Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ đang đẩy mạnh triển khai “sức mạnh mềm” ở Biển Đông...

TQ đang đẩy mạnh triển khai “sức mạnh mềm” ở Biển Đông nhằm theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp

          Cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp quy mô lớn các đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh triển khai “sức mạnh mềm” ở Biển Đông nhằm theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp, như “du lịch yêu nước”, hoạt động hợp tác khảo sát khoa học biển, dự báo thời tiết, nghiên cứu khảo cổ học.

Các loại hình “sức mạnh mềm” được TQ triển khai ở Biển Đông. Nguồn: Reuter/AMTI

Triển khai loại hình “du lịch yêu nước”

Cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành du lịch biển, đảo nhằm thúc đẩy hoạt động này vươn ra Biển Đông, thậm chí là tới các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp. Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc (4/2013) đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020. Tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 24.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Tháng 3/2017, tàu “công chúa Lạc Hồng” của Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành chuyến đi đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hãng Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết, tàu “công chúa Lạc Hồng” thuộc quyền sở hữu của công ty này. Chiều 2/3, chiếc du thuyền đã khởi hành từ thành phố Tam Á với 308 du khách. Cũng theo quan chức trên, tàu “công chúa Lạc Hồng” được thiết kế với 82 buồng khách, có thể chở 499 người , tầm hoạt động lên đến 3.000 hải lý. Tàu này có thể cung cấp một số dịch vụ như ăn tối, giải trí, mua sắm, điều trị y tế và bưu chính trên tàu. Để khích lệ tinh thần “yêu nước” và hạn chế các vấn đề phức tạp, các doanh nghiệp tổ chức tour du lịch Trung Quốc đã tính toán và từng bước triển khai một cách tinh vi. Thứ nhất, khách du lịch phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe, như phải là công dân Trung Quốc, chưa từng có tiền án tham gia các hoạt động chống phá chính quyền, có quá trình lao động, học tập, phấn đấu tốt… Người nước ngoài, công dân Trung Quốc ở nước ngoài, công dân Đài Loan, Ma Cao, Hồng Công không được tham gia các tour du lịch này. Thứ hai, những người đăng ký “du lịch yêu nước” phải nộp hồ sơ vào hệ thống đăng có kết nối với hệ thống quản lý của Bộ công an Trung Quốc và trải qua quá trình xác minh nhất định. Thứ ba, du khách được đến thăm nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa, trong đó có 03 đảo nhỏ không có quân đội Trung Quốc đồn chú, gồm đảo Ba Ba, đảo Ốc Hoa và bãi Xà Cừ. Hiện nay, Trung Quốc đang mở rộng ra các địa điểm khác, trong hành trình thích hợp. Thứ tư, các tour thường kéo dài 4-5 ngày, có giá từ 800 đến 2.000 USD, ngoài các hoạt động giải trí như câu cá, thả diều, ngắm cảnh, lặn ngắm san hô… du khách còn được tham gia các hoạt động thể hiện lòng yêu nước như lễ thượng cờ, hát quốc ca, xem phim tài liệu, chụp ảnh với cờ Trung Quốc trên tàu… Trên các trang mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc, du khách Trung Quốc đã đăng nhiều hình ảnh chụp trong các tour du lịch ở Hoàng Sa. Để tạo điều kiện phát triển hoạt động “du lịch yêu nước”, chính quyền Trung Quốc và tỉnh Hải Nam đã thực hiện một số biện pháp như nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ giao thông, dân sinh, cầu cảng, dịch vụ ngân hàng, y tế, hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp thực hiện các tour “du lịch yêu nước” cả về tài chính, cơ chế, quảng bá trên truyền thông của Trung Quốc. Ngày 06/2/2017, Ngân hàng Trung Quốc đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây. Theo các chuyên gia quốc tế, thông qua việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước”, thứ nhất Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Thứ hai, Trung Quốc nhằm phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Thứ ba, về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Bốn là, Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo. Hiện nay, một số doanh nghiệp của Trung Quốc rất quan tâm tới hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông, muốn mở rộng các tuyến du lịch tới Hoàng Sa và từ Hoàng Sa đến các nước láng giềng theo hành trình “con đường tơ lụa trên biển” hiện đang được chính quyền Trung Quốc khuyến khích. Tháng 7/2018, nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển. Tháng 4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia, cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm.

Lợi dụng hoạt động hợp tác khảo sát khoa học biển

Trung Quốc đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, khảo sát khoa học biển với nhiều nước khu vực và có thể được coi là một thành công về chiến lược của Trung Quốc nhằm hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Với Philippines, Trung Quốc (2/2018) đã đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại khu vực này theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước trước đó. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi và hy vọng rằng Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở Biển Đông. Với Myanmar, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (vietnamese.cri.cn) đưa tin cùng với các khoản hỗ trợ đầu tư về kinh tế, trong lĩnh vực khoa học, Trung Quốc (01/2018) đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Hướng Dương Hồng 3” tới Vùng đặc quyền kinh tế của Myanmar tại Ấn Độ Dương để cùng với các nhà khoa học Myanmar tiến hành khảo sát và nghiên cứu khoa học biển với hành trình trải dài hơn 680 hải lý. Với Pakistan, theo tờ Defence.pk của Pakistan (01/2018) đưa tin Trung Quốc đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Thực nghiệm 3” tới khu vực Makran của Pakistan để phối hợp với các nhà khoa học nước này triển khai dự án nghiên cứu khảo sát khoa học biển kéo dài 25 ngày (2/2018), trong phạm vi 700km và ở độ sâu 3.000m. Với Pháp, Trung Quốc đã phối hợp với Tàu Tara của Pháp tiến hành khảo sát khoa học về sự thay đổi của hệ sinh thái và các bãi san hô tại khu vực gần đảo Hải Nam, Hồng Công, Hạ Môn và Thượng Hải. Báo chí và giới chức Trung Quốc tích cực tuyên truyền, bao biện về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển, khi cho rằng hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển của Trung Quốc với các nước là một nội dung quan trọng được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), nhằm giúp Trung Quốc từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, phục vụ triển khai “Con đường tơ lụa trên biển” và cùng với các nước khác xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Nhiều bài báo ca ngợi rằng hoạt động hợp tác khảo sát khoa học biển là nỗ lực của Trung Quốc trong việc chủ động chia sẻ kinh nghiệm với các nước để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, phát hiện và khai thác các nguồn tài nguyên biển nhằm mang lại lợi ích cho các nước. Hoạt động hợp tác quốc tế về khảo sát nghiên cứu khoa học biển của Trung Quốc bị dư luận tại nhiều nước phản đối. Tại Philippines, bất chấp thái độ thực dụng của chính phủ khi thúc đẩy hợp tác khai thác chung với Trung Quốc, một bộ phận chính giới và các nhà khoa học Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines (2/2018) đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng là, thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”. Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, trong đó nước được chú ý nhất là Philippines, nhằm tạo hình ảnh về “thiện chí” của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tạo ra sự ngộ nhận trong dư luận về một Biển Đông ổn định và hợp tác theo những gì Trung Quốc tuyên truyền, nhằm che đậy cho các hoạt động quân sự hóa.

Triển khai các công cụ dự báo thời tiết

Tháng 10/2018, Trung Quốc đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông là Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. Phía Trung Quốc ca ngợi những trạm quan sát này sẽ hòa thiện mạng lưới quan sát thời tiết trên toàn Biển Đông và chủ yếu được sử dụng để đảm bảo an toàn hàng hải, không chỉ phục vụ người dân Trung Quốc mà còn cho các nước khác trên khắp Biển Đông, nhằm trấn an dư luận quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động tương tự như việc vận hành 3 trạm quan sát thời tiết trên. Bắc Kinh đang dự kiến lắp đặt một cỗ máy ra đa tán xạ khuếch tán cực mạnh tại thành phố Tam Á thuộc cực nam đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore cách đó 2.000 km. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, ví dụ như tia mặt trời. Họ có thể biết được nhiệt độ, mật độ và tốc độ của các hạt hạ nguyên tử từ một khoảng cách rất xa; quan sát và thậm chí tác động trực tiếp đến tầng điện ly, điều mà các ra đa thông thường không thể làm được. Công nghệ này có những ứng dụng dân sự lẫn quân sự, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến khả năng (trên lý thuyết) can thiệp vào thời tiết, gây ra thiên tai trên diện rộng như bão, động đất, sóng thần… dù điều này vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học. Tháng 6/2018, Trung tâm dự báo Nam Hải thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc và Đài ven biển Quảng Châu (Trung tâm thông tin liên lạc Quảng Châu, trực thuộc Trung tâm đảm bảo hàng hải Nam Hải, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc) đã đưa vào sử dụng Đài “Dự báo tình hình Biển Đông” phiên bản tiếng Anh. Theo giới truyền thông Trung Quốc, Đài dự báo trên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 08/6/2018; thời gian phát sóng hàng ngày từ 09h00 – 09h10; 21h00 – 21h10, trên kênh 4209.5KHz, phủ sóng của Đài trên bao trùm phạm vi khoảng 500 hải lý (bao trùm lên cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Truyền thông Trung Quốc cho biết nhiệm vụ chính của Đài trên là cung cấp tin tức về dự báo thời tiết trên biển cho ngư dân Trung Quốc cũng như tàu thuyền các nước đang hoạt động trên Biển Đông. Dư luận cho rằng nhờ những công cụ về thời tiết khí hậu như trên, Trung Quốc muốn củng cố chứng cứ pháp lý về “quyền kiểm soát” của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, lợi dụng lồng ghép đưa vào những nội dung xuyên tạc, tìm cách lấp liếm và khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những tàu thuyền qua khu vực này có thể ngộ nhận, hiểu lầm rằng “Biển Đông là của Trung Quốc”. Các công cụ này cung cấp nhiều thông tin quan trọng, “hữu ích” cho lực lượng chức năng của Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, giúp Trung Quốc nắm bắt thông tin thời tiết trên biển để triển khai các hoạt động phi pháp. Ngoài ra, với việc cho rằng các công trình của Trung Quốc không chỉ phục vụ cho người dân nước này mà còn giúp ích cho nhân dân các nước, Trung Quốc đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế, từng bước khẳng định Bắc Kinh đang đóng góp công sức, trách nhiệm lớn vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khảo cổ ở Biển Đông

