Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiểm bất bình thường trong phát ngôn của Lục Khảng về hoạt...

Điểm bất bình thường trong phát ngôn của Lục Khảng về hoạt động chấp pháp nghề cá của TQ trên Biển Đông

Phát ngôn của Lục Khảng về chấp pháp nghề cá của Trung Quốc bất bình thường vì lực lượng hải cảnh của Trung Quốc hoạt động ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, không thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc. Chính tàu hải cảnh của Trung Quốc mới là lực lượng xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam.

Tàu đánh cá Trung Quốc neo ở cảng. Ảnh: Reuters.

Ngày 03/01/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng có buổi họp báo thường lệ. Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động chấp pháp nghề cá của Trung Quốc trên Biển Đông trong năm 2018, Lục Khảng cho rằng các quốc gia láng giềng trên thế giới có tranh chấp về nghề cá là việc “bình thường” và tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần xua đuổi, tấn công tàu cá của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa cũng là điều “bình thường”. Cái cớ mà Lục Khảng đưa ra để biện hộ cho hành xử ngang ngược của lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là thi hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” để nuôi dưỡng, phát triển nghề cá hải dương.

Thoạt nghe, câu trả lời của Lục Khảng có vẻ bình thường, nhưng đào sâu một chút sẽ thấy rất bất tình thường vì một số lý do.

Thứ nhất, tàu hải cảnh của Trung Quốc chẳng có danh nghĩa và cơ sở pháp lý gì để hoạt động ở Hoàng Sa vì Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng biển xung quanh Hoàng Sa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam. Các chứng cứ lịch sử đều cho thấy rõ điều này.

Một là, Hoàng Sa được nêu trong các bản đồ đáng tin cậy của Việt Nam và các nhà truyền giáo và hàng hải phương Tây, trong khi các bản đồ của Trung Quốc và các nước phương Tây chỉ thể hiện cực nam của lãnh thổ Trung Quốc giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam. Các tài liệu chính thống của Việt Nam (như bộ Hồng Đức bản đồ năm 1469, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư năm 1686 mô tả Hoàng Sa là “Bãi cát vàng”, nhà Nguyễn có Đại Nam nhất thống toàn đồ,…) khẳng định rõ Hoàng Sa là của Việt Nam. Các tài liệu của phương Tây (như Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam, Hà Lan năm 1606, bản đồ do Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592-1594, bản đồ do Vanlangren vẽ năm 1598, An Nam Đại quốc hoạ đồ của Giám mục Jean Louis Taberd năm 1838; các ký sự của các nhà truyền giáo và hàng hải phương tây như Nhật ký Batavia xuất bản 1631-1636, Nhật ký Pierre Poivre, Ghi nhớ của Bá tước M.d’Estaing năm 1754, ghi chép về xứ Đàng Trong năm 1820 của Jean Baptiste Chaigneau, cuốn Địa lý của Vương quốc Đàng Trong năm 1849 của Gutzal…). Ngược lại, các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc không hề đề cập đến Hoàng Sa (như Giao Châu dị vật chí, Nam Châu dị vật chí thời Đông Hán, Tứ di lộ trình thời nhà Đường, Lĩnh ngoại đại đáp đời Nam Tống, Dư địa đồ của nhà Nguyên, Vũ bị chí đời nhà Minh, Hải ngoại kỷ sự và Đại Thanh nhất thống chí của nhà Thanh,…). Đáng lưu ý, trên các bản đồ Trịnh Hoà sau 7 lần đi qua Biển Đông không ghi chép danh xưng về Hoàng Sa (hay theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa), và các tài liệu chính sử của nhà Minh thế kỷ XV coi Hoàng Sa là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành lúc đó đã là lãnh thổ của Đại Việt.

Hai là, Nhà nước Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa hoà bình, liên tục và theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, trong khi Trung Quốc chiếm hữu và áp đặt chủ quyền với Hoàng Sa bằng sử dụng vũ lực, trái với luật pháp quốc tế. Việt Nam thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự từ khi còn vô chủ, ít nhất từ thế kỷ XVII. Đồng thời, Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục, hoà bình và rõ ràng. Các nhà nước phong kiến Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) đã tổ chức quản lý hiệu quả với Hoàng Sa thông qua đội Hoàng Sa.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ bắt đầu để ý đến Hoàng Sa từ thế kỷ XX năm 1909 với sự kiện Lý Chuẩn chỉ huy 3 thuyền chiến đánh chiếm Phú Lâm. Sau đó, Trung Quốc liên tục dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa, vi phạm Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó Trung Quốc là một trong các thành viên sáng lập. Cụ thể, năm 1946 Trung Quốc đưa quân ra chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông Hoàng Sa, năm 1956 chiếm nhóm đảo An Vĩnh và chiếm nốt phần phía tây Hoàng Sa năm 1974.

Thứ hai, “lệnh nghỉ đánh bắt cá” của Trung Quốc ban hành hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 8) dùng để viện dẫn cho hoạt động ngang ngược của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là hoạt động đơn phương và cũng trái với luật pháp quốc tế. Khu vực Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá không tương thích với bất cứ quy định nào về vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia có trong UNCLOS 1982. Điểm cực Nam của vùng cấm đánh bắt cá cách rất xa so với giới hạn 200 hải lý EEZ của Trung Quốc tính từ đường cơ sở từ đất liền của Trung Quốc hoặc đảo Hải Nam.

Điều có thể lý giải là việc ban hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong khu vực biển này là nhằm phục vụ mục tiêu bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc dùng lực lượng hải cảnh để thi hành cái gọi là “tuần tra đánh bắt cá” thực chất là dùng sức mạnh để mở rộng kiểm soát không gian biển ra khu vực vượt quá quyền tài phán quốc gia. Chính tàu hải cảnh của Trung Quốc mới là lực lượng xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới