Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBão lớn càn quét "đại dương" của ông Tập: Bị "đẩy ra...

Bão lớn càn quét “đại dương” của ông Tập: Bị “đẩy ra đường”, dân lao động TQ bi quan cùng cực

Người tiêu dùng, lao động và các doanh nghiệp Trung Quốc đang dần mất niềm tin, khi doanh thu từ việc kinh doanh ô tô trượt dốc, và thị trường bất động sản cũng đang chới với….

Một nhà máy dệt may ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, một số nhà máy thậm chí đã quyết định cho công nhân nghỉ Tết âm lịch sớm trước những 2 tháng.

Quả thực, nền kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu đáng kể trong những tháng gần đây, trở thành một thách thức có thể coi là lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 6 năm ông nắm quyền lãnh đạo.

“Đại dương” của ông Tập gặp bão lớn

Trong nước, ông Tập đang phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn: tuy chúng có thể giúp ông khôi phục tăng trưởng kinh tế, nhưng lại có nguy cơ khiến những vấn đề “mãn tính” của Trung Quốc, như “núi” nợ công khổng lồ, càng thêm trầm trọng.

Trong khi đó, tình hình trên trường quốc tế cũng không khả quan hơn với ông Tập, khi ông buộc phải xuống nước trước Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi cuộc chiến thương mại đã gây ra quá nhiều tổn thương đối với kinh tế Trung Quốc (và thậm chí cả kinh tế Mỹ).

Cũng như nhiều người lao động Trung Quốc, ông Yu Hong đã bắt đầu bi quan trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế nước nhà.

Vào một buổi chiều, ông Yu đã phải ngậm ngùi lên tàu trở về quê ông ở tỉnh Hồ Bắc để “nghỉ tết sớm”, do nhà máy đèn của ông ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, đã quyết định cắt giảm lương và giờ làm việc của công nhân.

“Bây giờ tình hình đã khác trước rất nhiều”, ông Yu nói. “Với những người lao động đến từ tỉnh ngoài như chúng tôi, thì chúng tôi chỉ mong kiếm được thêm tiền thôi”.

Rất khó để nói chính xác về tốc độ sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi những số liệu kinh tế do chính phủ đưa ra có thể không chính xác. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy những vấn đề mà nước này phải đối mặt đang trở nên nghiêm trọng hơn trước.

Ngày 14/12 vừa qua, các quan chức Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận về tốc độ tăng trưởng chậm chạp đến bất ngờ trong doanh thu từ mảng bán lẻ và sản xuất công nghiệp hàng tháng.

Nhiều nhà kinh tế học nhận định, sự sụt giảm trên là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi ấy, Bắc Kinh đã buộc phải bơm thêm hàng nghìn tỉ USD để giữ cho con tàu kinh tế không bị “trật bánh”.

“Ông Tập Cận Bình từng ví Trung Quốc giống như một đại dương, không sợ bất cứ cơn giông tố nào ảnh hưởng. Nhưng trận bão đang “càn quét” đại dương của ông Tập chính là trận bão mạnh nhất trong nhiều năm nay”, Diana Choyleva, nhà kinh tế học tại tổ chức Enodo Economics của Anh nhận định.

Chuyên gia này cũng dự đoán rằng mức tăng trưởng đã trượt dốc xuống mức thấp hơn cả trong thời kì khủng hoảng năm 2008.

Trung Quốc rơi vào thế “chiếu dưới” trước Mỹ

Trong vòng 2 năm qua, nền kinh tế phát triển mạnh “như vũ bão” đã giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc có được nền tảng lớn mạnh và vững chắc. Từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008, nước này chưa từng phải cậy nhờ Mỹ hay các nền kinh tế lớn khác trên thế giới về mặt kinh tế.

Nhờ giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định trong và sau thời kỳ khủng hoảng, Trung Quốc đã có được nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, hơn nữa còn giành được chỗ đứng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế của Trung Quốc không còn được như trước nữa. Không chỉ vì nước này mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ, mà do chính những vết rạn nứt vốn có từ bên trong nền kinh tế này.

Mới đây, ông Tập và ông Trump vừa đạt được thỏa thuận đình chiến về thương mại, tạm hoãn việc giáng những mức thuế đầy sát thương nhằm vào đối phương.

Nhưng Trung Quốc còn chưa kịp “thở phào” được bao lâu, thì vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ lại xảy ra, đẩy Bắc Kinh và ông Tập vào “chiếu dưới” trước Mỹ.

Tất nhiên là Trung Quốc không thể nhắm mắt làm ngơ trước vụ việc chấn động này. Phía Bắc Kinh đã âm thầm bắt giữ hai công dân Canada, một động thái được cho là để trả đũa Ottawa vì đã “nghe lời” Washington; tuy nhiên họ lại giữ thái độ khá mềm mỏng với Mỹ, và tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại như đã định.