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu. Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, Trung Quốc cũng thành lập Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc năm 2011 đã đưa ra chương trình mang tên “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm với số vốn đầu tư 190 triệu nhân dân tệ. Kể từ khi chương trình bắt đầu, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng hơn 60 chuyến khảo sát khoa học. Năm 2005, Trung Quốc đầu tư 30 triệu USD để xây dựng Bảo tàng Con đường tơ lụa bên bờ biển Quảng Châu, trung tâm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Đông. Năm 2007, Trung Quốc chi 45 triệu USD cho việc trục vớt, bảo tồn tàu Nam Hải 1 – tàu chở gốm sứ thời Tống chìm ở độ sâu 27m. Tàu Nam Hải 1 được trục vớt và trưng bày ở “Thủy tinh cung”, gian trưng bày quan trọng nhất của Bảo tàng Con đường tơ lụa. Dựa trên các di vật khai quật được từ tàu Nam Hải 1, người ta xác định chủ tàu không phải người Trung Quốc mà là người Trung Á, chỉ gốm sứ có xuất xứ Trung Hoa. Tuy nhiên, một vở kịch kiểu Titanic, kể câu chuyện thủy thủ đoàn trước khi tàu đắm đã được công diễn. Năm 2009, trong bối cảnh đẩy mạnh khảo cổ hàng hải, Trung Quốc thành lập Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (CCUCHP). Kể từ khi thành lập, CCUCHP đã làm việc với các bộ ngành, kể cả Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đại dương, để thành lập “Đội bảo vệ di sản văn hoá dưới nước quốc gia”. Ngoài ra, một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ dưới nước đã được thành lập ở Tế Nam, Sơn Đông. Năm 2013, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ phi pháp đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng Bảo tàng Hải dương Quốc gia đầu tiên tại Thiên Tân, với chi phí xây dựng lên đến 430 triệu USD. Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng phi pháp Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam. Trung Quốc tuyên truyền cho rằng đã phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc cho hay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây. Những cổ vật này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, công tác khảo cổ của Trung Quốc cũng đang được mở rộng đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 “khu vực di sản văn hoá” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và đã tiến hành thăm dò khảo cổ trái phép ở Trường Sa kể từ năm 2013. Trung Quốc luôn cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới nước mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Chính vì vậy, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông. Khảo cổ cũng là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Việc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông. Ngoài ra, các tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển. Điều đó cho thấy, chính quyền Bắc Kinh đã lộ rõ chân tướng của một kẻ luôn muốn độc chiếm Biển Đông, nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở vùng biển này, phục vụ cho cơn khát năng lượng của một nền kinh tế hiện đang phát triển quá nóng của Trung Quốc. Trung Quốc cho xuất bản hàng loạt các ấn phẩm phổ biến khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu chuyên sâu về tàu, thuyền, hải dương như công trình khảo cổ dưới nước Tây Sa gắn với vùng Biển Đông của Việt Nam để tuyên truyền về hoạt động khảo cổ, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tích cực tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước cũng như bên ngoài về các hoạt động khảo cổ hải dương của Bắc Kinh. Đài truyền hình Trung Quốc cũng triển khai nhiều phóng về hoạt động trên để tuyên truyền cho các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Đáng chú ý Trung Quốc tuyên truyền cho rằng khảo cổ hàng hải và bảo vệ lịch sử hàng hải của Trung Quốc đã trở thành những công cụ quan trọng trong việc “bảo vệ quyền và chủ quyền” trên biển của Trung Quốc. Nó đồng thời trực tiếp ám chỉ đến những tranh chấp “phức tạp” mà Trung Quốc hiện phải “đối mặt” với các nước láng giềng. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc Li Xiaojie từng tuyên bố, khảo cổ biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ quyền lợi trên biển của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới