Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực

TQ chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực

Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) chuẩn bị mở chi nhánh châu Âu tại London (Anh). Đây là ví dụ mới nhất về chiến dịch lôi kéo công chúng quốc tế của Trung Quốc.

Chi nhánh châu Âu của CGTN được bố trí trong một khu nhà ở phố nhà giàu Chiswick  phía tây London. Trong 18 tháng tới CGTN sẽ tuyển 300 vị trí làm việc. Ban đầu CGTN thông báo tuyển 90 người và đã có hơn 6.000 ứng viên đăng ký.

Lôi kéo bạn đọc quốc tế

Quảng cáo tuyển người của CGTN giải thích: “Mục đích của chúng tôi là đưa tin theo quan điểm Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn tạo khác biệt với truyền thông phương Tây bằng tầm nhìn rộng hơn đồng thời đưa tin về các khu vực và các chủ đề truyền thông phương Tây bỏ qua”.

CGTN phụ trách lĩnh vực quốc tế của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tiền thân mang tên CCTV 9, CCTV News. CGTN đã mở chi nhánh ở Washington (Mỹ) và Nairobi (Kenya) vào năm 2012. Mỗi chi nhánh có khoảng 150 phóng viên.

CGTN châu Âu có năm kênh truyền hình phát bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Ả rập và các cổng web. Như vậy tổng cộng CGTN phát nội dung với 11 thứ tiếng cho 140 quốc gia.

CGTN không chỉ là phương tiện truyền thông Trung Quốc duy nhất nhắm đến bạn đọc quốc tế. Nhật báo China Daily xuất bản bằng tiếng Anh ra đời năm 1981 đã mở thêm các ấn bản Mỹ, châu Phi và châu Âu. Báo Global Times (Thời Báo Hoàn Cầu) đã phát hành ấn bản tiếng Anh. 

Từ 110 văn phòng, Tân Hoa Xã đã phát triển đến 180 văn phòng trong 10 năm trở lại đây. Năm 2010, Tân Hoa Xã đã mở thêm kênh truyền hình tiếng Anh CNC World.

Có những chủ đề chắc chắn cấm kỵ với Trung Quốc như ba chữ T gồm Tây Tạng (Tibet), Đài Loan (Taiwan) và Thiên An Môn (Tiananmen)

Nhà nghiên cứu HUGO DE BURGH

Trung Quốc chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực - Ảnh 3.

Chi nhánh CGTN châu Âu tổ chức hội thảo ở London (Anh) ngày 23-6-2018 – Ảnh: CGTN

Xây dựng hình ảnh tích cực, thân thiện

Trong một thời gian dài Trung Quốc giữ thế phòng thủ với thế giới bằng biện pháp kiểm duyệt thông tin. Nay tình hình đã khác. Nhà nghiên cứu Yu-Shan Wu ở Đại học Witwatersrand (Nam Phi) nhận định: “Mới đây Trung Quốc đã chọn cách viết lại lịch sử theo cách của họ”.

Bước ngoặt chính là hồi tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Nhân sự kiện này, báo chí phương Tây đưa tin rất tiêu cực về tình hình xã hội Trung Quốc. 

Vì thế Trung Quốc mong muốn nắm quyền kiểm soát thông tin bằng cách mở ra nhiều công cụ truyền thông hướng đến công chúng nước ngoài.

Trung Quốc đã 45 tỉ nhân dân tệ (6,54 tỉ USD) để chứng tỏ hình ảnh tích cực và thân thiện của Trung Quốc.

Ví dụ như nhấn mạnh các lợi ích từ dự án “Vành đai – Con đường”, làm phim tài liệu nhiều tập về viện trợ nhân đạo trong thảm họa như động đất ở Nepal năm 2015, quảng bá các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng ở châu Phi.

Một chủ đề khác là bình luận về chế độ dân chủ thất bại ở phương Tây qua những chuyện như tội ác giết người hàng loạt ở Mỹ, khủng hoảng chính trường Úc…

Trung Quốc chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực - Ảnh 4.

Lực lượng cứu hộ Trung Quốc lên đường sang Nepal ngày 26-4-2015. Đây là cơ hội để Trung Quốc quảng bá hình ảnh thân thiện – Ảnh: AFP

Kiểm soát các đài phát thanh và mua lại báo

Bắc Kinh còn tìm cách định hướng thông tin theo cách gián tiếp. Các tập đoàn truyền thông như GBTimes ở Phần Lan, G&A Studio ở California hay Global CAMG ở Úc do Hoa kiều thành lập phát sóng qua 58 kênh ở 35 nước. 

Ở Pháp, GBTimes mở kênh phát thanh “Trung Quốc bằng tiếng Pháp” thu hút 90.000 thính giả. Còn ở Anh, Panda Radio của GBTimes có 129.000 thính giả.

Theo báo Le Temps (Thụy Sĩ), ba đài nêu trên đều do Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đầu tư và quản lý thông qua trung gian mạng lưới công ty bình phong. Bởi thế chương trình của các đài này đều thể hiện hình ảnh thân thiện của Trung Quốc.

Các công ty có liên hệ với chính phủ Trung Quốc cũng sẵn sàng mua lại một phần hoặc trọn gói các báo như Independent Media ở Nam Phi, XEWW ở Mexico, China Times ở Đài Loan.

Sau khi tỉ phú Jack Ma (Mã Vân) mua lại báo tiếng Anh The South China Morning Post ở Hong Kong, báo này ít nói đến nhân quyền ở Trung Quốc và khen ngợi công lao của Tập Cận  Bình nhiều hơn.

Tại tờ Independent Media, cây bút bình luận Azad Essa thậm chí đã bị mất việc sau khi viết bài về Tân Cương.

Trung Quốc chi nhiều tiền xây dựng hình ảnh tích cực - Ảnh 5.

Phái đoàn phát thanh, truyền hình, phim ảnh Trung Quốc thăm tòa soạn đài GBTimes ở Tampere (Phần Lan) tháng 10-2018 – Ảnh: gbtimes.com

Mời các nhà báo đến Trung Quốc học miễn phí

Từ năm 2016, mỗi năm Trung Quốc đều mời khoảng 50 nhà báo từ các nước đang phát triển đến Trung Quốc tham dự khóa bồi dưỡng dài 10 tháng.

Các nhà báo được ăn ở miễn phí tại khu phố nhà giàu ở Bắc Kinh, mỗi tháng được cấp tiền sinh hoạt 5.000 nhân dân tệ và đi hai chuyến tác nghiệp, được theo học ngoại ngữ tại các trường đại học và cuối cùng nhận tấm bằng Thạc sĩ về Quan hệ quốc tế.

Nhà nghiên cứu Hugo de Burgh – giám đốc Trung tâm Truyền thông đại chúng Trung Quốc thuộc Đại học Westminster (Anh) giải thích: “Mục đích nhằm chứng minh lòng tốt của Trung Quốc với hy vọng trong tương lai họ sẽ phản ánh tốt khi đưa tin về Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới