Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐiểm tinRót tiền ra nước ngoài, TQ lãnh 'cú sốc văn hóa'

Rót tiền ra nước ngoài, TQ lãnh ‘cú sốc văn hóa’

Đau đầu với việc kinh tế trong nước tăng trưởng chậm và chi phí thuê nhân công cao, các doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài đầu tư, song con đường ấy không dễ dàng khi họ lần đầu tiên phải đối mặt với những cú sốc mạnh về văn hóa.

Công nhân xô xát với cảnh sát chống bạo động trong một cuộc đình công đòi doanh nghiệp Trung Quốc tăng lương ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Campuchia, vào năm 2014. Ảnh: AP

Việc phải bơi giữa dòng nước lạ lẫm, vật lộn để đối phó với những vấn đề chưa từng gặp qua như các công đoàn “ngang bướng”, những tòa án độc lập hay các phóng viên “thích quấy rầy” khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trôi về những hướng đầy khó khăn.

Cú sốc văn hóa

Từng kiếm tiền dễ dàng ở trong nước, nơi mà việc tạo dựng quan hệ với các quan chức là chìa khóa thành công và tính thượng tôn pháp luật có thể dễ dàng bị gạt qua một bên, các doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây nhận ra rằng mọi việc không đơn giản khi ở nước ngoài .

Từ Mỹ cho đến châu Á, các doanh nghiệp Trung Quốc đều phạm phải những sai lầm khiến họ trả giá đắt. Ngay cả ở một nước nhỏ như Campuchia, nơi Trung Quốc giữ vị thế nhà đầu tư hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể cảm nhận được sức ép gay gắt từ các công đoàn.

“Trong hai năm qua, mọi thứ đã thay đổi ở Campuchia”, He Enjia, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may thuộc Phòng Thương mại Trung Quốc tại Campuchia, cho biết. Ông giải thích rằng trước đây, chủ nhà máy dệt may có thể thuê cảnh sát để trấn áp công nhân đình công, biểu tình đòi tăng lương. “Nhưng nay điều này là không thể vì nhờ hỗ trợ của truyền thông phương Tây, ảnh hưởng của phe đối lập đang gia tăng”, ông nói.

Năm ngoái, đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài lần đầu tiên vượt đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải rất vất vả để làm quen với môi trường kinh doanh ở nước ngoài, nơi công chúng thường đòi hỏi tính minh bạch cao hơn, đồng thời tòa án thực thi nghiêm ngặt các quy định về lao động và môi trường hơn. Giới chuyên gia nhận đình tình cảnh này cũng giống như những thách thức mà các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt cách đây hai thập kỷ, khi họ lần đầu tiến vào Trung Quốc.

“Nhìn vào các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Trung Quốc, bạn sẽ thấy họ gặp nhiều khó khăn như thế nào khi muốn điều chỉnh cho phù hợp với môi trường kinh doanh ở đây. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang trải qua tình thế như vậy, thậm chí còn phức tạp hơn. Môi trường pháp lý nơi họ khởi nghiệp quá khác biệt so với các thị trường nước ngoài”, chuyên gia Thilo Hanemann, giám đốc bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn đầu tư nước ngoài Rhodium Group, Mỹ, nhận xét.

Không phải dấu hiệu của sức mạnh

Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguyên liệu thô như dầu mỏ hay quặng sắt là những nhà tiên phong đầu tư ra nước ngoài. Nối tiếp là các doanh nghiệp xây dựng, đi theo dòng vốn mà nhà nước Trung Quốc đổ vào các công trình đường sá, cầu cống, đập thủy điện… ở bên ngoài lãnh thổ, từ châu Á đến châu Phi. Khi những quy định về đầu tư ra nước ngoài cởi mở hơn, các doanh nghiệp tư nhân cũng bắt đầu gia nhập guồng quay nhằm tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ và thị trường mới.

Chuyên gia Hanemann cho rằng không thể coi việc Trung Quốc vội vã mở rộng đầu tư ra nước ngoài là động thái cho thấy nước này chuẩn bị thâu tóm thế giới. “Đó không phải dấu hiệu của sức mạnh mà là bằng chứng của sự suy yếu”, ông nói.

Khi chỉ hoạt động trong nước, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn, vì thế “họ phớt lờ chuỗi giá trị toàn cầu” và không phát triển kiến thức chuyên môn về môi trường đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với việc nền kinh tế giảm tốc, khủng hoảng dư thừa trong ngành công nghiệp sản xuất thép, xi măng nổ ra, đồng thời chi phí thuê nhân công và đất đai tăng mạnh, doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài để bám đuổi đối thủ cạnh tranh cũng như học hỏi các kỹ năng mới để tồn tại.

Sai lầm đắt giá

Ngụp lặn trong môi trường kinh doanh ở nước ngoài không phải là điều dễ dàng. Thực tế, doanh nghiệp Trung Quốc đã nhiều lần phải trả giá đắt bởi những tính toán sai lầm của mình, theo Washington Post.

Ở Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đau đầu xử lý hàng loạt vụ kiện đòi bồi thường hàng trăm triệu USD, liên quan đến chất lượng của những tấm tường khô nhập từ Trung Quốc dùng cho việc tái thiết nhà cửa sau cơn bão Katrina. Bên thưa kiện cho rằng các bức tường này nhả khí độc, gây ra những vấn đề về hô hấp và ăn mòn các thiệt bị điện tử.

Tại bang Texas, Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đang bị Tang Energy, một đối tác cũ, đòi bồi thường 7,5 tỷ USD. Công ty này cho hay mặc dù đôi bên đã ký thỏa thuận lập liên doanh phát triển điện gió tại Mỹ nhưng AVIC lại tự ý dựng nên các công ty riêng trong cùng lĩnh vực để “thầu” hết các dự án xây dựng trạm điện gió mà không có sự tham gia của Tang Energy. Nếu ở Trung Quốc, việc làm này của AVIC có thể được cho qua nhưng ở các nước phương Tây thì không.

Tại Ba Lan, Tập đoàn Công trình Nước ngoài Trung Quốc (Covec) năm 2009 ký hợp đồng xây dựng một tuyến đường cao tốc để phục vụ cho vòng chung kết Euro 2012. Tuy nhiên, ba năm sau, đường cao tốc vẫn chưa xây xong. Chính phủ Ba Lan nổi giận và hủy hợp đồng bởi phía Covec đòi bổ sung thêm 320 triệu USD do chi phí bị đội lên. Nguyên nhân là Covec đã không tính đến các phí phát sinh liên quan đến luật môi trường địa phương cũng như chi phí xây dựng đường hầm phía dưới đường cao tốc để những con ếch và các loài động vật nhỏ băng qua.

Khi tham gia đấu thầu, Covec không chú ý đến chi tiết này và càng không biết rằng xây dựng những đường hầm như vậy là một tiêu chuẩn ở châu Âu.

Trên khắp thế giới, doanh nghiệp Trung Quốc cũng vấp phải làn sóng phản ứng gay gắt vì đưa theo công nhân nước này sang làm việc mà không sử dụng lao động địa phương hoặc bạc đãi người lao động ở quốc gia sở tại.

Theo ông Li Yi, tổng thư ký chi nhánh tỉnh Quảng Tây thuộc Phòng Thương mại Trung Quốc ở Campuchia, các tổ chức phi chính phủ ở đây thực sự là “mối phiền toái”. Li cho biết những tổ chức này làm mọi cách để soi mói và cố tình nhắm vào các dự án lớn của Trung Quốc.

Ngoài ra, khác biệt văn hóa giữa Trung Quốc và Campuchia cũng tạo ra không ít khó khăn. Quản lý người Trung Quốc thường phàn nàn rằng công nhân Campuchia không làm việc chăm chỉ như công nhân Trung Quốc.

Một quản lý xây dựng Trung Quốc cách đây hai tháng bị một nhóm công nhân Campuchia sát hại ở Phnom Penh chỉ vì người này mắng họ là đồ lười biếng và không tuân theo chỉ đạo.

Tại Myanmar, ứng xử trước công luận cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn. Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Điện lực Trung Quốc Li Guanghua cho hay công ty của ông đã rút ra được bài học xương máu từ vụ việc dự án đập thủy điện Myistone ở Myanmar bị đình chỉ thi công vào năm 2011 sau khi khơi dậy làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận nước này. Công ty của Li hiện hiểu rất rõ rằng phải vô cùng thận trọng khi nói chuyện với cộng đồng dân cư địa phương, các nhà chính trị phe đối lập và cả giới báo chí.

“Chúng tôi nghĩ minh bạch là yếu tố quan trọng nhất vào lúc này”, Li nói. Nhưng khi được hỏi liệu các doanh nghiệp Trung Quốc khác có rút ra được bài học như công ty ông không, Li chỉ cười và cho biết “không dám chắc về điều đó”.

RELATED ARTICLES

Tin mới