Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamKHÔNG CÓ GHI CHÉP VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM...

KHÔNG CÓ GHI CHÉP VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM TRONG CHÍNH SỬ TRUNG QUỐC

Chính sử là Lịch sử chính thức của những triều đại chính thống trong lịch sử Trung Quốc, một số bộ trong giai đoạn đầu được biên soạn bởi các sử gia và từ thời Tống về sau được biên soạn bởi các sử quan. Chính sử gồm 24 bộ sử (Sử ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư, v.v…) và 13 bộ có hình thức chú giải, khảo chứng, bổ túc một số bộ trong 24 bộ sử ấy.

Chính giới và học giả Trung Quốc thường nói rằng Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và chủ quyền này có từ lâu đời.

Để có thể kiểm chứng kết luận đó, trước hết cùng nhau lật từng trang của chính sửa Trung Quốc xem trong chính sử Trung Quốc có các ghi chép gì về Hoàng Sa và Trường Sa không.

 

Sử Ký, còn gọi là Thái sử công thư với 130 quyển. Sử ký do Tư Mã Thiên soạn, chép việc từ thời tiền sử đến năm 122 tr.CN, không liên quan trực tiếp lịch sử địa lý Việt Nam, nhưng là bộ sử khởi đầu hệ thống chính sử, đồng thời cũng thường được nhắc đến bởi giá trị đặc biệt về nhiều mặt của nó. Trong chừng mực nào đó, các tư liệu trong Sử Ký đã góp phần xác định không gian của vài niên điểm cụ thể – trong khoảng đầu nhà Hán trở về trước – cho thời kỳ tương ứng trong cổ sử Việt Nam.

Hán Thư còn gọi là Tiền Hán thư chép việc trong thời Tây Hán với 120 quyển. Hán Thư do Ban Cố soạn chép việc thời Tây Hán (năm 206 tr.CN – năm 24 CN). Hán Thư có mục Địa lý chí và ghi chép mở rộng các truyện về những nước xung quanh. Địa lý chí (quyển 28, thượng và hạ) ghi chép có hệ thống các đơn vị hành chánh toàn quốc. Qua cách phân đoạn nội dung Địa lý chí có thể chia làm 3 phần:

Phần đầu là phần khái lược về địa lý theo thuyết/ thiên Vũ Cống trong sách Thượng Thư, ngoài việc thuật lại cách phân định hệ thống chín châu trong Vũ Cống, Địa Lý chí còn bảo lưu những khái niệm và thuật ngữ ban đầu về địa dư / địa lý học nền tảng. Tóm lược lịch sử diễn biến địa lý hành chính từ thời Chu đến Tần.

Phần chính là ghi chép về hiện trạng địa lý hành chính qua các đời vua trong thời kỳ Tây Hán. Tiêu chí chung gồm: năm lập quận/ huyện trị, tổng số hộ, tổng số nhân khẩu.

Phần cuối cùng là điểm lược về vật sản và phong tục của những khu vực có cùng đặc trưng [chép theo vùng văn hóa, không theo địa lý hành chính].

Các quận ven biển nam thấy trong Địa lý chí gồm 7 quận là: Nam Hải [nay là địa bàn quanh thành phố Quảng Châu]; Hợp Phố [nay là khu vực Trạm Giang (Quảng Đông) và Bắc Hải (Quảng Tây)]; Đam Nhĩ [nay là vùng Đam Châu, Lâm Cao và Trừng Mại, tức là vùng tây bắc tỉnh Hải Nam ngày nay]; Châu Nhai [nay là vùng đất từ cảng Hải Khẩu đến thành phố Văn Xương, tức vùng đông bắc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc]; Giao Chỉ [nay là bắc bộ Việt Nam]; Cửu Chân [nay là bắc trung bộ Việt Nam]; Nhật Nam [nay là trung bộ Việt Nam].

