Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều...

Kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều thách thức

Kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa…

 

Hiệp định tự do tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư nước ngoài
 
Theo Báo cáo Tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế – xã hội tháng 1 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế trong nước chuyển biến tích cực, nền tảng vĩ mô được củng cố và môi trường kinh doanh được cải thiện trong những năm gần đây sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng trong năm 2019.
 
Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng. Tiêu dùng của dân cư sẽ là nhân tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhờ du lịch tăng mạnh, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng hiệp định tự do Việt Nam – EU, hiệp định CPTPP tạo không gian mới và kỳ vọng cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Đây là hiệp định được đánh giá là tiến xa nhất và toàn diện nhất ở thời điểm hiện nay, thể hiện bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam được kỳ vọng có cơ hội lớn để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt nhờ tác động chuyển hướng thương mại và giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Những mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… của Việt Nam sẽ xuất khẩu được sang được các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru với những lợi thế về ưu đãi thuế quan (cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu hoặc hưởng thuế suất 0% cho hàng hóaViệt Nam). 
 
Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác còn tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam thông qua việc thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn công của Nhà nước, từ đó tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
 
Bên cạnh đó, việc có quan hệ thương mại tự do (FTA) với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
 
Nhiều yếu tố bất định đối với kinh tế Việt Nam
 
Liên quan đến những thách thức, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động đến việc chuyển hướng xuất nhập khẩu hàng hóa như: nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; thay đổi chuỗi cung ứng; thay đổi dòng vốn đầu tư.
 
Bên cạnh đó, một số thách thức nội tại của nền kinh tế như: trình độ công nghệ còn thấp, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh và chưa thực sự vững chắc; việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, FTA với EU…) đòi hỏi yêu cầu cao hơn và phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… mà không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.
 
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam cải thiện đáng kể cả về xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng có thể gia tăng nhập siêu. Công cuộc hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Cuộc cách mạng khoa học 4.0 buộc các nước đang theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài như nước ta phải có những điều chỉnh trong chính sách phát triển kinh tế.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 2 có đặc thù là tháng đón Tết âm lịch, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, du lịch sẽ tăng cao. Mức tăng CPI tháng 1 là 2,56% so với cùng kỳ là mức tăng khá cao, do vậy sức ép lạm phát trong tháng 2 là khá lớn, cần có những giải pháp thận trọng trong điều hành giá cả những mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý.
 
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, lễ hội để vừa giữ gìn, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo lành mạnh, tiết kiệm, an toàn, văn minh cho người dân.
RELATED ARTICLES

Tin mới