Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSự tham gia của Nga trong vấn đề Biển Đông trong năm...

Sự tham gia của Nga trong vấn đề Biển Đông trong năm 2018

Năm 2018, Nga có một số hoạt động liên quan đến vấn đề Biển Đông như hoạt động tập trận chung, tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí, tổ chức hội thảo về Biển Đông và một số tuyên bố ngoại giao trong các chuyến thăm. Nhìn chung, sự tham gia và mối quan tâm chủ yếu của Nga hiện nay có thể vẫn là hoạt động hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí truyền thống.

Một số hoạt động tham dự của Nga liên quan Biển Đông. Nguồn: AFP

Tập trận quân sự với các nước

Hôm 23/11/2018, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành cuộc tập trận chung về hoạt động tìm kiếm cứu nạn và thông tin liên lạc với Hải quân Brunei ở Biển Đông. Đây là cuộc tập trận hiếm hoi được Nga tiến hành cùng với các nước ASEAN trong năm 2018. Trước đó, Nga cũng có một vài cuộc tập trận, song chủ yếu với Trung Quốc. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Nikolai Voskresensky cho biết trong thời gian diễn ra cuộc tập trận này, một lực lượng thuộc hạm đội bao gồm tàu tuần dương có tên lửa Varyamg, tàu khu trục Panteleyev và tàu chở dầu Boris Butoma cũng đã thăm cảng Muara của Brunei. Các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang thực hiện một chuyến đi kéo dài 3 tháng bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, xuất phát từ cảng Vladiivostok. Ngoài tập trận chung với Brunei, Hải quân Nga cũng tiến hành cuộc tập trận chung với Ấn Độ, thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Ngày 11/5/2018, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức hội nghị bàn tròn “Tình hình trên Biển Đông” với sự tham gia của nhiều học giả Nga nổi tiếng chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này. Giới chuyên gia Nga cho rằng Biển Đông là một trong những khu vực dễ bùng phát xung đột nhất hiện nay trên thế giới, trong đó Trung Quốc đã không còn che giấu ý đồ đẩy tuyến ranh giới trên biển ngày càng xa hơn và đang cố gắng tích lũy, tạo mọi điều kiện để bố trí triển khai ngày càng xa hơn biên giới Trung Quốc những phương tiện cảnh báo sớm các đợt tấn công, các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.

Từ ngày 20/9 đến 22/9/2018, tại thủ đô Mátxcơva, Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đã phối hợp với Quỹ Con đường hòa bình (Liên bang Nga) tổ chức hội thảo quốc tế về “Thực trạng tại Biển Đông – Các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi”, với sự tham dự của các lãnh đạo, thành viên Ban Thường vụ IADL và các luật gia, chuyên gia đến từ các nước Bỉ, Nga, Italia, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam… Hội thảo Tại đây,các chuyên gia đã đánh giá về tình hình thực tế tại Biển Đông và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Các đại biểu cho rằng, tình hình ở Biển Đông hiện nay tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, một trong số đó là việc xây dựng và gia cố đảo nhân tạo trái phép và các hoạt động quân sự hóa tại khu vực Biển Đông. Một số đại biểu cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc về đường 9 đoạn ở Biển Đông là hoàn toàn phi lý và không phù hợp với UNCLOS 1982. Các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất về các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, trong đó có giải pháp sử dụng cơ chế hòa giải, cơ chế trọng tài, cơ chế tham vấn mở dựa theo quy định của UNCLOS, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài PCA về vấn đề Biển Đông và việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện thông qua cơ chế đa phương. Chủ tịch IADL Jeanne Mirer đề nghị các thành viên tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại khu vực Biển Đông để IADL có các động thái quan tâm và tham vấn kịp thời.

Hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí

Đây là lĩnh vực và Nga tham gia chủ yếu và lâu đời nhất ở Biển Đông, trong đó Việt Nam là đối tác chủ lực nhất. Hôm 15/5/2018, Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft của Nga thông báođã bắt đầu khoan dầu khí tại mỏ Lan Đỏ, thuộc lô 6.1 trên Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu, cách bờ biển 230 hải lýkhẳng định khu vực mà Rosneft được giấy phép khai thác nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Trước đó, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.Tập đoàn Nga khẳng định chỉ tiến hành các hoạt động “trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp hoàn toàn với nghĩa vụ quy định trong giấy phép hoạt động và trên tinh thần tôn trọng luật lệ của Việt Nam”.

Đưa ra các tuyên bố ngoại giao

Trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2018, Nga đã cùng Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như lọc dầu và hóa dầu, xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ khí, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng và xây dựng hạ tầng phù hợp, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt. Hai nước nhất trí hợp tác mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên nhấn mạnh các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết bởi các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC) và hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Medvedev tháng 11/2018 vừa qua, hai bên đã trao đổi về tăng cường nỗ lực nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, theo tinh thần DOC và hướng tới COC. Thủ tướng Nga mong muốn thúc đẩy hợp tác dầu khí, năng lượng với Việt Nam.

Nga chưa tham dự nhiều vào vấn đề Biển Đông thời gian quan là dođây chưa phải là địa bàn ưu tiên chiến lược của Nga, so với châu Âu, Trung Á và các nước SNG. Chính sách đối với châu Á của Nga phần lớn tập trung vào Trung Quốc và phần lớn tập trung vào Trung Quốc và một phần quan hệ truyền thống với Việt Nam. Thực tế thì Nga chưa đủ nguồn lực và sự chú trọng để đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á và xa hơn là đối với các vấn đề an ninh nóng bỏng của các nước khu vực này. Bên cạnh đó, quan hệ Nga với các nước ASEAN được tạo dựng trên cơ sở kinh tế và chính trị không đủ mạnh, không phải nói là yếu ớt. Những năm qua, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN lần thứ nhất (2005), kim ngạch trao đổi thương mại hai bên đã kim ngạch thương mại của Nga đối với khu vực này mới đạt 21,4 tỷ USD, hiện Nga chỉ đứng thứ 14 trong tổng số các đối tác thương mại lớn của ASEAN, chiếm chưa đến 1% tổng số kim ngạch thương mại của các nước ASEAN. Đầu tư của Nga vào ASEAN rất thấp, chỉ khoảng 700 triệu USD, tương đương 0,2% FDI của Nga ra nước ngoài. Như vậy chúng ta thấy rõ sự quan tâm và mức độ ưu tiên của Nga đối với ASEAN dừng ở mức nào. Về mặt chính trị, Nga cũng chưa cho thấy những dấu hiệu về quan tâm và dành ưu tiên cho khu vực này. Nhìn chung, tất cả sự tham gia của Nga mới chỉ là những bước đi còn yếu ớt so với sân chơi chính trị vốn rất sôi động ở khu vực này. Yếu tố quan trọng khiến Nga hạn chế tam dự vào vấn đề Biển Đông là Trung Quốc. Do mối quan hệ chiến lược không thể bỏ qua của Nga đối với Trung Quốc, nước gây ra tranh chấp chủ quyền chủ yếu với các nước ASEAN ở Biển Đông. Nga và Trung Quốc hiện là đối tác đối thoại chủ chốt của ASEAN và muốn cùng ASEAN xây dựng chương trình nghị sự cũng như định hình cấu trúc an ninh tương lai tại khu vực. Đây được coi là thay đổi đáng mừng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh tại khu vực. Nga và Trung Quốc đang tham gia sâu hơn vào châu Á, nơi chiến lược tái cân bằng của Mỹ đã có động lực với sự ủng hộ quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông. Sau khi Washington tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á năm 2009, tiếng nói và vị thế của Mỹ tại khu vực cũng nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn. Điều khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau chính là mục tiêu chung trong giảm thiểu cái mà cả hai nước nhận thức một nước Mỹ bá quyền. Hai bên đều muốn bảo đảm rằng các đồng minh an ninh của Mỹ và chiến lược tái cân bằng không làm suy yếu sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung – Nga tại châu Á. Xét tới căng thẳng hiện nay về tranh chấp biển tại Hoa Đông và Biển Đông, Nga và Trung Quốc đã nhận thức được nhu cầu tăng cường hợp tác an ninh biển. Những cuộc diễn tập hải quân Nga và Trung Quốc gần đây đã diễn ra dọc bờ biển Trung Quốc và truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước láng giềng này. “Việc tái khẳng định liên kết quân sự Nga – Trung trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay chính là cách để giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy, thắt chặt trở lại mối quan hệ song phương”, Andrew O’Neil, giáo sư từ Đại học Griffith, Australia, nhận xét. Cuối cùng, do sự xa cách về mặt địa lý và lịch sử quan hệ giữa Nga với Đông Nam Á, Nga còn quá xa lạ với ASEAN so với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ấn Độ. Đối với ASEAN, Nga chỉ là một nước thường xuyên bán vũ khí và phương tiện quân sự hoặc là đối tác hợp tác năng lượng với một số nước.

Kết luận: Nhìn chung trong năm 2018, Nga chưa có nhiều sự tham gia trong vấn đề Biển Đông. Tiếng nói và vai trò của Nga cũng chưa được thể hiện, trong khi đây là vấn đề quan tâm, chú ý chung của nhiều nước. Điều này một phần cho thấy mối quan tâm hiện nay trong chính sách đối ngoại và tăng cường ảnh hưởng của Nga không phải là ở Biển Đông, phần nào cũng cho thấy sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc đã khiến Nga không thể tham gia sâu hơn vào vấn đề này cùng các nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới