Việt Nam có đường bờ biển kéo dài trên 13o vĩ tuyến án ngữ gần như toàn bộ bờ phía Tây của Biển Đông. Các vùng biển của Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cả trong khối nước, trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển bao gồm tài nguyên sinh vật (động, thực vật), tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than, các loại sa khoáng, vật liệu xây dựng…), tài nguyên năng lượng (thủy triều, sóng, gió, mặt trời…) và các tài nguyên đặc biệt khác (không gian mặt biển, địa hình bờ và đảo, các cảnh quan…). Trong những năm gần đây, Việt Nam đặc biệt coi trọng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Các nguồn tài nguyên biển của Việt Nam
Theo các kết quả điều tra cho thấy, Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng bao gồm cả tài nguyên sinh vật và tài nguyên không sinh vật, tài nguyên trong khối nước, trên đáy và trong lòng đất dưới đáy biển:
Tài nguyên sinh vật: Theo các số liệu thống kê, hiện có tới 11.000 loài sinh vật thuỷ sinh và 1.300 loài sinh vật trên đảo đã được biết đến trong các vùng biển – đảo Việt Nam, trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy và 2.000 loài cá. Có 83 loài sinh vật biển được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (37 loài cá, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài động vật hai mảnh vỏ và 3 loài mực). Biển Việt Nam có 110 loài cá kinh tế (trích, thu, ngừ, bạc má, hồng…) thuộc 39 họ, tổng trữ lượng cá biển khoảng 3 – 3, 5 triệu tấn và khả năng khai thác cho phép là trên một triệu tấn mỗi năm. Trong số nguồn lợi về cá, thì cá nổi đóng vai trò rất lớn. Những đánh giá gần đây cho thấy, trữ lượng cá nổi trung bình ở các vùng biển Việt Nam vào khoảng 2.744.900 tấn và khả năng khai thác là 1.372.400 tấn. Trong đó, vịnh Bắc Bộ: trữ lượng là 433.100 tấn và khả năng khai thác là 216.500 tấn; Trung Bộ: trữ lượng là 595.600 tấn và khả năng khai thác là 297.800 tấn; Đông Nam Bộ: trữ lượng là 770.800 tấn và khả năng khai thác là 385.400 tấn; Tây Nam Bộ: trữ lượng là 945.400 tấn và khả năng khai thác là 472.700 tấn. Trữ lượng cá nổi chiếm 54,37% tổng trữ lượng cá. Tỷ lệ cá nổi trong tổng trữ lượng cá ở vùng biển Việt Nam: vùng biển vịnh Bắc bộ (83,3%), Miền Trung (89,0%), Đông Nam Bộ (42,9%), Tây Nam Bộ (62%), các gò nổi (100,0%) và trung bình cho toàn vùng biển là 63,0% (bảng 2).
Ngoài ra, còn có nguồn lợi động vật thân mềm (hơn 2.500 loài) với trữ lượng đáng kể, có giá trị kinh tế cao. Rong biển có hơn 600 loài (sử dụng cho chế phẩm công nghiệp 24 loài, dược liệu 18 loài, thực phẩm 30 loài, thức ăn gia súc 10 loài và phân bón 8 loài). Trong vùng biển Việt Nam còn có nhiều loại động vật quý như đồi mồi, rắn biển, chim biển và thú biển. Vì nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, trong các vùng biển của Việt Nam còn có các hệ sinh thái rừng ngập mặn. hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái đảo, hệ sinh thái bờ đá, hệ sinh thái cồn cát… Trong các hệ sinh thái này, tính đa dạng sinh học rất cao. Tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ trong các vùng cửa sông, đầm phá và vũng vịnh và vùng biển ven bờ rất lớn. Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam khoảng 2 triệu héc – ta (thực tế năm 2001 mới sử dụng 755.000 ha mặt nước), bao gồm 3 loại hình mặt nước đó là nước ngọt, nước lợ và vùng nước mặn ven bờ, có thể nuôi trồng các loại đặc sản như tôm, cua, rong câu, nuôi cá lồng… Nuôi trồng sinh vật biển cũng đã đóng góp một sản lượng lớn thuỷ sản cho thực phẩm, dược phẩm, vật liệu công nghiệp, mỹ nghệ, v.v. phục vụ cho cuộc sống.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, tổng trữ lượng hải sản biển Việt Nam dao động trong khoảng 3,1 – 4,2 triệu tấn, với khả năng khai thác 1,4 – 1,6 triệu tấn; khoảng 0,058 triệu tấn tôm biển và 0,123 triệu tấn mực. Tiềm năng nguồn lợi hải sản của Việt Nam rất lớn nhưng khả năng khai thác còn hạn chế: chỉ mới tập trung khai thác ở ven bờ gây nên sự mất cân đối làm cho nguồn hải sản ven bờ nhanh chóng bị cạn kiệt. Để khai thác được nguồn lợi hải sản xa bờ có hiệu quả, từ năm 1997, Việt Nam đã có chủ trương và cung cấp vốn ưu đãi cho việc đóng tàu, mua sắm trang bị đánh bắt xa bờ, đồng thời cũng ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh chương trình khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ.
