Sau 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, VN mong muốn có cuộc sống hòa bình, xây dựng đất nước, song một lần nữa quân và dân ta buộc phải cầm súng chống lại thế lực xâm lược mới.
Đội hình xe cơ giới của Quân đoàn 2 trong đợt diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu năm 2017. Ảnh minh họa.
Bảo đảm kỹ thuật đánh thắng quân TQ xâm lược
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhà cầm quyền Trung Quốc huy động 60 vạn quân mở cuộc cheiens tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta từ Quảng Ninh tới Lai Châu.
Sau 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân ta mong muốn có cuộc sống hòa bình, xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, song để bảo vệ độc lập chủ quyền, một lần nữa quân và dân ta buộc phải cầm súng chống lại thế lực xâm lược mới.
Các căn cứ bảo đảm kỹ thuật kịp thời đáp ứng được yêu cầu của tác chiến, bảo đảm có hiệu quả cho các tuyến chiến đấu. Song, ở một số khu vực lại xuất hiện những tình huống mới, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) đã cùng các quân khu tổ chức điều chỉnh lại.
Căn cứ T1 bị uy hiếp đã nhanh chóng được tổ chức rút về phía sau và tổ chức Binh trạm 1. Căn cứ K1 chỉ bảo đảm được hướng tả ngạn Sông Hồng, Tổng cục Kỹ thuật cùng Quân khu 2 tổ chức một bộ phận sang hữu ngạn sông Hồng để mở đường vận chuyển bảo đảm cho hướng Cam Đường.
Tổng cục triển khai thêm kho vũ khí trang bị với trữ lượng 40 nghìn tấn để sẵn sàng chi viện cho các hướng; tổ chức di chuyển kho vật tư kỹ thuật 602, di chuyển một phần nhà máy Z111 để bảo đảm an toàn kho tàng, nhà máy khi chiến sự xảy ra ở các địa phương này.
Trong quá trình bảo đãm kỹ thuật cho các tuyến chiến đấu, TCKT đã cử 20 đội, tổ sửa chữa cơ động gồm hơn 300 cán bộ, công nhân viên đến các đơn vị, tăng cường công tác quản lý, Bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị mới; tổ chức và hướng dẫn đơn vị bố trí và điểu khiển nổ từ xa các bãi mìn tiêu diệt địch.
TCKT đã phối hợp với Tổng cục Hậu cần vận chuyển vũ khí đạn tới các căn cứ phía trước của các quân khu và ở các hướng mà quân khu không bảo đảm được như Quảng Ninh, Đình Lập…
Có nhiều trường hợp, TCKT đã chuyển vũ khí đạn xuống tới sư đoàn, trung đoàn, bảo đảm cho bộ đội đánh địch.
Đối với các đơn vị tác chiến ở sau lưng địch, Tổng cục đã đề nghị Bộ cho chuyển vũ khí đến bằng máy bay (đã tổ chức được 8 chuyến vận chuyển đến các chốt ở Điện Biên, Cao Bằng)…
Bị quân và dân ta đánh trả gây tổn thất lớn, đồng thời bị dư luận tiến bộ thế giới lên án mạnh mẽ, ngày 18 tháng 3 năm 1979, nhà cầm quyền Trung Quốc buộc phải rút toàn bộ quân ra khỏi biên giới nước ta.
Ngay sau khi Trung Quốc rút quân về nước, TCKT tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm cho các đơn vị củng cố lực lượng sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược của đối phương.
Tổng cục Kỹ thuật tổ chức tiếp nhận viện trợ
Thực hiện chỉ thị số 14/CT-TM (ngày 09/01/1979) về việc tổ chức tiếp nhận viện trợ năm 1979 (còn gọi là VT-79), TCKT đã tổ chức ban theo dõi tiếp nhận thuộc Bộ Tham mưu, thành lập 2 tổ tiếp nhận ở Hải Phòng và Đà Nẵng.
Các cục chuyên ngành của TCKT đều có bộ phận theo dõi hàng viện trợ cùng với Cục Vật tư Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện công việc tiếp nhận hàng viện trợ theo hai tuyến: tuyến đường không bắt đầu từ ngày 23 tháng 2, đưa hàng vào sân bay Nội Bài; tuyến đường biển đưa hàng vào 2 cảng Hải Phòng và Đà Nẵng. Hàng gồm nhiều chủng loại.
TCKT tổ chức cấp phát hàng viện trợ cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng binh chủng ngay tại cảng để kịp đưa ngay về bổ sung thêm trang bị chiến đấu. Số hàng dự trữ, Tổng cục tổ chức đưa về kho Tổng cục.
Để phục vụ cho cất giữ hàng viện trợ, Tổng cục đã xây dựng thêm kho tiếp nhận vật tư xe máy bảo đàm hoàn thành để tiếp nhận hàng vào cuối năm 1979. Kho vật tư mang phiên hiệu công trình T602 để cất giữ các loại vật tư, thiết bị dụng cụ phụ tùng kim loại, vật liệu điện.
TCKT thực hiện công việc tiếp nhận hàng viện trợ nhanh, gọn, đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn.