Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAnh - Mỹ tiếp tục chiến thuật vỗ về Ukraine, Nga lạnh...

Anh – Mỹ tiếp tục chiến thuật vỗ về Ukraine, Nga lạnh lùng

Anh hỗ trợ Ukraine điều tàu chiến tới Biển Đen,  Mỹ bổ sung viện trợ, Nga gọi đó là đòn khiêu khích.

Đại sứ quán Nga tại London hôm 22/12 ra tuyên bố cho rằng, Anh đang đẩy Ukraine vào những khiêu khích quân sự mới bằng việc triển khai một tàu Hải quân Hoàng gia tới Biển Đen.

Một thông cáo từ Đại sứ quán Nga nêu rõ: “Sau khi không thể vô hiệu hóa các máy bay không người lái tại sân bay Gatwick (ở Anh), ông Williamson đã tham gia vào một hành động chắc chắn hơn là kích động Ukraine có thêm hành động khiêu khích quân sự.

Nga thực sự đã nhận được một tín hiệu: Bất chấp mọi bước đi vô trách nhiệm của chính quyền Kiev, Chính phủ bảo thủ của Anh sẽ luôn cung cấp cho Ukraine sự ủng hộ quân sự và chính trị. Đây là cách London đang nỗ lực “đóng góp” vào việc giải quyết cuộc xung đột nội bộ của Ukraine”.

Reuters cho biết, cùng ngày, chiến hạm Đô đốc Grigrovich mang tên lửa hành trình sát thủ Kalibr của Nga được phát hiện đang di chuyển theo hướng từ bán đảo Crimea tới Biển Azov.

Khinh hạm trên được phát hiện ở khu vực thị trấn Feodosia, cách bờ biển bán đảo Crimea 1,5 hải lý. Có nhân chứng quan sát thấy trực thăng trên tàu này.

Ngày 22/12, Nga cũng điều hơn 12 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 tới bán đảo Crimea. Một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy các máy bay này hạ cánh xuống căn cứ không quân Belbek tại Crimea – vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị cho “hoạt động khiêu khích” gần Crimea trước cuối năm nay.

Anh - My tiep tuc chien thuat vo ve Ukraine, Nga lanh lung

Máy bay Su-27 của Nga sẵn sàng ở Biển Đen.

Phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết nước này đã triển khai tàu do thám đa nhiệm HMS Echo tới Biển Đen để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, sau vụ việc tại eo biển Kerch, đồng thời phát đi một tín hiệu cảnh báo cho phía Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho rằng Biển Đen không thuộc sở hữu của Nga và nhấn mạnh Anh đã điều một tàu của Hài quân Hoàng gia tới khu vực này để chứng tỏ Kiev “không đơn độc”.

Truyền thông Anh đưa tin con tàu này sẽ lưu lại thành phố cảng Odessa (Ukraine) trong vài ngày và sau đó sẽ tiến hành tập trận hàng hải với tàu hải quân của Ukraine.

Đô đốc Alan West, cựu tư lệnh hải quân Anh từng phản đối việc điều HMS Echo vào Biển Đen trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, cho rằng London cần sử dụng những tàu hải quân có khả năng chiến đấu.

“Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Anh nên triển khai một trong 6 tàu khu trục lớp Type-45 đến khu vực này để đối phó với Nga” – Đô đốc West nhận định.

Cả Anh và Mỹ đều cùng khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine giữa căng thẳng với Nga sau sự kiện biển Azov.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington sẽ viện trợ quân sự thêm 10 triệu USD cho Ukraine để nước này tăng cường năng lực hải quân sau vụ căng thẳng trên biển với Nga hồi tháng trước.

Mỹ cũng yêu cầu Nga ngay lập tức thả các tàu và thủy thủ Ukraine, đồng thời cho phép các tàu của Ukraine đi lại tự do qua eo biển Kerch và tại biển Azov.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các tàu hộ tống cỡ lớn lớp Oliver Hazard Perry, có lượng giãn nước lên tới 4000 tấn để giúp Ukraine nâng cao sức mạnh nhằm đối phó với Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp thêm một số tàu tuần tra có lượng giãn nước nhỏ.

Tổng biên tập tạp chí lịch sử quân sự “Military Crimea” là ông Serge Chennyk, đã gọi số tiền 10 triệu USD mà Mỹ sẽ phân bổ cho Hải quân Ukraine sau sự cố ở eo biển Kerch là không đáng kể.

“Đây là sự giúp đỡ mang tính hình thức mà người Mỹ cung cấp cho tất cả những quốc gia được coi là đồng minh trung thành của mình – nghĩa là ở cấp độ giống như các nước châu Phi xa xôi, không hơn” – chuyên gia Nga phát biểu trong cuộc phỏng vấn với RT.

Theo ông, số tiền được phân bổ sẽ không thể giúp hạm đội Ukraine giải quyết vấn đề của mình. Hải quân Ukraine hầu như không có triển vọng trở thành một hạm đội đại dương, vì vậy họ chỉ còn cách phát triển thành phần hoạt động ở vùng ven biển, “vá víu các lỗ hổng” và “ngửa tay xin” các đồng minh cấp các tàu chiến cũ mà các nước này không còn dùng đến nữa.

Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine Aleksander Turchinov cùng ngày 21/12 đã phát đi tuyên bố Kiev sẽ tiếp tục điều tàu chiến đến eo biển Kerch để ngăn cản Nga chiếm Biển Azov.

Kiev đã tuyên bố thiết lập tình trạng thiết quân luật ở một số khu vực giáp biên giới Nga, khu vực ven bờ Biển Đen và Biển Azov từ ngày 28/11- 27/12 để đối phó với vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine.

Phòng không Ukraine mới đây cũng diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của các hệ thống tên lửa S-300 và nhiều máy bay chiến đấu trên bờ Biển Azov.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tăng cao trong những tuần gây đây sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine và hơn 20 thủy thủ trong vụ đụng độ tại eo biển Kerch hôm 25/11. Moscow cáo buộc các tàu của Ukraine đã xâm phạm lãnh hải của Nga, trong khi Kiev phủ nhận thông tin này.

Nhiều nhà quan sát đã nhận định các phản ứng gây hấn của Ukraine đối với Nga chỉ nhằm mục đích lôi kéo Mỹ và châu Âu đối với Ukraine, từ đó xin viện trợ.

Rõ ràng là phương Tây không thể hy sinh lợi ích của mình với Nga, không dám đối đầu Nga vì một quốc gia Đông Âu bất ổn và từ đó chỉ thể hiện sự không hài lòng với Nga bằng các tuyên bố ngoại giao, hình thức và hỗ trợ tài chính nhỏ giọt.

RELATED ARTICLES

Tin mới