Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngHồi kết thương chiến: TT Trump nắm giữ cơ hội lịch sử...

Hồi kết thương chiến: TT Trump nắm giữ cơ hội lịch sử để “nhấn chìm” con thuyền kinh tế TQ

“Nước đẩy thuyền đi nhưng cũng có thể làm lật thuyền”, câu ngạn ngữ Trung Quốc đã mô tả một cách sinh động và chính xác tình cảnh khó khăn hiện tại của quốc gia này.

Ảnh minh họa: PEP MONTSERRAT/WSJ

Theo Forbes, Trung Quốc rõ ràng đang ở vị trí bất lợi hơn hẳn trong cuộc đối thoại thương mại cuối cùng với Washington.

Trên thực tế, Trung Quốc đã luôn luôn ở vị trí này. Suy cho cùng, việc giao thương với Mỹ quan trọng hơn đối với Trung Quốc chứ không phải chiều ngược lại. Khoảng 1/4 sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ, trong khi chỉ có ít hơn 10% sản phẩm xuất khẩu của Mỹ tới Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thương chiến còn bùng nổ vào thời điểm không thể tệ hơn cho nền kinh tế Trung Quốc. Thế khó của Bắc Kinh đã biểu hiện rất rõ ràng trong những cuộc đàm phán cho tới thời điểm hiện tại.

Bắc Kinh đề xuất các nhượng bộ, trong khi người Mỹ chỉ đề nghị tạm hoãn thuế quan. Chưa ai rõ kết quả sẽ ra sao, nhưng tình hình và thông tin hiện tại cho thấy Trung Quốc sẽ là bên phải nhượng bộ nhiều hơn cả.

Xét tới đàm phán thương mại với Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump và các cộng sự có nhiều quân “át chủ bài” hơn bất kì người tiền nhiệm nào trước đây. Các nhà lập pháp Bắc Kinh đang tuyệt vọng trong việc đạt được đình chiến thương mại với Mỹ nhằm tránh những tổn thương khác tới kinh tế Trung Quốc.

Có nhiều người tiên đoán rằng ông Trump đã lệnh cho cấp dưới “hoàn thành thỏa thuận” để kết thúc sự biến động trên thị trường, nhưng điều này đồng nghĩa rằng Mỹ sẽ bỏ qua cơ hội lịch sử để tái cơ cấu toàn diện mối quan hệ Mỹ – Trung vào thời điểm Trung Quốc dễ nhượng bộ nhất. Ông Trump đã đi quá xa để lùi bước.

Tình cảnh của Trung Quốc

“Nước đẩy thuyền đi nhưng cũng có thể làm lật thuyền”, câu ngạn ngữ Trung Quốc đã mô tả một cách sinh động và chính xác tình cảnh khó khăn hiện tại của quốc gia này. Khoản nợ giúp nâng đỡ hệ thống kinh tế Trung Quốc trong 10 năm qua đang nhấn chìm Bắc Kinh.

Trong những ngày đen tối nhất của khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 4 nghìn tỉ NDT (tương đương 593 tỉ USD theo tỉ giá hiện tại) để rút nền kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái.

Kế hoạch kích thích kinh tế vẫn chưa bao giờ ngừng, và tới năm 2017, con số 4 nghìn tỉ NDT đã tăng lên tới 14 nghìn tỉ NDT – theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Ban đầu, Trung Quốc hưởng lợi từ những cải cách kinh tế trong những năm 1990, tăng cường vị thế trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và dòng tiền đầu tư mới từ các công ty phương Tây. Tới năm 2009, sự tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với việc tiền lương và mức sống đã tăng tới mức Trung Quốc không còn là nhà sản xuất chi phí thấp nữa.

Tức là, xuất khẩu không còn là mũi nhọn giúp kinh tế tăng trưởng. Lúc này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tìm cách để có tiền đầu tư cho các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ.

Theo Bloomberg, lịch sử đã cho thấy rằng sự tăng trưởng quá nhanh dựa trên nền tảng tín dụng có thể gây ra hàng loạt bong bóng tài sản và khủng hoảng tài chính, tín dụng và tiền tệ.

Một nghiên cứu sử dụng các dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan tài chính khác (bao gồm tài sản ngân hàng và tài sản ngân hàng ngầm như khoản vay ủy thác) cho thấy tổng nợ tín dụng của Trung Quốc là 48 nghìn tỉ USD, gấp khoảng 3,7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trong khi đó, con số của Mỹ chỉ là 24 nghìn tỉ USD.

12 tháng vừa qua, các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, doanh số xe ô tô, bán lẻ và đầu tư đều giảm tới mức thấp báo động. Thế giới cuối cùng cũng đã nhận thức được những nguy cơ trong hệ thống kinh tế được thúc đẩy quá mức của Trung Quốc. Đây là lí do thị trường chứng khoán có lúc đã giảm 25% trong năm vừa qua.

Mỹ nên làm gì?

Những nhà đàm phán Mỹ đang tập trung yêu cầu Trung Quốc thay đổi 2 vấn đề chính: 1) mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn và 2) từ bỏ các chính sách kinh tế tạo ra lợi ích đặc biệt, ví dụ như trợ cấp chính phủ, bảo hộ thị trường nội địa và các ưu đãi pháp lý khác cho những công ty trực thuộc chính phủ Trung Quốc.

Giảm tỉ lệ thuế quan và điều chỉnh sở hữu nước ngoài là một điều tốt nhưng sẽ không kết thúc tình trạng gián điệp kinh tế Trung Quốc – khiến Mỹ tổn hại ít nhất 300 tỉ USD hàng năm, theo ước tính của chính phủ Mỹ.

Nhiều chính quyền Mỹ đã tìm cách giải quyết vấn đề này trong hơn 20 năm qua, và những lời Trung Quốc hứa hẹn với Mỹ ít khi được thực hiện. Mỹ cần Trung Quốc cam kết chấm dứt tình trạng đánh cắp chất xám, gián điệp thương mại và đồng ý có biện pháp trừng trị thích đáng với loại tội phạm này.

Chính quyền ông Trump phải tiếp tục thúc đẩy thực hiện thỏa thuận nói trên và không nên kết thúc đàm phán cho tới khi Trung Quốc thực sự thay đổi.

Ông Trump cần hiểu rõ ràng những lợi thế mà Mỹ có ngày hôm nay – và nhiều lợi thế hơn nữa sau ngày 1/3, khi lệnh đình chiến thương mại kết thúc – có thể sẽ chỉ tới 1 lần duy nhất. Bỏ qua cơ hội này sẽ là thảm họa không chỉ với chính quyền ông Trump mà cho cả phương Tây.

Do đó, động thái nhằm vào công ty công nghệ khổng lồ Huawei – ở cả Mỹ và Canada – ít có khả năng là trùng hợp ngẫu nhiên. Trung Quốc đã khẳng định sẽ tuân thủ nhiều thỏa thuận với Mỹ nhưng chưa thực hiện.

Ngày hôm nay, phía Mỹ nhận ra rằng họ có thể yêu cầu nhiều cam kết an ninh hơn từ Bắc Kinh so với trước đây.

Hiện tại, các nhân vật cấp cao chưa xuất hiện trong các cuộc đối thoại. Hoạt động đàm phán đang trong bước đầu tiến dần tới một thỏa thuận, và chỉ khi đó các nhà lãnh đạo hai nước mới tham gia.

Tuy nhiên, chưa có gì chắc chắn tại thời điểm hiện tại. Ông Trump rất khó đoán, và việc ông Tập muốn khẳng định vị thế toàn cầu sẽ khiến Trung Quốc khó nhượng bộ để đạt được thỏa thuận chung giữa hai nước.

Kể cả khi hai bên nhất trí với quan điểm mới và tránh chiến tranh thương mại, ít có khả năng Mỹ sẽ không tiếp tục áp các loại thuế quan khác trừ khi Trung Quốc cam kết và thực hiện theo những quy ước về vấn đề sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.

RELATED ARTICLES

Tin mới