Làn sóng e ngại đầu tư Trung Quốc với các bẫy nợ nguy hiểm lan khắp châu Á.
Sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc được đánh giá có mục đích tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy những kế hoạch kết nối khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, cách Bắc Kinh thực thi các dự án hạ tầng này mới đáng bị chỉ trích, tạo nên những bẫy nợ nguy hiểm.
Qua quá trình các nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án hạ tầng, các quốc gia châu Á đã buộc phải xem xét, dần dần là hủy bỏ và từ chối các dự án kiến thiết của Bắc Kinh.
Hãng Citi Economics (thuộc Tập đoàn Citi Group, Mỹ) đã dẫn số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) về nghiên cứu chính sách công, cho biết tổng giá trị các hợp đồng xây dựng và đầu tư lớn hơn 100 triệu USD của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 chỉ 19,2 tỷ USD, giảm 49,7% so với năm trước đó.
Nửa cuối năm 2018, Trung Quốc chỉ chốt được 12 dự án tổng giá trị 3,9 tỷ USD với 10 nước ASEAN, trong khi con số của cùng giai đoạn năm 2017 là 33 dự án trị giá 22 tỷ USD.
Cụ thể, các hợp đồng với Indonesia, Philippines, Singapore trong năm qua bị giảm đáng kể, và Trung Quốc không ký kết được hợp đồng lớn nào với Thái Lan hay Việt Nam.
Số hợp đồng xây dựng Đông Nam Á trao cho doanh nghiệp Trung Quốc trong 3 năm sau khi các dự án này được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động (năm 2013) tăng 54% so với 3 năm trước đó, các cam kết đầu tư của Bắc Kinh tại khu vực cũng tăng lên 77%.
Tuy nhiên, ASEAN trong năm qua liên tục chỉ trích các dự án của Trung Quốc thiếu minh bạch, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, khó hoàn thành, gây xung đột lợi ích với nhà thầu và lao động địa phương…
Malaysia là một ví dụ điển hình ở Đông Nam Á cho thấy sự kiên quyết từ chối các dự án đầu tư của Trung Quốc vốn không mang lại lợi ích gì cho người dân nước này.
Dự án đường sắt 688km kết nối vùng biển phía đông bán đảo Malaysia với các tuyến vận tải biển chiến lược ở phía tây đã được nhà thầu Trung Quốc công bố chi phí khổng lồ.
“Nhà thầu lẫn khoản vay đều đến từ Trung Quốc. Tiền lại không đến đây mà bị giữ ở nước ngoài để trả cho nhà thầu tại Trung Quốc” – Thủ tướng Mahathir Mohamad nói.
Đầu năm 2017, ông Mahathir đã chỉ trích mạnh mẽ Thành phố Rừng (Forest City) lại là từ một nhà thầu Trung Quốc được sự chống lưng của vị vua bàng Johor là Ibrahim Ismail. Cùng với chính sách về người nước ngoài được quyền mua nhà ở Malaysia, dự án có thể có thể cho phép tới 70% người nước ngoài có quyền sở hữu trong siêu dự án.
Thủ tướng Mahathir nghi ngại dự án cho phép người Trung Quốc đến Malaysia nhiều hơn và cuối cùng thì người dân Malaysia lại không có nhà ở.
Dù mạnh mẽ chỉ trích dự án và nhà thầu Trung Quốc song Thủ tướng Malaysia 90 tuổi không thể cắt bỏ mối quan hệ với Bắc Kinh và các dự án hạ tầng ở đây vẫn bị bỏ ngỏ.
Một dự án Thành phố Rừng của Trung Quốc tại Malaysia
Trang Thailand Business News dẫn lời nhà phân tích Phidel Vineles tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS, Singapore) gọi những dự án này là chính sách “thực dân kiểu mới” vì thường kéo theo làn sóng lao động Trung Quốc ồ ạt đến nước sở tại.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) lấy ý kiến của các học giả tại khu vực cho thấy, gần 50% người cho rằng Trung Quốc có ý định đưa Đông Nam Á vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình.
Hơn 70% trong số này kêu gọi các chính phủ ở Đông Nam Á cần cẩn trọng trong việc đàm phán dự án BRI với Trung Quốc để không dính vào bẫy nợ.
Nam Á cũng quay lưng với Trung Quốc
Không chỉ ASEAN, Nam Á cũng e ngại các dự án đầu tư hạ tầng Trung Quốc sau khi hút vào các dự án BRI, đặc biệt là nó mang đến những bẫy nợ nguy hiểm.
Pakistan, Sri Lanka, Maldives… đều đang cảnh giác hơn và còn gửi các tín hiệu tới Bắc Kinh rằng họ sẽ không còn tham gia vào sáng kiến phát triển hạ tầng này nữa.
Pakistan được xem là trung tâm của các dự án BRI lớn nhất trong khu vực đã chịu khoản nợ hàng tỷ USD cao hơn so với ước tính khi bắt đầu thực hiện dự án của Trung Quốc. Số nợ khổng lồ được thông tin bởi những dân tộc thiểu số xung đột với chính quyền hiện tại ở nước này.
Làn sóng phản ứng dự án Trung Quốc ở Pakistan được cho là nghiêm trọng nhất. Jam Kamal, người đứng đầu tỉnh Balochistan, đã sửa đổi luật để đóng băng việc bán đất cho các công ty Trung Quốc.
Balochistan là vùng dân cư thưa thớt, nghèo nàn nhưng giàu trữ lượng khí đốt, than đá, cũng như khoáng sản đồng, vàng. Chính quyền địa phương cho rằng tài nguyên của Balochistan bị xâm phạm do tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã “đổ khá nhiều công sức” vào dự án cơ sở hạ tầng với Pakistan, đặc biệt là cảng Gwadar. Mạng lưới đường bộ, đường sắt, các nhà máy điện và một cảng biển nước sâu tại quốc gia Nam Á này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận trực tiếp với Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, một khi Trung Quốc đầu tư xây dựng ở đây, những người thiểu số này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chính quyền Pakistan phải tìm cách hợp lý để phát triển khu vực này.
Một cảng biển ở Sri Lanka bị nhượng quyền cho mắc nợ
Tương tự như vậy, Sri Lanka đang bị vướng vào một cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài, mà chủ yếu là nợ Trung Quốc. Khoản nợ lớn này là của hai dự án BRI: Cảng Hambantota ở bờ biển phía Nam, trị giá 1,5 tỷ USD và dự án thành phố cảng rộng 269 ha, trị giá 1,4 tỷ USD, được khai hoang từ vùng biển ngoài khơi Colombo.
Một chính phủ mới đã được bầu lên ở Sri Lanka do làn sóng phản đối 2 dự án này đã cho thấy độ “phũ phàng” của đối tác Nam Á này đối với Bắc Kinh.
Thay vì giảm bớt các khoản vay thì hiện nay, Sri Lankia đang cố gắng kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc bằng cách đa dạng hóa quan hệ với các đối tác khác như Nhật Bản và Ấn Độ.
Maldives thậm chí đã nói rõ về sự khước từ các dự án Trung Quốc sau khi nước này chịu một khoản nợ “từ trên trời rơi xuống” trị giá 3,2 tỷ USD. Theo các dữ liệu Chính phủ, quốc đảo này chỉ vay Trung Quốc 1,3 tỷ USD nhưng Đại sứ Trung Quốc Zhang Lizhong đã bất ngờ công bố con số nợ thực sự là 3,2 tỷ USD, gần bằng GDP quốc gia (3,6 tỷ USD).
Trong khi đó, tại Bangladesh, một sự bất ổn ngầm đối với khoản cam kết trị giá 24 tỷ USD chưa được giải ngân cho các dự án BRI đã khienesd . Một số nguồn tin cho biết Ấn Độ đang thúc giục Dhaka thận trọng về việc vay mượn từ Trung Quốc.
Theo dịch vụ tư vấn đầu tư Moody, tại châu Á, những dự án thuộc Sáng kiến BRI ngày càng nhiều lên, và khoản tiền Bắc Kinh dành cho dự án này đã vượt xa nguồn tài trợ cho châu Phi.
Trong số 115 quốc gia được tài trợ bởi chương trình này, châu Á chiếm tới 39% giá trị hợp đồng từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2018, cao hơn con số 30% của châu Phi.
Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích của Sáng kiến BRI, nhưng nhiều người hoài nghi rằng, bên cạnh lợi nhuận tài chính, Trung Quốc còn tham vọng cả lợi ích chính trị từ các dự án cơ sở hạ tầng. Những nghi ngờ trên không phải không có cơ sở.