Tài nguyên không sinh vật: Nguồn tài nguyên không sinh vật của biển Việt Nam rât lớ bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên năng lượng và các loại tài nguyên vị thế khác. (1) Tài nguyên khoáng sản. Nguồn tài nguyên khoáng sản có cả trong khối nước, trên đáy và trong lòng đát dưới đáy biển. Trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định được nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá là có triển vọng dầu khí và điều kiện khai thác thuận lợi nhất, với tổng trữ lượng ước tính khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi. Cùng với dầu – khí, trong các bể trầm tích ở thềm lục địa Việt Nam còn có trữ lượng than rất lớn. Ngoài ra, các loại sa khoáng ven bờ như ilmenit với trữ lượng dự đoán khoảng 13 triệu tấn; cát thủy tinh, trữ lượng ước tính hàng trăm tỷ tấn. Ngoài ra, còn một khối lượng lớn vật liệu xây dựng khổng lồ có thể được khai thác từ đáy biển (cát sạn sỏi cho xây dựng hoặc san lấp) để thay thế cho nguồn này trên lục địa đang bị cạn kiệt dần. Ngoài ra còn có cát thủy tinh ở Vân Hải (Quảng Ninh), Ba Đồn (Quảng Bình), Cam Ranh (Khánh Hòa) với trữ lượng nhiều tỷ tấn. Trên sườn lục địa – chân lục địa và đáy biển sâu còn có tiểm năng các kết hạch sắt – mangan, bùn đa kim rất đáng kể mà đến nay chưa thể xác định được trữ lượng. Một loại khoáng sản khác rất có triển vọng trong trầm tích đáy biển Việt Nam được các nhà địa chất mới phát hiện trong thời gian gần đây là khí cháy (Hydrat methan). Nguồn tài nguyên khoáng sản trong khối nước biển có trữ lượng lớn nhất là muối với trữ lượng rất lớn bởi vì độ muối trung bình của nước biển là khoảng 32%o và đường bờ biển dài khoảng 3.500km. Đây là loại khoáng sản dễ khai thác phục vụ cho công nghiệp và đời sống rất thiệt thực. (2) Tài nguyên năng lượng. Thủy triều, sóng và gió là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng trên các vùng biển – đảo Việt Nam.
