Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVũ khí phi sát thương làm tê liệt hoạt động của “kẻ...

Vũ khí phi sát thương làm tê liệt hoạt động của “kẻ thù” dựa trên công nghệ radar vi sóng

Thời báo Hoàn Cầu (21/2) cho biết, Trung Quốc đang phát triển một hệ thống vũ khí phi sát thương làm tê liệt hoạt động của kẻ thù dựa trên công nghệ radar vi sóng. Vũ khí trên sẽ được Trung Quốc triển khai ở vùng biên giới trên bộ và trên biển để “tăng cường khả năng chống khủng bố, phòng thủ biên giới”.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, loại vũ khí trên thuộc dự án “Hệ thống ngăn chặn hành động vi sóng (Microwave Active Denial System)”, do Viện Đo lường vô tuyến Bắc Kinh liên kết với tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) thực hiện. Vũ khí mới này của Trung Quốc có nguyên lý hoạt động là phóng bức xạ vi sóng milimet vào các mục tiêu (sinh lực), tác động lên dây thần kinh dưới da, gây cảm giác đau nhức dữ dội, ngăn chặn hiệu quả các hành động bạo lực và làm tan rã đội hình (đám đông biểu tình hoặc đội hình chiến đấu của kẻ thù). Hệ thống vũ khí phi sát thương này có hai chế độ làm việc, một chế độ là phóng xung bức xạ vi sóng vào điểm xác định, nhằm tấn công các bộ phận cơ thể cụ thể của đối tượng, vô hiệu hóa mục tiêu và chế độ quét khu vực rộng lớn hơn tấn công nhóm mục tiêu như đánh đuổi các đám đông bạo loạn, khủng bố, biểu tình hoặc lực lượng tấn công, phòng ngự trên địa bàn rộng. 

Theo đó, hệ thống vũ khí vi sóng không gây chết người nhưng hiệu quả cao, được sử dụng cho các tình huống như các hoạt động chống khủng bố, bảo vệ mục tiêu quan trọng trong các sự kiện lớn, bảo vệ các đoàn tàu vận tải chống cướp biển và phòng thủ biên giới trên bộ. Khách hàng tiềm năng của sản phẩm có thể là cảnh sát, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển. Tính đến thời điểm hiện tại, loại vũ khí này đã được thử nghiệm hiệu quả và tính bảo mật cao. Người bị tấn công không có thương tích vĩnh viễn hoặc vũ khí gây ra những vấn đề vật lý lâu dài trong khi thiết kế vũ khí đạt được mục đích vô hiệu hóa các hành động bạo lực và xua tan các nhóm bạo loạn, lật đổ. Theo người phụ trách dự án, so với các sản phẩm tương đương trên thế giới, Hệ thống ngăn chặn hành động vi sóng của CASIC có kích thước nhỏ hơn và nhẹ hơn, phù hợp với các điều kiện cơ động. Vũ khí có thể để cố định, nhưng cũng có thể gắn trên xe buýt nhỏ, có ăng ten radar.

Nếu Hệ thống ngăn chặn hành động vi sóng được đưa vào ứng dụng ở lực lượng chấp pháp của Trung Quốc Biển Đông, thì đây sẽ là bước đi vô cùng nguy hiểm đối với ngư dân các nước, nhất là đối với các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Đầu tiên, loại hình vũ khí mới này của Trung Quốc có thiết kế nhỏ gọn, tác động lên dây thần kinh dưới da, gây cảm giác đau nhức dữ dội, khiến Trung Quốc dễ dàng tấn công ngư dân cũng như lực lượng chấp pháp của các nước đang hoạt động ở Biển Đông, khiến họ không kịp trở tay và có biện pháp phòng chống, đáp trả.

Thứ hai, vũ khí này có khả năng tấn công nhóm mục tiêu, như vậy nó hoàn toàn có thể tấn công toàn bộ ngư dân hoặc lực lượng chấp pháp đang ở trên thuyền, mà không cần phải tấn công đơn lẻ hoặc áp sát tàu nước khác.

Thứ ba, nếu Trung Quốc đem loại vũ khí này ra “trấn áp” hoặc “đe dọa” tàu cá các nước đang hoạt động ở Biển Đông sẽ tạo ra nỗi lo sợ, khủng hoảng tinh thần đối với ngư dân các nước, khiến họ không dám đánh bắt cá ở Biển Đông, qua đó sẽ giúp cho Bắc Kinh đạt được âm mưu thôn tính vùng biển này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sử dụng loại vũ khí này để hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của nước khác. Với việc ngư dân Trung Quốc luôn không từ thủ đoạn, tìm mọi cách khai thác trộm hải sản trong vùng biển của nước khác, sẽ khiến họ thường xuyên bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xua đuổi, vì vậy Trung Quốc có thể trang bị loại vũ khí này để lực lượng chức năng Bắc Kinh hỗ trợ ngư dân của mình tháo chạy khỏi bị truy đuổi.

Không những vậy, nếu Trung Quốc bất chấp tất cả để triển khai loại vũ khí mời này ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam, bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép) sẽ là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động (triển khai vũ khí, quân sự hóa Biển Đông) của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực”. Đồng thời, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh “Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.

Từ đó cho thấy, loại vũ khí trên cũng là một trong những thành tựu nổi bật, được Trung Quốc nghiên cứu, chế tạo và sẽ đưa vào ứng dụng trong thời gian tới nhằm “bảo vệ” cái gọi là lợi ích quốc gia cũng như “chủ quyền” ở Biển Đông. Các nước liên quan, cũng như các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Australia, Canada… cần có các biện pháp phối hợp, theo dõi và ngăn chặn Trung Quốc triển khai loại vũ khí này ở Biển Đông, tránh để Trung Quốc tạo sự đã rồi và đạt được mục đích thâu tóm toàn bộ vùng biển này.

RELATED ARTICLES

Tin mới