Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) vừa tiến hành các hoạt động an ninh trên Biển Đông trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam hội đàm với Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis
Thông tin về sự xuất hiện của biên đội tàu sân bay USS John C.Stennis tại Biển Đông được Cơ quan báo chí Hạm đội 7 cho biết, USS John C. Stennis (CVN-74) và đội tàu hộ tống đang tiến hành một số hoạt động an ninh ở vùng biển quốc tế. Theo thông báo, hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis vừa hoàn thành cuộc tập trận Hổ mang Vàng với Quân đội Thái Lan và hàng chục quốc gia đối tác trong khu vực. Hiện nhóm tàu sân bay Mỹ đang trên đường trở về căn cứ tại Nhật Bản.
USS John C. Stennis là tàu thứ bảy thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Tàu được đặt theo tên Thượng nghị sĩ John C. Stennis, thuộc đảng Dân chủ ở bang Mississippi. CVN-74 được hạ thủy vào năm 1993, đưa vào sử dụng từ năm 1995. Tàu có chiều dài 332m, chiều rộng lớn nhất 76,8m, mớn nước 11,3m, độ choán nước toàn tải 115.700 tấn. Boong tàu được bố trí 4 máy phóng thủy lực cho phép triển khai nhiều máy bay cùng lúc, gồm máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Tàu có thể mang theo 90 máy bay các loại, trong đó, nòng cốt cho sức mạnh tấn công và phòng thủ là các tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet. Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz thường mang theo 36 tiêm kích F/A-18, cùng một số máy bay khác.
Phát biểu tại sự kiện này, Chuẩn đô đốc Marc Dalton cho biết: “Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực nhằm hỗ trợ khả năng phòng thủ của Washington cũng như các đồng minh, thúc đẩy tự do hàng hải, thương mại, ngăn chặn xung đột và đảm bảo việc tuân thủ các quy tắc quốc tế”. Được biết, đây là lần thứ 2 kể từ cuối năm 2018, tàu USS John C. Stennis trở lại Biển Đông và lần thứ 3 tàu sân bay Mỹ xuất hiện tại vùng biển này. Cụ thể, hồi cuối năm 2018, Hải quân Mỹ đã quyết định điều hai nhóm tàu sân bay đến Biển Đông là tàu USS Ronald Reagan và tàu USS John C. Stennis.
Sự hiện diện của hải quân Mỹ trong Biển Đông đã tăng lên trong thời gian vài năm qua với các cuộc tuần tra trên biển trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải nhằm thách thức sự đòi hỏi chủ quyền gần toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Chiến dịch tuần tra Biển Đông của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc thời gian qua liên tục tăng cường hành động quân sự hóa trái phép ở khu vực này như triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, cho máy bay diễn tập cất hạ cánh (phi pháp) trên một số đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, việc hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis xuất hiện ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay không phải ngẫu nhiên, và nó thể hiện một số thông điệp của Mỹ gửi tới Trung Quốc, cụ thể: (i) Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên để bàn về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis đi qua Biển Đông sẽ là thông điệp cứng rắn của Mỹ gửi tới Trung Quốc, qua đó nhấn mạnh Mỹ sẽ không chấp nhận thỏa hiệp đổi tự do hàng hải ở Biển Đông lấy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. (ii) Tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc duy trì hiện diện quân sự trong khu vực và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Đông thời, việc hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis đi qua Biển Đông cũng là cách để Mỹ khẳng định Washington có quyền qua lại ở các vùng biển quốc tế. (iii) Trung Quốc đang phong tỏa biển Hoàng Hải để chạy thử tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Typbe 001A, nên việc Mỹ cho hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis qua Biển Đông cũng là “lời cảnh tỉnh” đối với Trung Quốc, nhắn nhủ với Bắc Kinh rằng Mỹ mới là bá chủ đại dương và hạm đội tàu sân bay của Mỹ hoàn toàn đủ sức tiêu diệt tàu sân bay của Trung Quốc. (iv) Nối tiếp các chiến dịch điều tàu khu trục đến tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, việc cử hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis qua khu vực này còn là thông điệp cứng rắn của Mỹ để phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là việc quân sự hóa một số thực thể đang chiếm đóng (phi pháp) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (v) Sau khi kết thúc tập trận, hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis liền khởi hành về căn cứ quân sự ở Nhật Bản cho thấy Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Tokyo trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. (vi) Ngoài ra, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị đàm phán về thương mại, việc hạm đội tàu sân bay USS John C.Stennis qua Biển Đông cũng là cách để Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải chấp nhận nhượng bộ Washington trong một số vấn đề liên quan thương mại, kinh tế song phương.