Trong 7 quận ven biển nêu trên, chỉ có 5 quận được chép trong phần chính của Địa lý chí [trong danh mục 80 quận], là Nam Hải, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tức có sự quản lý liên tục về mặt hành chính trong suốt triều Tây Hán.

Riêng 2 quận Đam Nhĩ và Châu Nhai chỉ được nhắc đến ở một phụ lục sau cùng trong mục phong tục đất Việt, phần này cho biết đế chế Hán chỉ quản lý được vùng phía bắc hòn đảo này [Hải Nam] trong một thời gian ngắn, từ năm Tuyên đế Nguyên Phong nguyên niên (110 tr.cn) đến năm Nguyên đế Hoàng Long nguyên niên (49 tr.cn).

Như vậy, về mặt địa lý hành chính, “Hán Thư – Địa lý chí” cho thấy nhà Tây Hán chỉ quản lý được phần đất phía bắc đảo Quỳnh Châu [Hải Nam] trong khoảng 60 năm (110 – 49 tr.cn), danh mục quận /quốc không ghi nhận về hòn đảo này. Cương vực Trung Quốc thời Tây Hán chưa đến Quỳnh Châu.

Hậu Hán Thư do Phạm Diệp (đời Tống) và Tư Mã Bưu (đời Tấn) soạn với 120 quyển chép việc Đông Hán (năm 25 – năm 220). Phần Kỷ, Biểu, Truyện của Phạm Diệp có 90 quyển và phần Chí của Tư Mã Bưu có 30 quyển. Mục “Quận Quốc chí” trong phần Chí nêu các vùng đất ven biển nam gồm 5 quận chép trong Quận Quốc chí là: Nam Hải [địa bàn như thời Tây Hán, 4 quận dưới đây cũng vậy], Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Năm quận này và 2 quận không giáp biển là Thương Ngô và Uất Lâm thuộc sự giám sát của Giao Châu Thứ sử bộ.

Hai quận Đam Nhĩ và Châu Nhai đã được đề cập thời Tây Hán đến lúc này nhập lại thành một đơn vị là Châu Nhai và hạ xuống cấp huyện, huyện Châu Nhai thuộc quận Hợp Phố.

Như vậy, sau cuộc đảo chánh của Vương Mãng (9 tr.cn – 24 s.cn), Hán Quang Vũ tuy làm được công cuộc trung hưng, dựng lại nhà Đông Hán, nhưng quốc thế suy yếu dần, việc quản lý đất đai kém hơn thời Tây Hán, đối với đảo Quỳnh Châu trên thực tế chỉ kiểm soát được phần đất ven biển phía bắc, bộ tộc Lê luôn phản kháng, suốt thời Đông Hán không kiểm soát được toàn bộ đảo Quỳnh Châu.

Tam Quốc Chí gồm 65 quyển do Trần Thọ (đời Tấn) soạn và Bùi Tùng Chi (đời Tống) chú giải, chép việc từ năm 220 đến năm 280. Phần Ngô Chí, tức từ quyển 46 đến quyển 60 của Tam Quốc Chí cho thấy về hành chính, Ngô quản lý đất đai và nhân khẩu theo chế độ châu mục vốn đã hình thành cuối thời Đông Hán (chức quan Châu Mục có thực quyền hơn Thứ Sử trước đó). Phạm vi Giao Châu cơ bản vẫn như thời Đông Hán, có một thay đổi đáng lưu ý là huyện Từ Văn thuộc quận Hợp Phố được tách ra thành quận Châu Nhai và đặt trị sở tại Từ Văn, tức là lấy tên ngoài đảo đem về làm tên một quận ở bán đảo, về không gian thì đây là sự thu gọn cơ quan hành chính về đất liền, coi như không quản lý hoặc quản lý rất lỏng hòn đảo có tên “châu Châu Nhai” [đảo Hải Nam].

Tấn Thư gồm 130 quyển do Phòng Huyền Linh biên soạn, chép việc đời Tấn (265- 419). Địa Lý Chí trong Tấn Thư (quyển 14 và quyển 15), chép cách phân bố đơn vị hành chính của Trung Quốc thời đó: chia toàn quốc làm 19 châu. Giao Châu có 7 quận gồm: Hợp Phố, 6 huyện, 2.000 hộ; Giao Chỉ, 14 huyện, 12.000 hộ; Tân Xương, 6 huyện, 3.000 hộ; Võ Bình, 7 huyện, 5.000 hộ; Cửu Chân, 7 huyện, 3.000 hộ; Cửu Đức, 8 huyện, không rõ số hộ; Nhật Nam, 5 huyện, 600 hộ.

Phần tổng thuật về Giao Châu chép “sau khi bình Ngô, nhà Tấn nhập quận Châu Nhai vào quận Hợp Phố”. Danh sách các quận trong Địa lý chí chép quận Hợp Phố có 6 huyện là: Hợp Phố (tên huyện trùng với tên quận), Nam Bình, Đãng Xương, Từ Văn (trị sở cũ của quận Châu Nhai), Độc Chất và Châu Quan. Quận Châu Nhai (trên đất liền) thời Tam Quốc đã bị bãi bỏ, Từ Văn là trị sở của quận Châu Nhai đã trở thành huyện.

Như vậy, việc quản lý hành chính thời Tấn đối với vùng đất và biển cực nam vẫn chưa đến đảo Quỳnh Châu, Châu Nhai vốn là tên một quận ngoài đảo, thời Tam Quốc dời tên gọi đem vào đất liền, đến nay lại bỏ hẳn tên gọi.

Tống Thư gồm 100 quyển, chép việc thời Tống (420 – 479). Trong Tống Thư, Địa lý chí được đổi gọi là Châu Quận chí, nhưng không chép về đảo Quỳnh.

Đất cực nam trên đảo Quỳnh không được chép trong Châu Quận chí, tức không có sự quản lý về mặt hành chánh. Năm 471 (Minh đế, Thái Thuỷ thứ 7) cắt một phần Quảng Châu và một phần Giao Châu làm Việt Châu [tương đương vùng bán đảo Lôi Châu]. Việt Châu có 9 quận, 2 huyện lớn và 5 huyện nhỏ, quận cực nam là Từ Văn. Châu quận chí chép:

“huyện Từ Văn: vốn trước thuộc Châu Nhai, Tấn bình Ngô bỏ Châu Nhai, cho đất này thuộc vào Hợp Phố. Các huyện nhỏ là Châu Quan đặt thời Ngô, Đãng Xương do thời Tấn Võ đế cắt từ Hợp Phố, Châu Lư lập thời Ngô, Tấn Thuỷ lập thời Tấn Võ đế, Tân An mới lập”.

Như vậy, nhà Tống chưa quản lý đảo Quỳnh. Điểm đáng lưu ý là tên các huyện Châu Quan, Châu Lư thuộc quận Hợp Phố và tên đã bỏ là Châu Nhai [đất bị nhập vào huyện Từ Văn] chép trong Châu quận chí là các địa danh trên đất liền, cực nam Việt Châu [tức cực nam bán đảo Lôi Châu], đây là những trường hợp địa danh gần giống của những vùng địa lý khác nhau, chúng không phải là sự biến âm để thành tên các nơi trên đảo Quỳnh sau này.

Nam Tề Thư gồm 59 quyển chép việc nhà Nam Tề (479 – 502). Theo quyển 14, 15, Châu Quận chí thì đất cực nam Nam Tề vẫn là Giao Châu và Việt Châu như hồi Tống, đất đai trên địa bàn 2 Châu này khá ổn định, địa hạt và tên gọi quận, huyện thay đổi nhiều.

Giao Châu, trị sở châu đặt tại Giao Chỉ, có 9 quận là quận Cửu Chân, quận Vũ Bình, quận Tân Xương, quận Cửu Đức, quận Nhật Nam, quận Giao Chỉ, quận Tống Bình, quận Tống Thọ và quận Nghĩa Xương.

Việt Châu có 20 quận là Lâm Chương, Hợp Phố, Vĩnh Ninh, Bách Lương, An Xương, Nam Lưu, Bắc Lưu, Long Tô, Phú Xương, Cao Hưng, Tư Trúc, Diêm Điền, Định Xuyên, Long Xuyên, Tề Ninh, Việt Trung, Mã Môn, Phong Sơn, Ngô Xuân Lý, và quận Tề Long.

Như vậy, Châu quận chí trong Nam Tề Thư hoàn toàn không chép về đảo Quỳnh (huyện Châu Lư thuộc quận Hợp Phố thường bị nhiều sách địa lý, phương chí áp đặt cho đảo Quỳnh, trong đó có cả sách Quỳnh Châu Phủ chí). Trật tự địa lý biên chép như đoạn văn trên đây cho thấy, Châu Lư vẫn là một huyện trên bán đảo [Lôi Châu] như hồi thời Tấn. Danh sách các quận nêu trên không có tên quận Tề Khang nhưng nhóm tác giả “Trung quốc lịch sử địa đồ tập” lại xác định phần đất cực nam Việt Châu thời Nam Tề là quận Tề Khang. Có 2 trường hợp khiến nhóm tác giả này nhầm, một là nhầm về tự dạng từ tên quận Tề Long (là đất huyện Từ Văn ngày nay), hai là nhầm về niên đại do tên quận Tề Khang xuất hiện vào thời nhà Lương hoặc Trần (sau Tề), bỏ qua sự nhầm lẫn này thì thấy việc xác định phần đất cực nam dừng ở huyện Từ Văn vẫn là chủ trương của nhiều nhà lịch sử địa lý Trung Quốc.

Tùy Thư gồm 85 quyển chép việc nhà Tùy (589-618). Quyển 29, 30, 31 chép phần Địa lý chí nói việc ở phía nam Hợp Phố bắt đầu đặt sự quản lý hành chánh cấp quận ở đảo Quỳnh, đặt gọi là quận Châu Nhai: “Quận Châu Nhai, thời Lương đặt châu Nhai, gồm có 10 huyện và một vạn chín ngàn năm trăm hộ. [Các huyện gồm]: Nghĩa Luân là nơi đặt trị sở của quận, Cảm Ân, Nhan Lư, Bì Thiện, Xương Hoá có Đằng sơn, Cát An, Diên Đức, Ninh Viễn, Trừng Mại, Võ Đức có Phù sơn.” (Quyển 31).

Như vậy, sau nhà Nam Tề là nhà Lương, Lương Thư không có mục Địa Lý chí, nhưng qua cách chép của Địa lý chí trong Tuỳ Thư, thấy là đảo Quỳnh được đặt làm 1 châu, tức châu Nhai vào thời Lương, đến Tuỳ đổi làm quận. Hai huyện Ninh Viễn, Trừng Mại là nơi cực nam của quận Châu Nhai.

Cựu Đường Thư, còn gọi là Đường Thư, gồm 200 quyển chép việc nhà Đường (618-906). Địa lý chí gồm 4 quyển 38, 39, 40, 41 cho thấy đảo Hải Nam gồm 5 châu Quỳnh, Nhai, Đam, Vạn An và Chấn. Huyện Ninh Viễn thuộc châu Chấn ở phía cực nam, ghi chép trong phần trích dịch về châu Chấn cho thấy khoảng cách từ trị sở của châu đến các nơi địa giới. Địa lý chí trong Đường Thư, về phía nam, trên phương diện quản lý hành chánh và cả trên phương diện kiểm sát đều không chép nơi nào ngoài biển khơi ngoài vùng đất đảo Hải Nam ngày nay.

