Bộ trưởng Phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 20/2 cho biết Indonesia sẽ mở một vùng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở rìa phía Nam của Biển Đông trong Quý 3/2019, nơi Bắc Kinh hồi năm 2016 tuyên bố là “ngư trường truyền thống” của TQ. Giới phân tích các nước cho rằng có hai lý do chính dẫn đến động thái trên của Indonesia.
Vị trí Vùng đánh bắt dự kiến mở mới của Indonesia. (Ảnh minh họa)
Thứ nhất, do các hành động xâm phạm, hòi hỏi chủ quyền ngày càng ngang ngược của TQ
Đối với Indonesia, những năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam của Biển Đông, đe dọa trực tiếp chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna – Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có tầm quan trọng đặc biệt với Indonesia. Đỉnh điểm của vấn đề này là vào Tháng 6/2014, khi Trung Quốc công bố bản đồ quốc gia theo chiều dọc (“đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chính đoạn”) bao phủ toàn bộ Biển Đông, trong đó chồng lấn với EEZ và thềm lục địa của Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna. Đến năm 2016, Bắc Kinh tiếp tục ngang nhiên tuyên bố Natuna là “ngư trường truyền thống” của TQ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên hoạt động cải tạo mở rộng đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông, tập trận khu vực phía Nam Biển Đông, gần vùng biển của Indonesia. Những sân bay mới do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa cách lục địa Trung Quốc ở Hải Nam 1.000 km, nhưng chỉ cách lãnh thổ Indonesia (quần đảo Natuna) khoảng 750 km. Vừa qua, việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa hành trình YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa được giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể ngắm tới các mục tiêu tại Indonesia. Đáng chú ý, đây là nơi diễn mà ngư dân Trung Quốc đánh bắt thủy sản trái phép phổ biến nhất. Theo giới quan sát, Trung Quốc khuyến khích ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển các nước và sử dụng vũ khí để đối đầu với lực lượng chấp pháp của Indonesia. Nhiều cuộc đụng độ giữa Indonesia và Trung Quốc đã xảy ra trong vùng biển của Indonesia. Tháng 3/2013, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn và gây sức ép buộc tàu Indonesia phải thả những ngư Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Natuna của Indonesia. Trước đó (2010), một tàu ngư chính Trung Quốc đã chĩa súng vào tàu tuần tra của Indonesia, buộc thả tàu cá của Trung Quốc bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trong EEZ của Indonesia.
Thứ hai, do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, mang tính tận diệt, hung hãn của TQ
Phát biểu trước thềm Hội nghị Đại dương dự kiến được tổ chức ở Bali trong tháng 10/2018, Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết “Chúng tôi (Inodnesia) có một số bất đồng với Trung Quốc về các vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không có nguyên tắc trật tự và không được báo cáo, tuy nhiên họ (Trung Quốc) vẫn không đồng ý rằng đó là phạm tội xuyên quốc gia. Nếu không có sự hợp tác từ quốc tế, chúng tôi sẽ không thể xử lý vấn đề này”. Theo thống kê của cơ quan chức năng Indonesia, trong 4 năm qua (2014-2018), Chính phủ Indonesia đã cấm 10.000 tàu nước ngoài đăng ký đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia. Trong đó, hàng trăm tàu đã bị tịch thu và bị đánh chìm. Đa số các tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan.
Tháng 7/2018, Giám đốc Học viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển Philippines, Tiến sĩ Jay Batongbacal cảnh báo nghề cá ở Biển Tây Philippines cũng như toàn bộ Biển Đông đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong vòng một thập kỷ tới. Nguyên nhân là do tình trạng đánh bắt thủy sản và tận diệt san hô của ngư dân Trung Quốc, dẫn đến sản lượng đánh bắt thủy sản ở Biển Đông đã xuống mức báo động.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua; đến năm 1990, sản lượng cá ở một số khu vực ở Biển Đông đã giảm 90% so với những năm 1960. Số lượng loài cá mú chấm nhỏ trong vòng 8 năm qua đã giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây, tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã công bố bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông cho thấy các ngư trường phía Bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía Tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác hầu như cạn kiệt. Vùng xung quanh quần đảo Trường Sa chỉ còn một trữ lượng cá nhất định. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật biển trong khu vực Biển Đông như cá ngừ vây xanh, san hô, rùa biển, trai tai tượng… đang phải đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng do hoạt động khai thác đánh bắt quá mức và môi trường sinh sống bị phá hủy. Hiện Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo chỉ ra rằng tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc nổi tiếng hung hán và liều lĩnh khi hoạt động trên biển. Chúng được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển, nhiều tàu còn mang theo cả vũ khí. Các chuyên gia ngành công nghiệp đánh bắt Trung Quốc tiết lộ, nguồn trợ cấp từ chính phủ cho phép ngư dân sử dùng các tàu sắt công suất lớn thay vì tàu gỗ. Hệ thống GPS được trang bị cho ít nhất 50.000 tàu, nhằm giúp đội tàu cá liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, kể cả đụng độ với tàu nước ngoài. Nhiều tàu mang cả vũ khí loại nhỏ. Đội tàu cá ở một thị trấn cảng tại đảo Hải Nam được huấn luyện quân sự, trợ cấp mọi thứ, kể cả nhiên liệu để thực hiện cái gọi là “lực lượng dân quân biển” tiến ra Biển Đông. Mặc dù thông tin được Bộ trưởng Phụ trách vấn đề hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan về kế hoạch mở vùng đánh bắt mới trong khu vực EEZ chưa chi tiết, cụ thể. Song thông tin này chắc chắn sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc.