Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVì sao Ngoại trưởng Mỹ phải lên tiếng bảo vệ Philippines tại...

Vì sao Ngoại trưởng Mỹ phải lên tiếng bảo vệ Philippines tại Biển Đông?

Đầu tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Duterte tại thủ đô Manila đã mạnh mẽ tuyên bố: “Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tiến công vũ trang nào nhằm vào máy bay hay tàu công vụ của Philippines trên Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo Điều 4 Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”. Phát biểu trên của ông Pompeo đã được hãng thông tấn AFP của Pháp cho rằng “đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai tuyên bố ý định bảo vệ Philippines tại Biển Đông”. Dư luận quan tâm đến Biển Đông, Philippines và khu vực Đông Nam Á không khỏi băn khoăn vì sao Ngoại trưởng Mỹ phải lên tiếng công khai như thế. Để hiểu rõ lý do sự việc này, cần soi lại lịch sử quan hệ Mỹ – Philippines một chút.

Như đã biết, vào thế kỷ 16, 17, các nước phát triển phương Tây thời kỳ đó bao gồm Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… đã đua nhau đưa chiến thuyền và lực lượng quân sự đi chinh phục, xâm chiếm các vùng đất vô chủ và có chủ trên khắp thế giới, tiến hành cái gọi là “công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất” để vơ vét tài nguyên, của cải mang về phục vụ cho chính quốc. Khá nhiều quốc gia có chủ quyền ở Châu Á – Thái Bình Dương lúc bấy giờ đã bị rơi vào vòng xoáy của sự chinh phục, chiếm đóng và trở thành thuộc địa của những nước trên. Philippines nằm giữa Biển Đông cũng chung số phận, trở thành thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha. Người dân Philippines, cũng giống như người dân của bao quốc gia bị xâm chiếm khác đã kiên trì, anh dũng và bền bỉ chống lại ách ngoại xâm thống trị, giành lại độc lập cho đất nước mình nhưng không thành công. Mãi sang thế kỷ 19, năm 1889, nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha mà kết cục là Tây Ban Nha thua trận, quyền cai quản Philippines mới được nhượng lại cho Mỹ. Dưới sự cai trị của cái gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”, người dân Philippines lại tiếp tục đấu tranh đòi độc lập để đến năm 1898, Nhà nước cộng hòa Philippines ra đời, dù chỉ là trên danh nghĩa. Năm 1941, Philippines bị phát xít Nhật chiếm đóng. Phải đến năm 1946, sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Mỹ mới chịu từ bỏ quyền cai quản Philippines, công nhận Philippines là quốc gia độc lập hoàn toàn nhưng nước này vẫn một phần nào đó lệ thuộc vào Mỹ. Những năm 50, 60, 70 của thế kỷ 20, sự đối đầu giữa thế giới tư bản với thế giới cộng sản lan rộng ra cả toàn cầu, để bảo vệ nền độc lập, tránh khỏi uy hiếp của “làn sóng đỏ”, Philippines đã ký Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ với Mỹ vào năm 1951. Tại Điều 4 của nội dung Hiệp ước này có quy định: Hai nước cam kết hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tiến công vũ trang từ bên thứ ba nào khác. Từ đó đến nay, Hiệp ước trên vẫn còn nguyên hiệu lực.

Cứ như tinh thần Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ nói trên thì việc Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố bảo vệ Philippines không có gì là lạ. Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ của Mỹ hiện nay so với trước đây, khi những vấn đề tương tự xảy ra đối với Philippines những năm gần đây.

Còn nhớ, năm 1992, Mỹ bắt đầu triệt thoái lực lượng quân sự của họ ra khỏi các căn cứ trên lãnh thổ Philippines, trong đó có căn cứ hải quân trên vịnh Subic. Khi đó, Trung Quốc đã thừa cơ triển khai các tàu hải giám, hải cảnh xuống tuần tra tại các vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, nhưng Mỹ không có động thái nào phản ứng với Trung Quốc nhằm “bảo vệ Philippines”. Đến năm 2012, Trung Quốc lại đưa tàu ra xua đuổi ngư dân Philippines đang đánh cá tại bãi cạn Scarborough lâu nay thuộc chủ quyền của Philippines. Không những đuổi tàu cá, Trung Quốc còn cho cả tàu chiến đuổi tàu công vụ Philippines ra khỏi vùng biển này. Philippines đã buộc phải cầu cứu đến sự trợ giúp của Mỹ theo tinh thần Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ để bảo vệ chủ quyền ở Scarborough. Song lúc đó, Mỹ đã không có hành động gì. Thậm chí, phía Mỹ còn giải thích rằng trong bản đồ lãnh thổ Philippines mà Tây Ban Nha khi nhượng quyền quản lý cho Mỹ đã không nói rõ Scarborough thuộc vùng biển chủ quyền của Philippines, nên Mỹ không biết nó có nằm trong phạm vi Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ phải thực hiện hay không. Cực chẳng đã, chính quyền Tổng thống Aquino lúc đó buộc phải kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế và kết quả năm 2016, Philippines thắng kiện. Mặc dù thắng kiện, nhưng chính quyền Philippines dưới thời Tổng thống Duterte hiện nay đã không còn tin vào Mỹ nữa. Thay vì tiếp tục đấu tranh đòi Trung Quốc thực hiện theo phán quyết của Tòa, ông Duterte quay sang ve vãn Trung Quốc bằng những lời hoa mỹ và hứa hẹn cho Trung Quốc đầu tư nhiều tỷ đô-la vào đất nước mình; hơn nữa, sẽ hợp tác với Trung Quốc thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền Philippines nhưng chồng lên “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Như vậy, rõ ràng thái độ và cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Obama trước đây đối với Philippines đã đẩy nước này rời xa Mỹ. Nguy hại hơn, thái độ và cách ứng xử đó còn làm cho các nước khác tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vốn là đồng minh, bạn bè của Mỹ “trông người mà ngẫm đến ta” nên họ trong khi vẫn “chơi” với Mỹ, nhưng cũng đồng thời tìm cách “thủ thế” có lợi cho mình. Người ta không thể đánh cược cả quyền lợi quốc gia, dân tộc vào một “giỏ trứng” hão huyền đã ký với Mỹ. Thẳng thắn mà nói, trong các mối quan hệ này, Mỹ đã đánh mất điểm trước các đối tác. Thế cho nên, Ngoại trưởng của Tổng thống Donald Trump đã phải tìm cách gỡ điểm cho nước Mỹ, mạnh mẽ tuyên bố bảo vệ Philippines một khi nước này bị ai đó xâm phạm. Một cách khác, tuyên bố trên đánh dấu cho sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong thái độ của Mỹ so với trước đây. Vì thế, Trung Quốc mới “nhảy cẫng” lên để phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Đương nhiên, nếu chỉ “nói suông” thì Mỹ sẽ tiếp tục mất điểm.

Ở chiều ngược lại, phải thừa nhận rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi khá nhiều khi Mỹ có thái độ và cách ứng xử với Philippines như trước đây. Chính vì “đo” được giới hạn của Mỹ mà Trung Quốc dám cả gan đưa hàng chục tàu hút cát ra Biển Đông, tranh thủ ngày đêm hút cát lấn biển, bồi đắp những đá, bãi cạn họ chiếm đóng trái phép, mở rộng thêm hàng chục cây số vuông. Rồi đưa thêm máy bay, tàu chiến, cả ra-đa, tên lửa ra những đảo nhân tạo đó để quân sự hóa. Đặt cả một vùng biển rộng lớn nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng quân sự Trung Quốc. Thế là giờ đây, Mỹ muốn đưa tàu chiến và tàu hàng vào Biển Đông như trước đây ư. Không dễ nữa. Mỹ muốn ký kết thỏa thuận hợp tác thăm dò dầu khí với nước nào đó ở Biển Đông ư? Khó đấy. Liệu các công ty dầu khí Mỹ có kiếm được hợp đồng béo bở nào nữa ở Biển Đông một khi Trung Quốc bảo rằng không được vì đó là vùng thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mặc dù nó cách xa đất liền Trung Quốc cả ngàn cây số. Tương lai không xa, khi Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo Châu Á, như họ từng mong muốn, chắc chắn Mỹ sẽ phải xin phép Trung Quốc nếu muốn làm gì đó ở vùng biển Tây Thái Bình Dương này. Bằng không, Mỹ sẽ “lãnh đủ” với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump chắc đã nhận thức rõ điều này nên phải hành động gấp, dù “muộn còn hơn không”. Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ – Phi trở nên có giá trị cứu cánh hơn bao giờ hết đối với Mỹ. Ông Pompeo xác nhận: “Các hoạt động quân sự hóa và xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế… của Mỹ” không phải là không có lý và đó chính là nhằm đi trước một bước để cảnh báo Trung Quốc. Xét cho cùng, đó là thái độ và hành động để khẳng định, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của chính Mỹ chứ không phải ai khác.

Cũng phải thừa nhận rằng, Biển Đông ngày nay, không phải chỉ riêng thuộc chủ quyền, lợi ích của Trung Quốc hay của Mỹ. Biển Đông, về mặt chủ quyền, còn có các nước liền kề xung quanh nó được hưởng theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; về mặt lợi ích, còn có tất cả các nước trên thế giới này được hưởng khi nó là một phần của Thái Bình Dương. Bởi nguồn lợi nó mang lại không chỉ là giao thông hàng hải, hàng không, tài nguyên khoáng sản, thủy hải sản… mà còn là dòng hải lưu giữa nó với các vùng biển khác, là luồng không khí và khí hậu nó tạo ra trong vòng tuần hoàn tự nhiên của cả địa cầu. Thử nghĩ, không may Biển Đông bị hạt nhân hóa hoàn toàn, nước biển bị nhiễm phóng xạ hạt nhân. Đó thực sự là thảm họa cho toàn nhân loại chứ đâu chỉ ảnh hưởng riêng đến Mỹ, Trung Quốc. Vì thế, bảo vệ Biển Đông, giải quyết những rắc rối ở Biển Đông ngày nay là trách nhiệm chung của cả cộng đồng khu vực và quốc tế chứ không phải riêng của một nước nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới