Sau hai tháng đầu năm 2019, Biển Đông có vẻ dịu lại, thì bất ngờ hôm qua, 5/3, Bắc Kinh lại có những hành động càn quấy, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Họ đã bao vây và cô lập đảo Thị Tứ – một đảo thuộc quần đảo Trướng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép-bằng lực lượng quân sự sau lớp vỏ bọc dân sự.
Hôm 5/3, quân Trung Quốc đã bất ngờ bao vây, kiểm soát các bãi cát và ngăn cản ngư dân của Philippines, không cho họ tiếp cận ngư trường ở đây.Các quan chức Philippines cho hay, Trung Quốc điều các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển tới bãi cát Sandy Cay nằm ngoài khơi đảo Thị Tứ trên Biển Đông kể từ 2017. Cuối năm 2017, 5 tàu Trung Quốc đã xuất hiện gần các bãi cạn ở phía tây đảo Thị Tứ. Trong số này gồm hai tàu hộ vệ, một tàu tuần duyên và hai tàu cá cỡ lớn.
Liên tục từ đó, khi cuộc tranh cãi chủ quyền giữa Việt Nam và Philippines còn chưa ngã ngũ, Trung Quốc ngang nhiên hoạt động quân sự tại khu vực này. Ngày 3/12/2018, họ đã điều 24 tàu tới gần đảo Thị Tứ. Theo tuyên bố của Bắc Kinh thìManila đã có nhiều hoạt động xây dựng trái phép trên hòn này.
Trong khi các hoạt động xây dựng, bồi đắp tạm dừng do điều kiện thời tiết xấu và biển động, các tàu cá của Trung Quốc đã thả neo ở khu vực cách phía tây đảo Thị Tứ từ 2 đến 5,5 hải lý. Còn các tàu hải quân và tàu tuần duyên hoạt động xa hơn một chút về phía nam và phía tây. Sự xuất hiện dày đặc các loại tàu cũng giống như các lần trước cho thấy “chiến lược bắp cải” của Trung Quốc tiếp tục phát huy. Tức là cùng lúc nhiều lớp tàu đánh cá, tàu hải quân và tuần duyên tới quanh khu vực tranh chấp”.
Trước sự tấn công bất ngờ này, nhiều người Philippines đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động của các tàu Trung Quốc ngăn ngư dân Philippines vào ngư trường quen thuộc. Đây là ngư trường lớn rất giàu tiềm năng. Không những thế Thị Tứ còn có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với tuyến hàng hải quốc tế.
Việt Nam nhiều lần tuyên bố rằng, họ có đủ bằng chứng để tuyên bố chủ quyền với đảo Thị Tứ. Thế nhưng do Philippines chiếm đóng trái phép, nên khi ngư dân Philippines bị Trung Quốc đuổi khỏi ngư trường truyền thống thì cả hai nước Việt Nam và Philippines cùng phải đấu tranh, yêu cầu Trung quốc chấm dứt ngay hành động ăc cướp, dùng vũ lực uy hiếp ngư dân nước khác trên biển.
Xưa nay không ai còn lạ gì trò diễn nói một đằng làm một nẻo của Trung Nam Hải. Hành động của phía Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ cam kết bảo đảm Biển Đông vẫn mở cho tất cả các kiểu lưu thông hàng hải. CònBắc Kinh tuyên bố: “Trung Quốc không đặt ra mối đe dọa” về việc đóng các tuyến đường biển đang tranh chấp.
Ông Pompeo đã từng trấn an Philippines trong chuyến thăm Manila gần đây rằng, Mỹ sẽ bảovệ các lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines trong trường hợp đảo quốc này bị tấn công vũ trang ở khu vực Biển Đông. Đây là lần đầu một quan chức Mỹ công khai tuyên bố ý định của Washington trong việc bảo vệ đồng minh tại Biển Đông.
Khác với những lần trước, Trung Quốc chỉ cho tàu tiếp cận với đảo Thị Tứ. Lần nàyhọ chính thức dùng “quân dân” (lực lượng dân sự được trang bị vũ trang) kiểm soát các bãi cát chung quanh và ngang nhiên cấm ngư dân tiếp cận đảo này.
Cái lý cùn của Bắc Kinh là: Trung quốc có chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, một khu vực có lợi nhuận hàng hải đến khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm. Cho đến nay Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép nhiều thực thể tại Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Họ đã có hàng loạt hành động quân sự hóa, như tiến hành xây dựng sân bay và các hệ thống hạ tầng, quân sự hóa các “đảo nhân tạo”.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chặn đứng hành động vừa ăn cướp vừa la làng của bành trướng Bắc Kinh.