Các nguồn tài nguyên đặc biệt: Khác với 2 loại tài nguyên trên có thể đánh giá được bằng trữ lượng, còn một số điều kiện tự nhiên không thể đánh giá định lượng được, nhưng lại được con người sử dụng, thậm chí từ rất lâu đời, trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của mình đều có thể xếp vào loại tài nguyên đặc biệt này. Đó chính là địa hình bờ và đảo cũng như khoảng không mặt biển. (1) Không không gian mặt biển. Như đã nói, vùng biển – đảo Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng nhiệt đới và có diện tích rộng tới khoảng 3,5 triệu km2, quanh năm nước không đóng băng. Đây chính là điều kiện để giao thông – thương mại phát triển. Biển Việt Nam nói riêng và Biển Đông nói chung nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới, giữ một vai trò rất lớn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa thương mại phục vụ đắc lực cho xây dựng nền kinh tế của Việt Nam cũng như các nước quanh bờ Biển Đông. Biển Việt Nam nối thông với nhiều hướng, từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Malacca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi; qua eo biển Basi có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Philippin, Indonesia, Singappor đến Australia và New Zealand, v.v.. Đây là điều kiện rất thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển Việt Nam phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. (2) Địa hình bờ và đảo. Địa hình bờ biển của Việt Nam rất đa dạng và độc đáo do được phát triển trên các loại đất đá khác nhau trong điều kiện khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo chiều Bắc – Nam. Trên bờ biển của Việt Nam lại có nhiều mũi đá nhô ra sát biển như Đèo Ngang, đèo Hải Vân, Đèo Cả. Đường bờ biển của Việt Nam rất khúc khuỷu. lại được các đảo che chắn (vịnh Hạ Long và Bái Tử Long), có nhiều vũng vịnh (Vũng Áng, vịnh Đà Nẵng, An Hòa, Dung Quất, Quy Nhơn, Xuân Đài, Vũng Rô, Vân Phong…) và nhiều cửa sông lớn đổ trực tiếp vào Biển Đông . Vùng biển Việt Nam có trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo, Bắc Trung Bộ trên 40 đảo, còn lại ở vùng biển Nam Trung Bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào vị trí địa lý so với bờ có thể chia thành các đảo và quần đảo gần bờ và các đảo và quần đảo xa bờ. Các đảo và quần đảo gần bờ có ý nghĩa rất to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước và đảm bảo an ninh trên biển và bờ biển Việt Nam. Còn các đảo và quần đảo xa bờ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu.
Phát triển kinh tế biển Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, toàn diện và vững mạnh, trong đó có kinh tế biển đã được xác định. Trong giai đoạn này, kinh tế biển đã được xây dựng với đầy đủ các lĩnh vực, bao gồm: nghề cá (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến); khai thác khoáng sản; hàng hải (đóng tàu, chuyên chở, xây dựng cảng); du lịch và giải trí biển; dịch vụ biển (sản xuất các thiệt bị, phương tiện làm việc trong biển); an ninh – quốc phòng (quản lý vùng biển).
Trong đó, nghề cá, thác khoáng sản; hàng hải, du lịch và giải trí biển có vị trí, vai trò quan trọng trong kinh tế biển của Việt Nam: (1) Nghề cá. Trong khoảng thời gian 20 năm qua, nghề cá của Việt Nam bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đều có xu hướng liên tục tăng cả đánh bắt và nuôi trồng. Về nuôi trồng, từ năm 2010 đến nay, diện tích và sản lượng nuôi trồng hải sản nược lợ, mặn liên tục tăng lên. Các hình thức và chủng loại nuôi trồng cũng trở nên đa dạng hơn (nuôi tôm, cua, cá trong đầm; trong lồng, bè – đối với một số cá đặc sản và tôm hùm; nuôi các lạo thân mềm như ốc hương, vẹm xanh, tu hài, ngao…). Phương thức nuôi cũng càng ngày càng hiện đại hơn: từ nuôi quảng canh sang thâm canh và nuôi công nghiệp. Do đó, các sản phẩm đạt chất lượng cao hơn và được xuất khẩu rộng rãi hơn thông qua chế biến. (2) Khai thác khoáng sản biển. Ngành khai thác dầu thô và khí thiên nhiên trên biển ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay Việt Nam đang khai thác mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Đen…, đã phát hiện được hàng trăm vị trí có tích tụ dầu khí. Ngành dầu khí của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hoá dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực. (3) Giao thông vận tải biển. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. Hệ thống cảng của Việt Nam gồm cảng biển và cảng sông với khoảng trên 90 cảng lớn nhỏ và được phân bố tương đối đều dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam. Hệ thống cảng biển của Việt Nam được chia thành 6 nhóm: Nhóm cảng biển phía Bắc (cảng Hải Phòng, Cái Lân, Cửa Ông, Hòn Gai…); Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (các cảng quan trọng là Nghi Sơn, Vũng Áng); Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gồm các cảng chính Hòn La, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất); Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận có cảng Quy Nhơn, Nha Trang, tương lai là Vân Phong); Nhóm cảng vùng Đông nam Bộ (cảng Sài Gòn, Vũng Tàu- Thị Vải và cảng Cái mép đang xây dựng); Nhóm cảng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với hệ thống cảng, kho bãi, biển Việt Nam thông với 2 đại dương lớn là Thái Bình dương và Ấn Độ dương và đội tàu ngày càng vững mạnh, trong những năm vừa qua vận tải hàng hóa bằng đường biển đã tăng lên đáng kể. (4) Du lịch và giải trí biển. Du lịch và giải trí biển là một lĩnh vực hoạt động kinh tế không mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2000, du lịch và nghỉ dưỡng cũng như giải trí biển đã được mở rộng đáng kể. Hiện nay, Việt Nam có nhiều trung tâm du lịch biển quan trọng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á, như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Các hoạt động kinh tế biển trên đã góp phần giải quyết được đáng kể về thu nhập từ quy mô Nhà nước cho đến người lao động. Một số vấn đề xã hội cũng được giải quyết, như: tăng việc làm giảm lao động thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền quốc gia trên các vùng biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, trong quá trình này cũng bộc lộ một số vấn đề về môi trường bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đó là việc sử dụng các nguồn tài nguyên biển chưa hợp lý (quy hoạch sử dụng đất đai chưa phù hợp, khai thác nguồn lợi hải sản quá mức…) dẫn đến sự suy thoái môi trường (ô nhiễm và các tai biến thiên nhiên) tự nhiên của biển và vùng đất ven biển.
Một số khó khăn, thách thức khi phát triển kinh tế biển của Việt Nam:
Khu vực Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước, 6 bên, nên việc hợp tác và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế ở khu vực này còn gặp không ít khó khăn. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, những vi phạm trong quá trình sử dụng, khai thác tài nguyên biển chưa có các quy định cụ thể mang tính pháp quy như trong quản lý sử dụng đất trên đất liền và còn nhiều bất cập.
Trình độ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển các loại trang thiết bị khai thác tài nguyên trên biển của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa chủ động được công nghệ. Số trang thiết bị kỹ thuật đang sử dụng đa phần đã lạc hậu, hiệu quả khai thác kinh tế không cao.
Phương thức khai thác, đánh bắt hải sản của Việt Nam vẫn mang tính nhỏ lẻ, thủ công và mang tính chụp giật, khiến hiệu quả khai thác không cao và tác động lớn đến môi trường sinh thái, cân bằng nguồn lợi thủy sản. Số lượng tàu cá của Việt Nam còn ít, chủ yếu là các tàu có công suất, trọng tải thấp, trang thiết bị phục vụ đánh bắt cá còn thô sơ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng phát triển du lịch biển, song vẫn chưa có quy hoạch đồng bộ, tổng thể mà vẫn mang tính tự phát, theo từng vùng miền và địa phương, khiến việc quản lý và thúc đẩy phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.
Không những vậy, nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển của Việt Nam còn thiếu, chưa có các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chủ chốt, nhất là chuyên gia trong việc nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị khai thác tài nguyên dưới biển sâu, chuyên gia về các lĩnh vực lọc hóa dầu, băng cháy, năng lượng…
Ngoài ra, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ. Các hệ sinh thái ven biển, các giá trị dịch vụ của chúng, người dân ven biển và trên các đảo là những đối tượng dễ bị tổn thương và bị tác động mạnh mẽ nhất, nhưng đến nay còn thiếu những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, cũng như chưa có giải pháp lồng ghép và mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và dâng cao mực nước biển.