Trung Quốc đã mua hoặc thuê một số tàu phá băng, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, để tạo ra các tuyến đường chuyên chở hàng hóa xuyên qua Bắc Cực, theo BBC.
Cũng theo hãng tin Anh, Trung Quốc hiện đang quan tâm tới đảo Greenland, với mong muốn nó sẽ là một căn cứ hữu ích trên “con đường tơ lụa” tại Bắc Cực.
Greenland hiện là một khu vực tự trị, mặc dù trên danh nghĩa nó trực thuộc Đan Mạch. Hòn đảo này về mặt chiến lược rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, ở đây Washington đang duy trì một căn cứ quân sự lớn. Theo BBC, cả Đan Mạch và Mỹ đều lo lắng về việc Trung Quốc muốn thâu tóm Greenland.
Greenland có diện tích lớn thứ 12 thế giới, gấp 10 lần Vương quốc Anh, mặc dù vậy, dân số của hòn đảo này chỉ có 56.000 người, gần bằng số dân ở một thị trấn của Anh. Vì thế Greenland là vùng lãnh thổ có mật độ dân số thưa thớt nhất trên thế giới. Khoảng 88% người dân ở đây là người Inuit, còn lại là người Đan Mạch.
Trong những năm qua, cả Mỹ và Đan Mạch chưa chú ý đầu tư vào Greenland, vì vậy Nuuk, thủ phủ của hòn đảo này vẫn là một thành phố khá nghèo nàn.
Hiện tại khách du lịch chỉ có thể tới Nuuk trên những chiếc máy bay cánh quạt nhỏ. Tuy nhiên, trong những năm tới mọi chuyện có thể sẽ thay đổi khi Chính phủ Greenland đã quyết định phát triển dự án xây dựng 3 sân bay quốc tế lớn có khả năng đón các máy bay chở khách lớn. Và điều đáng lưu ý, Trung Quốc đang tích cực tiếp cận giới chức địa phương để giành lấy hợp đồng đấu thầu dự án này.
Theo nhà báo John Simpson, người gốc Đan Mạch ở Greenland có xu hướng lo sợ sự hiện diện của người Trung Quốc, nhưng người Inuit, chiếm số đông, lại có quan điểm ngược lại.
Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao của Greenland đã từ chối nói với nhà báo Simpson về thái độ của họ đối với Trung Quốc, còn một cựu thủ tướng của đảo, ông Kuupik Kleist, thì nói rằng ông nghĩ sự đầu tư của Trung Quốc sẽ tốt cho Greenland.
Nhưng người phát ngôn đối ngoại của đảng Venstre, một đảng có nhiều thành viên trong chính phủ liên minh Đan Mạch, ông Michael Aastrup Jensen, đã thẳng thắn nói về sự can dự của Trung Quốc vào Greenland.
“Chúng tôi không muốn [sự hiện diện của] một chế độ độc tài trong sân nhà mình”, ông nói.