Tổng thống Trump đã tinh mắt nhận ra lợi thế “ngàn vàng” trước Trung Quốc trong tình cảnh hiện nay. Hôm 14/12, ông Trump đã đăng tải dòng tweet: “Trung Quốc vừa thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ chậm hơn nhiều so với dự đoán trước đó, do phải đối đầu với chúng ta trong Cuộc chiến Thương mại”.

Không khí ảm đạm, bi quan “phủ bóng” nền kinh tế Trung Quốc

Thực tế, giới chức Trung Quốc cũng đã nỗ lực tìm nhiều cách nhằm cứu vãn nền kinh tế tăng trưởng chậm, như tăng cường cho thành phần tư nhân vay vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp để lao động không bị cắt giảm, và thậm chí chính sách về môi trường cũng được nới lỏng nhằm tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động.

Một số nhà kinh tế học tin rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi vào khoảng giữa năm sau. Tuy nhiên, những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không còn hiệu quả như trước, đơn cử là “núi nợ” khổng lồ ngày càng lớn sẽ rất khó giải quyết sau này.

Tất nhiên, trên giấy tờ, thì kinh tế Trung Quốc “trông” vẫn ổn. Các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng 6,5% trong quý III năm nay, so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đó chỉ là trên bề nổi. Thực chất, đằng sau những số liệu có vẻ “ổn” kia, là sự sụt giảm đáng kể đang dần thành hình: Tháng trước, các khoản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh; doanh thu từ lĩnh vực bán ô tô trong vòng 3 tháng gần đây giảm xuống mức thấp kỉ lục. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong năm nay cũng vô cùng ảm đạm.

“Chúng tôi chẳng còn nhiều việc để làm, nên tôi quyết định về quê nghỉ ngơi”, bà Li Shulian, một công nhân 46 tuổi tại một nhà máy nhựa ở Đông Quản cho biết khi đang cùng gia đình chờ chuyến tàu trở về quê nhà.

Trước đó, nhà máy của bà Li đã cho công nhân nghỉ 2 tuần gần như không có lương trong tháng 10 và tháng 11. Ngoài ra, bà cũng không được trả lương làm thêm giờ, nên mức thu nhập gần đây của bà giảm còn một nửa so với trước đó.

Đến đầu tháng 12, bà Li lại tiếp tục nhận được thông báo rằng số ngày công và tiền lương sẽ giảm còn một nửa. Giống như rất nhiều người lao động Trung Quốc khác, vợ chồng bà đã quyết định trở về quê “nghỉ tết sớm”.

“Tôi chưa từng về quê nghỉ tết sớm thế này, kể từ khi rời quê nhà đến đây làm việc vào năm 2005”, bà Li nói.

Tình trạng trên rất phổ biến tại các thành phố công nghiệp của Trung Quốc như Quảng Châu và Đông Quản.

“Năm nay mọi người về quê nghỉ tết sớm hơn hẳn”, Judy Zhu, chủ cửa hàng bán vali nhựa giá rẻ phía ngoài ga tàu Đông Quản cho biết. Mọi năm, thời điểm cửa hàng của bà thường đông khách nhất vào tháng 1, nghĩa là ngay sát dịp tết âm lịch.

Ông Li Xiaohong, một công nhân xây dựng 50 tuổi, đứng trước công ty tuyển dụng ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Trên những tấm biển viết tay là thông tin về các công việc trả lương thấp, tuy vậy hầu hết các công việc này đều có giới hạn về độ tuổi, và tất cả đều không dành cho những người trên 50 tuổi.

Ông Li cho biết, tháng trước, ông chỉ làm việc trong đúng 2 tuần, bởi các nhà đầu tư bất động sản khắp Trung Quốc đều đang gặp khó.

“Trước đây tôi bận rộn lắm, làm việc đến 12 giờ mỗi ngày, và mỗi tháng chỉ được nghỉ từ 3 đến 5 ngày thôi”, ông Li nói. “Bây giờ thì chúng tôi gần như chẳng còn việc gì để làm”.

Theo kết quả điều tra của chính phủ và tư nhân, các nhà tuyển dụng ngày càng thận trọng hơn khi tuyển người. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là hiện nay rất ít người Trung Quốc có ý định “nhảy” việc.

“Họ không dám bỏ việc nếu như chưa tìm được việc khác”, ông Lei Kaifeng, một chuyên viên nhân sự tại Quảng Châu, cho biết.

Câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là trong năm sau, số phận của nền kinh tế Trung Quốc nói chung và các thành phố công nghiệp, thành phố cảng nói riêng, sẽ ra sao, khi các thành phố này phụ thuộc rất nhiều vào lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

“Đến giờ tôi vẫn rất sợ, tôi sợ năm tới sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế ‘đóng băng'”, Cyril Liu, một kĩ sư 23 tuổi ở miền Đông Nam Trung Quốc, cho biết. Gần đây, anh Liu vừa bị giám đốc cho nghỉ 9 ngày liên tiếp do công ty không nhận được nhiều đơn đặt hàng. 

“Nhiều người bạn của tôi hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ cũng đang rất lo lắng, không biết năm sau sẽ ra sao”, anh Liu nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới