Saturday, September 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhật Bản thành lập một cơ quan chuyên trách để “kiềm chế...

Nhật Bản thành lập một cơ quan chuyên trách để “kiềm chế TQ” trên biển

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản đã có nhiều bước điều chỉnh chính sách nhằm ngăn chặn, giám sát các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Tàu Cảnh sát biển của Nhật Bản

Theo tờ Asahi Shimbuncủa Nhật Bản (10/2), sắp tới Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản sẽ thành lập một bộ phận gồm 24 người thuộcVụ tổng hợp để liên lạc trực tiếp với các nước khác ở Đông Nam Á nhằm tăng cường đối thoại an ninh hàng hải và kiềm chế Trung Quốc trên biển.

Việc Nhật Bản quyết ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên biển xuất phát từ việc Trung Quốc sở hữu lượng chiến đấu cơ vượt trội, đẩy không quân Nhật Bản vào tình thế phải huy động nguồn lực tối đa để đối phó. Chính phủ Nhật Bản mới thông qua kế hoạch quốc phòng mới, đề xuất mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35, gồm 65 chiếc F-35A và 40 máy bay F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay hoán cải từ khu trục hạm trực thăng lớp Izumo. Động thái này có thể giúp Nhật Bản trở thành nước sở hữu số tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới với tổng cộng 147 chiếc. Theo các chuyên gia phân tích, việc mạnh tay mua sắm số tiêm kích tàng hình F-35 lớn như vậy của Nhật Bản phản ánh mối lo ngại của nước này trước nguy cơ bị áp đảo bởi số lượng đông đảo chiến đấu cơ Trung Quốc, khi khoảng cách về công nghệ quân sự giữa hai nước dần bị thu hẹp. Nhật Bản từ lâu đã muốn sở hữu tiêm kích thế hệ 5 để bảo vệ chủ quyền, trong bối cảnh tranh chấp liên quan đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc trở nên căng thẳng. Việc biên chế F-35 có thể giúp Tokyo một lần nữa bứt lên về công nghệ để đối phó với chiến thuật “biển tiêm kích” lấy số lượng bù chất lượng trong không chiến của Bắc Kinh.

Theo viện nghiên cứu RAND, Trung Quốc đang tìm cách vượt mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc hàng đầu trong khu vực. Một phần trong nỗ lực đó là việc tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như thể hiện khả năng kiểm soát khu vực mà không gây xung đột quân sự với Nhật Bản. Quân đội Nhật Bản dường như đang phải chật vật để theo kịp với hoạt động quân sự của Trung Quốc tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư và Biển Hoa Đông. Ngoài ra, hải quân, không quân Trung Quốc liên tục điều tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay các loại áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc phi công Nhật phải xuất kích để giám sát và ngăn chặn với tần suất ngày càng tăng. Sức ép càng tăng lên sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên lý thuyết, trong trường hợp nổ ra xung đột, Bắc Kinh luôn nắm giữ lợi thế trong không chiến khi biên chế hơn 1.700 tiêm kích các loại, so với 288 chiếc của Tokyo. Số lượng lớn chiến đấu cơ cho phép Trung Quốc duy trì hoạt động liên tục, trong khi Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) phải tiêu tốn nguồn lực vốn rất giới hạn để đối phó. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, JASDF phải triển khai 1.168 chuyến xuất kích để chặn, giám sát máy bay áp sát không phận, 73% trong số đó là phi cơ Trung Quốc hoạt động quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư và Biển Hoa Đông.

Không những vậy, những năm gần đây Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đã tăng cường năng lực giám sát tàu Trung Quốc, bắt đầu sử dụng hệ thống cảnh báo tàu thuyền đầu tiên có thể tự động hiển thị vị trí trên một bản đồ trực tuyến. Các cảnh báo được đưa ra để cung cấp thông tin cho các tàu thuyền về những vật trôi nổi, các cuộc tập trận bắn đạn thật và các mối nguy hiểm khác. Thông thường, thủy thủ đoàn thường viết kinh độ và vĩ độ trên hải đồ. Tuy nhiên, Cục Hải dương học và thủy văn học của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phát triển một hệ thống tự động chuyển những chữ cái và con số thành các địa điểm có thể nhìn thấy trên một bản đồ trực tuyến. Những khu vực trong phạm vi cảnh báo nói trên sẽ được đánh dấu bằng màu da cam. Người dùng có thể bấm vào đó để xem chi tiết. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã mất 2 năm để phát triển hệ thống này.

Không chỉ tăng cường năng lực giám sát biển, để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hồi tháng 3/2014 Nhật Bản đã quyết định thành lập một đơn vị đặc nhiệm đổ bộ gồm 3.000 quân, theo mô hình thủy quân lục chiến Mỹ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đơn vị đặc nhiệm này chuyên thực hiện các chiến dịch đổ bộ, nhằm phản ứng nhanh nhất có thể trước những bất trắc ở biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thành lập một lực lượng mới kể từ khi căng thẳng với Trung Quốc leo thang ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kế hoạch tăng cường năng lực đổ bộ chiếm đảo được vạch ra trong chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản được công bố tháng 12/2013. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, lực lượng mới sẽ bao gồm các đơn vị đặc nhiệm sử dụng vũ khí, khí tài hoàn toàn mới đối với quân đội Nhật Bản, như xe lội nước AAV7, trực thăng cánh xoay V22 Osprey… Lực lượng này sẽ đóng tại phía nam đảo Kyushu hoặc đảo Nansei, bao gồm cả tỉnh Okinawa. Ông Onodera nói Tokyo đã đàm phán với chính quyền các địa phương về kế hoạch trên.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng bắt đầu đầu phái những chiếc tàu tuần tra mới đầu tiên đến vùng biển Hoa Đông. Đặc điểm của loại tàu mới này là đã được thiết kế với vỏ tàu được gia cố đáng kể để có thể chịu được tác động từ những vụ đâm va với tàu đánh cá Trung Quốc. Trên tàu còn có thêm thiết bị giám sát, theo dõi với công nghệ được cải thiện.

Trái ngược với Nhật Bản, giới chuyên gia Trung Quốc tìm cách biện minh cho hành động của Chính phủ và tìm cách đổ lỗi cho Nhật Bản. Theo số chuyên gia Bắc Kinh, Nhật Bản luôn coi Trung Quốc là mục tiêu để xây dựng chính sách biển, thậm chí thiết lập các cơ quan về biển để “theo dõi” Trung Quốc là do: (i) Trong 40 năm cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được bước phát triển đáng kể và sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, do thể chế kinh tế chính trị của hai nước này tồn tại sự khác biệt rất lớn, Nhật Bản coi Trung Quốc vừa là đối thủ thực sự lớn nhất vừa là kẻ thù tiềm năng (tất nhiên, điều này không có nghĩa là từ chối hoàn toàn Trung Quốc), đồng thời lại coi Trung Quốc là đối tác hợp tác quan trọng. Bởi vì nếu là một đối thủ thì Trung Quốc rất có thực lực, song với tư cách là đối tác, không một quốc gia nào muốn từ chối hợp tác với một nền kinh tế lớn, một thị trường lớn như Trung Quốc. Do đó, thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc khá phức tạp vừa lo lắng, bất lực vừa sợ hãi và cũng phải hợp tác, trao đổi. (ii) Nhật Bản tin rằng chính sách đại dương của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Trong số đó, không chỉ là vấn đề quần đảo Điếu Ngư, mà cả việc phân định vùng đặc quyền kinh tế Biển Đông, Trung Quốc và Nhật Bản cũng có tính chất trò chơi tổng bằng không, và rất khó để đạt được một tình huống đôi bên cùng có lợi. Do đó, Nhật Bản vô cùng “lo sợ” Trung Quốc ngày càng hùng mạnh về kinh tế và sức mạnh hải quân, cùng với các chính sách xâm lược của đại dương. Từ những điểm trên cho thấy, chính sách đại dương của Nhật Bản đã trở thành một ràng buộc không thể tránh khỏi đối với Trung Quốc như là một cơ sở và mục tiêu quan trọng của chính sách đại dương. Trên thực tế, ngay cả khi một cơ quan chuyên môn như vậy chưa được thành lập, Nhật Bản đã thực hiện chính sách hàng hải quy mô lớn và rộng khắp nhằm hạn chế Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy của Nhật Bản cũng sẽ có tác động tiêu cực đến việc cải thiện quan hệ Trung-Nhật.

RELATED ARTICLES

Tin mới