Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm “thống nhất” với Đài Loan bằng bất cứ giá nào. Quyết tâm đó được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắn nhủ trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan.
Đài Loan tập trận quân sự ngăn Trung Quốc chiếm đảo.
Quyết tâm thu hồi Đài Loan của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không chấp nhận từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài, nhấn mạnh hòn đảo cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Theo ông Tập Cận Bình, “Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất và tất yếu phải thống nhất”, đồng thời cho rằng “đây cũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”. Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự, ông Tập mô tả sự thống thất dưới cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ “đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của đồng bào Đài Loan”.
Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tiêu đề bài viết nhấn mạnh cụm từ “luôn sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc (PLA). Đối với PLA, tuyên bố “không từ bỏ vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và khóa huấn luyện thực chiến trong một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng; cùng với đó thời điểm từ cuối năm ngoái, đầu năm nay PLA liên tục xoay quanh hợp đồng mua bán vũ khí và ngân sách quân sự cho năm tài khóa mới.
Đáng chú ý, giới truyền thông cũng cho rằng PLA đang sỡ hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, có thể dễ dàng “đè bẹp” Đài Loan, theo đó: (i) Tiêm kích Su-35 do Nga chế tạo là máy bay chiếm ưu thế trên không hàng đầu trong kho vũ khí của quân đội Trung Quốc. Trung Quốc mua hơn hai chục máy bay chiến đấu đa chức năng Su-35 trong hai năm qua, giúp không quân nước này tăng khả năng thực hiện các hoạt động không quân tầm xa chống lại Đài Loan hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác. Ngoài cấu hình không đối không đáng gờm, Su-35 còn có khả năng tấn công tinh vi và tầm bắn hiệu quả cho phép nó đe dọa mục tiêu dưới mặt đất. Không quân Trung Quốc cũng có nhiều máy bay khác có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên bầu trời Đài Loan, ví dụ như tiêm kích J-20. Nhưng tính ở thời điểm hiện tại, Su-35 đã đủ gây vấn đề với lực lượng không quân Đài Loan. (ii) Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không nguy hiểm nhất thế giới, S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, nghĩa là vượt qua cả Đài Loan. Như một số nhà phân tích từng nói, hiệu quả của S-400 ở tầm xa bị hạn chế. Tuy nhiên, nó vẫn làm phức tạp thêm việc sử dụng không phận của quân đội Đài Loan và có khả năng ngăn chặn toàn bộ việc sử dụng không phận Đài Loan cho mục đích thương mại. Chưa kết, S-400 cũng có thể ngăn vận chuyển thiết bị và hàng hóa qua đường hàng không và đường biển đến hòn đảo trong điều kiện chiến tranh. Nếu muốn hạ S-400, Đài Loan phải thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào đất liền Trung Quốc. Chuyên gia nói rằng đây sẽ là một thử thách lớn với quân đội Đài Loan. (iii) Tên lửa đạn đạo. Kho vũ khí lớn của Trung Quốc chứa nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể gây ra thiệt hại thảm khốc cho cơ sở hạ tầng quân sự của Đài Loan. Các căn cứ không quân và cảng Đài Loan có khả năng bị tấn công từ tên lửa Trung Quốc. Tên lửa chết chóc nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc, theo quan điểm của Đài Loan, là DF-16. Nó có tầm bắn 1.000 km và có thể mang đầu đạn nặng 1500 kg. DF-16 cũng được đánh giá là tên lửa khó có thể bị đánh chặn. Đài Loan có các hệ thống chống tên lửa đạn đạo nội địa và nước ngoài, nhưng không ai biết chúng có thể chống đỡ tên lửa liên tiếp hay không. Mạng lưới phòng không Đài Loan cũng sẽ phải đối đầu với cả tên lửa hành trình và máy bay có người lái. Đài Loan có thể củng cố thêm các căn cứ không quân và phân tán cơ sở hạ tầng nhưng có lẽ đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn. (iv) Tàu đổ bộ lớp 075 LHD. Trung Quốc đang chế tạo lớp tàu đổ bộ tấn công lớn nhất đất nước. Những con tàu lớp 075 này cho phép quân đội thực hiện các cuộc tấn công đổ bộ tinh vi chống lại mục tiêu được bảo vệ. Với trọng lượng 40.000 tấn, Type 075 có kích thước tương tự các tàu đổ bộ lớn nhất của Mỹ nhưng không có nhiệm vụ phòng không và tấn công như các tàu Mỹ. Mặc dù tàu lớp 075 vẫn chưa chính thức hoạt động, các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang chế tạo ba chiếc lớp 075. Cấu hình chính xác của loại tàu này vẫn chưa được biết chắc, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó có khả năng chở hơn hai chục máy bay trực thăng tấn công và vận tải. Như vậy là đủ để dùng trong một cuộc tấn công chống lại hệ thống phòng thủ Đài Loan. (v) Tàu đổ bộ lớp 071 LPD.Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc quyết định tăng cường mạnh khả năng tấn công đổ bộ bằng việc mua một lớp tàu vận tải đổ bộ. Có kích thước tương đương tàu San Antonio lớp LPDs của Hải quân Hoa Kỳ, tàu lớp 071 có thể chở 800 binh sĩ, 4 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện tấn công đổ bộ nhỏ. Mặc dù tàu lớp 071 chỉ có khả năng phòng thủ tối thiểu, chúng có thể di chuyển với tốc độ 46 km/h. Kết hợp với tàu lớp 075 LHD, tàu lớp 071 là mối đe dọa đáng gờm đối với lực lượng trên biển của Đài Loan. Tính đến tháng 1/2019, Trung Quốc đã sở hữu 6 tàu này và sắp có thêm 2 chiếc.
Đài Loan liệu có chịu khuất phục trước Trung Quốc
Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh thêm “Tôi phải nhấn mạnh rằng Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia hai chế độ’ và đại đa số người Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ. Đây cũng chính là ‘Nhận thức chung Đài Loan’”.
Phát biểu của bà Thái ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội Đài Loan, đa phần các ý kiến trên mạng xã hội lớn đều đồng tình với phản ứng kịp thời, nhanh chóng của chính phủ trước những đe dọa từ Trung Quốc đại lục. Dân mạng Đài Loan tán dương thái độ “dứt khoát, không hề khuất phục” của Tổng thống Thái Anh Văn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Đài Loan. Đối với đại bộ phận dân Đài, Trung Quốc đại lục và Đài Loan có lời qua tiếng lại với nhau hay như việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan là chuyện “như cơm bữa”. Chính vì vậy, khi ông Tập tuyên bố không loại trừ biện pháp dùng vũ lực thống nhất Đài Loan cũng không khiến cho dân chúng Đài Loan quá hoang mang hay lo sợ.
Theo kết quả điều tra năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử, Đại học Chính trị quốc gia Đài Loan, có đến 85% số người được hỏi mong muốn giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ với Trung Quốc đại lục (có nghĩa là không thống nhất mà cũng không tuyên bố độc lập). Một điều thú vị là, cũng theo điều tra năm 2018, có 55.3% người được hỏi cho rằng mình là người Đài Loan, trong khi chỉ có 4% người được hỏi tự nhận mình là người Trung Quốc. Kết quả trên phản ánh tâm lý chủ đạo trong xã hội Đài Loan là tiếp tục duy trì một mối quan hệ “có ranh giới mơ hồ” như hiện nay với Trung Quốc đại lục.
Trước sự đe dọa của Trung Quốc, Đài Loan đã có một số biện pháp đề phòng. (i) Hải quân Đài Loan (3/1) tiến hành tập trận bắn tên lửa chống hạm siêu âm mới Hùng Phong 3 được phóng từ tàu hộ vệ tàng hình Đà Giang. Hùng Phong 3 vốn sử dụng cả động cơ nhiên liệu rắn và lỏng, được biết tới với khả năng hoạt động linh hoạt, có thể tấn công các mục tiêu trong khoảng cách từ 30-400 km. Nó sở hữu tốc độ tối đa 3.700 km/giờ cùng khả năng cơ động bất thường để vượt qua lá chắn phòng không đối phương. Tên lửa được lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 225 kg, cùng ngòi nổ thông minh để hướng luồng nổ xuống phía dưới sau khi xuyên qua vỏ tàu. Tính năng này giúp gây thiệt hại tối đa đối với mục tiêu bị bắn trúng. Loại tên lửa thuộc hàng vũ khí diệt hạm mạnh nhất của Đài Loan này là biến thể mới nhất của dòng tên lửa được Đài Loan phát triển từ những năm 1970. (ii) Thiếu tướng Yeh Kuo Hui – chỉ huy ban kế hoạch của lực lượng quốc phòng Đài Loan cho biết, trong năm 2019, quân đội Đài Loan công bố thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn “theo kiểu mới” nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc để sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Bắc. Thiếu tướng Yeh Kuo Hui nêu rõ rằng các lực lượng vũ trang của Đài Loan vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận qui mô lớn như vậy, nhưng các cuộc tập trận trong năm 2019 này “được điều chỉnh dựa trên các chiến thuật mới nhằm chống lại khả năng tấn công từ Trung Quốc”. (iii) Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (5/1) đã phải lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo này trước các cảnh báo từ chính quyền Bắc Kinh. Cũng theo bà Thái, Đài Loan sẽ thực sự tuyệt vọng nếu cộng đồng quốc tế không ủng hộ nền dân chủ của vùng lãnh thổ này.
Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Đài Loan
Giới chuyên gia nhận định, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo. Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. “Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan”, hà bình luận quân sự Denny Roy nhận định.
Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo. Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan.
Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến.
Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây dường như không chỉ tập trung vào việc duy trì vai trò lãnh đạo chiến lược ở vành đai tây Thái Bình Dương, mà còn ngày càng thể hiện lập trường thách thức sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ thay vì đối tác. Đa số nghị sĩ Mỹ ủng hộ phương án điều lực lượng tới hỗ trợ Đài Loan một khi hòn đảo bị tấn công, bởi họ nhận ra rằng vị thế của Mỹ trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là tiêu tan, nếu Washington khoanh tay đứng nhìn Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm Đài Loan. Theo các chuyên gia, Đài Loan được ví như tàu sân bay không thể chìm án ngữ chuỗi đảo thứ nhất và có vai trò ngăn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng và thống trị Đông Á. Bởi vậy, Roy tin rằng lập trường hiện nay của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là “phản tác dụng”, có thể ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển quan trọng hơn của Bắc Kinh.
Cùng quan điểm trên, Michael Beckley, Phó Giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc, ngay cả khi Mỹ chỉ hỗ trợ tối thiểu. Theo đó, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan đang không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc chưa thể áp đảo chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của Đài Loan. Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ cầm chân bởi các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan. Các tên lửa chống hạm và phòng không uy lực mà Đài Loan tự nghiên cứu, sản xuất sẽ khiến toan tính đổ bộ của Trung Quốc trở nên thất bại. Các tàu đổ bộ bị đánh chìm trước khi chúng tới được bờ.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể sử dụng chiến thuật bất ngờ, tấn công chớp nhoáng để vô hiệu hóa năng lực phòng thủ của Đài Loan. Tuy nhiên, Đài Loan có thể phân tán các máy bay quân sự, trong khi đưa các bệ phóng tên lửa vào sâu trong đảo.
Một vấn đề nữa là việc quân đội Trung Quốc chưa từng tham chiến trong 3 thập kỷ qua, nên tổ chức một chiến dịch tấn công, đổ bộ quy mô lớn lên đảo Đài Loan là rất khó khăn. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ. Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc nếu tập trung phòng thủ ở các khu vực trọng yếu. Trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ cũng chưa vội phải huy động tàu sân bay hay tàu ngầm đến eo biển Đài Loan, mà chỉ cần âm thầm cung cấp thông tin tình báo, hoạt động điều quân của Trung Quốc là đủ để hòn đảo có thể phòng bị. Nếu tình hình trở nên nguy cấp, các oanh tạc cơ B-2, tiêm kích, F-35 hay tàu ngầm hạt nhân Mỹ hoàn toàn đủ sức phong tỏa chiến dịch đổ bộ chiếm đảo của Trung Quốc.