Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVũ khí hạt nhân của TQ đang trở thành mối đe dọa...

Vũ khí hạt nhân của TQ đang trở thành mối đe dọa an ninh toàn cầu

Trung Quốc hiện sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Trong số vũ khí hạt nhân Trung Quốc đang sở hữu, có nhiều loại đủ khả năng tấn công tới cả Mỹ và Nga, gây ra mối đe dọa an ninh toàn cầu.

Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc

Trung Quốc đang có kho vũ khí hạt nhân đồ sộ

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Trung Quốc đã tăng số đầu đạn hạt nhân của nước này lên 280, tức nhiều hơn 10 đầu đạn so với năm 2017. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phóng vũ khí hạt nhân, một phần trong chiến lược cải thiện năng lực tác chiến và khả năng răn đe của lực lượng hạt nhân. Với việc sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Mỹ và Nga hiện là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga hiện có 6.850 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.600 thiết bị đã được triển khai. Mỹ có tổng cộng 6.450 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.750 đầu đạn ở trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa. Cả Nga và Mỹ hiện tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ với độ chính xác cao.

Tuy nhiên, SIPRI cũng cho biết Trung Quốc hiện chưa lắp đặt các đầu đạn hạt nhân của nước này vào tên lửa hoặc triển khai tại các bệ phóng sẵn sàng khai hỏa. Các đầu đạn của Trung Quốc phần lớn được bảo quản tại các cơ sở lưu trữ.

Những năm qua, Trung Quốc liên tục mở rộng ngân sách quốc phòng nhằm cải thiện sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này. Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quốc phòng năm 2017, tăng 5,6% so với năm 2016. Các chuyên gia nhận định dù Trung Quốc về tổng thể vẫn ở phía sau so với Mỹ trong nấc thang hạt nhân, Bắc Kinh dường như đã đạt được một số bước tiến đáng kể, đặc biệt về công nghệ vũ khí hạt nhân loại nhỏ. Trung Quốc hiện tập trung phát triển các loại vũ khí chiến thuật tác chiến trong phạm vi gần, có khả năng xóa sổ hoàn toàn một nhóm tàu sân bay.

Mức độ nguy hiểm của tên lửa đạn đạo của Trung Quốc

Toàn bộ Lực lượng pháo binh số 2 của PLA có 6 tập đoàn quân tên lửa (phiên hiệu từ 51-56), trong biên chế có 17 lữ đoàn. Tập đoàn quân số 52 gồm 4 lữ đoàn, triển khai tại tỉnh An Huy đối diện với Đài Loan, được trang bị chủ yếu các tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa tác chiến- chiến thuật. 5 tập đoàn quân còn lại đóng ở các khu vực khác nhau của Trung Quốc, có trang bị các tên lửa đạn đạo tầm trung và xuyên lục địa.

Trên thực tế gần như toàn bộ lãnh thổ nước Nga và Ấn Độ nằm trong tầm với của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-4, kể cả nếu chúng được phóng đi từ những khu vực ở phía Đông Hoa lục (tầm bắn không dưới 5.500 km). Với loại tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3 (tầm bắn 2.500- 4.000 km) và loại DF-21 mới nhất (tầm bắn tối thiểu 1.800 km) nếu được bắn từ phần phía Tây của Trung Quốc cũng như vậy.

Các vùng đông dân cư và mới được khai khẩn ở Đông Siberia và Viễn Đông nằm trong bán kính tiêu diệt của các loại tên lửa DF-15 (660 km) và DF-11 (gần 800 km). Phiên bản sử dụng cho Hải quân của tên lửa đạn đạo DF-31 JL-2 đã được triển khai trên 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân dự án 094. Ngoài ra, ở Trung Quốc trong thời gian gần đây đã bắt đầu triền khai tên lửa hành trình đặt trận địa trên bộ DH-10, hiện có chừng 350-500 quả.

Đối với nước Nga tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc là vũ khí chiến lược đúng nghĩa, bởi vì loại tên lửa này có thể bắn tới bất cứ điểm nào trên lãnh thổ Nga. Liên bang Nga kiềm chế được Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm, nhưng nếu so sánh với Trung Quốc thì cán cân trang bị tên lửa – hạt nhân đã nghiêng về phía có lợi cho nước này, mặc dù người Nga vẫn tin vào ưu thế vượt trội trước Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Hợp phần Không quân của các lực lượng hạt nhân Trung Quốc được mô tả trong bài báo “Cuộc công kích của công nghiệp hàng không Trung Quốc”. Ở Trung Quốc cũng như ở Liên Xô, nền tảng của lực lượng tên lửa chiến lược luôn luôn là tên lửa chứ không phải máy bay. Các máy bay ném bom chỉ giữ vai trò bổ sung nhất định. Có lẽ những máy bay H-6 (Tu-16) các phiên bản đầu tiên- những phương tiện mang bom hạt nhân B5 (trong kho vũ khí của Trung Quốc có ít nhất 120 quả loại này) khó có thể chọc thủng một hệ thống phòng không tương đối hiện đại nào đó. Nhưng hiện nay Trung Quốc đang sản xuất các loại máy bay H-6H/K/M, có khả năng mang từ 2 đến 6 tên lửa hành trình phóng từ trên không CJ-10. Những máy bay như thế đã được chế tạo trong các thập niên từ 60 đến 70.

Những phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật (bom B4) có thể là các máy bay cường kích JH-7, hiện có trong lực lượng Không quân và Không quân của Hải quân PLA khoảng 160 chiếc, việc sản xuất những máy bay loại này vẫn đang được tiếp tục.

Một số loại vũ khí hạt nhân siêu khủng của Trung Quốc

Tên lửa ICBM DF-4 là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn, tên lửa có kích thước khá đồ sộ dài tới 28,5m, đường kính 2,24m, trọng lượng phóng tới 82 tấn, tầm bắn lý thuyết khoảng 5.500 – 7.000 km. Do kích thước khá đồ sộ nên tên lửa chỉ được phóng ở bệ phóng cố định trên mặt đất. DF-4 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng quán tính tồn tại khá nhiều nhược điểm và độ chính xác rất kém. Bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng 1.500m. Tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường nặng 2.190 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 3,3MT. Mặc dù tên lửa có độ chính xác không cao nhưng với một đầu đạn hạt nhân thì khoảng cách 1.500m đến khu vực mục tiêu hầu như không có ý nghĩa. Một đầu đạn hạt nhân có thể san bằng mọi thứ trong bán kính lên đến hàng chục thậm chí là hàng trăm km. Theo thông tin của tình báo Mỹ, DF-4 được phát triển với số lượng rất hạn chế, hiện tại có khoảng 10 tên lửa DF-4 đang phục vụ chiến đấu trong lực lượng pháo binh Trung Quốc với vai trò dự phòng.

DF-5 loại ICBM khủng nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc xét trên phương diện thông số kỹ thuật. DF-5 có chiều dài 32,6m, đường kính 3,35m, trọng lượng phóng tới 183 tấn. Biến thể nâng cấp DF-5A có trọng lượng phóng tới 202 tấn. DF-5 có tầm bắn lý thuyết khoảng từ 12.000 – 15.000 km. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn. Tên lửa được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1971, chấp nhận vào trang bị khoảng 10 năm sau đó vào năm 1981. Việc vận hành DF-5 là một quá trình rất vất vả và tốn khá nhiều thời gian. Tên lửa được lưu trữ ở dạng nằm ngang, trước khi phóng nó phải được kéo ra ngoài trời để tiếp nhiên liệu. Người Trung Quốc gọi cách triển khai hoạt động này là “bắn một khẩu pháo ngoài trời”. Quá trình nạp nhiên liệu cho tên lửa mất đến 2 tiếng đồng hồ. Tên lửa được đưa lên giá phóng thẳng đứng trước khi phóng. Trong thời buổi công nghệ trinh sát hình ảnh phát triển rầm rộ như hiện nay thì việc triển khai phóng của DF-5 rất dễ bị lộ. Để khắc phục điểm yếu này, Trung Quốc đã cho xây dựng rất nhiều giếng phóng giả xung quanh vị trí triển khai DF-5 để đánh lừa các phương tiện trinh sát hình ảnh của đối phương. DF-5 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 4-5Mt. Tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính kết hợp với máy tính điều khiển trên tên lửa, CEP của DF-5 khoảng 1.000m. Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ Mỹ NASIC nhận định, Trung Quốc có khoảng 20-25 ICBM DF-5 được triển khai hoạt động trong giai đoạn 1999-2008.

DF-31 loại ICBM mới nhất, hiện đại nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc. Đây là loại ICBM hiện đại nhất Trung Quốc xét trên nhiều phương diện khác nhau. DF-31 khắc phục hầu hết các nhược điểm của các thế hệ ICBM trước đó. Loại tên lửa này sẽ là trụ cột cho năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. DF-31 là một loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 3 giai đoạn. Điểm mạnh của tên lửa này là có khả năng triển khai hoạt động trên xe phóng cơ động tương tự như tên lửa ICBM Topol của Nga. DF-31 được trang bị khá nhiều công nghệ tiên tiến như các ICBM của Nga, Mỹ, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến, hệ thống mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa, cuối cùng tên lửa có thời gian triển khai chiến đấu khá nhanh. ICBM này có chiều dài 13m, đường kính 2,25m, trọng lượng phóng 42 tấn, tên lửa được đặt trên xe phóng di động tạo thuận lợi trong triển khai phóng và cơ động để tránh lộ vị trí. DF-31 có tầm bắn khoảng 7.000 – 8.000 km. Tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 1MT. Biến thể nâng cấp DF-31A, có tầm bắn khoảng 11.000 km, đặc biệt biến thể này được cho là có khả năng trang bị nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu khác nhau theo công nghệ MIRV, theo đó mỗi tên lửa DF-31A có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ khoảng 150KT. Tuy nhiên, giới tình báo phương Tây vẫn khá hoài nghi về việc sở hữu công nghệ MIRV của Trung Quốc vì đây là một công nghệ rất phức tạp đòi hỏi chi phí phát triển rất cao. Trên thế giới hiện nay chỉ có Nga, Mỹ làm chủ được công nghệ này. Ngoài ra, DF-31 còn có một biến thể sử dụng trên tàu ngầm được gọi là JL-2 có tầm bắn khoảng 8.000 km sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động trên tàu ngầm này đang gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật. Theo thông tin của tình báo Mỹ ước tính vào năm 2009, Trung Quốc có khoảng 15 tên lửa DF-31 và 20 tên lửa DF-31A.

DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Tên lửa có khả năng phóng từ silo cố định hoặc bệ phóng di động. DF-26 có tầm bắn khoảng 3.500 km. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.

DF-21 là tên lửa tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn có thể phóng từ xe phóng đạt tầm xa lên tới 1.800 km và mang theo một đầu đạn hạt nhân nặng 600 kg. Đầu đạn của tên lửa DF-21D có thể lao xuống mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 12.000km/giờ. Nó có thể tấn công tàu cỡ lớn, bao gồm tàu sân bay. DF-21 được chế tạo để thay thế hoàn toàn DF-3 với khả năng phóng cực nhanh khi thời gian chuẩn bị 10-15 phút, độ chính xác cao (độ lệch 3-400m). Đây cũng là tên lửa đạn đạo đầu tiên được Trung Quốc cải tiến để trang bị cho lực lượng tàu ngầm chiến lược có tên JL-1. Theo sách trắng của Nhật Bản công bố năm 2002, hiện Trung Quốc có khoảng 70 quả tên lửa đạn đạo có thể chạm tới đất Nhật trong đó đa số là DF-21. Theo truyền thông Mỹ, Trung Quốc trang bị ít nhất 10 lữ đoàn tên lửa DF-21.

DF-41 được thiết kế có tầm xa từ 12.000-14.000 km và có thể trạng bị 3 đến 6 thậm chí là 12 đầu đạn MIRV. DF-41 được nghiên cứu chế tạo từ năm 1984, thử nghiệm thành công tháng 5/1995 trước cả DF-31. Tuy nhiên DF-41 vẫn còn một số nhược điểm như độ chính xác chưa cao cùng nhiều vướng mắc kỹ thuật chưa giải quyết được nên chưa được trang bị cho các đơn vị chiến đấu. Hệ thống DF-41 có hai loại: Một loại cố định phóng từ giếng và loại cơ động trên xa lộ – loại mới xuất hiện. Theo trang diễn đàn quân sự Thiết Huyết của Trung Quốc, DF-41 được vận chuyển bởi loại xe việt dã hạng nặng SX-4320 do Nhà máy chế tạo xe đặc chủng Thiểm Tây sản xuất. Tổ hợp DF-41 kiểu xe kéo này đa chức năng kiểu “2 trong 1”: Cơ động và phóng. Bình thường tên lửa được bảo quản trong thùng chứa sau xe, được đảm bảo ổn định và tuyệt đối an toàn trong khi cơ động với tốc độ cao. Khi phóng, máy nâng thủy lực sẽ mở khoang chứa ra hai bên, đẩy tên lửa dựng đứng theo góc 90 độ và tác xạ tại bất cứ điểm dừng nào. 

Trung Quốc chuẩn bị đề phòng bị tấn công hạt nhân phủ đầu

Trong thời gian gần đây ở các thành phố lớn của Trung Quốc đang triển khai xây dựng những hầm trú ẩn ngầm có thể chứa được hàng trăm ngàn và thậm chí hàng triệu người. Theo những thông tin chính thức, các hầm ngầm này nhằm bảo vệ dân cư trước những vụ động đất. Hiển nhiên, những lời giải thích như vậy không thể được coi là hoàn toàn thỏa đáng.

Thứ nhất là, bởi vì động đất xảy ra bất ngờ và kéo dài tối đa chỉ ít phút, vì thế dân chúng đơn giản là không kịp trú ẩn vào các hầm ngầm này.

Thứ hai là, nếu tất cả mọi người, trong thời gian động đất diễn ra, đều ở trong một hầm ngầm như thế, thì đảm bảo gần như 100% nó sẽ trở thành nấm mồ chung của họ, bởi vì các thành hầm sẽ đổ sập bởi sóng địa chấn.

Khi có động đất mọi người được khuyến cáo nên ở trên mặt đất và tránh xa tất cả mọi công trình xây dựng. Có thể cho rằng, bằng sự giải thích phi lý đó, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh cho Moscow và Washington hiểu một điều: Trung Quốc hoàn toàn sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến tranh hạt nhân. Các hầm ngầm, như mọi người đều biết, là sự bảo vệ hiệu quả nhất trước các vụ nổ hạt nhân và những yếu tố sát thương của nó (sóng xung kích, phóng xạ đâm xuyên, bức xạ ánh sáng, nhiễm phóng xạ).

Ngoài ra, trong những năm gần đây ở các vùng nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (chủ yếu ở Nội Mông) mấy chục thành phố đã được xây dựng với toàn bộ hạ tầng hiện đại, hiện đang bỏ trống, trong khi đất nước đang phải đối phó với nạn di dân khổng lồ. Những điều phi lý được nhấn mạnh nhằm giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, đại loại như sai lầm của nhà đầu tư. Có thể xảy ra cùng lắm 1 đến 2 sai lầm kiểu đó, nhưng ở đây không phải là hàng chục, và không có nơi đâu trên thế giới xảy ra điều tương tự (có hàng chục thành phố bỏ không).

Trên thực tế, những thành phố này được xây dựng cho trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Cả Mỹ, cả Nga sẽ không tiến công vào những thành phố không người, đơn giản là vì không thể có đủ bom đạn. Còn cư dân các thành phố, làng mạc đông người sẽ trú ẩn trong những hầm ngầm địa chấn, và khi các cuộc tiến công chấm dứt, cư dân sẽ chuyển tới định cư ở những thành phố mới. Và dù có một vài triệu người bỏ mạng, nhưng đối với một nước Trung Quốc có dân số trên 1,3 tỷ người thì điều này hoàn toàn không phải là thảm họa ghê gớm.

Mỹ ngăn chặn Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân

Chính quyền Tổng thống Donald Trump (12/10/2018) chính thức thông qua chính sách hạn chế bán công nghệ hạt nhân sử dụng trong lĩnh vực dân sự cho Trung Quốc, do lo ngại Bắc Kinh đang chuyển mục đích sử dụng các công nghệ này sang lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực trái phép khác. Phía Mỹ ban hành các hướng dẫn thực hiện chính sách đối với tất cả đối tượng liên quan, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra hay các kế hoạch chuyển giao trong tương lai giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết, “Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ”. Washington đặc biệt lưu ý đến các hợp đồng liên quan công nghệ được sử dụng cho việc phát triển hệ thống tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba, phát triển tàu sân bay và trong việc sử dụng các nền tảng năng lượng hạt nhân mang tính chiến lược kép, chẳng hạn các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun và các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi có thể triển khai ở Biển Đông. Bộ trưởng Perry khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã kết luận rằng việc thay đổi trong quan hệ hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các rủi ro trong dài hạn đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các lợi ích về kinh tế, cũng như những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ”.

Theo CNN, quyết định lần này của Washington nhằm vào Trung Quốc được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xem xét, đánh giá toàn diện chính sách của chính phủ Mỹ, nhất là trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng thao túng các công nghệ tiên tiến, vật liệu sản xuất hạt nhân và các thiết bị hạt nhân từ các doanh nghiệp Mỹ. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã cân nhắc hai khía cạnh an ninh kinh tế lẫn an ninh quốc gia, được triển khai khi Washington nhận thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tấn công nhằm đoạt lấy tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí bằng các phương thức bất hợp pháp, tìm cách làm suy yếu doanh nghiệp Mỹ và ngành quốc phòng Mỹ.

Một quan chức Mỹ nói Mỹ sẽ trong tâm thế từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép chuyển giao công nghệ liên quan Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc. Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước này của Trung Quốc đang bị dính cáo buộc toan tính đánh cắp công nghệ hạt nhân của Mỹ.

Xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Trung Quốc đạt khoảng 170 triệu USD trong năm 2017. Washington khẳng định chính quyền Mỹ đã cân nhắc một cách cẩn trọng các tác động về mặt kinh tế trước khi ra quyết định hạn chế xuất khẩu hạt nhân với Trung Quốc, vì bảo vệ an ninh quốc gia phải được đặt lên trên hết.

RELATED ARTICLES

Tin mới