Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCảnh giác trước những hành động, mưu toan xâm lấn Biển Đông...

Cảnh giác trước những hành động, mưu toan xâm lấn Biển Đông của TQ

Tranh chấp chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa nằm trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài 45 năm nay. Đây là cuộc tranh chấp khá lâu dài trong các cuộc tranh chấp giữa các nước có cùng yêu sách chủ quyền trên các đảo, cũng là cuộc tranh chấp phức tạp vì cho đến hiện nay vẫn chưa đạt được bất kỳ một giải pháp pháp lý hoặc chính trị nào. Cuộc tranh chấp trên còn có phần phức tạp hơn bởi có lúc thì bùng lên gay gắt, có lúc thì lắng xuống để rồi lại bùng lên gay gắt hơn bởi phía Trung Quốc không chịu giữ nguyên hiện trạng mà cố tình làm biến đổi hình hài của quần đảo, mở rộng xâm chiếm thêm những vùng biển đảo khác, mưu toan cố tình chiếm đóng lâu dài hòng giành quyền kiểm soát thông thương hàng hóa trên Biển Đông. Đồng thời sử dụng Hoàng Sa như căn cứ hải quân ban đầu nhằm mục đích bảo vệ đất liền từ xa, hoặc để làm bàn đạp tiến công các quốc gia lân cận.

Sau biến cố Trung Quốc đưa quân cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa bằng vũ lực tháng 1/1974, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp đó là Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những chủ nhân kế thừa chủ quyền thực sự đối với quần đảo Hoàng Sa đã lần lượt và kế tiếp nhau liên tục đưa ra các bằng chứng chứng minh chủ quyền hợp pháp và chính đáng của Việt Nam; mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia và yêu cầu Trung Quốc trao trả quần đảo này lại cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau trong giải quyết tranh chấp với Trung Quốc nhưng không phải bằng vũ lực, như gặp gỡ trao đổi hữu nghị các cấp, thảo luận giữa cơ quan hữu quan với Trung Quốc, trao công thư, gửi công hàm, hết gặp riêng lại gặp chung cho đến lên tiếng công khai, kể cả đưa ra trước công luận quốc tế, ra Liên hợp quốc… Nhưng bất chấp những điều đó, phía Trung Quốc không những không dừng lại mà còn dấn thêm những hành động rất ngang ngược, lấn chiếm thêm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại công ước quốc tế và đạo lý trong quan hệ bang giao với láng giềng. Những dấu mốc đáng chú ý sau về hành động cho thấy sự tham lam vô độ của họ:

Ngày 14/3/1988, Trung Quốc đưa lực lượng hải quân gây chiến với lực lượng đang làm nhiệm vụ của Việt Nam tại 6 nhóm đảo và đá ngầm ở quần đảo Trường Sa gồm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Xu Bi. Phía Trung Quốc cậy thế quân đông, tàu lớn cưỡng chiếm các đảo, đá ngầm trên.

Ngày 25/2/1992, Trung Quốc thông qua Luật về lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó không chỉ khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn khẳng định yêu sách đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, từ Đài Loan cho đến tận bãi ngầm James Shoal ngoài khơi Borneo.

Ngày 8/5/1992, Trung Quốc đã phi lý cho phép công ty Mỹ Crestone, đối tác của phía Trung Quốc, được thăm dò tài nguyên dầu mỏ tại khu vực Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày 15/5/1996, Trung Quốc gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và cam kết giải quyết các tranh chấp “phù hợp với luật pháp quốc tế đã được công nhận”. Tuy nhiên, trong cùng ngày, Trung Quốc lại công bố sắc lệnh mở rộng lãnh hải, trong đó áp dụng việc vạch đường cơ sở cho quốc gia quần đảo vào khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hành động này từng bị các học giả trong khu vực Đông Nam Á gọi là “tiền hậu bất nhất” và cũng là chủ đề chất vấn trong các phiên họp của ASEAN năm đó.

Ngày 21/6/2012, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa”, lấy đảo Phú Lâm làm trụ sở, với phạm vi hành chính là đường 9 đoạn, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Một thành phố với phạm vi hành chính chiếm 80% diện tích Biển Đông, dạng thành phố chưa từng có trong lịch sử loài người vì nó khoanh cả một vùng biển rộng hàng triệu cây số vuông thành “ao hồ” trong thành phố, theo quy chế nội thủy của một nước, ảnh hưởng trực tiếp không chỉ các quốc gia ven Biển Đông mà cả tự do hàng hải, tự do hàng không và an ninh của các nước khác.

Ngày 23/6/2012, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) ra thông báo mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ biển Phú Quý 37 hải lý, là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp với Trung Quốc từ xưa đến nay.

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan Hải Dương 981 cách Nam Tri Tôn 17 hải lý, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam và hạ đặt hòng khai thác dầu khí từ vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Quân và dân Việt Nam phải mất hơn hai tháng trời quần lộn trên biển để “tống cổ” giàn khoan trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Đấy là điểm qua những hành động trắng trợn, giữa ban ngày, ban mặt mà Trung Quốc cậy thế nước lớn để xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam và các nước ven Biển Đông. Những hành động trên bị Việt Nam phát hiện, lên án và đấu tranh. Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cũng thấy đó là những hành động phi lý, phi pháp nên đồng thanh phản đối, gây sức ép buộc Trung Quốc có lúc phải chùn tay, xuống nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng còn có rất nhiều thủ đoạn khác nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông mà ít người biết đến. Nếu các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, kể cả các chuyên gia luật pháp và khảo cổ quốc tế không cảnh giác, có ngày mắc mưu họ. Xin điểm một số hành động sau để mọi người cùng biết.

Với quan điểm và tư duy cho rằng chủ quyền biển đảo của quốc gia mình bao gồm cả bằng chứng pháp lý và bằng chứng lịch sử, Trung Quốc luôn đòi dư luận cũng như luật pháp quốc tế phải cứu xét đến yếu tố lịch sử trong hình thành chủ quyền Biển Đông của họ. Và để bảo đảm có bằng chứng lịch sử tin cậy đã có từ xa xưa ở Biển Đông, không gì hơn là để tự các bằng chứng ấy xuất hiện tại những nơi cần xuất hiện. Thế là các con tàu đánh cá không số hiệu của Trung Quốc được lệnh ra khơi. Trên mỗi con tàu âm thầm chở không biết bao nhiêu hàng hóa là những vật phẩm, đồ dùng sinh hoạt của người dân Trung Hoa các đời cổ xưa trước đây được tìm kiếm, sưu tầm, khai thác trong đất liền từ nhiều năm trước, nhất là những thứ đồ đã cũ, nát, vỡ, không còn giá trị nhưng lại mang dấu ấn của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây sản xuất, nay lênh đênh theo các con tàu trên ra biển và lặng lẽ được thả xuống các vùng biển mà Trung Quốc bảo rằng nó là “vùng nước lịch sử”. Một ngày nào đó, khi việc tranh chấp bùng lên, Trung Quốc sẽ chỉ cho các nước thấy “bằng chứng lịch sử” của họ đang ở dưới đáy biển. Các nước khó mà bắt bẻ, phủ nhận.

Mang hàng hóa cổ bí mật thả xuống biển để chứng minh chủ quyền nghe có vẻ dễ, nhưng làm sao phải để nó xuất hiện được cả trên đất người mới được. Thế là Trung Quốc mở những chiến dịch dùng “người nhái” bí mật đổ bộ hay xâm nhập lên các hòn đảo mà phía đối tượng tranh chấp với họ đang quản lý, nhè lúc các đối tượng ấy sơ hở mà “đào sâu chôn chặt” các thứ vật phẩm đó. Trường hợp không thể tự mình đột nhập lên được do đối phương kiểm soát quá chặt chẽ thì chuyển sang dùng chính người của nước đối tượng mà chôn hàng vào. Đương nhiên là phải dùng tiền để đánh vào lòng tham của người ta. Tàu cá và ngư dân Trung Quốc hành nghề trên biển, giao tiếp, quan hệ với ngư dân các nước khác cùng đánh cá trên biển là cầu nối lý tưởng để họ tuồn các “bằng chứng lịch sử” lên các đảo của đối tượng. Chả thế mà trên hòn đảo của một nước trong khu vực từ trước đến nay chưa hề có dấu chân người Trung Quốc đặt đến, nhưng khi chính quyền và người dân trên đảo này thi công xây dựng công trình ngầm, đào sâu dưới đất, họ giật mình khi moi được lên từ trong lòng đất không biết bao nhiêu là “cổ vật” Trung Hoa, không biết được chôn từ lúc nào.

Thế chưa đủ, đấy mới chỉ là một cách tạo dựng bằng chứng chứng minh chủ quyền. Còn một cách nữa cũng ít người biết mà đối phương dễ bất ngờ. Ấy là khắc bia chủ quyền ngay dưới chân đối tượng tranh chấp. Việc này được các thợ lặn chuyên nghiệp của Trung Quốc thực thi. Họ bí mật đi theo các con tàu ngầm mi ni, chuyên chở theo các dụng cụ cần thiết rồi âm thầm, bí mật tiếp cận dưới chân các đảo san hô, trong lòng biển sâu, rà soát, lần tìm những vách đá san hô phẳng phiu, sau đó đưa dụng cụ khoan, mài, giũa vào những nơi đó, tạo tác các vách phẳng phiu rồi khắc lên đó, chỗ là hình quốc huy Trung Quốc, nơi là những dòng chữ giả chữ cổ Trung Hoa để “đánh dấu” chủ quyền. Những chủ nhân thật trên các đảo san hô đó không có điều kiện kiểm soát đáy biển sâu, biết đâu ngay dưới chân mình đã bị “hàng xóm khoét ngạch”.

Vì vậy, thỉnh thoảng báo chí và giới chức chính quyền Trung Quốc lại loan tin họ “tình cờ” phát hiện ở vùng biển này, bãi biển kia trong phạm vi đường 9 đoạn trên Biển Đông có cổ vật Trung Hoa, rồi trục vớt, rồi tuyên truyền, rồi triển lãm ầm ĩ cả lên cốt để cho thiên hạ chú ý, nhất là mấy ông nhà báo “tay trong” của Trung Quốc và vài vị khảo cổ học “gà mờ” đến xem. Những người này chả biết “đầu cua tai nheo” ra sao cũng gật gù nói toáng lên rằng “Ừ nhỉ! Trung Quốc có lẽ có vùng nước lịch sử ở chỗ đó thật”.

Những hành động trên của Trung Quốc ở Biển Đông, cả công khai lẫn bí mật cho thấy các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nước này phải thường xuyên và luôn luôn cảnh giác, mới mong giữ yên bờ cõi của mình. Đúng như dân gian nói rằng, cảnh giác không bao giờ thừa. Còn một chính khách phương Tây nào đó, rất am hiểu văn hóa, tập quán Trung Hoa lại dặn rằng: “Khi bạn bắt tay người Trung Quốc, bạn phải xem lại bàn tay mình còn mấy ngón”.

RELATED ARTICLES

Tin mới