Gần đây, tại Hội nghị TW8 (10/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (22/10/2018) về “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển…”. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, đúng vào thời điểm có những biến chuyển nhanh và khó lường trên thế giới. Nhưng chiến lược phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bàn cờ Biển Đông.
Sau một thập niên, kỳ vọng về một phiên bản mới của “Bộ Tứ” (Quad 2.0) đã nổi lên từ cuối 2017 khi tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific Mở và Tự do” (FOIP) được chính quyền Trump tuyên bố. Tuy bốn nước “Bộ Tứ” đều mong muốn Quad hồi sinh, nhưng nhiệm vụ này không đơn giản. “Bộ tứ” thực chất là sự trùng hợp lợi ích an ninh của các nước trong tam giác chiến lược Mỹ-Ấn-Nhật và Mỹ-Nhật-Úc. “Bộ Tứ” xuất hiện lần đầu tiên từ cuối năm 2006, khi bốn quốc gia dân chủ (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) hưởng ứng sáng kiến của thủ tưởng Nhật Shinzo Abe, nhằm mục đích đối thoại và trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên có lợi ích chung. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên (Quad 1.0) đã không thành công vì nhiều lý do, trong đó có phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc, và chính trị nội bộ của Úc, Ấn Độ và Nhật.
Gần đây (từ tháng 10/2018) một số học giả Mỹ đã đề xuất Mỹ nên mời Việt Nam tham gia vào “Bộ tứ” (Quad), trong đó có Joshua Kurlantzick (CFR) và Derek Grossman (RAND/CFR). Cả hai chuyên gia này đều nhất trí rằng “Quad 2.0” sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của tổ chức đa phương hàng đầu khu vực (ASEAN). Nếu xem Quad là một trong những trụ cột của FOIP, thì phải thuyết phục các nước ASEAN về sự cần thiết và tầm quan trọng của Quad. Theo cả hai học giả, để thuyết phục được ASEAN thì cần lôi kéo một số nước đầu tàu tham gia, và “Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là quốc gia phù hợp nhất”.
Theo Kurlantzick, việc mời Việt Nam tham gia vào Quad là một phần trong những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt, trong đó có đề xuất nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên thành đối tác chiến lược. Kurlantzick cho rằng Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất, đi đầu trong ASEAN, có thể giúp Mỹ tăng cường lợi ích tại khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Đối với Mỹ, tầm nhìn chiến lược FOIP được xây dựng trên cơ sở lấy Quad làm một trụ cột về an ninh và quốc phòng. Mỹ muốn Quad trở thành một cơ chế an ninh hiệu quả và thực chất trong FOIP, và coi Việt Nam như một đối tác không thể thiếu của FOIP. Nói cách khác, Mỹ và Việt Nam có lợi ích chiến lược song trùng.
Theo Grossman, Quad phải là một cơ chế đối thoại an ninh hiệu quả, vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Liệu Quad là một liên minh, một diễn đàn an ninh, hay chỉ đơn giản là sự mở rộng của khuôn khổ đối thoại chiến lược ba bên (Mỹ, Nhật, Úc) nay bao gồm cả Ấn Độ? Vì vậy, việc khởi động lại “Quad 2.0” là một nỗ lực của Washington và Tokyo trong việc tập hợp các nước đồng minh và đối tác để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng chính vì vậy Washington và Tokyo phải khôn khéo hơn nếu muốn Việt Nam và ASEAN tham gia vào Quad.
Sau khi Mỹ điều tàu sân bay USS Carl Vinson (lần đầu tiên) đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018), Nhật cũng điều tàu sân bay trực thăng Izumo và tàu ngầm Kuroshio lần lượt đến thăm Cam Ranh (20/5/2018 và 17/9/2018). Ngoài Mỹ và Nhật là hai đối tác có vai trò quan trọng nhất để cân bằng chiến lược tại Biển Đông, gần đây 8 nước khác (Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Canada, New Zealand) cũng đã điều chiến hạm đến Biển Đông để tham gia tập trận, tuần tra (FONOP) và thăm Việt Nam. Tuần tra FONOP không chỉ gia tăng về số lượng và tần suất, mà còn đang thay đổi quy mô và tính chất.
Hiện nay, Việt Nam phản ứng rất thận trọng, không phải vì không quan tâm mà vì ngại Trung Quốc phản ứng. Tuy Việt Nam (bên trong) có thể nâng cấp quan hệ với tất cả các nước Quad thành đối tác chiến lược và tăng cường quan hệ hợp tác an ninh-quốc phòng với từng nước, nhưng (bên ngoài) vẫn phải tuyên bố lập trường “ba không”. Tuy Việt Nam trước mắt chưa sẵn sàng tham gia Quad, nhưng tương lai không có gì là không thể, một khi thời thế thay đổi (do hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung) và khi mục đích và chương trình nghị sự của Quad được xác định rõ ràng và phù hợp với lợi ích các nước khu vực (ASEAN). Khi đó, các nước khu vực có thể tham gia các hoạt động chung trên biển Đông, như tuần tra, chống hải tặc, cứu hộ cứu nạn, và tập trận hải quân, v.v.
Đối với Việt Nam (trước mắt), mọi khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực phải được thiết kế trên cơ sở đa phương (multilateral) và tích hợp (inclusive), có mục đích và chương trình nghị sự rõ ràng để tránh nghi ngờ. Vì vậy, muốn Quad trở thành một thiết chế khu vực thành công, nhất thiết phải thuyết phục được các nước khu vực (ASEAN) tham gia. Trước mắt, Việt Nam (và ASEAN) khó tham gia vì Trung Quốc nghi ngại và coi Quad như một liên minh quân sự tiềm tàng để chống lại họ. Đó chính là lý do đại sứ Phạm Sanh Châu gần đây đã vận dụng “chính sách ba không” để trả lời báo chí Ấn Độ: Việt Nam không ủng hộ bất cứ một hình thức liên minh quân sự nào có khả năng làm hại cho hòa bình, ổn định khu vực.
Theo VNExpress (21/11/2018), đại sứ Mỹ Kritenbrink nói “Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ, dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như thế nào”. Trong quan hệ Mỹ-Việt, “Mỹ ưu tiên 5 lĩnh vực gồm an ninh, thương mại, giải quyết hậu quả chiến tranh, giáo dục và pháp quyền, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực an ninh”. Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam hơn US$100 triệu để nâng cao năng lực an ninh, trong đó có lực lượng cảnh sát biển. Các nước cần bảo đảm tự do hàng hải và hàng không dù là nước lớn hay nhỏ, và các yêu sách và tranh chấp cũng cần tuân thủ luật quốc tế… Về sáng kiến BRI của Trung Quốc, Mỹ khuyến cáo các nước cân nhắc về nguồn vốn đầu tư, và lưu ý tác động đối với độc lập và chủ quyền. Chính phủ không nên đóng vai trò cấp vốn chính, mà cần khuyến khích các nước có chính sách để khu vực tư nhân rót vốn vào phát triển cơ sở hạ tầng, vì đây mới là giải pháp lâu bền.
Theo VNBiz (26/11/2018) chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay sống chết không phải là vốn mà là hiệu quả, là giá trị gia tăng của nền kinh tế…Vay vốn Trung Quốc phải sống chung với tham nhũng vặt và sự dối trá”. Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cảnh báo về vốn vay từ Trung Quốc trong thời gian sắp tới, khi Trung Quốc thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ, và thực hiện chiến lược “Một vành đai, Một con đường”. Thời gian qua, tại Việt Nam một số dự án có liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc đã để lại tiếng xấu và hệ luỵ rất lớn cho nền kinh tế. Theo bà Chi Lan, vốn đầu tư vào khu vực FDI tại Việt Nam rất lớn ($35,88 tỷ), nhưng “không rõ Việt Nam nhận được bao nhiêu giá trị gia tăng”. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, lắp ráp hầu hết smartphone tại Việt Nam nhưng nhập khẩu hầu hết linh kiện đầu vào từ Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam thì họ được lợi, nhưng Việt Nam sẽ lợi bất cập hại.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp rủi ro lớn, vì Mỹ sẽ đánh thuế hàng Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong trường hợp đó, không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại. Cho dù các doanh nghiệp Trung Quốc không chuyển sang Việt Nam đi nữa, thì Việt Nam đang phải đối phó với chính sách bảo hộ của chính quyền Trump vì tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay. Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nước mà Mỹ nhập siêu nhiều nhất, tuy nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc và Đức, nhưng phải hợp tác tốt với chính quyền Trump để được ưu tiên (waiver). Vì vậy, Việt Nam phải khai thác triệt để các cơ hội và lợi thế khi triển khai hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (chủ tịch ASEAN) cho biết, đầu tư của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á khoảng $274 tỷ, lớn hơn toàn bộ đầu tư của Mỹ vào các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Nhưng Singapore và ASEAN lo ngại trước sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ông, “mọi kế hoạch nhằm kiến tạo Indo-Pacific phải dựa trên ba yếu tố chính. Thứ nhất, phải hỗ trợ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; Thứ hai, phải thúc đẩy thương mại, đầu tư, và kết nối trong khu vực; Thứ ba, phải theo hướng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế… Đó phải là một cấu trúc khu vực mở, bao gồm toàn bộ các nước khu vực trong đó ASEAN, không buộc họ phải chọn đứng về phía nào. Nói cách khác, ASEAN muốn hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc”.
Theo các chuyên gia, lãnh đạo các nước ASEAN lo ngại về triển vọng “đối đầu địa chính trị một mất một còn” (zero-sum geopolitical rivalry) giữa hai siêu cường, và không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc về kinh tế (economic brinkmanship) trong khi “vốn chính trị và ngoại giao của Mỹ tại khu vực đang bị suy giảm”. Sắp tới, khu vực này càng bị phân hóa mạnh hơn. Tuy các nước ASEAN hoan nghênh chiến lược Indo-Pacific mở và tự do, cũng như “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, nhưng họ không muốn ủng hộ một NATO mới tại phương Đông. Gần đây, phát biểu của đại sứ mới của Việt Nam tại Ấn Độ phản ánh tâm trạng này.
Lời cuối
Về cơ bản, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay không phải là một cuộc chiến thương mại đơn thuần như trước đây, mà đó là một cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới, đang diễn ra giữa hai siêu cường đại diện hai hệ thống chính trị và hai mô hình kinh tế khác hẳn nhau. Hay nói theo thuyết “bẫy Thucydides” của giáo sư Graham Allison thì đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Mỹ (là cường quốc cũ đang suy yếu) với Trung Quốc (là cường quốc mới đang trỗi dậy), để tranh giành ngôi thứ thống trị thế giới.
Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, thì sẽ không nhìn thấy một bức tranh lớn hơn rất nhiều, mà chỉ nhìn thấy “bề nổi của tảng băng chìm” hay “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Đây có thể là cuộc chiến quan trọng nhất của thế kỷ 21, để định hình lại lịch sử thế giới mới, hiện đang còn ẩn tàng nhiều ẩn số và biến số. Vì vậy, cần tránh ngộ nhận trước các diễn biến khó lường, có thể tác động rất lớn đến Việt Nam về mọi mặt, như một tai họa vì liên lụy tới Trung Quốc, và do vị trí trọng yếu của Việt Nam tại Biển Đông, nay là tâm điểm của tranh chấp chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific.
Tuy chưa thể đánh giá được liệu Trung Quốc sẽ bị tổn thương tới đâu sau khi “hết đạn” và Việt Nam sẽ bị liên lụy thế nào, nhưng có nhiều dấu hiệu khả năng ứng phó của Trung Quốc tỏ ra rất hạn chế, trong khi đó khả năng ứng phó của Việt Nam chắc còn hạn chế hơn nhiều. Để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ bằng thuế quan, thứ nhất, Trung Quốc có thể “ăn miếng trả miếng”, nhưng sau đợt hai (cuối năm nay) chắc sẽ “hết đạn”. Thứ hai, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng chắc chắn sẽ làm các nhà đầu tư rút tiền ồ ạt để tháo chạy. Thứ ba, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ (như chủ nợ lớn nhất), nhưng chắc chắn sẽ làm tụt giá ngay lập tức và thiệt hại rất lớn. Vì vậy cả ba phương án trên đều phản tác dụng như “gậy ông lại đập lưng ông”.
Theo New York Times, trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, quan điểm trong nội bộ Nhà Trắng vẫn chia rẽ giữa nhóm ôn hòa như Larry Kudlow (cố vấn kinh tế) và Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính) muốn thỏa hiệp và nhóm cứng rắn như Peter Navarro (cố vấn thương mại) và Robert Lighthizer (đại diện thương mại) muốn đánh tiếp. Nhưng theo Ely Ratner (chuyên gia tại CNAS), nếu có thỏa thuận tại cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit ở Argentina cũng chỉ là “hoãn bình chiến thuật ngắn hạn”, chứ không có tác động lâu dài đến xu hướng đối đầu về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Tập Cận Bình đã bỏ qua những cơ hội có thể thỏa hiệp để tránh đối đầu với Mỹ (dưới thời Obama). Ngay sau bầu cử tổng thống Mỹ (cuối năm 2016), Tập đã đã “đánh mất nước Mỹ” (Xi had lost the United States). Dù Donald Trump hay Hillary Clinton lên cầm quyền, thì Washington cũng sẵn sàng thách thức Trung Quốc về mọi mặt.
Chủ trương “xét lại và độc tài” của Tập đã loại trừ khả năng thỏa hiệp (grand bargain) giữa hai nước lớn. Về các lĩnh vực quan trọng, giữa hai bên chẳng có gì chung, mà chỉ có nhân nhượng tượng trưng vì chính trị. Tập Cận Bình không có khả năng đáp ứng những lo ngại cơ bản của Mỹ về chính sách công nghiệp và mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc. Mọi cử chỉ thiện chí chỉ là tạm thời, và mọi cố gắng hòa giải sẽ thất bại. Dù Trump và Tập có thỏa thuận gì tại Argentina cũng không thay đổi được xu hướng đối đầu. Hiện nay, thách thức Trung Quốc là một cơ hội thiết yếu và hiếm có để đoàn kết nước Mỹ về chính trị. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng thuận về vấn đề này. Tăng cường năng lực cạnh tranh để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc là mục tiêu cơ bản của Mỹ.
Về đối sách của Việt Nam, tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia thống kê của LHQ) và Jonathan London đề xuất một số biện pháp đáng tham khảo trong một bài viết trên CSIS. Trong đó các tác giả đề cập đến nội dung “ba không” và “một có” trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam (2009). Theo đó, lâu nay người ta chỉ chú trọng đến “ba không” mà hầu như quên mất “một có”. Nội dung “ba không” gồm: (1) “Không tham gia các tổ chức liên minh quân sự để chống lại nước khác”; (2) “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại nước khác”; (3) “Không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”; Và “một có” là: (4) “Đồng thời chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, và cùng có lợi. Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hòa bình, độc lập và phát triển”
Nói cách khác, điểm (4) nói trên chính là nguyên tắc “một có” đi kèm với “ba không” để Việt Nam có thể “hợp tác quốc phòng với tất cả các nước” nhằm đảm bảo “không gian sinh tồn” cho mình, trong đó có quyền tự do đi lại trên Biển Đông, theo luật quốc tế. Đó là chủ trương nhất quán nêu trong Sách trắng Quốc phòng 2009. Nhưng sau 10 năm, đã đến lúc cần có sách trắng mới để thay thế. Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước lớn đã điều chỉnh chiến lược, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang với hệ quả khó lường, Việt Nam cần chủ động tăng cường yếu tố “một có” và điều chỉnh chiến lược một cách tương ứng, để phù hợp với thực tế mới “Để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng, chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình”.
Với ý nghĩa đó, Việt Nam cần “tái cân bằng chiến lược” bằng cách tăng cường “một có” thành “hai có”, để đảm bảo “không gian sinh tồn” cho mình, trước mắt cũng như lâu dài, như đã đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế biển (Nghị quyết 36-NQ/TW). Lúc này, những tài sản quốc gia quan trọng như mỏ khí “Cá Voi Xanh” (hợp tác với ExxonMobil) và quân cảng Cam Ranh (đang được quốc tế hóa) có ý nghĩa thiết yếu như hai đòn bẩy chiến lược, vừa có giá trị răn đe, vừa có giá trị kinh tế biển. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy việc thông qua và triển khai nghiêm túc hai hiệp định CPTPP (đã phê chuẩn) và EVFTA (đang chờ thông qua) như hai đòn bẩy chiến lược lớn để hội nhập quốc tế. Nhưng về lâu dài, tất cả những điều nói trên có thể là vô nghĩa nếu không thực sự cải tổ thể chế để tháo gỡ những nút thắt và khai thông nguồn nội lực tiềm ẩn của dân tộc