Trung Quốc ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông theo bản đồ “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Tính phi pháp và thiếu căn cứ của Trung Quốc khi đưa ra các yêu sách này thời gian qua đã bị dư luận cộng đồng quốc tế, khu vực lên án, phản đối mạnh mẽ, thậm chí là ngay cả trong giới chuyên gia, học giả của nước này.
“Đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” phi pháp của TQ ở Biển Đông. Nguồn: Philstar
Năm 2012, Lý Lệnh Hoa(Li Linghua), một nhà nghiên cứu lâu năm về biển và luật biển, nguyên là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm phản đối “đường lưỡi bò” và nói rằng Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Học giả Lý Lệnh Hoa đã nhiều lần phát biểu thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề Biển Đông, bác bỏ cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, chủ trương giải quyết những tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Ông Lý Lệnh Hoa từng công bố bài báo “Xung quanh vấn đề đường lưỡi bò và quy định về biên giới trên biển quốc tế” trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc tháng 12/2005. Theo những nghiên cứu của ông, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (Biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục. Chuyên gia này cho rằng vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”, ông Lý viết. Ông cũng có bài viết “Lập hàng rào rõ, để có quan hệ tốt với láng giềng” đăng trên Thời báo Hoàn cầu tháng 6/2011, cho rằng việc coi “đường lưỡi bò” do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm. Chủ trương đơn phương này không thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Nam Hải. Thay vào đó, ông Lý Lệnh Hoa đề xuất nên căn cứ vào vùng đất liền hoặc những đảo lớn và từ đó khai thác vùng biển trong phạm vi 200 hải lý theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Như vậy sẽ tránh được việc phải phân định ngay chủ quyền trên các đảo nhỏ, để biến chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc thành hiện thực. Ông cũng nhiều lần khẳng định quan điểm rằng “đường lưỡi bò” là không hề có căn cứ, là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 và không được các quốc gia khác công nhận.
Trong khi đó, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định mỗi quốc gia ven biển đều có thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý rộng lớn, nhằm tạo công bằng cho các nước cũng như thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học. Học giả Lý Lệnh Hoa khẳng định đây là cơ chế hữu hiệu để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc đã ký kết tham gia Công ước thì cần chấp hành quy định của Công ước, giữ chữ tín với thế giới. Trên trang cá nhân của nghiên cứu viên đã nghỉ hưu này, ông đăng bài viết “Không nên có những quan điểm lỗi thời về đường 9 đoạn ở Nam Hải” và bài “Các học giả cần thay đổi căn bản nhận thức về vấn đề Nam Hải” phản đối ý kiến của các chuyên gia của Trung Quốc trong những sách nghiên cứu về lịch sử và hiện trạng Biển Đông. Trong mục trao đổi với những người theo dõi, để lại lời nhắn (“comment”) trên trang cá nhân của ông, ông cũng giải thích rõ ràng để mọi người hiểu bản chất của vấn đề. Theo ông, do hình ảnh “đường lưỡi bò” được đưa vào sách giáo khoa nên đã tạo ra suy nghĩ sâu sắc cho nhiều thế hệ người dân Trung Quốc rằng đây là “quốc giới” trong khi nó lại không được thế giới công nhận. Nếu vẫn tiếp tục khẳng định như trên thì căng thẳng tại Nam Hải không bao giờ kết thúc. Ông mong muốn học giả và người dân Trung Quốc có thể tiến cùng thời đại, tìm hiểu sự thực và thay đổi quan niệm chưa đúng đắn của mình.
Năm 2014, học giả Lưu Tiểu Tinh, một học giả có nhiều bài viết có quan điểm ngược chiều với chính quyền về vấn đề biển đã cho đăng trên trang cá nhân của ông bài viết mang tên “Trò trẻ con: Đường 9 đoạn đột nhiên biến thành Đường 10 đoạn”, phê phán việc Nhà xuất bản Địa đồ tỉnh Hồ Nam cho xuất bản hai tấm bản đồ hành chính và địa hình Trung Quốc khổ dọc, lần đầu tiên thể hiện các đảo ở biển Đông cùng tỷ lệ thay vì một bản phóng to ở góc dưới như các bản đồ khổ ngang trước đây. Ông Lưu Tiểu Tinh viết: “Trong bản đồ Trung Quốc khổ dọc mới xuất bản, “Đường 9 đoạn” truyền thống ở Nam Hải (Biển Đông) bỗng biến thành “Đường 10 đoạn”. Đó là trò gì vậy? Hiện nay Đường 9 đoạn còn đang bị cộng đồng quốc tế tranh cãi, bác bỏ, còn chưa đứng vững được, nay lại vẽ thêm chi tiết thành cái “Đường 10 đoạn” chả ra ngô, chả ra khoai, như thế chỉ tổ cho “Đường 9 đoạn” càng bị quốc tế dè bỉu thêm!”. Học giả Lưu Tiểu Tinh viết: “Tôi không biết những người làm cái bản đồ có Đường 10 đoạn ấy nghĩ gì? Hay não họ toàn nước chắc?”. Trung Quốc muốn dùng “Đường 9 đoạn” để tranh giành quyền lợi biển ở Nam Hải, thì phải nói rõ cho cả thế giới biết nó rốt cuộc là thứ gì? Căn cứ pháp luật ở đâu? Thế giới yêu cầu, đòi hỏi thế nào cũng không chịu nói, chỉ biết vẽ vời này nọ trên bản đồ thì có tác dụng gì? Thật là một trò cười cho quốc tế!”. Lưu Tiểu Tinh là một học giả có nhiều bài viết có quan điểm ngược chiều với chính quyền về vấn đề biển. Ngày 30/6/2014, ông viết bài “Tuổi thọ của “Đường 9 đoạn” liệu còn được mấy ngày” phê phán thái độ lẩn tránh sự thật và ngoan cố của chính phủ Trung Quốc. Ông viết: Ngày 5/6/2014, Tòa trọng tài quốc tế La Hay ra thông báo, yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải “kháng biện” đơn kiện của Philippines về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giữa hai nước; nếu Trung Quốc không trả lời trước ngày 5/12, Tòa sẽ xét xử cho dù Trung Quốc vắng mặt. Một số chuyên gia và báo chí trong nước tỏ ra coi thường việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế; cho rằng cho dù Tòa phán quyết Philippines thắng kiện chăng nữa thì cũng chả có hiệu lực pháp luật đối với Trung Quốc, Trung Quốc cứ việc làm theo ý mình, còn người Philippines phải gánh chịu án phí cao ngất, thật là gánh nước bằng sọt, phí công vô ích. Nhưng, chớ có coi thường vụ này. Hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines dày tới gần 4.000 trang, kết luận yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô hiệu lực. Người Philippines biết rõ dùng quân sự với Trung Quốc không ăn thua nên họ đã không tiếc tiền mời bằng được luật sư giỏi của Mỹ giúp vụ kiện này. Đó là Luật sư Paul Rachel, một luật sư luật quốc tế thành tích lẫy lừng, người chuyên giúp cácnước nhỏ kiện nước lớn, như giúp Nicaragua kiện Mỹ, giúp Gruzia kiện Nga, Morice kiện Anh, Bangladesh kiện Ấn Độ, nổi nhất là vụ ông giúp Nicaragua thắng kiện Mỹ giúp phiến quân Contra chống lại chính phủ cánh tả Sandinist. Trong 3 vấn đề mà vị cố vấn này giúp Philippines kiện Trung Quốc, trọng tâm là tính hợp pháp của cái gọi là Đường 9 đoạn. Học giả Lưu Tiểu Tinh cho rằng, một khi Tòa ra phán quyết Đường 9 đoạn vô hiệu lực, Trung Quốc không chấp nhận, nhưng cộng đồng quốc tế thừa nhận, các nước láng giềng ven biển Đông thừa nhận. Khi đó Trung Quốc thật khó xử, sao có thể đưa một thứ bị cả thế giới cho là vô hiệu ra (Đường 9 đoạn) để tranh giành quyền lợi với nước khác? Rõ ràng, hiệu lực pháp luật của Đường 9 đoạn đã bị vô hiệu bởi phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế La Hay. Lưu Tiểu Tinh cho rằng, để khỏi lâm vào tình cảnh khốn đốn, việc Trung Quốc cần làm ngay là nói rõ hàm nghĩa pháp luật của Đường 9 đoạn, nói rõ cho cả thế giới biết nó có quyền lợi lịch sử gì và quyền lợi của Trung Quốc với vùng biển này là gì. Đợi đến khi Tòa đã phán quyết thì muốn làm gì cũng đã muộn. Bài báo của Lưu Tiểu Tinh đã được giới luật sư Trung Quốc đặc biệt quan tâm, nhiều người đã đăng lại trên các trang blog cá nhân. Nguyên nhân tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông chính là “Đường 9 đoạn”.
Cũng năm 2014, ông Uất Chí Vinh, nguyên Tổng đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc. Là người có quan điểm khá tương đồng với chính quyền, nhưng ông cũng phải thừa nhận một thực tế là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “Đường 9 đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Trong bài viết đăng trên tạp chí quốc tế Glocal Reporter ngày 1/7/2014 và được đăng tải khá rộng rãi trên các trang mạng Trung Quốc, Uất Chí Vinh viết: “Ngay giới học thuật Trung Quốc cũng tranh cãi liên miên, không nhất trí được với nhau về cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng vẽ Đường 9 đoạn đến tận ngõ nhà người ta, không phù hợp tình hình thực tế, cần vứt bỏ đòi hỏi (vô lý) này. Loại thứ hai cho rằng, nếu chủ trương phân giới theo Đường 9 đoạn thì Trung Quốc cần rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Loại ý kiến thứ ba, cho rằng Đường 9 đoạn chỉ là thể hiện vấn đề quy thuộc các đảo, còn vùng biển thì phải phân định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Năm 2016, ngay sau khi tuyên bố Bắc Kinh nên nghiêm túc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, chuyên gia Lý Lệnh Hoa như đề cập ở phần đầu đã tiếp tục kêu gọi Trung Quốc nên từ bỏ việc theo đuổi “đường 9 đoạn”. Ông Lý Lệnh Hoa tiếp tục viết trên mạng xã hội Weibo bài báo nhan đề Nếu kiên trì đường 9 đoạn, việc phân định ranh giới Biển Đông sẽ đi vào ngõ cụt. Theo đó, ông Lý Lệnh Hoa tỏ thái độ không đồng tình về việc mặc dù Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã công bố phán quyết về Biển Đông từ ngày 12/7, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn nhiều lần không chấp nhận, không thừa nhận điều này. Ông Hoa đặc biệt nhấn mạnh, việc Tòa trọng tài quốc tế cho rằng “đường 9 đoạn” ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế khiến ông nhớ tới câu nói của ông La Ngọc Như – cựu Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc rằng: “Ranh giới lãnh hải của Trung Quốc không nên vạch tới cửa nhà người khác”. Ý của ông Như là điều này luôn phù hợp trong cả vấn đề ranh giới biển ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông. Học giả Lý Lệnh Hoa giải thích thêm: “Ông Như cho rằng “đường 9 đoạn” đó quả thực đã mở rộng tới cửa nhà người khác, chiếm tới 85% tổng diện tích Biển Đông, hơn nữa nó lại là đường ảo. Chả trách Philippines đã khởi kiện Trung Quốc như vậy”. Ông Hoa cũng viết rằng nguyên tắc phân chia ranh giới biển mà quốc tế hiện sử dụng là phải dựa trên cơ sở địa hình ven biển, bao gồm cả địa hình và chiều dài bờ biển. Học giả này nhấn mạnh: “Trung Quốc bắt buộc phải tuân theo điều này khi phân chia ranh giới biển vào thực tế. Bởi nếu kiên trì đeo đuổi “đường 9 đoạn” như vậy, việc phân chia ranh giới biển của Trung Quốc sẽ rơi vào ngõ cụt”. Ông Hoa cũng cho rằng, về việc tranh chấp các quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ gây tranh cãi và mâu thuẫn với một mình Philippines, vì vậy để xử lý vấn đề này ra sao, mỗi bên đều cần có nhận thức thống nhất.
