Thursday, November 7, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ hụt hơi khi Hải quân TQ tăng tốc

Mỹ hụt hơi khi Hải quân TQ tăng tốc

Số lượng tàu chiến của Trung Quốc dự kiến sẽ gần gấp đôi Mỹ trong vòng 12-15 năm tới khiến ưu thế công nghệ của Mỹ có thể bị xóa nhòa.

Chiến lược “lấy thịt đè người”?

Theo giới phân tích phương Tây, sự trỗi dậy nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc đã thách thức sự thống trị hàng hải của Mỹ ở khắp vùng biển Đông Á. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể tài trợ cho một kế hoạch đóng tàu mạnh mẽ mà có thể duy trì trật tự an ninh khu vực và cạnh tranh hiệu quả với việc tăng cường hải quân của Trung Quốc.

Các số liệu công khai cho thấy tính đến đầu năm 2017, Hải quân Trung Quốc có 328 tàu. Nước này hiện có gần 350 tàu và lớn hơn Hải quân Mỹ. Trung Quốc là nước đóng tàu lớn nhất thế giới và với tốc độ sản xuất hiện tại có thể sớm đưa vào vận hành 400 tàu.

Trung Quốc cũng đưa vào hoạt động gần 3 chiếc tàu ngầm mỗi năm, và trong 2 năm sẽ có hơn 70 chiếc trong hạm đội của mình. Hải quân Trung Quốc cũng vận hành ngày càng nhiều tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ và tàu hộ tống, tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình chống tàu tầm xa.

Từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc đưa vào hoạt động hơn 30 chiếc tàu hộ tống hiện đại. Với tốc độ hiện tại, Trung Quốc có thể có 430 tàu nổi và 100 tàu ngầm trong vòng 15 năm tới.

Theo cơ quan nghiên cứu RAND của Mỹ, hạm đội của Trung Quốc hiện nay cũng hiện đại hơn, dựa trên các tiêu chuẩn đóng tàu hiện đại. Trong năm 2010, chưa đến 50% tàu Trung Quốc được xếp loại “hiện đại”; vào năm 2017, hơn 70% là hiện đại.

Tàu ngầm diesel của Trung Quốc ngày càng ít tiếng động và thách thức năng lực chống tàu ngầm của Mỹ. Các tên lửa hành trình chống tàu được phóng từ tàu và từ trên không của Trung Quốc có tầm bắn và tàng hình đáng kể và được dẫn đường bởi các công nghệ ngày càng tinh vi.

My hut hoi khi Hai quan Trung Quoc tang toc

Hải quân Trung Quốc trong một cuộc phô diễn lực lượng hồi tháng 7/2018

Theo RAND, Hải quân Trung Quốc giờ đây tạo ra một thách thức đáng kể đối với hạm đội tàu nổi của Mỹ. Các tên lửa đạn đạo thông thường tầm trung DF-21C và DF-26 có thể vươn tới căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia và Guam.

Sự bi đát của Hải quân Mỹ

Vào đầu năm 2018, quy mô của hạm đội đang hoạt động của Mỹ là 280 tàu. Với tình hình hiện tại, trong 12 năm, Hải quân Mỹ sẽ chỉ còn 237 tàu nổi. Trong 6 năm, hạm đội tàu ngầm của Mỹ sẽ giảm xuống còn 48 tàu, và trong 11 năm, số lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ sẽ giảm xuống còn 41 tàu.

Cả Hải quân lẫn Nhà Trắng đều đã đẩy mạnh phát triển hạm đội của Mỹ, nhưng ngân sách đã không theo kịp kế hoạch. Trong năm 2015, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch tăng hạm đội lên 308 tàu nổi vào năm 2022 còn Chính quyền của Tổng thống Trump muốn có một lực lượng 355 tàu.

Để đạt tới số lượng 308 tàu, Hải quân Mỹ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn 36% so với ngân sách đóng tàu trung bình trong 30 năm qua, đòi hỏi phải tăng thêm 1/3 trong ngân sách hiện tại. Nếu quỹ tiếp tục ở mức trung bình trong 30 năm qua, Hải quân Mỹ có khả năng sẽ mua ít hơn 75 tàu so với kế hoạch trong 3 thập kỷ tới.

Để đạt tới số lượng 355 tàu, Hải quân Mỹ sẽ cần ngân sách nhiều hơn 80% so với ngân sách đóng tàu hải quân trung bình trong 30 năm qua và khoảng 50% so với ngân sách trung bình trong 6 năm qua.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng tàu của Mỹ đã suy thoái trong thập kỷ qua, do đó hoàn toàn không đảm bảo được nhân sự đầy đủ cho việc đóng một đội tàu lớn hơn.

Trước tình hình hiện tại, Mỹ buộc phải điều chỉnh chính sách an ninh nhằm chống lại các năng lực chiến đấu đang nổi lên của Trung Quốc ở các vùng biển Đông Á – Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tàu sân bay vẫn là biểu tượng sức mạnh vượt trội của Mỹ

Hải quân Mỹ dựa vào công nghệ để bù đắp cho việc suy giảm số lượng tàu. Nước này đang phát triển các tên lửa hành trình chống tàu tầm xa hơn để chống lại tên lửa hành trình chống tàu của Trung Quốc và các ngư lôi tầm xa hơn để chống lại hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc.

Mỹ cũng đang phát triển năng lực “sát thương phân tán” để chống lại số lượng tàu Trung Quốc và khả năng của chúng “tập hợp” chống lại các tàu chiến của Mỹ.

Phát triển công nghệ pháo điện từ siêu âm tầm xa và năng lượng trực tiếp hiện cũng là một hướng đi của Mỹ. Đáng kể nhất, Hải quân Mỹ tập trung phát triển số lượng lớn phương tiện không người lái như giải pháp lâu dài bù đắp cho số lượng tàu đang suy giảm.

Mỹ đang phát triển và thử nghiệm phương tiện không người lái chống tàu ngầm và chống mìn, trinh sát thu nhỏ có thể hoạt động với số lượng lớn để cho phép nhắm mục tiêu đồng thời nhiều phương tiện của Trung Quốc, máy bay không người lái tấn công đặt trên tàu sân bay và máy bay không người lái tiếp nhiên liệu, máy bay không người lái tác chiến điện tử và tàu nổi không người lái cho các chiến dịch phá mìn và chiến tranh chống tàu ngầm.

Những cuộc “tuần tra” đơn độc của Mỹ có đủ để “nắn gân” Trung Quốc?

Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ cũng từng bước mở rộng khả năng tiếp cận các căn cứ của Ấn Độ và Australia vốn nằm ngoài tầm với của tàu ngầm và tàu nổi Trung Quốc. Theo giới phân tích, các căn cứ này sẽ cho phép Hải quân Mỹ chiến đấu với Hải quân Trung Quốc từ bên ngoài Biển Đông và không cho Hải quân Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các lợi thế công nghệ của Mỹ so với Trung Quốc giảm dần qua mỗi năm và trong an ninh hàng hải thì số lượng có thể cũng quan trọng như chất lượng.

Giới chuyên gia thậm chí còn chỉ ra điểm yếu chết người của Hải quân Mỹ là việc tăng cường hoạt động ở Đông Á đã khiến Hải quân Mỹ bảo trì tàu không đầy đủ, đào tạo không đủ thủy thủ và các chuyến viễn du quá lâu trên biển. Các sự cố hải quân gần đây ở Đông Á phản ánh áp lực của các hoạt động hiện diện nhịp độ cao mà Hạm đội Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đang phải gánh chịu.

RELATED ARTICLES

Tin mới