Bản tin Biển Đông ngày 11/01/2019.
Trung Quốc điều động tên lửa đối hạm có khả năng bao phủ Biển Đông
Ngày 9/1, Hoàn Cầu Thời báo đưa tin, Trung Quốc đã điều động tên lửa đối hạm tầm xa DF-26 tới khu vực cao nguyên ở Tây Bắc Trung Quốc, sau khi tàu USS Mc Campbell của Mỹ đi vào 12 hải lý các cấu trúc ở Hoàng Sa mà Bắc Kinh cho là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc, mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có khả năng nhắm đến các tàu hạng trung và lớn trên biển. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), từ tháng 4/2018, tên lửa DF-26 được trang bị cho Lực lượng tên lửa thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đây là lần đầu tiên DF-26 xuất hiện công khai cận cảnh kể từ khi gia nhập PLA. Một chuyên gia quân sự giấu tên tại Bắc Kinh cho biết, việc tên lửa được đặt sâu trong đất liền sẽ giúp cho tên lửa khó bị đánh chặn hơn. Chuyên gia này cũng cho biết, tên lửa này có khả năng vươn xa đến hết Biển Đông, đánh trúng các mục tiêu, kể cả các căn cứ hải quân của Mỹ ở Guam.
Philippines kêu gọi giám sát việc phục hồi các rạn san hô ở Trường Sa
Ngày 10/1, tờ Philstar đưa tin, Nghị sỹ đảng Magdalo của Philippines Gary Alejano cho rằng Chính phủ Philippines nên kiểm soát dự án phục hồi rạn san hô của Bắc Kinh tại Trường Sa. Tuần trước, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc thông báo nước này đã lắp đặt các thiết bị để “bảo vệ và phục hồi” các rạn san hô bị phá hủy do các hành động cải tạo đảo ồ ạt của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Nghị sỹ Alejano cho rằng sáng kiến này của Trung Quốc rất đáng hoan nghênh, nhưng ông cũng lưu ý Chính phủ Philippines phải cẩn thận, “phải can thiệp vào dự án này bởi Philippines cũng là một trong các bên tranh chấp ở Trường Sa. Dự án phục hồi này có thể chỉ là một trong nhiều cách Trung Quốc chiếm giữ các cấu trúc”. Theo ông Alejano, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường bởi các bên tranh chấp khác cũng phải được tiếp cận với quá trình phục hồi các rạn san hô; việc đơn phương phục hồi hệ sinh thái tại vùng biển tranh chấp sẽ không khác gì bác bỏ quyền hợp tác của các nước yêu sách, trong đó có Philippines. Ông Alejano nhấn mạnh “Hành động đơn phương của Trung Quốc cho thấy rõ sự không tôn trọng đối với Philippines – một bên tranh chấp lãnh thổ”. Gregory Poling, Giám đốc trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết, khi đưa tin về việc công bố dự án phục hồi san hô, tờ South China Morning Post của Trung Quốc không hề phỏng vấn bất cứ một nhà khoa học biển nào về vấn đề này. Ông Poling tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của dự án này, bởi “không thể phục hồi một rạn san hô đã bị chôn dưới hàng tấc cát và xi măng”.
Trung Quốc mở rộng phạm vi tàu cá tại Trường Sa
Ngày 9/1, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố báo cáo “Làm sáng tỏ các đội tàu cá mờ ám ở Biển Đông”, cho thấy Trung Quốc đang mở rộng phạm vi tàu cá hiện diện tại hai trong số các cấu trúc nước này chiếm đóng tại Trường Sa là đá Subi và Vành Khăn. Theo Gregory Poling, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS, vào tháng 8/2018, có 117 tàu đậu ở Subi và 61 tàu khác ở vùng biển lân cận, trong đó có đá Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng; đến tháng 10/2018, các con số này lần lượt là 19 và 190. Thậm chí, ông Poling cho biết, hình ảnh vệ tinh ở độ phân giải cao còn cho thấy số lượng tàu cá Trung Quốc ở Subi và Vành Khăn còn lớn hơn nhiều những gì mà công nghệ SAR (Synthetic Aperture Radar) thể hiện, bởi các tàu này thường “neo đậu sát vào nhau thành một nhóm lớn mà công nghệ SAR lầm tưởng là một tàu đơn lẻ”. Báo cáo của AMTI cũng cho thấy tháng 8 có vẻ là thời điểm nhộn nhịp nhất với khoảng 300 tàu neo đậu ở hai đá Subi và Vành Khăn, các tàu này chỉ thả neo hoặc qua lại mà không hề có hoạt động đánh bắt cá. Ông Poling nhấn mạnh, “số lượng tàu dân quân biển Trung Quốc hoạt động tại khu vực lớn hơn nhiều và lâu hơn nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ. Ông Poling cho rằng hiện nay, các tàu cá và ngư dân ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý nhiều hơn, lưu ý “việc tăng cường giám sát các tàu này sẽ rất quan trọng nếu các bên tranh chấp hy vọng cứu vãn nghề cá ở Biển Đông và giảm thiểu số lần va chạm không mong muốn giữa các tàu cá”.