“Về vấn đề phân chia ranh giới biển, mọi mâu thuẫn tồn tại giữa Trung Quốc với các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia đều có điểm chung. Trung Quốc kiên trì “đường 9 đoạn” trong lịch sử, nhưng các nước khác lại đều chủ trương tuân theo điều 74 và điều 83 trong Công ước LHQ về luật Biển ký năm 1982. Tức là cùng phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh”, ông Hoa viết. Học giả Lý Lệnh Hoa cũng thừa nhận thời gian đối lập nhau về quan điểm đã kéo quá dài, việc đàm phán qua lại không mang lại kết quả, chỉ tổ gây lãng phí thời gian và thiệt hại tài sản, tiền tài cho mỗi quốc gia. Ông nêu ví dụ: “Chỉ riêng việc đàm phán về phân chia ranh giới phần vịnh Bắc bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã kéo dài hơn 10 năm rồi. Do hai bên đều không ai chịu nhường, tới nay cũng không hề có bất kỳ tiến triển nào. Điều này thật đáng tiếc”. Học giả Lý Lệnh Hoa cũng tha thiết bày tỏ: “Biển Đông cần trở thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị, không thể chỉ là câu nói suông… Các nước vùng Biển Đông đều cần ổn định chính trị ở Biển Đông và cần tích cực nỗ lực hơn trong việc phân định hàng hải, thông qua đàm phán hòa bình, tích cực giải quyết mọi tranh chấp xung đột các loại. Đây cũng là nhu cầu thực tế khi đối diện với vấn đề xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và phân định ranh giới hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc không thể “tấn công” vào một vài quốc gia. Nếu chỉ đàm phán song phương để giải quyết mâu thuẫn Biển Đông thì e rằng ngay cả học sinh tiểu học, trung học của Trung Quốc đều cho rằng không thể giải quyết nổi”.
Ngoài những ý kiến nêu trên, nhiều học giả Trung Quốc khác cũng cho rằng bản đồ “đường chín đoạn” là không có căn cứ. Vào thời điểm đó, tất cả các bên ở Biển Đông đã có lý do rõ rang của họ liên quan đến các quần đảo trên biển, chỉ có “đường chín đoạn” là vô căn cứ và vô lý. “Đường chín đoạn” khởi nguồn từ năm 1936, khi một viên chức Trung Quốc có tên là Bai Meichu đã tự động vẽ “một bản đồ mới của Trung Quốc” có các vạch nối gồm 11 đoạn. Học giả Li đã khẳng định đường vẽ này được rút ra từ một ý tưởng rất chủ quan. Đến năm 1953, “đường 11 đoạn” đã được rút lại còn “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, không ai có thể xác định được ý nghĩa của “đường chín đoạn” và Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giải thích về nó. Người ta nói rằng một quan chức của Bộ Nội vụ Trung Quốc đã cố tình vẽ bằng được “đường chín đoạn” bằng mọi cách. “Đường chín đoạn” không phải là lãnh hải của Trung Quốc và nó không hợp pháp. Trung Quốc đã luôn luôn nói về nó, nhưng không bao giờ đề cập đến ý nghĩa của nó. Trớ trêu thay, “đường chín đoạn” được vẽ trên bản đồ của Trung Quốc trong hơn 60 năm, nhưng các chuyên gia Trung Quốc vẫn lập luận và tranh luận liên tục về nó. Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thể hiện quan điểm và thái độ của mình. Không có bất kỳ tài liệu liên quan đến tuyên bố hoặc giải thích của các “đường chín đoạn”. Theo các nghiên cứu, các “đường chín đoạn” đã được sửa đổi trên bản đồ của Trung Quốc khá thường xuyên. Trong quá khứ đã có một phiên bản 11 điểm. Khi Trung Quốc và Việt Nam có Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ, hai chấm được xóa và bây giờ nó chỉ còn có 9 điểm. Điều này cho thấy “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Xét về khía cạnh pháp lý của “đường chín đoạn”, các đoạn này không phải là lãnh hải của Trung Quốc. Theo Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ban hành vào năm 1992, nó quy định rằng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý từ đường cơ sở. Trong năm 1996, trong bản khai báo các đường cơ sở của lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đường cơ sở của lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 và hiện nay gọi là Tam Sa) cũng đã được cung cấp. Vì vậy, các vùng biển bên ngoài 12 hải lý từ đường cơ sở của lãnh hải không thuộc về lãnh hải của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại tuyên bố lãnh hải đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”. Điều này đã chứng minh rằng “đường chín đoạn” không phải là lãnh hải của Trung Quốc! Rất nhiều chuyên gia Trung Quốc về luật hàng hải cho rằng “đường chín đoạn” không phải là đường lãnh hải hoặc không phải là các đường mô tả lãnh thổ của Trung Quốc. Do đó, cần bãi bỏ các đường này mà không gây ra bất kỳ trở ngại pháp luật quốc tế nào. Những gì là cần thiết phải làm là bãi bỏ các đường chín đoạn trên bản đồ hoặc thậm chí sửa đổi bản đồ.