Trong vài tuần qua, giới chức Trung Quốc đưa ra một loạt các thông báo, bao gồm cắt giảm thuế, nới lỏng chính sách tiền tệ và kế hoạch hỗ trợ chi tiêu công. Động thái này xuất hiện khi các dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong nước chững lại và Hoa Kỳ không có dấu hiệu nới lỏng áp lực thương mại.
Theo CNBC, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp có thể dẫn đến bất ổn xã hội và hoài nghi sâu sắc hơn về tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc hành xử vì lợi ích tốt nhất của đất nước. Nền kinh tế được dự đoán sẽ chậm lại, từ mức tăng trưởng khoảng 6,5% xuống chỉ còn hơn 6%.
“Chúng tôi nghĩ rằng rủi ro lớn nhất trong thời gian tới là thất nghiệp gia tăng vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Haibin Zhu, kinh tế trưởng về Trung Quốc của J.P. Morgan, cho biết trong một bài báo hôm thứ Hai (14/1), theo CNBC.
Vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường đóng cửa trong một hoặc hai tuần và các nhân viên về quê thăm gia đình. Đối với ít nhất một nhà máy ở Quảng Đông, việc đóng cửa bắt đầu vào đầu tháng 12 và tiếp diễn cho đến tháng 3, theo thông tin từ giới truyền thông Trung Quốc.
“Ở một đất nước khét tiếng về kiểm duyệt nặng nề, không rõ liệu việc đóng cửa sớm [như trên] có phải là dấu hiệu của một xu hướng rộng lớn hơn hay không”, CNBC đặt ra nghi vấn. Nhưng các cuộc khảo sát chỉ ra tình trạng mất việc làm ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump áp thuế quan đối với nhóm hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.
Ông Ernan Cui, nhà phân tích về người tiêu dùng Trung Quốc, thuộc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics cho biết trong báo cáo ngày 9/1 rằng một cuộc khảo sát chính thức đối với 374.000 doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp cho thấy số việc làm đã giảm khoảng 2,8 triệu vị trí trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 11/2018.
Trong một báo cáo khác, UBS ước tính tổng thiệt hại việc làm tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc có thể lên tới 1,5 triệu việc làm.
Tình trạng mất việc không chỉ có trong ngành sản xuất, theo CNBC. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mức độ yếu kém về việc làm như vậy, kể từ khi cuộc hoảng loạn trên thị trường (chứng khoán) vào quý 1 năm 2016”, theo Leland Miller, CEO của China Beige Book cho biết.
Bà Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết căng thẳng thương mại với Mỹ đã gây ra một số bất ổn trong thị trường lao động Trung Quốc, và chính phủ đã đặt ưu tiên cho việc giữ ổn định việc làm. Tuy nhiên, không rõ khi nào và liệu các sáng kiến ổn định việc làm mà Bắc Kinh đưa ra có hiệu quả thực tế hay không, theo CNBC.