đà Nẵng). Đây là một bước tiến lớn về tài chính để triển khai chiến lược Indo-Pacific, nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực.

Ngày 10/10/2018, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu (tỷ lệ 87/10) thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018). Chính quyền Trump tin rằng với ngân sách đó, Mỹ có đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình quốc phòng mới, như phát triển năng lực chiến tranh không gian (space warfare), tên lửa tầm trung, máy bay và tàu chiến thế hệ mới, để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông và vùng Indo-Pacific.

Ngày 11/10/2018, John Bolton (Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, một nhân vật diều hâu chống Trung Quốc và thân Đài Loan) đã trả lời phỏng vấn chương trình Hugh Hewitt show. John Bolton cho biết Mỹ sẽ hợp tác khai thác tài nguyên (dầu khí) tại Biển Đông “dù có hợp tác với Trung Quốc hay không” và lên tiếng răn đe Trung Quốc “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được việc đã rồi (fait accompli) tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”.

Ngày 16-17/10/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đến thăm Việt Nam (lần thứ hai trong 10 tháng) để tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng cũng như khắc phục hậu quả chiến tranh.  Trong khi đó, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch tập trận lớn và kéo dài tại Biển Đông và Biển Hoa Đông (trong tháng 11/2018) trùng với thời gian ông Tập Cận Bình đến thăm Philippines. Gần đây, máy bay B-52 của Mỹ tiếp tục bay qua vùng trời Biển Đông (trên các đảo của Trung Quốc chiếm), trong khi tàu chiến Mỹ và đồng minh tăng cường tuần tra (FONOP) và thủy quân lục chiến Mỹ tập trận tại Biển Đông.

Ngày 20/10/2018, Chính quyền Trump quyết định rút khỏi hiệp ước kiểm soát lực lượng tên lửa tầm trung INF (Intermediate-Range Nuclear Forces, 1987). Mục đích của quyết định này là để Mỹ tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung (500 đến 5.500 km) nhắm vào Trung Quốc, thúc ép Bắc Kinh phải tham gia hiệp ước này, hoặc phải chạy đua vũ trang với Mỹ. Theo các chuyên gia nghiên cứu chiến lược, đây là “một cơn ác mộng đối với Bắc Kinh”, vì một khi Mỹ phát triển và triển khai các loại tên lửa này (cả hạt nhân và thông thường) thì rủi ro đối với các tàu sân bay của Mỹ sẽ giảm thiểu, làm vô hiệu hóa chiến lược chống tiếp cận và chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.

Theo New York Times, một cuộc chiến tranh lạnh mới đã xuất hiện, và Trung Quốc là một thế lực mới chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến Trump quyết định rút khỏi hiệp ước INF với Nga, vì Trung Quốc được tự do sản xuất tên lửa hạt nhân và thông thường đủ các loại. Trump và Pence đã thay nhau lên án Trung Quốc tìm cách tác động vào dư luận Mỹ, qua đầu tư, thương mại, đánh cắp công nghệ, thao túng thế giới  mạng. Tuy chưa rõ đó là sự thật hay thủ thuật đàm phán, nhưng Trump tuyên bố (10/11/2018) Mỹ sẵn sàng bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc, như với Liên Xô trước đây.

Theo tạp chí The Economist, các quan chức phụ trách Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Bộ Quốc phòng (Pentagon), Bộ Ngoại giao (State), đều là phái “diều hâu” (chống Trung Quốc). Matt Pottinger (tại NSC), Randall Schriver (tại Pentagon), và David Stilwell có thể được bổ nhiệm phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương (tại State). Phái “diều hâu” lo ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa Đài Loan, triển khai chính sách “bẫy nợ” thông qua BRI. Họ tin rằng Bắc Kinh muốn biến thế giới này thành nơi an toàn cho chủ nghĩa độc tài thống trị, nên họ đã khuyến nghị phải “đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận” (pushing back on every front). Tuy chính sách thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc do Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại) phụ trách, nhưng được phái diều hâu đồng thuận với quan điểm cứng rắn của Trump (muốn đối đầu với Trung Quốc). Họ bất bình và lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo đuổi “chủ nghĩa tư bản nhà nước”, dùng tình báo kinh tế ăn cắp công nghệ. Nay không còn thấy ai kêu gọi “Constructive Engagement” (can dự mang tính xây dựng) với Trung Quốc như trước đây.

Thời kỳ bất định: Hệ quả khó lường

Trong đợt đầu chiến tranh thương mại (từ 6/7/2018) Mỹ đã đánh thuế lên $50 tỷ giá trị hàng của Trung Quốc, làm kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể. Đợt hai (từ 24/9) Mỹ thông báo sẽ đánh thuế (10% tới 25%) lên $200 tỷ giá trị hàng của Trung Quốc (trong khi Trung Quốc thông báo sẽ đánh thuế lên $80 tỷ hàng của Mỹ). Sau đó Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế tiếp $267 tỷ hàng nhập của Trung Quốc (đợt ba, từ 12/2018) nếu cuộc gặp Trump-Tập bên lề G.20 (cuối 11/2018) không có tiến bộ. Trump tin rằng sau đợt hai thì Trung Quốc sẽ “hết đạn” và lâm vào thế mắc kẹt chiến lược. Các chuyên gia kinh tế dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%, và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống còn 5,2% (năm 2019).

