Hôm 15/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Chính quyền đảo Hải Namđã nhận được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc để thiết lập các địa điểm giải trí thâu đêm tại các khu vực du lịch quan trọng và cho rằng động thái này sẽ giúp phát triển tỉnh đảo thành một trung tâm du lịch, tiêu dùng quốc tế và mở ra Biển Đông.
Vị trí đảo Hải Nam trong bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của TQ ở Biển Đông. Nguồn: AFP
Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Hải Nam thành một điểm đến du lịch toàn cầu lớn vào năm 2035, theo kế hoạch do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ban hành vào tháng 12/2018.Các quán bar và địa điểm vui chơi thâu đêm sẽ được phép hoạt động tại các khu vực trung tâm ở Hải Nam.Tuy nhiên, biện pháp này mâu thuẫn với các quy định hiện hành của Trung Quốc về quản lý các địa điểm giải trí, quy định rằng họ “sẽ không mở cửa cho doanh nghiệp từ 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng mỗi ngày”.Để cải thiện du lịch và tiếp tục mở cửa ngành, cơ quan văn hóa và du lịch tỉnh đã nộp đơn cho Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho phép các địa điểm giải trí vẫn mở suốt đêm ở một số khu vực, gần đây đã được Bộ phê duyệt.Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Hải Nam xây dựng các trung tâm thương mại tập trung vào người tiêu dùng quốc tế và giúp tỉnh cung cấp nhiều lựa chọn ẩm thực, lưu trú, du lịch, mua sắm và giải trí và tạo ra một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới.
Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Tại thành phố Tam Á, phía Nam hòn đảo rộng 34.000 km2, Trung Quốc đã lập một căn cứ quân sự hùng hậu nhằm cân bằng với sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến đội tầu ngầm thuộc Hạm Đội Nam Hải. Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.
Trong những năm qua, cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành du lịch biển, đảo nhằm thúc đẩy hoạt động này vươn ra Biển Đông, thậm chí là tới các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp. Trong những toan tính và hành động đó, Hải Nam được xác định là cửa ngõ và chủ công đưa “du lịch” ra Biển Đông của Trung Quốc. Ngày 06/2/2017, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây. Trước đó vào tháng 6/2016, Công ty phát triển vận tải quốc tế Tam Á đã công bố kế hoạch mua từ 5 đến 8 tàu du lịch chở khách mới trong vòng 5 năm tới, đồng thời xây dựng thêm 4 bến tàu ở Tam Á, trên đảo Hải Nam. Hiện nay các tàu xuất phát từ cảng biển trên hòn đảo nhân tạo Phoenix gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm.
Chuyến tàu du lịch đầu tiên do hãng đóng tàu Hainan Strait của Trung Quốc sản xuất khởi hành trái phép tới quần đảo Hoàng Sa là vào năm 2013. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành nhiều hoạt động du lịch ra quần đảo Trường Sa. Ngày 02/3/2017, Trung Quốc đưa tàu “Công chúa Trường Lạc” chở 308 khách khởi hành từ Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa trong hành trình kéo dài 4 ngày 3 đêm. Con tàu này do Công ty cổ phần vận tải eo biển Hải Nam quản lý, được đầu tư với số tiền 230 triệu nhân dân tệ (33,4 triệu USD). Đây là tàu du lịch hạng sang do Công ty đóng tàu Quảng Châu chế tạo, với trọng tải 12.336 tấn, có khả năng chở 499 người, gần 2.200 tấn hàng hóa, với vận tốc 16,5 hải lý. Con tàu sẽ đảm nhận khai thác tuyến du lịch sinh thái biển phi pháp tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các công ty du lịch Trung Quốc cho biết sau các tuyến du lịch đến Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ phát triển các tuyến khác ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, rồi dần dần mở rộng thành các tuyến du lịch quốc tế, nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia đầu tiên của Trung Quốc về tàu du lịch biển.
Hiện nay các công ty du lịch của Trung Quốc đang triển khai mở bán vé cho hành trình du lịch trên tàu biển đến “quần đảo Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) và lượng khách du lịch đến khu vực này đang không ngừng tăng lên. Năm 2016, có khoảng 12.000 khách Trung Quốc đã đến thăm quần đảo này, nhiều hơn 50% so với năm 2015. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Văn kiện được công bố tại kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân của Trung Quốc cho biết rằng, Chính quyền tỉnh Hải Nam đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện các tour du lịch bằng máy bay. Phó Giám đốc Đặc trách chiến lược và phát triển kinh doanh của hãng hàng không Textron ở Thượng Hải Michael Shih cho biết lợi thế của thủy phi cơ là có thể bay tới các đảo nhỏ không có sân bay. Chính quyền tỉnh Hải Nam đang hoạt động rất tích cực để nhận được sự chấp thuận của các Bộ có liên quan, bao gồm cả Bộ Quốc phòng. Các số liệu tính toán cũng cho thấy rằng, những chuyến du lịch bằng máy bay có thể mang lại lợi nhuận cao cho các nhà khai thác tour du lịch.