Tống Sử gồm 496 quyển, chép việc nhà Tống (960-1279). Địa Lý chí gồm 6 quyển, từ quyển 85-90. Địa lý chí trong Tống Sử cho thấy cương vực nhà Tống về phía đông nam vẫn dừng lại ở phần đất cực nam đảo Quỳnh như hồi thời Đường, chỉ thay đổi một số địa danh và cải sửa tên đơn vị quản lý hành chánh. Phía tây nam đất đai thu hẹp lại, An Nam dựng nền tự chủ. Biên giới Tống – Lý ở vùng giáp với An Nam được phân định, trên đại thể gần giống với hiện nay. Trong chính sử Trung Hoa, bắt đầu từ Tống Sử, mục Địa lý chí không chép về An Nam, chuyển sang chép ở mục Liệt truyện, phần truyện Ngoại quốc.

Nguyên Sử gồm 210 quyển, chép việc nhà Nguyên (1279 – 1368). Trong Nguyên Sử, Địa lý chí gồm 6 quyển, từ quyển 58 – 63. Cơ cấu quản lý hành chánh các nơi trên đảo Quỳnh được chép trong Nguyên Sử cho thấy nơi này vẫn còn trong tình trạng bất ổn, Cát Dương quân chỉ có một huyện là Ninh Viễn với hơn 1400 hộ, ở phía cực nam đảo Quỳnh. Cương vực tổng thể nhà Nguyên chỉ đến cực nam đảo Hải Nam ngày nay.

Nguyên Sử – Thiên văn chí có chép lại kết quả đo đạc 27 điểm trong và ngoài Trung Quốc vào năm 1929:

“Trắc nghiệm bốn biển, Nam Hải, nơi cực Bắc (vĩ độ Bắc) 15 độ;

Hành Nhạc 25 độ vĩ Bắc;

Cao Ly, non 38 độ vĩ bắc;

…”

Trong 27 địa điểm quan trắc, có 23 điểm thuộc cương vực nhà Nguyên, 4 địa điểm bên ngoài, là các nơi Nam Hải thuộc vùng biển Đông Bắc Á, Bắc Cực, Thiết Lặc thuộc Nga, Cao Ly (nay là Triều Tiên).

Minh Sử gồm 360 quyển, chép việc nhà Minh (1368 – 1644). Địa lý chí gồm 8 quyển, từ quyển 40 đến quyển 47. Phần đất cực nam trên đảo Quỳnh lập thành một phủ. Năm Hồng Vũ nguyên niên (1368), nhập 4 đơn vị thời Nguyên lập phủ Quỳnh Châu, năm sau hạ xuống cấp Châu, năm sau lại nâng lên cấp Phủ, lãnh 3 Châu, 10 huyện.

Cực nam phủ Quỳnh Châu là châu Nhai, là phần đất Cát Dương quân thời Nguyên. Trích đoạn về châu Nhai:

“Châu Nhai, thời Nguyên là Cát Dương quân, thuộc Hải Bắc Hải Nam đạo Tuyên uý ty. Tháng 10 năm Hồng Vũ nguyên niên (1368) đổi làm châu Nhai, thuộc vào phủ [Quỳnh Châu]. Tháng 6 năm Chính Thống thứ tư (1439), đặt trị sở của châu ở huyện Ninh Viễn, nên nhập [huyện Ninh Viễn] vào. Phía nam có Nam Sơn; phía bắc có Đại Hà, phân dòng từ Ngũ Chỉ sơn, chảy vào biển theo hướng nam; phía đông có Đằng Kiều; tây có Bão Tuế; phía tây bắc lại có 3 ty Tuần kiểm Thông Viễn. [châu Nhai] Cách phủ trị 1.410 dặm về phía bắc. Lãnh 1 huyện,

[là huyện] Cảm Ân, ở phía tây bắc châu. Trước thuộc châu Đam, năm Chính Thống thứ năm (1440) chuyển thuộc châu Nhai. Phía tây đến biển; phía nam có sông Nam Tương, nguồn từ núi Lê Mẫu, đổ vào biển theo hướng tây nam; phía đông nam có ty Tuần kiểm Diên Đức.”

Đối với đảo/ phủ Quỳnh Châu, việc quản lý hành chánh thời Minh có tiến bộ, nhưng nhìn chung cương vực tổng thể do nhà Minh cai quản về phía biển nam vẫn trong phạm vi cũ đã có thời nhà Nguyên.

Sự kiện Trịnh Hoà với đội hải thuyền hùng hậu 7 lần vượt biển đi về phía nam được xem là sự kiện lớn trong lịch sử nhà Minh. Minh Sử chép về sự kiện Trịnh Hoà ở 3 phần: Liệt truyện Trịnh Hoà, Bản kỷ, Liệt truyện Ngoại quốc. Quyển 304, phần Liệt Truyện, truyện Trịnh Hoà cho thấy vài số liệu về thuyền, người trong chuyến đi thứ nhất, số lần đi gồm 7 lần, vào các năm: 1405, 1408, 1412, 1416, 1421, 1425 và 1430, tổng cộng 7 lần đi, đoàn hải hành đã đến 37 nước/ địa phương. Về hành trình trọn vẹn cho lần đi và về, truyện Trịnh Hoà chỉ mô tả trong lần đi thứ nhất, trích đoạn như sau:

“Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 3 (1405), ban mệnh cho Hoà cùng bọn Vương Cảnh Hoằng đi sứ Tây Dương. Tướng và binh lính hơn 27.800 người, đem nhiều vàng, tiền làm lễ vật. Chế tạo thuyền lớn, dài 44 trượng, rộng 18 trượng, tất cả 62 chiếc. Từ [cửa sông] Lưu Gia Hà ở Tô Châu ra biển đi đến Phúc Kiến, rồi từ cửa Ngũ Hổ thuộc vùng biển Phúc Kiến giương buồm ra khơi, đầu tiên đến nước Chiêm Thành, sau đó đi khắp các nước Phiên, tuyên đọc chiếu chỉ của Thiên tử, nhân dịp này cũng ban tặng [lễ phẩm] cho các quân trưởng, ai không phục thì uy hiếp bằng vũ lực. Tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), bọn Hoà trở về, các nước cho sứ giả theo Hoà đến triều kiến.”

Bản kỷ Thành Tổ và Nhân Tông chỉ ghi vắn tắt về ngày hoặc tháng ban lệnh khởi hành, không chép chi tiết hành trình như ở phần truyện Trịnh Hoà, các biên chép này cho thấy chỉ có 6 chuyến đi, vào các năm 1405, 1408, 1412, 1416, 1421 và 1424. Hồng Hi nguyên niên (1425) bãi bỏ đội thuyền đi Tây Dương, chuyển Trịnh Hoà nhậm Thủ bị Nam Kinh.

Quyển 324, phần truyện Ngoại quốc, còn nói về những nơi đoàn Trịnh Hoà có ghé qua, như Champa, Thailand, Java, Malacca, Sumatra, v.v… Những ghi chép này phần lớn tương tự như những điều đã chép trong truyện Trịnh Hoà và 3 Bản kỷ. Trong các sử liệu này hoàn toàn không có bản đồ thể hiện chuyến đi của Trịnh Hòa.

Như vậy, các ghi chép trong Minh Sử như đã khảo qua chỉ cho một số thông tin giản lược về Trịnh Hoà, về năm tháng của những chuyến hải hành. Mục đích các chuyến đi chỉ nhằm tuyên truyền hình ảnh một đế chế hùng mạnh, thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với các nước trong khu vực có thể đến được. Không có chi tiết nào liên quan đến việc phát hiện hoặc xác lập chủ quyền đối với các nơi trên biển Đông.

Phụ khảo

Thanh Sử cảo được biên soạn sau Cách mạng Tân Hợi, nhóm biên soạn tuy sống trong không khí xã hội mới nhưng khi thực hiện bộ sử này họ chủ ý giữ quan điểm truyền thống của thời đại quân chủ, với mục đích thống nhất thể lệ với 24 bộ Chính sử trước nó. Thanh Sử Cảo bắt đầu biên soạn năm 1914 và hoàn thành năm 1927, hơn 100 sử gia, học giả cũ mới trong Thanh Sử Quán với sự chủ trì của Triệu Nhĩ Tốn làm việc theo quan điểm cũ nhưng với ý thức/ tinh thần mới, việc nhà Thanh xác lập chủ quyền đối với các nơi là điều mà nhóm tác giả không thể không lưu tâm. Thanh Sử cảo không đưa vào trong hệ thống chính sử Trung Hoa. Tuy nhiên, để có cái nhìn xuyên suốt về cương vực phía nam của Trung Quốc khi trải qua các triều đại quân chủ, cho đến đế chế sau cùng là nhà Thanh, phần tóm lược Địa lý chí và trích dịch về châu Nhai này xem như một phụ khảo bổ túc.

Nhà Thanh mở rộng cương giới về phía bắc đến Mông Cổ, phía tây đến Tân Cương, phía đông quản lý đảo Đài Loan, đây là đặc điểm và ưu điểm nổi bật trong quá trình khai thác biên cương của các triều đại quân chủ Trung Hoa trong lịch sử.

Riêng tỉnh Quảng Đông, trong niên hiệu Quang Tự chia làm 6 đạo, 9 phủ, 7 châu trực lệ, 3 sảnh trực lệ, 4 tản châu [châu chưa đặt đủ hệ thống hành chánh], 1 tản sảnh, 79 huyện. Phủ Quỳnh Châu và châu Nhai [trực lệ] gồm trọn diện tích đảo Hải Nam ngày nay, phủ Quỳnh Châu ở phía bắc, châu Nhai ở phía nam. Trong Lời dẫn chung cho phần Địa lý chí, đoạn văn trích dịch nói về cương vực tổng thể đã xác định nơi cực nam Trung Hoa là Nhai Sơn (tên núi, còn gọi Thiên Nhai sơn, ở cực nam châu Nhai) thuộc phủ Quỳnh Châu tỉnh Quảng Đông.

Trích dịch phần châu Nhai.

“Châu Nhai, nơi xung yếu, sung túc. Thuộc đạo Quỳnh Nhai. Châu Nhai trước thuộc phủ Quỳnh Châu. Năm Quang Tự thứ 31 (1905) thăng lên làm châu trực lệ [thuộc Ty Bố chánh], cách trị sở tỉnh 2680 dặm (khoảng 1340 km) về phía đông bắc; từ đông sang tây rộng 242 dặm, từ nam sang bắc rộng 175 dặm. Ở vào khoảng 18 độ 27 phân vĩ Bắc, so với Kinh Sư lệch về Tây 7 độ 36 phân. Lãnh 4 huyện. Phía đông có ngọn Hồi Phong, phía tây nam có núi Trừng Ðảo, còn có tên Trừng Nhai. Đông nam giáp biển. Phía đông bắc là sông An Viễn, từ huyện Lăng Thủy chảy vào, theo hướng tây nam, đến núi Lang Dũng chia làm hai nhánh, một theo hướng tây nam đến thôn Ðại Kí rồi ra biển, một theo hướng tây bắc gọi là sông Bảo Dạng, qua phía bắc trị sở châu, uốn theo hướng nam làm thành cảng Bảo Bình rồi ra biển. Phía bắc châu có sông Lạc An, theo hướng tây nam qua núi Ða Cảng, uốn theo hướng tây bắc vào huyện Cảm Ân. Phía đông có sông Ða Ngân còn có tên là sông Lâm Xuyên, nguồn từ Lê Ðộng, theo hướng đông nam hợp với sông Tam Á, lại theo hướng đông nam đến cảng Du Lâm rồi ra biển. Châu có 2 Tuần ty là Lạc An và Vĩnh Ninh. Có diêm trường Lâm Xuyên.”

Như vậy, lời dẫn cho mục Địa Lý chí đã nêu rõ cương vực toàn Trung Quốc thời nhà Thanh, cương giới tận cùng về phía nam chỉ đến châu Nhai. Những mô tả chi tiết trong phần viết về phủ Quỳnh Châu và châu Nhai cũng cho thấy việc quản lý hành chánh của nhà Thanh chỉ đến huyện Nhai tỉnh Hải Nam ngày nay.

KẾT LUẬN

Cùng với lịch sử tổng quan, những ghi chép bền bỉ liên tục trong khoảng hai ngàn năm về tình hình diên cách địa lý trong nước, về các nước xung quanh là một ưu điểm nổi bật của Chính sử Trung Hoa. Diện mạo văn hoá và hoàn cảnh địa – chính trị không chỉ riêng Trung Quốc mà cả một khu vực rộng lớn trong quá khứ được biết đến, thông qua những ghi chép của các sử gia và sử quan Trung Hoa. Kho tư liệu này cần được hiểu một cách đúng đắn theo tinh thần của những người làm sử, thể lệ chung được áp dụng xuyên suốt từ Hán Thư cho đến Minh Sử cho thấy mục đích và ý nghĩa các ghi chép đều có sự quy ước khá rõ. Thể lệ chính sử phân định phần Địa Lý chí là để chép về đất đai thuộc cương vực của đế chế, phần Truyện Ngoại quốc là để chép về các nước/ nơi bên ngoài có sự quan hệ ngoại giao hoặc thương mại với đế chế. Việc phân định trong ngoài, phụ thuộc hay không phụ thuộc để liệt vào Địa Lý chí có thể thấy rõ qua Đường Thư và Tống Sử trong cách ghi nhận về Giao Châu / An Nam. Sau khi Ngô Quyền ở Giao Châu dựng nhà nước độc lập tự chủ (938), Tống Sử đã chép về Giao Chỉ vào phần truyện Ngoại quốc. Trong phần Địa Lý chí, nếu có chép về các nước/ nơi bên ngoài do có mối liên hệ nào đó thì nêu rõ mục đích ở Lời dẫn hoặc Lời bạt, như trường hợp Tân Đường Thư trích lục di cảo của Giả Trầm về các con đường giao thông từ nội địa Trung Quốc đi các nơi. Cách nhìn về đại dương phía nam của các sử gia xuyên suốt các triều đại cho thấy họ chỉ quan niệm về nó như là một vùng biển bên ngoài sự cai quản của các đế chế, là những hải đạo chung trong quan hệ quốc tế.

Trong các bộ chính sử Trung Hoa, có bộ chép phần Địa Lý chí giản lược, có bộ chép khá chi tiết, dung lượng không đều nhưng có sự mạch lạc về mặt địa lý hành chính các triều đại, vì vậy chúng được xem là một hệ thống lịch sử địa lý hành chánh hoàn bị bậc nhất trên thế giới. Chính sử của Trung Quốc từ Sử ký Tư Mã Thiên, Hán Thư, Hậu Hán Thư cho đến Minh Sử và kể cả Thanh Sử không hề có ghi chép nào để chứng minh Trung Quốc đã từng thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Tây Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Có thể nói lời văn và câu chữ trong suốt sử ký của Trung Quốc qua các thời đại hoàn toàn trái với những gì mà nhà cầm quyền Trung Quốc và giới học giả Trung Quốc vẽ ra theo mộng tưởng của mình./.

RELATED ARTICLES

Tin mới