Theo New York Times, vào đầu tháng 10/2018, Chính phủ Trung Quốc đã có chỉ thị nội bộ cấm báo chí trong nước đưa tin về 6 vấn đề kinh tế “nhạy cảm”: (1). Kinh tế phát triển chậm lại (thực chất chỉ khoảng 5% chứ không phải 7% như công bố), (2) Nợ công quá lớn (tới $28 ngàn tỷ, bằng 237% GDP), (3) Tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ làm đồng NDT mất giá (hơn 9%), dự trữ ngoại tệ giảm mạnh (mất $1.200 tỷ), thị trường chứng khoán giảm sâu (trên 25%), (4) Lòng tin của người tiêu dùng bị suy giảm, (5) Nguy cơ tăng giá và lạm phát, (6) Các vấn đề thời sự nóng bỏng làm dân chúng bất an và bất bình…

Theo báo chí Hong Kong, Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu tiên đã phải thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang gánh chịu “những áp lực suy giảm ngày càng tăng” (growing downward pressure) do những “thay đổi sâu sắc từ môi trường bên ngoài” làm tốc độ tăng trưởng “chậm lại đến mức thấp nhất”. Trung Quốc cần chú ý đến tình trạng này và “chuẩn bị cho hậu quả kéo dài của chiến tranh thương mại”.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung dưới thời Donald Trump có những điểm tương đồng với chiến tranh lạnh Mỹ-Xô thời Ronald Reagan (cách đây gần 40 năm). Chính sách Reaganomics nhằm hai mục tiêu chính: (1) Tái cấu trúc và hiện đại hóa nước Mỹ; (2) Đổ tiền vào chạy đua vũ trang, buộc Liên Xô phải chạy đua với Mỹ và NATO, đồng thời gài bẫy để Liên Xô sa vào “cú lừa thế kỷ” là sáng kiến “chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ. Nay ngân sách quốc phòng của Chính quyền Trump ngày càng cao: $640 tỷ (cho 2018), và $716 tỷ (cho 2019). So với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Mỹ gấp 5 lần.

Trong khi cuộc chiến thương mại được coi là “phần nổi của tảng băng chìm”, nó đang trở thành  một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế, và “cờ vây” (weiqi) mà Mỹ áp dụng để trừng phạt Trung Quốc. Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên dám đối đầu với Trung Quốc. Trước đây chiến tranh lạnh Mỹ-Xô chủ yếu về quân sự, và chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật chỉ về kinh tế, nhưng nay đối đầu Mỹ-Trung là cuộc chiến tổng lực về mọi mặt như chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, phong tỏa kinh tế và cấm vận công nghệ, an ninh quốc phòng. Nói cách khác, đây là đối đầu giữa hai mô hình, được điều hành bởi hai hệ quy chiếu khác nhau.

Lý do chính quyền Trump chọn chiến tranh thương mại để đánh Trung Quốc vì đây là lĩnh vực Bắc Kinh dễ tổn thương nhất. Cán cân thương mại hai nước quá chênh lệch: Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc $130 tỷ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc $506 tỷ (thâm hụt $376 tỷ). Lý do Trump chọn thời điểm này để trừng phạt Bắc Kinh là vì kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, nên phát triển chậm lại sau một giai đoạn phát triển quá nóng. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang ở thế thượng phong để chủ động tấn công Trung Quốc mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ, trong khi kinh tế Trung Quốc đang chịu những hệ quả nặng nề. Chỉ sau mấy tháng, thị trường chứng khoán đã xuống dốc (trên 25%), đồng tiền NDT mất giá (hơn 9%), dự trữ ngoại hối giảm (mất $1.200 tỷ), thất nghiệp tăng cao, nguy cơ bất ổn xã hội càng lớn, nguồn tiền để chi tiêu cho quốc phòng và đầu tư cho đại dự án “Nhất đới Nhất lộ” sẽ không còn được như trước. Điều đáng chú ý là ngược lại với dự báo của các chuyên gia kinh tế, Trump càng siết chặt thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc thì kinh tế Mỹ lại càng phát triển tốt hơn. Theo chuyên gia thống kê Vũ Quang Việt, Nếu Mỹ cấm vận Trung Quốc thì GDP của Trung Quốc sẽ giảm 19%, trong khi GDP của Mỹ chỉ giảm 2%.

Về chính trị nội bộ, vị trí của Trump được củng cố sau khi thẩm phán Kavanaugh được bầu bổ sung vào Tòa án Tối cao (sau cuộc điều trần đầy sóng gió tại Thượng viện). Kết quả bầu cử giữa kỳ cũng cho thấy đa số cử tri Mỹ ủng hộ Trump trong cuộc chiến chống Bắc Kinh làm xu hướng chống Trump giảm và xu hướng ủng hộ ông gia tăng. Nếu Bắc Kinh hy vọng Trump sẽ thất bại hoặc thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ thì điều đó đã không xảy ra. Lập trường chống Trung Quốc có thể giúp đoàn kết nước Mỹ (trong khi vấn đề khác chia rẽ người Mỹ). Quan trọng nhất là Trump đã thuyết phục được đa số cử tri Mỹ ủng hộ chủ trương trừng phạt Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại. Trong cuộc họp báo sau bầu cử (7/11/2018) Trump nói cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có thể góp phần khắc phục sự chia rẽ nghiêm trọng của nước Mỹ. Trump tuyên bố ủng hộ bà Nancy Pelosi làm chủ tịch Hạ Viện, và sẵn sàng kêu gọi các nghị sỹ Cộng Hòa bỏ phiếu cho bà, vì Pelopsi chủ trương đoàn kết lưỡng đảng. Eliot Engel thừa nhận Mỹ không thể thay đổi được chính trị Trung Quốc, nhưng trong hai năm tới, Trump có thể tập trung vào đối ngoại để định hình lại chính trị thế giới.

Tuy đảng Dân chủ bị chia rẽ, nhưng họ có thể thúc ép Trump phải giải trình và đầu tư nhiều hơn cho chiến lược “Indo-Pacific”, tăng cường năng lực cho Bộ Ngoại Giao (trong 2 năm qua bị xuống cấp). Trump có thể bổ nhiệm David Stilwell (có nhiều kinh nghiệm) làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương. Phe Dân chủ có thể điều chỉnh cơ chế tuyển dụng quan chức ngoại giao, và cố gắng thông qua dự luật Chuẩn chi cho Bộ Ngoại giao trước khi có Quốc Hội mới (1/2019). Tuy chính quyền Trump theo đuổi chính sách “diều hâu” về Trung Quốc, nhưng phe Dân Chủ trong Quốc Hội chắc sẽ đồng thuận với chính sách cứng rắn đó, và ủng hộ chủ trương đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Tuy Trump là người hay gây tranh cãi, nhưng chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc đang được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ, như một sự đồng thuận mới (new Washington Consensus). Ngay từ khi Trump lần đầu quyết định đánh thuế hàng nhập khẩu của Trung Quốc, các thượng nghị sỹ Cộng Hòa đứng đầu (như Kevin Brady) và thượng nghị sỹ Dân Chủ đứng đầu (như Chuck Schumer) đều lên tiếng ủng hộ Trump. Từ lâu người Mỹ đã tỏ ra bất bình với vai trò WTO, vì cố gắng kết thúc vòng đàm phán thương mại Doha trên thực tế đã thất bại. Chính sách thuế quan của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Mexico, và EU có thể làm vô hiệu hóa WTO tới mức “vô phương cứu chữa” (beyond repair).

Theo một khảo sát dư luận toàn cầu (Pew 2018 Global Attitudes Survey) những người ủng hộ Mỹ đã giảm từ 64% (vào cuối nhiệm kỳ Obama) xuống còn 50% (vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Trump). Sự tin tưởng đối với tổng thống Mỹ cũng giảm từ 64% (với Obama) xuống còn 27% (với Trump), trong khi sự tin tưởng đối với Tập cũng chỉ có 34%. Mặc dù Tập có tham vọng muốn giới thiệu Trung Quốc là “một mô hình mới” cho các nước lựa chọn để thay thế mô hình dân chủ phương Tây, nhưng hành xử thô bạo và vụng về của Bắc Kinh tại Thượng đỉnh APEC đã làm tổn hại những cố gắng ngoại giao của họ. Khắp châu Á, người ta ngày càng lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh, và ngày càng nghi ngờ BRI, như thủ tướng Malaysia Mahathir đã gọi đó là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (a new version of colonialism).

Gần đây, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), sáng kiến BRI chỉ gây ấn tượng bằng “tít lớn” (headlines), chứ không phải là “thỏa thuận kinh tế” (economic deals), mặc dù nhiều tít lớn tiêu cực. Đối với các dự án BRI, đang có những phản ứng tiêu cực tại các nước khu vực (như Sri Lanka, Malaysia, và Myanmar). Đó là gánh nặng về nợ (debt burdens), thiếu đầu tư cho cộng đồng, tiêu chí về môi trường thấp, không minh bạch và tham nhũng trắng trợn. Đối đầu Mỹ-Trung càng làm rõ các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh tại Trung Quốc không được đối xử công bằng, bị ép phải chuyển giao công nghệ, tình báo kinh tế tràn lan, trong khi các doanh nghiệp nội địa được trợ giá. Trong khi đó có 57% những người được hỏi (trong ASEAN) ủng hộ sáng kiến “Bộ Tứ” (Squad) về an ninh khu vực, nhằm lập lại trật tự dựa trên pháp luật tại Biển Đông, trong khi 10% phản đối, và 39% sẽ ủng hộ nếu Quad trở thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới