Bắc Kinh sẽ tăng áp lực quân sự, ngoại giao và các loại áp lực khác đối với Đài Loan để thực hiện yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng Một, rằng hai bên cần thống nhất, một nhà hoạch định chính sách đối với Trung Quốc tại Đài Bắc nói với VOA hôm thứ Hai (25/2).
“Chúng tôi tin rằng họ sẽ đẩy mạnh các biện pháp nhằm tạo ra kết nối và [từng bước] thống nhất Đài Loan”, ông Chiu Chui-cheng, Phó Chủ tịch Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan (TMAC) nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ các mối đe dọa quân sự, áp lực ngoại giao và thâu tóm kinh tế, cũng như áp lực xâm nhập và chia rẽ toàn bộ xã hội Đài Loan, sẽ dần được họ đẩy mạnh hơn hơn từng chút một”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, nhưng liên tục nhiều thập kỷ qua hòn đảo này tồn tại ở trạng thái tự trị và 83% người Đài Loan muốn duy trì điều này, theo số liệu thống kê của TMAC.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 đã thực hiện chủ trương “giữ nguyên hiện trạng” đôi bờ eo biển. Chính quyền Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng cách cắt đứt đối thoại, làm náo loạn không phận Đài Loan cũng như thực hiện nhiều cuộc tập trận gần hòn đảo này. Một năm trước, Bắc Kinh đã đưa ra 31 ưu đãi để thu hút người dân Đài Loan làm việc, học tập và đầu tư tại Trung Quốc.
Đài Loan khác gì Trung Quốc
“Bên cạnh sức mạnh cứng như ngoại giao, quân sự và kinh tế, nó [chính quyền Trung Quốc] sẽ cho thâm nhập nhiều hơn và gây ra sự chia rẽ nhiều hơn [trong xã hội Đài Loan] thông qua các cơ quan tình báo [ở hải ngoại]”, ông Chiu Chui-cheng nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA. “Các đặc vụ sẽ trà trộn vào các hãng truyền thông, các đảng phái chính trị, các trường đại học và các tổ chức dân sự để tìm những người ủng hộ Bắc Kinh và sau đó sẽ chia rẽ sự thống nhất [trong cộng đồng người dân] Đài Loan”.
Đảng Quốc gia, một đảng chính trị đối lập với chính phủ của bà Thái, nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng, họ đã khai trương “một trung tâm đối thoại giữa các thành phố xuyên eo biển” cho các thị trưởng và thẩm phán của Đài Loan muốn quan hệ với Trung Quốc – vì các cuộc đối thoại giữa chính phủ Đài Loan và chính quyền Trung Quốc đại lục đang trong tình trạng trì trệ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong cuộc họp báo ở Đài Bắc, ngày 5/1/2019. (Ảnh: Reuters)
Chia rẽ sâu sắc
Trung Quốc và Đài Loan đã đi trên hai con đường khác nhau kể từ năm 1949, năm mà những người theo chủ nghĩa dân tộc thua trong cuộc nội chiến phải chạy ra Đài Loan.
Dưới thời cựu Tổng thống Mã Anh Cửu, từ năm 2008 đến năm 2016, là giai đoạn mà Bắc Kinh và Đài Bắc có quan hệ nồng ấm, nhưng cuối cùng ông Mã bị người dân Đài Loan phản đối vì họ cảm thấy chính phủ của mình quá thân thiết với Bắc Kinh. Sau đó người dân Đài Loan đã bầu cho bà Thái Anh Văn, một người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, làm tổng thống.
Ít nhất 10 cuộc tập trận quân sự của quân đội Trung Quốc gần eo biển Đài Loan đã được ghi nhận từ năm 2015 đến cuối năm 2017. Bắc Kinh đã từng 4 lần điều tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi bà Thái đắc cử cho tới nay. Cũng kể từ khi bà Thái lên nắm quyền, Trung Quốc đã thuyết phục 5 quốc gia từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay.
Mặc dù đảng Dân Tiến của bà Thái đã thua trong cuộc bầu cử các chức danh địa phương ở Đài Loan hồi tháng 11/2018, tuy nhiên bà vẫn đủ điều kiện để tái tranh cử chức tổng thống vào năm 2020, và có khả năng sẽ chiến thắng một ứng cử viên của phe đối lập vốn cổ súy cho mối quan hệ với Bắc Kinh.
Biểu ngữ “Một quốc gia, hai chế độ, một Trung Quốc thống nhất” được nhìn thấy qua ống nhòm của một khách du lịch từ một pháo đài quân sự cũ ở Đài Loan. (Ảnh: Reuters)
Sự giúp đỡ từ Washington
Đài Loan sẽ tìm đến Hoa Kỳ để được giúp đỡ trong việc đứng lên chống lại Trung Quốc, ông Chiu Chui-cheng nói.
Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc trở nên chặt chẽ hơn, Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời thường xuyên cử tàu hải quân đi ngang hoặc tới thăm hòn đảo này, đồng thời khuyến khích các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức Mỹ-Đài. Nhà Trắng năm ngoái đã lên án các quốc gia từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để chuyển sang “làm bạn” với Bắc Kinh, cũng như lên án việc chính quyền Trung Quốc gây sức ép với các hãng hàng không quốc tế phải xóa tên Đài Loan khỏi các tài liệu của họ.
Theo VOA, Washington coi Đài Loan là một trong số các đồng minh ở Đông Á tạo thành một vành đai chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
“Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Hoa Kỳ là một chỗ dựa đáng tin cậy để chúng tôi đối mặt với những thách thức này”, ông Chi Chiu nói. “Hoa Kỳ giúp đỡ Đài Loan là ủng hộ cho dân chủ và hỗ trợ cho các giá trị phổ quát mà chúng tôi theo đuổi. Vì vậy, điều này [việc ủng hộ Đài Loan] cũng cực kỳ quan trọng đối với những người ở vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ”.
Quan điểm của người dân
Nhiều người ở Đài Loan hi vọng hòn đảo có thể dựa vào Washington nhiều hơn, mặc dù họ đang bị chia rẽ bởi những lời đề nghị hấp dẫn từ phía Trung Quốc, như tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân Đài Loan dễ dàng tiếp cận thị trường khổng lồ để đầu tư và làm việc, VOA dẫn lời các học giả cho biết.
“Xã hội Đài Loan có thể chọn hai con đường”, Andy Chang, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tam Khang, Đài Loan, nói. “Một con đường ủng hộ Trung Quốc, và con đường còn lại là ủng hộ Hoa Kỳ”. [Chính phủ Đài Loan hiện tại] chắc chắn hi vọng người dân Đài Loan chọn con đường Hoa Kỳ, hướng tới cộng đồng quốc tế, chứ không phải con đường Trung Quốc, con đường thị trường”.